ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/KH-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 01 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
ĐÀO TẠO NGHỀ NGHIỆP, TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI CHẤP HÀNH XONG HÌNH PHẠT TÙ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành hình sự về tái hòa nhập cộng đồng;
Căn cứ kế hoạch số 4642/KH-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện Kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh;
Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch Đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù tại Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU
1. Mục tiêu:
- Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 49/2020/NĐ-CP đến các ngành, các cấp, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, thể hiện tính nhân văn trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước góp phần phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Huy động các đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả Nghị định số 49/2020/NĐ-CP nhằm thực hiện đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.
- Đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù tại Thành phố tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe, khả năng của đối tượng, nhu cầu của người sử dụng lao động và điều kiện thực tế của địa phương.
2. Chỉ tiêu:
- Đảm bảo 100% người chấp hành xong hình phạt tù có đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 3 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm: 10%/tổng số người chấp hành xong hình phạt tù;
- Đảm bảo 100% người chấp hành xong hình phạt tù có nhu cầu vay vốn tạo việc làm có đủ điều kiện vay theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và các văn bản hướng dẫn.
- Đảm bảo 100% người chấp hành xong hình phạt tù có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn của công việc làm ở nước ngoài được tư vấn, hỗ trợ các chính sách theo quy định đối với người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tái hòa nhập cộng đồng, đặc biệt tập trung tuyên truyền, phổ biến kịp thời Nghị định số 49/2020/NĐ-CP đến cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, chi bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, người đang chấp hành hình phạt tù, người được đặc xá, người chấp hành xong hình phạt tù đã trở về cộng đồng và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong hình phạt tù.
2. Tổ chức các hoạt động: Tư vấn học nghề, việc làm, xuất khẩu lao động; định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề nghiệp; hướng dẫn kỹ năng khởi nghiệp, kiến thức kinh doanh, kỹ năng sống, kỹ năng tìm việc làm cho những người sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tổ chức tư vấn để vận động người chấp hành xong hình phạt tù tham gia các khóa học nghề phù hợp.
3. Tổ chức điều tra, khảo sát tình hình người chấp hành xong hình phạt tù về cư trú tại địa phương; trên cơ sở đó tổng hợp, phân loại và đề xuất các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở có các biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ thích hợp, kịp thời đối với người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương để họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
4. Đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ hoạt động tái hòa nhập cộng đồng như: tư vấn và hỗ trợ cho vay vốn sản xuất từ ngân hàng chính sách xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở địa phương; xét hỗ trợ một phần vốn để tạo việc làm và sản xuất, kinh doanh đối với người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách; cho vay vốn để sản xuất, kinh doanh; thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện, hướng dẫn kỹ thuật, liên kết sản xuất, kinh doanh ...
III. ĐỐI TƯỢNG HỖ TRỢ, QUỐC TỊCH VÀ PHẠM VI CƯ TRÚ
1. Đối tượng hỗ trợ
- Phạm nhân trước khi chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện tại các cơ sở giam giữ phạm nhân (gọi tắt là phạm nhân chuẩn bị mãn hạn tù).
- Người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong hình phạt tù đã trở về cộng đồng (gọi tắt là người chấp hành xong hình phạt tù).
2. Quốc tịch
Người Việt Nam, người nước ngoài và người không có quốc tịch thường trú tại Thành phố.
3. Phạm vi cư trú
Đối tượng có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú trên địa bàn Thành phố.
IV. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
1. Người chấp hành xong hình phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
3. Người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm.
V. KINH PHÍ
1. Nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương: Thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
2. Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam (được thành lập theo quy định tại Điều 34 Luật Thi hành án hình sự năm 2019).
3. Nguồn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân người học,...
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công an Thành phố
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù; hướng dẫn việc đào tạo và cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân trong các cơ sở giam giữ phạm nhân.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, cho vay vốn học nghề, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù.
- Tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù làm cơ sở để tổ chức đào tạo nghề theo quy định.
- Tổng hợp danh sách phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù không có nơi nương tựa, không xác định được nơi sẽ về cư trú sau khi chấp hành xong án phạt tù và thuộc diện đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội để tổ chức việc hỗ trợ làm thủ tục tiếp nhận phạm nhân vào cơ sở bảo trợ xã hội.
2. Bộ Tư lệnh Thành phố
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù; hướng dẫn việc đào tạo và cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân trong các cơ sở giam giữ phạm nhân;
- Tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù làm cơ sở để tổ chức đào tạo nghề theo quy định.
- Chỉ đạo thực hiện công tác tiếp nhận, bố trí, sử dụng và giải quyết chính sách đối với người trước khi bị phạt tù là quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, giúp họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
- Tổng hợp danh sách phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù không có nơi nương tựa, không xác định được nơi sẽ về cư trú sau khi chấp hành xong án phạt tù và thuộc diện đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội để tổ chức việc hỗ trợ làm thủ tục tiếp nhận phạm nhân vào cơ sở bảo trợ xã hội.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Phối hợp với Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thành phố triển khai các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù; hướng dẫn việc đào tạo và cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân trong các cơ sở giam giữ phạm nhân.
- Phối hợp với Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức:
+ Xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện công tác đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù, trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, phê duyệt;
+ Xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, cho vay ưu đãi đối với người chấp hành xong hình phạt tù có hoàn cảnh khó khăn (đối với người chấp hành xong hình phạt tù không thuộc đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật).
- Căn cứ nhu cầu, khả năng của người chấp hành xong hình phạt tù và thực tiễn của thị trường lao động, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thành phố tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người chấp hành xong hình phạt tù; theo dõi, báo cáo tình trạng việc làm của người chấp hành xong hình phạt tù do Trung tâm giới thiệu với cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ việc làm.
4. Sở Tài chính
Hàng năm, căn cứ kế hoạch và yêu cầu nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương lập dự toán kinh phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp vào cùng thời điểm xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm để thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
5. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn thành lập các quỹ xã hội, quỹ từ thiện do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đề xuất thành lập để hỗ trợ các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng và giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù vay vốn học nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống; hướng dẫn quản lý, sử dụng quỹ.
6. Sở Tư pháp
Cập nhật thông tin về tình hình án tích của người chấp hành xong hình phạt tù và thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí Thành phố xây dựng kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người chấp hành xong hình phạt tù và nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đơn vị, các tổ chức xã hội, các cá nhân trong việc đào tạo nghề nghiệp và giải quyết việc làm, tạo điều kiện giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, góp phần phòng, chống tái phạm tội và vi phạm pháp luật; chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền các nội dung qua hệ thống thông tin cơ sở bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả.
8. Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức
- Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng; có chính sách phù hợp khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tạo điều kiện để người chấp hành xong hình phạt tù có điều kiện học nghề, tìm việc làm, ổn định cuộc sống.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn phối hợp với các đơn vị có liên quan trên địa bàn cập nhật kịp thời danh sách người chấp hành xong hình phạt tù để thực hiện các giải pháp hỗ trợ trong việc đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm, chú trọng thực hiện kết nối, giải quyết việc làm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương có nhu cầu tuyển dụng lao động.
- Tổng hợp, cung cấp danh sách người chấp hành xong hình phạt tù có nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm; vay vốn ổn định cuộc sống. Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức việc dạy nghề, giải quyết việc làm giúp người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; thực hiện các chính sách trợ giúp khác theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội thực hiện công tác tiếp nhận, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù về nơi cư trú ở địa phương.
- Tổng hợp danh sách người tái hòa nhập cộng đồng thuộc diện đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội gửi Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để hỗ trợ làm thủ tục tiếp nhận phạm nhân vào cơ sở bảo trợ xã hội.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các đoàn thể Thành phố:
Thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và tham gia giám sát, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù có điều kiện ổn định cuộc sống, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng tại các khu dân cư.
VII. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
Đề nghị các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức căn cứ Kế hoạch này chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, định kỳ hàng năm, trước ngày 20 tháng 12, các đơn vị được phân công nhiệm vụ tại Kế hoạch này báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, tham mưu đề xuất trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |