Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 290/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 05 tháng 6 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH CẤP XÃ THEO ĐỀ ÁN 124 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2020

Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/09/2017 của Chính phủ về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức giai đoạn 2016-2025;

Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án 124);

Căn cứ Công văn số 4029/BTC-NSNN ngày 04/4/2019 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 2503/QĐ-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1989/QĐ-UBND ngày 11/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 10/2019/NQ-HĐND ngày 19/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc quy định mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Đắk Nông;

Căn cứ Kế hoạch số 289KH-UBND ngày 09/7/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ,

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã (sau đây gọi tắt là cán bộ, công chức cấp xã) theo Đề án 124 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2020 như sau:

I. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2020

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đủ tiêu chuẩn, chức danh cán bộ, công chức; đủ trình độ đủ bản lĩnh lãnh đạo, quản lý và thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ trên các lĩnh vực của cấp xã đạt:

- 85% trở lên cán bộ chuyên trách và 95% trở lên công chức cấp xã đạt trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên;

- 85% trở lên cán bộ chuyên trách đạt trình độ từ trung cấp lý luận chính trị trở lên và 60% trở lên công chức đạt trình độ từ sơ cấp lý luận chính trị trở lên;

- 85% trở lên cán bộ, công chức người Kinh công tác tại vùng dân tộc thiểu số sử dụng được một thứ tiếng dân tộc tại địa bàn công tác;

- 80% trở lên cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước và kiến thức quốc phòng, an ninh, tin học văn phòng.

II. KẾT QUẢ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ NĂM 2019

1. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng năm 2019

a) Về đào tạo:

- Tổ chức 01 lớp đào tạo Trung cấp Hành chính - Văn thư với 25 học viên (theo Kế hoạch năm 2018 chuyển tiếp);

- Tổ chức đào tạo Trung cấp lý luận chính trị với 170 học viên là cán bộ, công chức cấp xã do trường Chính trị tỉnh thực hiện trong năm 2019 bằng nguồn kinh phí địa phương.

b) Về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ:

- Mở 01 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho công chức Địa chính - Xây dựng cấp xã với 53 học viên;

- Mở 01 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã với 59 học viên;

- Mở 01 lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức cấp xã với 39 học viên;

- Mở 07 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho Bí thư và Trưởng thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Đắk Nông với 551 học viên;

- Giao UBND các huyện, thành phố mở các lớp bồi dưỡng chương trình quản lý nhà nước ngạch Chuyên viên với 446 học viên là cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

c) Về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng:

- Thực hiện Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở đến năm 2020 và những năm tiếp theo: Quân số đào tạo cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở năm 2019 tại trường Quân sự Quân khu 5 là 14 đồng chí (trong đó đã tốt nghiệp 5 đồng chí, đang đào tạo 09 đồng chí);

- Để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác và sức chiến đấu của lực lượng Dân quân tự vệ. Năm 2019, đã tổ chức mở 04 lớp bồi dưỡng cho cán bộ Ban chỉ huy Quân sự cấp xã với tổng số 313 đồng chí;

- Mở 01 lớp Bồi dưỡng chuyên sâu chức danh Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã theo Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, quân số 61/61 đồng chí;

- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 284 đồng chí cán bộ thuộc đối tượng 3 theo Nghị định số 13/2013/NĐ-CP;

- Theo dõi Hội đồng Giáo dục quốc phòng, an ninh cấp xã bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho 1.474 đồng chí cán bộ thuộc đối tượng 4 theo Nghị định số 13/2013/NĐ-CP.

d) Về bồi dưỡng kiến thức an ninh:

- Tổ chức mở 08 lớp bồi dưỡng kiến thức công tác an ninh, trật tự cho cán bộ cấp thôn năm 2019 với 654 học viên;

- Tổ chức mở 02 lớp bồi dưỡng, huấn luyện lực lượng Bảo vệ dân phố với 234 học viên.

2. Đánh giá chung

a) Những mặt đạt được:

Năm 2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát tình hình thực tế và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của địa phương để xây dựng lồng ghép các chương trình, đề án, dự án có liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã nhằm củng cố và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả theo kế hoạch đã đề ra. Do đó, chất lượng cán bộ, công chức cấp xã từng bước được nâng lên về cả 03 mặt: trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị; đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được củng cố, năng lực quản lý, điều hành được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hầu hết cán bộ, công chức cấp xã đã thể hiện phẩm chất, quan điểm chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, bước đầu các xã, phường, thị trấn đã chủ động tạo nguồn cán bộ tại chỗ, mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ, có triển vọng phát triển, đã qua đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án 124 đến hết năm 2019 đạt kết quả như sau:

- 97,95% trở lên công chức cấp xã (mục tiêu theo Đề án 124 là 95% trở lên) đạt trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên;

- 85% cán bộ chuyên trách đạt trình độ từ trung cấp lý luận chính trị trở lên và 70,1% công chức đạt trình độ từ sơ cấp lý luận chính trị trở lên (mục tiêu theo Đề án 124 là 60% trở lên);

- Trên 83% cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước và kiến thức quốc phòng, an ninh, tin học văn phòng (mục tiêu theo Đề án 124 là 80% trở lên).

b) Tồn tại, hạn chế:

- Nhận thức của một số cấp lãnh đạo chính quyền cấp huyện, cấp xã về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã còn nhiều hạn chế, chưa coi đây là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

- Tiêu chuẩn chuẩn đối với các chức danh cán bộ chuyên trách cấp xã như: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ và Bí thư Đoàn thanh niên theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường thị trấn rất thấp, không phù hợp với tình hình thực tế cũng như mục tiêu theo Đề án 124. Do đó, ảnh hưởng đến công tác đào tạo trình độ chuyên môn cho các đối tượng này (độ tuổi, sức khỏe, trình độ...).

- Hiện nay chưa có quy định cụ thể về vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên chưa có cơ sở xác định công chức người Kinh tại vùng công tác tại vùng dân tộc thiểu số để tổ chức bồi dưỡng đạt mục tiêu theo Đề án 124.

- Cán bộ, công chức ở cơ sở thường xuyên được điều chuyển vị trí công tác, vì vậy số lượng cán bộ mới được bầu cử bổ nhiệm hoặc công chức mới được tuyển dụng chưa kịp thời được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định.

- Một số cán bộ, công chức cấp xã do điều kiện tuổi tác cao, sức khỏe hạn chế hoặc điều kiện kinh tế gia đình, công việc...nên chưa mạnh dạn đăng ký đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

III. PHƯƠNG HƯỚNG, NỘI DUNG, HÌNH THỨC, ĐỐI TƯỢNG, KINH PHÍ THỰC HIỆN NĂM 2020

1. Phương hướng thực hiện

- Năm 2020 là năm cuối của Đề án 124, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã cần đáp ứng các mục tiêu của Đề án, đáp ứng kiện toàn, sắp xếp bố trí công tác nhân sự tại Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung quy định về cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; Nghị quyết số 47/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 về việc sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số nội dung của Nghị quyết số 32/2013/NQ-HĐND ngày 19/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp và một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Quyết định số 1646/QĐ-UBND ngày 08/10/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án điều động Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã;

- Nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu xử lý giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho cán bộ, công chức xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn;

- Giúp cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn chức danh theo quy định tại Đề án 124; Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng phù hợp với đặc điểm địa phương, tính chất công việc chuyên môn của cán bộ và từng chức danh công chức chuyên môn cấp xã, đảm bảo nguyên tắc “vừa làm, vừa học” không làm ảnh hưởng đến hoạt động phục vụ của chính quyền cơ sở với nhân dân.

2. Nội dung thực hiện

- Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức cấp xã có trình độ từ trung cấp trở lên (tương đương ngạch cán sự);

- Bồi dưỡng Sơ cấp lý luận chính trị cho công chức cấp xã;

- Bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức cấp xã người Kinh đang công tác tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống;

- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố.

(Có phụ lục chi tiết kèm theo)

3. Hình thức thực hiện

- Bồi dưỡng theo hình thức “vừa làm, vừa học”, hoặc tập trung theo đợt;

- Tùy vào tình hình thực tế để bố trí địa điểm bồi dưỡng cho phù hợp, tiết kiệm và hiệu quả;

- Phương pháp bồi dưỡng theo hướng phát huy tính tự giác chủ động tư duy sáng tạo của học viên, tăng cường trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm giữa giảng viên với học viên và giữa các học viên.

4. Đối tượng thực hiện

- Cán bộ cấp xã;

- Công chức cấp xã;

- Những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở.

5. Kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã theo Đề án 124 năm 2020 được Trung ương cấp theo Quyết định số 2503/QĐ-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020 và kinh phí địa phương.

6. Giải pháp thực hiện

- Nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và của mỗi cán bộ, công chức cấp xã về quyền và trách nhiệm trong việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn;

- Lồng ghép các nguồn kinh phí về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã khác để đảm bảo theo đúng mục tiêu, chỉ tiêu đề ra;

- Khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo có đủ năng lực tham gia tổ chức bồi dưỡng;

- Thực hiện việc kiểm tra, giám sát trong công tác bồi dưỡng đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương; đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã sau khi được đào tạo. Tăng cường sự phối hợp, quản lý chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo, cơ quan tổ chức thực hiện công tác bồi dưỡng và cơ quan, đơn vị chọn cử cán bộ, công chức cấp xã đi học;

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã năm 2020.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cấp xã năm 2020; tổ chức tổng kết Đề án 124 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (khi có hướng dẫn của Bộ Nội vụ);

- Chủ trì với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh có đủ năng lực, thẩm quyền lựa chọn nội dung bồi dưỡng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng không trùng lặp với các chương trình đào tạo bồi dưỡng khác; tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo Kế hoạch;

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch về Bộ Nội vụ và UBND tỉnh. Trường hợp có biến động về số lượng, chất lượng cán bộ, công chức ở cơ sở, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch nêu trên (nếu có);

- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí đảm bảo thực hiện Kế hoạch này.

2. Sở Tài chính

Tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị đảm bảo thực hiện Kế hoạch này.

3. UBND các huyện, thành phố

- Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp về vai trò, nhiệm vụ của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ, công chức trong việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng;

- Đối với những trường hợp không thể đào tạo, bồi dưỡng để đảm bảo tiêu chuẩn chức danh theo quy định thì giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, đăng ký danh sách cán bộ, công chức tham dự các lớp bồi dưỡng đúng đối tượng, chức danh theo thông báo triệu tập. Tạo điều kiện để cán bộ, công chức cấp xã tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng theo đúng quy định;

- Tổng hợp đánh giá kết quả bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp) trước ngày 10/11/2020 để báo cáo Bộ Nội vụ.

Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ (b/c);
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Các Sở: Nội vụ, Tài chính;
- UBND các huyện, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NC-KSTTHC (Lg).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Bốn

 

PHỤ LỤC

(Kèm theo Kế hoạch số 290/KH-UBND ngày 05/6/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông)

TT

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng

Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng

Số lớp

Số lượng học viên

Thời gian học

Hình thức

Kinh phí thực hiện

Đơn vị thực hiện

Ghi chú

I

Sở Nội vụ thực hiện

4.375.352.000

 

 

1

Các lớp bồi dưỡng

 

 

 

1.1

Bồi dưỡng kiến thức QLNN (tương đương ngạch cán sự)

Cán bộ, công chức cấp xã có trình độ từ trung cấp trở lên

03

200

6 tuần

Phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài tỉnh mở lớp

4.375.352.000

 

Tổ chức tại các huyện, thành phố

1.2

Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ QLNN

Bí thư và Trưởng thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố

08

500

5 ngày

Phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài tỉnh mở lớp

1.3

Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ QLNN

Trưởng Ban công tác mặt trận ở thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố

08

600

5 ngày

Phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài tỉnh mở lớp

2

Chi phí quản lý, kiểm tra, giám sát các lớp bồi dưỡng (được phép trích tối đa không quá 10% kinh phí được giao)

3

Tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án 124 (giao về Sở Nội vụ tham mưu UBND tổ chức tổng kết sau khi có hướng dẫn của Bộ Nội vụ)

II

UBND các huyện thực hiện

2.047.600.000

 

 

1

Bồi dưỡng Sơ cấp LLCT

Công chức cấp xã

01

47

6 tuần

Phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài tỉnh mở lớp

319.600.000

UBND huyện Tuy Đức

 

2

Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số

CB, CC cấp xã

01

50

8 tuần

Phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh mở lớp

360.000.000

UBND huyện Cư Jút

 

3

Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số

CB, CC cấp xã

01

40

8 tuần

Phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh mở lớp

288.000.000

UBND huyện Đắk Glong

 

4

Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số

CB, CC cấp xã

01

50

8 tuần

Phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh mở lớp

360.000.000

UBND huyện Krông Nô

 

5

Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số

CB, CC cấp xã

01

50

8 tuần

Phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh mở lớp

360.000.000

UBND huyện Đắk Mil

 

6

Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số

CB, CC cấp xã

01

50

8 tuần

Phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh mở lớp

360.000.000

UBND huyện Đắk R'lấp

 

Tổng cộng

6.422.952.000

Ngân sách Trung ương

4.500.000.000

Ngân sách địa phương

1.922.952.000