Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2939/KH-UBND

Điện Biên, ngày 08 tháng 10 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THU GOM, VẬN CHUYỂN, LƯU GIỮ, TRUNG CHUYỂN CHẤT THẢI NGUY HẠI ĐỐI VỚI CÁC CHỦ NGUỒN THẢI CHẤT THẢI NGUY HẠI CÓ SỐ LƯỢNG CHẤT THẢI NGUY HẠI PHÁT SINH THẤP HƠN 600 KG/NĂM CHỦ NGUỒN THẢI CHẤT THẢI NGUY HẠI Ở VÙNG SÂU, VÙNG XA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại;

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Thu gom, vận chuyển, lưu giữ, trung chuyển chất thải nguy hại (CTNH) đối với các chủ nguồn thải CTNH có số lượng CTNH phát sinh thấp hơn 600 kg/năm chủ nguồn thải CTNH ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

1.1. Tăng cường quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Điện Biên phù hợp với quy định pháp luật để tạo thuận lợi trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý, theo đặc thù của tỉnh, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn cho cộng đồng.

1.2. Tạo điều kiện thuận lợi đối với các Chủ nguồn thải phát sinh số lượng CTNH phát sinh thấp hơn 600kg/năm được chuyển giao cho đơn vị xử lý CTNH đủ điều kiện thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định.

1.3. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các Chủ nguồn thải trong việc thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý CTNH.

2. Yêu cầu

2.1. CTNH sau khi phát sinh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải được thu gom, phân loại, chuyển giao xử lý theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường; Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý CTNH và phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương trên địa bàn tỉnh.

2.2. Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Điện Biên.

2.3. Việc thu gom, chuyển giao xử lý CTNH được thực hiện chi tiết, đảm bảo tất cả các đơn vị phát sinh CTNH đều được thu gom, xử lý.

II. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH PHÁT SINH, QUẢN LÝ CTNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH (Tại các đơn vị chủ nguồn thải CTNH phát sinh dưới 600 kg/năm)

Trong những năm qua công tác quản lý chất thải nguy hại nói riêng cũng như công tác bảo vệ môi trường nói chung đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo các Sở, ban ngành triển khai thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý CTNH mới thực hiện được trên cơ sở các Chủ nguồn thải đã thực hiện cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH theo đúng quy định, còn lại số lượng lớn các đơn vị phát sinh CTNH ít (dưới 600kg), nằm rải rác tại địa bàn các huyện chưa thực hiện theo quy định.

Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh phát sinh trung bình khoảng hơn 35 tấn/năm CTNH từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh (có số lượng phát sinh dưới 600kg/năm), bao gồm các loại hình hoạt động như: sửa chữa xe máy, ô tô; xây dựng cơ sở hạ tầng; chế biến nông, lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng; kinh doanh xăng dầu, thủy điện,.... Các loại CTNH phát sinh chủ yếu là dầu mỡ thải; giẻ lau dính dầu, các thiết bị điện tử thải, bóng đèn huỳnh quang thải... Nếu như không được thu gom, xử lý hoặc xử lý không đúng quy định thì sẽ gây tác động rất xấu đến môi trường đất, nước, không khí, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người do CTNH chứa nhiều độc tính nguy hiểm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị đủ chức năng xử lý CTNH, lượng CTNH phát sinh đều được các chủ nguồn thải (Hầu hết chỉ thực hiện đối với đơn vị được cấp S đăng ký chủ nguồn thải CTNH) chuyển giao cho các đơn vị vận chuyển và xử lý tại một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương,... Toàn bộ các đơn vị Chủ nguồn thải phát sinh số lượng ít trên địa bàn tỉnh đều chưa thực hiện việc thu gom, lưu giữ, chuyển giao xử lý CTNH theo quy định, dẫn đến tình trạng mua bán CTNH diễn ra (dầu mỡ thải, thiết bị điện tử thải,...) hay tự xử lý CTNH không đúng theo quy định (đốt giẻ lau dính dầu mỡ thải, chôn lấp các CTNH khác, ...) hoặc thải bỏ CTNH ra ngoài môi trường xung quanh. Việc làm trên về lâu dài sẽ gây tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường sống và sức khỏe con người.

Vì vậy, để thực hiện Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại (sau đây viết tắt là Thông tư s 36/2015/TT-BTNMT), đồng thời để chấm dứt tình trạng trên, Kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, chuyển giao CTNH đối với các Chủ nguồn thải phát sinh số lượng dưới 600kg/năm, chủ nguồn thải CTNH ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Điện Biên cần phải được ban hành.

III. KẾ HOẠCH THU GOM, CHUYỂN GIAO XỬ LÝ CTNH

1. Thu gom CTNH

Các đơn vị phát sinh số lượng CTNH dưới 600kg/năm, chủ nguồn thải CTNH ở vùng sâu, vùng xa thực hiện bố trí bao bì, thùng chứa để thu gom, khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại theo một số quy định chính sau:

1.1. Đối với bao bì, thiết bị lưu chứa CTNH

a) Bao bì CTNH (vỏ cứng hoặc vỏ mềm) bảo đảm lưu giữ an toàn CTNH, không bị hư hỏng, rách vỡ vỏ, chống được ăn mòn, chống thấm, rò rỉ; có nắp đậy kín để bảo đảm ngăn chất thải rò rỉ hoặc bay hơi.

b) Thiết bị lưu chứa (có vỏ cứng với cỡ lớn hơn các bao bì thông thường như các bồn, bể...) đảm bảo lưu chứa an toàn CTNH, có gia cố hoặc thiết kế đặc biệt tại điểm tiếp nối và vị trí xếp, dỡ hoặc nạp, xả chất thải để tránh rò rỉ. Kết cấu cứng chịu được va chạm, không bị hư hỏng, biến dạng, rách vỡ bởi trọng lượng chất thải trong quá trình sử dụng.

c) Thiết bị lưu chứa CTNH ở thể lỏng hoặc có thành phần nguy hại dễ bay hơi phải có nắp đậy kín, biện pháp kiểm soát bay hơi, đặc biệt tại điểm nạp, xả, biện pháp kiểm soát nạp đầy tràn để bảo đảm mức chứa cao nhất cách giới hạn trên của thiết bị lưu chứa 10cm.

d) Có biển dấu hiệu cảnh báo theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6707:2009 về CTNH - Dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa (sau đây viết tắt là TCVN 6707:2009 ) với kích thước ít nhất 30cm mỗi chiều.

1.2. Đối với khu vực lưu giữ tạm thời CTNH

Khu vực lưu giữ CTNH (không bắt buộc phải xây dựng dưới dạng kho) phải đáp ứng các yêu cầu chung như sau:

a) Mặt sàn trong khu vực lưu giữ CTNH bảo đảm kín khít, không bị thẩm thấu và tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào.

b) Có mái che kín nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ CTNH, trừ các thiết bị lưu chứa CTNH với dung tích lớn 05 (năm) m3 thì được đặt ngoài trời; có biện pháp hoặc thiết kế để hạn chế gió trực tiếp vào bên trong.

c) Có biện pháp cách ly với các loại hoặc nhóm CTNH khác có khả năng phản ứng hóa học với nhau.

d) Khu lưu giữ CTNH phải được bảo đảm không chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi có sự cố rò rỉ, đổ tràn.

e) Khu vực lưu giữ CTNH dễ cháy, nổ bảo đảm khoảng cách không dưới 10 (mười) m với lò đốt, lò hơi và các thiết bị đốt khác;

2. Về vận chuyển chất thải nguy hại ở vùng sâu, vùng xa, khu vực chưa đủ điều kiện cho chủ xử lý CTNH trực tiếp thực hiện vận chuyển, lưu giữ, trung chuyển bằng các phương tiện, thiết bị chuyên dụng.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Điện Biên chưa có tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương chủ phương tiện vận chuyển phải sử dụng xe thùng kín hoặc xe bảo ôn chuyên dụng để vận chuyển chất thải. Ngoài ra có thể sử dụng các loại phương tiện vận chuyển khác (như xe tải, xe mô tô 02 bánh...) để vận chuyển chất nguy hại nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Xe mô tô, xe gắn máy được sử dụng làm phương tiện vận chuyển CTNH đáp ứng điều kiện: Phải có thùng chứa và gắn chặt trên giá để hàng (phía sau vị trí ngồi lái) của xe mô tô, xe gắn máy. Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp CTNH vượt quá bề rộng giá đèo CTNH theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo CTNH là 0,5 mét. Chiều cao xếp CTNH tính từ mặt đường xe chạy là 2 mét;

b) Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải hại trên phương tiện vận chuyển phải đáp ứng các yêu cầu:

Có thành, đáy, nắp kín, kết cấu cứng, chịu được va chạm, không bị rách vỡ bởi trọng lượng chất thải, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển;

Có biểu tượng về loại chất thải lưu chứa theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT với kích thước phù hợp, được in rõ ràng, dễ đọc, không bị mờ và phai màu trên thiết bị lưu chứa chất thải;

Được lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên phương tiện vận chuyển và bảo đảm không bị rơi, đổ trong quá trình vận chuyển chất thải.

c) Chất thải nguy hại trước khi vận chuyển phải được đóng gói trong các thùng, hộp hoặc túi kín, bảo đảm không bị bục, vỡ hoặc phát tán chất thải trên đường vận chuyển.

d) Trong quá trình vận chuyển chất thải nguy hại từ cơ sở phát sinh về khu vực tập kết tạm thời, nếu xảy ra tràn đổ, cháy, nổ hoặc các sự cố khác phải thực hiện ngay các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Về chuyển giao, xử lý CTNH

a) Định kỳ 01 lần/năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thống nhất với UBND cấp huyện giới thiệu đơn vị đủ chức năng đến thu gom CTNH phát sinh tại các chủ nguồn thải để vận chuyển, xử lý; bố trí lịch trình chuyển giao CTNH cụ thể bao gồm: thời gian, tuyến đường đi, các địa điểm thu gom CTNH.

b) Đơn vị xử lý CTNH phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xử lý CTNH, tiếp nhận, vận chuyển, xử lý số lượng, loại CTNH bằng các phương tiện, hệ thống, thiết bị được phép theo đúng nội dung hợp đồng, chứng từ CTNH và Giấy phép xử lý CTNH.

4. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thu gom, bố trí thiết bị, khu vực lưu giữ tạm thời, chuyển giao xử lý CTNH (chuyển giao cho đơn vị xử lý CTNH) do đơn vị Chủ nguồn thải CTNH tự chi trả.

5. Thời gian thực hiện

Việc chuyển giao, xử lý chất thải nguy hại phải thực hiện 01 lần/năm, vào quý IV hàng năm. Căn cứ nhiệm vụ được phân công, các đơn vị thực hiện trách nhiệm liên quan đến chuyển giao, xử lý CTNH theo đúng thời gian.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Định kỳ hàng năm, tiếp nhận, tổng hợp và chuyển giao danh sách, địa chỉ, khối lượng CTNH của các cơ sở sản xuất đăng ký xử lý từ UBND các huyện, thị xã, thành phố. Tổ chức thống nhất với UBND cấp huyện giới thiệu đơn vị đủ chức năng đến thu gom CTNH phát sinh tại các chủ nguồn thải để vận chuyển, xử lý. Đồng thời làm đầu mối liên hệ với chủ xử lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xử lý CTNH theo để tiến hành vận chuyển xử lý CTNH theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 và Điểm a Khoản 3, Khoản 4 Điều 7 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015.

b) Thông báo lịch trình thu gom chuyển giao CTNH cho UBND các huyện, thị xã, thành phố để UBND huyện, thị xã, thành phố thông báo cụ thể đến các chủ nguồn thải trên địa bàn quản lý.

c) Hướng dẫn các đơn vị chủ nguồn thải CTNH trên địa bàn tỉnh thực hiện việc thu gom, phân loại, lưu giữ, chuyển giao xử lý CTNH theo quy định tại Điều 7 Nghị Định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 và Điều 7 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015.

d) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý CTNH tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

e) Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch trong nội dung Báo cáo công tác quản lý CTNH định kỳ hàng năm theo hướng dẫn tại Phụ lục 4(C) Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 gửi UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 3 của năm sau.

g) Quản lý, giám sát việc lập sổ giao nhận CTNH để theo dõi tên, số lượng, mã CTNH, thời gian giữa đơn vị chuyển giao (chủ nguồn thải) với đơn vị xử lý CTNH (chủ vận chuyển xử lý) và các hồ sơ, báo cáo, hợp đồng, chứng từ của các chủ nguồn thải chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

h) Cập nhật cơ sở dữ liệu về chất thải nguy hại và triển khai đăng ký chủ nguồn thải, kê khai chứng từ chất thải nguy hại, báo cáo quản lý chất thải nguy hại trực tuyến tại địa phương; tăng cường sử dụng hệ thống thông tin hoặc thư điện tử trong quá trình đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.

i) Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình quản lý chất thải nguy hại, việc đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, thời hạn của báo cáo trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.

2. Sở Y tế

a) Chủ trì và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động lưu giữ và chuyển giao CTNH khác (bóng đèn huỳnh quang thải, ắc quy thải, tro sỉ thải lò đốt chất thải y tế, nước tráng phim ...) tại các cơ sở y tế. Báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường trưc ngày 20 tháng 01 của năm sau để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý CTNH, chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Kế hoạch số 675/KH-UBND ngày 8/8/2017 của UBND tỉnh Điện Biên ban hành kế hoạch thu gom vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

3. Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn.

a) Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường.

b) Định kỳ hàng năm, báo cáo tình hình quản lý CTNH và gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo; hoặc báo cáo đột xuất các vấn đề liên quan đến quản lý CTNH theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường.

4. Công an tỉnh

a) Thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đặc biệt là hoạt động quản lý CTNH tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm các quy định pháp luật về quản lý CTNH.

b) Kiểm tra và giám sát hoạt động thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý CTNH tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

5. Sở Thông tin và truyền thông

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường; chỉ đạo Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Điện Biên Phủ tăng thời lượng, tin, bài, thời gian phát sóng, đưa tin về tác hại của chất thải nguy hại; chú trọng nêu gương những điển hình thực hiện tốt công tác về thu gom, phân loại, vận chuyển, lưu giữ CTNH; thông tin chính xác, kịp thời về những trường hợp vi phạm, những địa phương để xảy ra tình trạng đổ thải CTNH gây ô nhiễm môi trường nhằm góp phần nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường.

6. UBND các huyện, thị xã, thành phố

a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý và chuyển giao CTNH đối với các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của cấp huyện.

b) Thống kê, tổng hợp danh sách các đơn vị chủ nguồn thải có số lượng phát sinh dưới 600kg/năm, chủ nguồn thải CTNH ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn quản lý gửi Sở Tài nguyên và Môi trường trước 15 tháng 10 hàng năm.

c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo lịch trình thu gom chuyển giao CTNH cụ thể cho chủ nguồn thải trên địa bàn quản lý.

d) Chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch này và tổ chức truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý CTNH cho các cơ sở sản xuất thuộc địa bàn quản lý. Cập nhật thông tin về quản lý, xử lý CTNH của các cơ sở sản xuất kinh doanh lên Cổng thông tin điện tử của huyện, thị xã, thành phố.

7. Trách nhiệm của các cơ sở sản xuất có phát sinh CTNH

a) Trước ngày 05 tháng 10 hàng năm các chủ nguồn thải phát sinh CTNH trên địa bàn tỉnh phải đăng ký số lượng và chủng loại CTNH cần xử lý với UBND huyện, thị xã, thành phố để tổng hợp gửi Sở Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp các cơ sở cố tình không thực hiện chuyển giao xử lý CTNH, giao UBND các huyện, thị xã thành phố xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

b) CTNH phải được lưu chứa trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và được lưu chứa trong khu vực lưu giữ CTNH đúng theo quy định tại Phụ lục 2(A) Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

c) Chấp hành lịch trình thu gom, chuyển giao xử lý CTNH của Sở Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chuyển giao CTNH cho các tổ chức, cá nhân có giấy phép xử lý CTNH theo quy định tại Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 và Điểm a Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015.

d) Chi trả toàn bộ chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH của mình cho đơn vị xử lý CTNH.

e) Lập: Sổ giao nhận CTNH để theo dõi tên, số lượng, mã CTNH, thời gian, đơn vị chuyển giao và nộp chứng từ CTNH cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Khoản 4 Điều 7 và Khoản 6 Điều 9 của Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015.

8. Trách nhiệm của đơn vị xử lý CTNH

a) Ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH với các cơ sở sản xuất theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015.

b) Toàn bộ CTNH sau khi thu gom phải được lưu giữ, vận chuyển bằng phương tiện, thiết bị chuyên dụng đúng theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 và Khoản 1, 2 Điều 8 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015.

c) Lập, sử dụng, lưu giữ và quản lý Chứng từ CTNH đúng theo quy định tại Khoản 7 Điều 12 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015.

d) Tổ chức thu gom CTNH đúng theo lịch trình của Sở Tài nguyên và Môi trường.

9. Các nội dung không được nêu trong Kế hoạch này, các đơn vị liên quan phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (b/c);
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở: TN&MT, NN&PTNT, TC, KH&ĐT, CT, XD, Y tế, KH&CN, CA, TTTT;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, KTN(TQH).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lò Văn Tiến