Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2943/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 24 tháng 7 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 06/12/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2012-2016; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí;

Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 12/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đến năm 2020; Chương trình số 311-CTr/TU ngày 26/01/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2015-2020; Kế hoạch số 12-KH/TU ngày 03/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng;

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 12/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 12/5/2017 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đến năm 2020;

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí (PCTN, THTKCLP); khắc phục những hạn chế, yếu kém, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong PCTN, THTKCLP góp phần giữ vững ổn định chính trị- xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội;

- Phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh PCTN, THTKCLP một cách kịp thời, có hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; gắn công tác PCTN, THTKCLP với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

2. Yêu cầu.

- Xác định PCTN, THTKCLP là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức và cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao; gắn trách nhiệm của người đứng đầu và gắn kết giữa các ngành, lĩnh vực để tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác PCTN, THTKCLP;

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm tham nhũng, lãng phí một cách có hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của các Sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị theo quy định pháp luật. Phát huy Quy chế dân chủ cơ sở trong từng cơ quan, đơn vị để minh bạch hóa các hoạt động quản lý theo đúng quy định; nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác PCTN, THTKCLP;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về PCTN, THTKCLP; phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí, xử lý đúng theo quy định của pháp luật, kịp thời ngăn chặn hậu quả do hành vi tham nhũng, lãng phí gây ra.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về PCTN, THTKCLP; Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo; Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 12/5/2017 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đến năm 2020;

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 5071/KH-UBND ngày 18/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TU ngày 23/10/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Quyết định số 437/QĐ-UBND ngày 24/3/2017 về ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020.

- Thực hiện tốt công tác thông tin, định hướng dư luận xã hội về công tác PCTN, THTKCLP; kịp thời biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt, cá nhân tiêu biểu trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích đấu tranh PCTN, THTKCLP.

2. Tập trung thực hiện nghiêm túc 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 12/5/2017 của Tỉnh ủy; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tham nhũng, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức; thực hiện nghiêm các quy định về tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác; tăng cường công khai, minh bạch, dân chủ, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức; thực hiện tốt cải cách hành chính, chế độ, định mức tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, minh bạch tài sản thu nhập, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện phòng, chống tham nhũng.

3. Phát huy vai trò, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác PCTN, THTKCLP. Thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, quy định cụ thể, rành mạch chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống trong hoạt động quản lý; xây dựng quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chức trách, nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, THTKCLP; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, kỷ cương, liêm chính đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; tạo điều kiện cho tổ chức, công dân tham gia giám sát việc thực hiện PCTN, THTKCLP.

4. Quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách nhà nước, tài sản công, các khoản hỗ trợ của doanh nghiệp và nhân dân; xây dựng tiêu chí, giám sát, đánh giá việc quản lý ngân sách theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015. Xây dựng phương án tiết kiệm, chống lãng phí trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội; mua sắm tài sản nhà nước; sử dụng tài nguyên thiên nhiên; sử dụng nguồn lực lao động, nâng cao chất lượng, hiệu suất, hiệu quả lao động. Đẩy mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển phương thức hỗ trợ trực tiếp của nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế đặt hàng; thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp.

5. Thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ cơ sở trong từng cơ quan, đơn vị để minh bạch hóa các hoạt động quản lý theo quy định; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực, nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản đã ban hành về cơ chế, chế độ, chính sách, nội quy, quy chế nhất là trong quá trình giải quyết công việc của công dân, tổ chức; chú trọng các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, khoáng sản, an sinh xã hội, nông nghiệp, phát triển nông thôn, bảo hiểm xã hội, hải quan, tài chính, tín dụng, ngân hàng, thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

6. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ, Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập tại các cơ quan, đơn vị.

7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, THTKCLP. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, giám sát; nghiêm túc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu khi không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong công tác PCTN, THTKCLP hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong phạm vi quản lý.

8. Nâng cao năng lực hoạt động và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong công tác PCTN, THTKCLP; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để kịp thời tạm giữ, kê biên xử lý tài sản có hiệu quả các vụ án tham nhũng, lãng phí. Tăng cường phối hợp với các cấp ủy Đảng tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, THTKCLP và xử lý kịp thời nghiêm minh đối với Đảng viên, tổ chức Đảng vi phạm các quy định về PCTN, THTKCLP.

9. Thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết của Đảng, chính là để tạo ra các thế hệ trẻ “Trung thực, nhân ái có khát vọng”, đội ngũ kế cận, chủ nhân gánh vác trách nhiệm xã hội, công bộc trong bộ máy quản lý nhà nước và là giải pháp bền vững trong PCTN, THTKCLP.

10. Đề cao và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, của cộng đồng và nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh với những hiện tượng tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác PCTN, THTKCLP; bảo đảm việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan báo chí về chủ trương, chính sách, pháp luật, kết quả công tác PCTN, THTKCLP, thông tin về các vụ việc tham nhũng, lãng phí; nâng cao vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong phòng, chống tham nhũng thông qua việc tiếp tục xây dựng và thực hiện văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ nội dung kế hoạch này và đặc điểm tình hình thực tế của địa phương, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch công tác PCTN, THTKCLP tại cơ quan, đơn vị mình để triển khai thực hiện một cách hiệu quả.

2. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tiếp tục đẩy mạnh và duy trì thường xuyên việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, THTKCLP trên các phương tiện truyền thông; tăng cường thời lượng và nội dung thông tin về PCTN, THTKCLP.

3. Sở Tư pháp

- Tham mưu Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và các cơ quan chức năng triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, THTKCLP và công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá thủ tục hành chính; phối hợp với sở ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định, thủ tục hành chính tinh gọn, hiệu quả.

4. Sở Nội vụ:

- Tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính; chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra thực hiện chế độ công vụ; kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị; hướng dẫn xây dựng thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 và Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ.

- Tham mưu cho UBND tỉnh cơ chế thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, phòng theo quy định.

5. Sở Tài chính:

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 tại các đơn vị, địa phương.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của nhà nước, đầu tư công.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo.

7. Thanh tra tỉnh:

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2016 - 2020 tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng các các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, THTKCLP.

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thực hiện công tác kê khai tài sản, thu nhập, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Thanh tra Chính phủ.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức Đoàn thể phối hợp với các các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường giám sát việc thực hiện nhiệm vụ PCTN, THTKCLP theo chương trình, kế hoạch đã ban hành.

9. Các các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCTN, THTKCLP; hàng năm có báo cáo sơ kết, tổng kết việc thực hiện theo quy định và gửi báo cáo về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh) để tổng hợp báo cáo Tỉnh ủy và Trung ương theo yêu cầu.

10. Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp PCTN, THTKCLP theo nội dung kế hoạch này; định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

Căn cứ nội dung kế hoạch này, yêu cầu các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc; quá trình thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc, kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính) để xem xét, giải quyết theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- BCĐ Trung ương về PCTN;
- Thanh tra Chính phủ;
- Thường trực Tỉnh ủy; HĐND tỉnh;
- Thường trực UBMTTQVN tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Thanh tra tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, NC. NH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH





Lưu Xuân Vĩnh