Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/KH-UBND

Thái Bình, ngày 20 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH NĂM 2020

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về Quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2020, với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tập trung sự lãnh đạo, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành; tăng cường sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, nâng cao nhận thức, ý thức người dân tham gia bảo vệ môi trường.

- Triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái, sức khỏe người dân, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững;

- Công tác quản lý, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của chính quyền các cấp và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt góp phần bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp.

2. Yêu cầu:

- Xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để các sở ngành, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện, theo dõi kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện; huy động sự tham gia tích cực, chủ động của các sở ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và người dân trong công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt;

- Các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện Kế hoạch này, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý:

- Đối với khu vực Thành phố Thái Bình: Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình giao công nhân vệ sinh tại các phường, xã thu gom từ các hộ gia đình, công sở, trường học, chợ, vỉa hè, lòng đường, các khu công cộng,... tập kết tại 31 điểm trung chuyển rác, sau đó vận chuyển bằng xe ép rác chuyên dụng đưa về Nhà máy xử lý rác thành phố Thái Bình phân loại sơ bộ và xử lý theo công nghệ đốt kết hợp chôn lấp;

- Đối với 16 xã, thị trấn thuộc huyện Quỳnh Phụ do Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt thu gom, vận chuyển, xử lý: Chất thải rắn sinh hoạt được tập kết về Nhà máy bằng 02 xe cơ giới chuyên dụng và 06 xe đẩy tay chuyên dụng. Chất thải rắn sinh hoạt sau khi thu gom được phân loại sơ bộ để xử lý, rác hữu cơ được xử lý làm phân vi sinh; nilon, nhựa được tái chế thành hạt nhựa bán ra thị trường; rác vô cơ không tái chế được Công ty thuê đơn vị có năng lực xử lý hoặc tái sử dụng làm gạch Block;

- Đối với các xã, thị trấn xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt kết hợp chôn lấp: các tổ vệ sinh môi trường tổ chức thu gom rác thải bằng các phương tiện như xe đẩy tay, xe lôi, xe gắn máy, xe tự chế vận chuyển về khu xử lý rác thải để chôn lấp hoặc đốt.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thường xuyên hướng dẫn về công tác thu gom xử lý rác thải sinh hoạt trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm tạo ra những thay đổi trong nhận thức và hành động của nhân dân; nâng cao ý thức tự giác thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần, đổ rác thải sinh hoạt đúng giờ, đúng nơi quy định, tạo điều kiện tối đa cho phương tiện, người thực hiện thu gom.

3. Xây dựng phương án giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải (thu gom từ trong cộng đồng dân cư vận chuyển về khu xử lý rác của xã hoặc các khu xử lý rác tập trung) để thu của các đối tượng hộ gia đình, cá nhân và các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tổ chức trên địa bàn tỉnh bảo đảm bù đắp chi phí, duy trì hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.

4. Tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đổ chất thải sinh hoạt không đúng nơi quy định và các vi phạm trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Đối với khu vực thành phố Thái Bình: Nguồn kinh phí thực hiện lấy từ ngân sách nhà nước được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 05/02/2020 về việc phê duyệt giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại Nhà máy xử lý rác Thái Bình, cụ thể: giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại Nhà máy xử lý rác Thái Bình là 393.413 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT); các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có);

- Đối với Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt: Nguồn kinh phí thực hiện lấy từ ngân sách nhà nước được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3515/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ Dự án xây dựng nhà máy xử lý triệt để rác thải sinh hoạt (không chôn lấp) của Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt, cụ thể: hỗ trợ chi phí xử lý rác thải sinh hoạt (trừ chi phí xử lý rác thải phát sinh từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp) cơ sở tính theo đơn giá được UBND tỉnh phê duyệt là 214.291 đồng/tấn (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) và khối lượng rác thải sinh hoạt thực tế được xử lý; các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có);

- Đối với các xã, thị trấn thực hiện xử lý theo công nghệ chôn lấp hoặc đốt kết hợp chôn lấp: Nguồn kinh phí thực hiện lấy từ nguồn thu phí vệ sinh theo Quyết định số 2070/QĐ-UBND ngày 12/9/2014 của UBND tỉnh và từ nguồn ngân sách hỗ trợ theo Quyết định số 15/2014/QĐ-UBND ngày 24/9/2014 của UBND tỉnh, cụ thể: hỗ trợ việc thu gom rác thải là 10.000 đồng/người/năm, hỗ trợ kinh phí xử lý rác thải đối với các xã có lò đốt rác là 15.000 đồng/người/năm; các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. UBND xã, phường, thị trấn:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần, thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định; tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường công cộng và khu dân cư;

- Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý; kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, nộp phí vệ sinh theo quy định; kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo UBND cấp xã triển khai có hiệu quả Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn;

- Rà soát, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đổ thải trái phép chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý;

- Tuyên truyền vận động người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn hình thành lối sống thân thiện với môi trường;

- Xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này;

- Chủ trì tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình, hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tổ chức lễ ra quân hưởng ứng các ngày lễ về môi trường gắn với thu gom rác thải sinh hoạt;

- Xây dựng mô hình điểm thực hiện phân loại rác thải tại nguồn cho một số xã trên địa bàn tỉnh;

- Tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền; kiểm tra việc thực hiện Công điện số 17/CĐ-UBND ngày 13/12/2016 của UBND tỉnh về xử lý rác thải sinh hoạt.

4. Sở Xây dựng:

Xây dựng phương án giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải (thu gom từ trong cộng đồng dân cư vận chuyển về khu xử lý rác của xã hoặc các khu xử lý rác tập trung) để thu của các đối tượng hộ gia đình, cá nhân và các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tổ chức trên địa bàn tỉnh bảo đảm bù đắp chi phí, duy trì hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.

5. Sở Tài chính:

- Căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, Sở Tài chính chủ trì thẩm định kinh phí triển khai Kế hoạch của các ngành, địa phương, cấp phát kinh phí cho các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ.

- Phối hợp với Sở Xây dựng xây dựng phương án giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải (thu gom từ trong cộng đồng dân cư vận chuyển về khu xử lý rác của xã hoặc các khu xử lý rác tập trung) để thu của các đối tượng hộ gia đình, cá nhân và các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tổ chức trên địa bàn tỉnh bảo đảm bù đắp chi phí, duy trì hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.

6. Các sở, ngành, đơn vị có liên quan thuộc UBND tỉnh và đề nghị các đoàn thể, tổ chức có liên quan thuộc tỉnh:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức hoặc phối hợp tổ chức thực hiện tốt các nội dung có liên quan trong Kế hoạch.

7. Công ty Cổ phần môi trường và Công trình đô thị Thái Bình, Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt:

Thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn được giao; tăng cường năng lực xử lý rác thải sinh hoạt đảm bảo thu gom, xử lý triệt để rác thải phát sinh, không để tồn đọng rác gây ô nhiễm môi trường.

Căn cứ Kế hoạch này, các sở, ngành, đơn vị, các tổ chức, đoàn thể có liên quan, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường thị trấn tổ chức triển khai thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 15/12/2020 (UBND các huyện tổng hợp kết quả thực hiện của UBND các xã để báo cáo UBND tỉnh qua Sở Tài nguyên và Môi trường). Trường hợp có khó khăn, vướng mắc cần điều chỉnh, bổ sung, các đơn vị, địa phương chủ động đề xuất, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Các sở, ngành, đơn vị, tổ chức, đoàn thể thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Lưu: VT, KTTNMT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Khắc Thận