Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3012/KH-UBND

Quảng Trị, ngày 01 tháng 08 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI NHÂN RỘNG VÀ ĐÁNH GIÁ, CÔNG NHẬN CÁC MÔ HÌNH HỌC TẬP GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

I. CĂN CỨ BAN HÀNH KẾ HOẠCH:

- Quyết định số 89/QĐ-TTg , ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”;

- Quyết định số 281/QĐ-TTg , ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”;

- Công văn số 9961/VPCP-KGVX , ngày 27/11/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”;

- Thông tư số 44/TT-BGDĐT, ngày 12/12/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã;

- Quyết định số 448/QĐ-KHVN , ngày 01/12/2015 của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam về ban hành Tiêu chí và Hướng dẫn tổ chức đánh giá, công nhận Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”;

- Hướng dẫn số 504/KH-KHVN , ngày 24/12/2015 của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam về việc Hướng dẫn triển khai đại trà các mô hình học tập và đánh giá, xếp loại công nhận các Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”; “Đơn vị học tập” ở cơ sở thuộc xã quản lý giai đoạn 2016 - 2020”;

- Kế hoạch 642/KH-UBND, ngày 11/3/2014 của UBND tỉnh về việc triển khai thực Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013 - 2020”; Kế hoạch số 880/KH-UBND, ngày 23/3/2015 của UBND tỉnh về việc triển khai Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị;

- Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 15/2/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị xây dựng Kế hoạch triển khai nhân rộng và đánh giá, công nhận các mô hình học tập giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh như sau:

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Đẩy mạnh thực hiện phong trào học tập suốt đời bằng các hình thức học tập thường xuyên trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị thông qua việc triển khai nhân rộng và đánh giá, công nhận các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”, góp phần xây dựng mỗi xã, phường, quận, huyện trở thành một xã hội học tập, tạo nền tảng để xây dựng tỉnh Quảng Trị thành tỉnh học tập.

2. Mục tiêu cụ thể:

Phấn đấu đến năm 2020:

+ 100% cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang hưởng ứng phong trào học tập suốt đời, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể và hiệu quả triển khai phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập tại cơ quan đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc;

+ 100% cán bộ, hội viên của Hội Khuyến học được nâng cao nhận thức và có hành động hưởng ứng chủ trương xây dựng xã hội học tập và các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị;

+ 90% gia đình đăng ký xây dựng “Gia đình học tập” trong đó 70%, được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”; 50% dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”; 70% cộng đồng (thôn, tổ dân phố) đạt “Cộng đồng học tập”; Đối với các thôn tại các xã miền núi, các tỷ lệ này tương ứng là 60%, 40% và 50%.

+ 70% các tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp... đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”.

+ 40% các xã phường được công nhận danh hiệu “Cộng đồng học tập”; 4/9 huyện, thị xã, thành phố có các chỉ số về mô hình học tập đạt mức cao, tạo nền tảng vững chắc để phấn đấu xây dựng các huyện, thị xã, thành phố, thành huyện, thị xã, thành phố học tập (cộng đồng học tập cấp huyện, thị xã, thành phố), xây dựng toàn tỉnh thành tỉnh học tập vào thời điểm những năm giữa thập niên 20 của thế kỷ 21.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:

1. Nhiệm vụ:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xã hội học tập, về mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, cơ quan/đơn vị.

- Triển khai nhân rộng mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tổ chức đánh giá, công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”.

2. Giải pháp:

2.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người dân về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời:

- Trên cơ sở các văn bản pháp lý của Trung ương và của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về xã hội học tập, học tập suốt đời. Chú trọng thực hiện đồng bộ các phương thức truyền thông qua báo chí, hệ thống thông tin cơ sở, mạng viễn thông, internet v.v.

- Xây dựng chuyên trang trên Báo Quảng Trị, chuyên mục học tập suốt đời trên Đài Phát Thanh và Truyền hình tỉnh nhằm làm cho cấp ủy, chính quyền và người dân thấy rõ trách nhiệm của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời; đồng thời tạo cơ hội, điều kiện để mọi người được học tập suốt đời; tôn vinh các điển hình trong phong trào học tập.

- Tổ chức hội nghị tập huấn cho các thành viên ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập, cán bộ giáo dục và khuyến học các cấp để quán triệt tiêu chí và cách đánh giá công nhận các Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và “Cộng đồng học tập” (cấp xã) theo Thông tư số 44/TT-BGD&ĐT, ngày 12/12/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quyết định 448/QĐ-KHVN , ngày 01/12/2015 của Hội Khuyến học Việt Nam về việc Ban hành Bộ tiêu chí và hướng dẫn đánh giá, công nhận các Danh hiệu “Gia đình học tập” “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, ‘‘Đơn vị học tập” ở cơ sở thuộc xã quản lý;

- Tập hợp, biên soạn các tài liệu tuyên truyền: Bản tin niên vụ Khuyến học (1 số/năm), số lượng 1000 cuốn/tập. Xuất bản Kỷ yếu gương gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu nhân đại hội biểu dương các điển hình trong phong trào học tập vào năm 2020.

2.2. Nhân rộng mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”,”Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” gắn với chỉ đạo điểm xây dựng mô nh “Cộng đồng học tập” (cấp xã):

- Căn cứ Bộ tiêu chí đánh giá, công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Quảng Trị, từ năm 2016 triển khai nhân rộng mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” trên địa bàn toàn tỉnh. Lấy huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh là đơn vị chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm, tiếp tục đẩy mạnh phong trào trong những năm tiếp theo.

- Trong hai năm 2016 - 2017, chỉ đạo điểm xây dựng mô hình “Cộng đồng học tập” (cấp xã). Mỗi huyện, thị thành chọn 02 xã/phường chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm.

- Tổ chức đăng ký, kiểm tra, đánh giá, công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” (đăng ký xong trong tháng 1-2; tự chấm điểm xong trong tháng 10-11; xét công nhận Danh hiệu xong trong tháng 11-12 hằng năm).

- Thường xuyên đôn đốc, giám sát chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện.

- Hàng năm UBND các cấp ra quyết định công nhận các Danh hiệu theo thẩm quyền quy định. 05 năm một lần, UBND các cấp chủ trì tổ chức đại hội biểu dương gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Lộ trình thực hiện:

1.1. Năm 2016:

- Căn cứ Bộ tiêu chí và hướng dẫn đánh giá công nhận các mô hình học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng, tổ chức đánh giá, công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”.

- Chỉ đạo điểm xây dựng mô hình “Cộng đồng học tập” (cấp xã).

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời nêu gương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào học tập.

- Tổ chức tập huấn cho các thành viên ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cán bộ giáo dục và khuyến học các cấp, để quán triệt tiêu chí đánh giá, công nhận các Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và mô hình “Cộng đồng học tập” (cấp xã) theo Thông tư số 44/TT-BGDĐT ngày 12/12/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Các huyện, thị, thành tổ chức hội nghị triển khai, nhân rộng các mô hình học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị tới tất cả các xã, phường, thị trấn.

- Tổ chức cho các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đăng ký phấn đấu đạt Danh hiệu. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, công nhận các Danh hiệu.

- Tổ chức hội nghị sơ kết triển khai nhân rộng mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và đánh giá sơ bộ 01 năm chỉ đạo điểm xây dựng “Cộng đồng học tập” (Cấp xã).

1.2. Năm 2017:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; tuyên truyền về các mô hình học tập tiêu biểu ở địa phương.

- Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức kiểm tra việc nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”; chỉ đạo điểm xây dựng mô hình “Cộng đồng học tập” (cấp xã).

- Tổ chức đánh giá, công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”.

- Tổng kết chỉ đạo điểm xây dựng mô hình “Cộng đồng học tập” (cấp xã).

1.3. Năm 2018:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; tuyên truyền về các mô hình học tập tiêu biểu ở địa phương.

- Tiếp tục chỉ đạo nhân rộng các mô hình học tập. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, công nhận các Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập , “Đơn vị học tập”.

- Triển khai kế hoạch nhân rộng mô hình “Cộng đồng học tập” (cấp xã) trên các địa bàn của tỉnh.

- Sơ kết 03 năm nhân rộng các mô hình học tập trên địa bàn tỉnh.

1.4. Năm 2019:

- Tiếp tục tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc nhân rộng các mô hình học tập. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời và các điển hình trong phong trào học tập.

- Tổ chức đánh giá, công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập” (cấp xã).

1.5. Năm 2020:

- Tổ chức đánh giá, công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”; “Cộng đồng học tập” (cấp xã).

- Tổ chức đại hội biểu dương các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu các cấp.

- Tổ chức hội nghị tổng kết triển khai thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 880/KH-UBND, ngày 23/3/2015 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”; sơ kết 03 năm xây dựng “Cộng đồng học tập” (cấp xã).

2. Phân công trách nhiệm:

2.1. Hội Khuyến học tỉnh:

- Căn cứ Bộ tiêu chí của tỉnh, chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị hướng dẫn đánh giá, công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”.

- Phối hợp với cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Website Khuyến học; tổ chức in và phát hành tài liệu tuyên truyền; xuất bản Tập san niên vụ Khuyến học và kỷ yếu đại hội biểu dương gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu với Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt thực hiện kế hoạch nhân rộng mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và chỉ đạo điểm xây dựng “Cộng đồng học tập” (cấp xã).

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai các đề án thành phần theo Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Củng cố, kiện toàn, nâng cao nhận thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến học, để thực hiện tốt vai trò nòng cốt, tham mưu thực hiện Kế hoạch.

- Xây dựng nhu cầu kinh phí thực hiện kế hoạch, trong đó phân định rõ kinh phí theo từng cấp ngân sách thực hiện (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã).

- Giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả và báo cáo với UBND tỉnh.

2.2. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học và các cơ quan liên quan tham mưu với UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện Thông tư 44/TT-BGDĐT ngày 12/12/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hướng dẫn của UBND tỉnh đối với việc đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” (cấp xã) trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Hội Khuyến học:

+ Hướng dẫn đánh giá, công Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” của tỉnh Quảng Trị.

+ Tham mưu với Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt thực hiện kế hoạch nhân rộng mô hình “Gia đình học tập” “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và thí điểm xây dựng “Cộng đồng học tập” (cấp xã).

+ Kiểm tra, đánh giá, xếp loại và nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án thành phần được giao theo Quyết định số 89/QĐ-TTg , ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Phối hợp với Hội Khuyến học và các cơ quan liên quan trong công tác tuyên truyền; in ấn các tài liệu, tập san, kỷ yếu; tổ chức Hội thi cán bộ khuyến học giỏi.

- Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với Hội Khuyến học đồng cấp triển khai việc thực hiện, đánh giá, xếp loại cộng đồng học tập cấp xã theo Thông tư số 44/TT/BGDĐT ngày 12/12/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các mô hình học tập. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị giáo dục đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng nhà trường thành “Đơn vị học tập”.

2.3. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch:

Phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh, các cơ quan liên quan bổ sung nội dung gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập để hoàn thiện tiêu chí đánh giá công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư, cơ quan văn hóa. Đồng thời phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh trong việc đánh giá, công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” và “Cộng đồng học tập” kết hợp với việc đánh giá, công nhận Danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương.

2.4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh:

- Phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh trong việc tuyên truyền về các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua các tổ chức, mạng lưới của mình.

- Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền sâu rộng về kế hoạch tăng thời lượng phát sóng, mở thêm chuyên mục mới để đưa những nội dung liên quan đến Kế hoạch đến với mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh như: Mở rộng chuyên trang, chuyên mục, phỏng vấn tăng cường sản xuất các phóng sự... tăng cường phổ biến những mô hình, tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập, nêu gương các điển hình trong phong trào học tập.

2.5. Sở Tài chính:

Căn cứ khả năng ngân sách và kế hoạch kinh phí được phê duyệt; thẩm định, đề xuất bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh.

2.6. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:

- Trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng các mô hình học tập và tổ chức đánh giá, công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và “Cộng đồng học tập” (cấp xã) tại địa phương.

- Bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch triển khai Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh.

- Chỉ đạo UBND cấp xã và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình học tập, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tổ chức đánh giá và bình xét công nhận danh hiệu. Bố trí ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch tại địa phương; xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế giáo dục tại địa phương (nhà văn hóa, thư viện, trung tâm học tập cộng đồng, bưu điện văn hóa xã, câu lạc bộ...) nhằm đáp ứng yêu cầu học tập của mọi người dân trong cộng đồng.

- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trên địa bàn triển khai thực hiện kế hoạch.

- Chủ trì, tổ chức đại hội biểu dương gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu ở cấp huyện. Ra quyết định, cấp Giấy công nhận Danh hiệu gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu của địa phương.

2.7. Đề nghị Ủy ban MTTQVN và các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị vũ trang:

Phối hợp với Hội Khuyến học đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị được học tập thường xuyên, học suốt đời; xây dựng cơ quan, đơn vị đạt Danh hiệu “Đơn vị học tập”.

UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch này.

 


Nơi nhận:
- TT/HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Lưu VT; VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Thức

 

PHỤ LỤC 1

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, CÔNG NHẬN DANH HIỆU "GIA ĐÌNH HỌC TẬP" GIAI ĐOẠN (2016 - 2020) CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ

STT

Tiêu chí

Nội dung

Điểm tối đa

1

Học tập của trẻ em trong gia đình (30 điểm)

Trẻ em ở độ tuổi phổ cập đều được đến trường, hoàn thành phổ cập giáo dục theo quy định (trừ trường hợp ốm đau, bệnh tật, không có khả năng học tập).

10

- Kết quả học tập đạt từ trung bình trở lên (hoặc đạt yêu cầu đối với học sinh tiểu học).

- Hạnh kiểm phải đạt từ khá trở lên (đối với học sinh tiểu học: Năng lực, phẩm chất đạt yêu cầu trở lên)

10

- Thật thà, lễ phép với mọi người trong gia đình và ngoài xã hội. Tích cực tham gia các hoạt động chung ở địa phương.

- Có kỹ năng cơ bản thích nghi với hoàn cảnh, điều kiện sống, không mắc tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật.

10

2

Học tập của người lớn trong gia đình (30 điểm)

Người từ 19 đến 60 tuổi (trừ những người không có khả năng học tập) đều đạt chuẩn biết chữ từ bậc 1 trở lên (tương đương từ lớp 3 trở lên), Khu vực thành phố, thị xã, thị trấn ít nhất có 01 người trong gia đình biết sử dụng công nghệ thông tin.

10

Hàng năm, người lớn trong gia đình đều tham gia học ít nhất 01 nội dung dưới 01 hình thức học cụ thể (trừ những người không có khả năng học tập). Người lớn là cán bộ; nhân viên, công nhân, chiến sỹ trong các cơ quan/đơn vị đều phải hoàn thành nhiệm vụ học tập theo quy định của Nhà nước hoặc theo yêu cầu của cơ quan/đơn vị.

20

3

Điều kiện học tập của gia đình (20 điểm)

Gia đình có hình thức giúp đỡ, động viên, khích lệ kịp thời và tạo điều kiện cho việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời của trẻ em và người lớn trong gia đình.

10

Gia đình có ít nhất 01 phương tiện hỗ trợ mọi người học tập (sách, báo, điện thoại, ti vi, máy tính, internet.v.v...)

10

4

Tác động, hiệu quả học tập của các thành viên trong gia đình (20 điểm)

Gia đình tích cực lao động, phát triển kinh tế. Đời sống kinh tế của gia đình ngày càng được nâng cao, là tấm gương về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ.

10

Gia đình tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” phong trào xây dựng nông thôn mới/đô thị văn minh, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và các phong trào khác ở địa phương. Gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”

10

 

PHỤ LỤC 2

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, CÔNG NHẬN DANH HIỆU “DÒNG HỌ HỌC TẬP” GIAI ĐOẠN (2016 - 2020) CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ

STT

Tiêu chí

Nội dung

Điểm tối đa

1

Học tập của các gia đình trong dòng họ (60 điểm)

Hàng năm có 80% số gia đình trong dòng họ đăng ký phấn đấu xây dựng “Gia đình học tập” (70% đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn), trong đó 70% trở lên gia đình đăng ký được công nhận “Gia đình học tập” (60% đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn).

60

2

Điều kiện học tập của Dòng họ (20 điểm)

Dòng họ có nhiều hình thức động viên, khích lệ kịp thời đối với trẻ em và người lớn trong dòng họ học tập thường xuyên và các gia đình trong dòng họ đạt Danh hiệu Gia đình học tập.

15

Dòng họ có ban khuyến học. Quỹ khuyến học của dòng họ ngày càng tăng, có tác dụng tích cực khuyến khích phong trào học tập thường xuyên của trẻ em và người lớn trong dòng họ, đóng góp tích cực, có hiệu quả vào các hoạt động khuyến học, khuyến tài tại địa phương.

5

3

Tác động, hiệu quả học tập của các gia đình trong dòng họ (20 điểm)

Các gia đình trong dòng họ đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong học tập, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Kinh tế của các gia đình trong dòng họ từng bước phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.

10

Dòng họ tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào xây dựng nông thôn mới/ đô thị văn minh, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và các phong trào khác ở địa phương.

10

 

PHỤ LỤC 3

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, CÔNG NHẬN DANH HIỆU "CỘNG ĐỒNG HỌC TẬP" (KHU DÂN CƯ) GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ

STT

Tiêu chí

Nội dung

Điểm tối đa

1

Học tập của các gia đình  trong cộng đồng (60 điểm)

Hàng năm có 80% số gia đình trong khu dân cư đăng ký phấn đấu xây dựng “Gia đình học tập, trong đó 70% gia đình đăng ký được công nhận “Gia đình học tập” (đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tỷ lệ tương ứng là 70% và 60%).

60

2

Điều kiện học tập ở cộng đồng (20 điểm)

Trong xây dựng kế hoạch hàng năm của chi bộ khu dân cư có chỉ tiêu phấn đấu xây dựng “Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập”.

10

Chi hội khuyến học khu dân cư có nhiều hình thức giúp đỡ, khuyến khích, động viên trẻ em và người lớn học tập thường xuyên. Quỹ khuyến học của khu ngày càng tăng, đóng góp có hiệu quả vào các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường.

5

Khu dân cư có ít nhất 01 phương tiện (sách/báo hoặc tủ sách; phòng họp/sinh hoạt chung; mạng lưới truyền thanh v.v...) để tạo điều kiện cho trẻ em và người lớn học tập thường xuyên.

5

3

Tác động, hiệu quả học tập của các gia đình trong cộng đồng (20 điểm)

Các gia đình trong khu dân cư tích cực lao động, phát triển kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.

10

Khu dân cư tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào xây dựng nông thôn mới/đô thị văn minh, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và các phong trào khác của địa phương.

10

 

PHỤ LỤC 4

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, CÔNG NHẬN DANH HIỆU "ĐƠN VỊ HỌC TẬP" GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ
(Dành cho cơ quan, đơn vị vũ trang)

STT

Tiêu chí

Nội dung

Điểm tối đa

1

Học tập của cán bộ công chức, viên chức, chiến sỹ và người lao động trong đơn vị (gọi tắt là các thành viên trong đơn vị) (40 điểm)

100% các thành viên trong đơn vị tham gia học tập thường xuyên; 100% thành viên trong đơn vị giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định; 85% các thành viên trong đơn vị thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc, tối thiểu hàng năm.

20

100% các thành viên trong đơn vị có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định.

10

100% các thành viên trong đơn vị tham gia học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin; 40% có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2), 30% bậc 3 (B1); 100% được tham gia học tập các chương trình giáo dục kỹ năng sống để xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc.

10

2

Điều kiện học tập của các thành viên trong đơn vị (30 điểm)

Có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy đảng, lãnh đạo đơn vị và các tổ chức đoàn thể đối với việc học tập thường xuyên của các thành viên trong đơn vị. Tiêu chí về học tập suốt đời của các thành viên trong đơn vị được đưa vào nội dung thi đua, đánh giá cán bộ hàng năm của đơn vị.

10

Có các phương tiện cần thiết (phòng họp, tủ sách, máy tính nối mạng internet...) phục vụ cho việc học tập của các thành viên trong đơn vị; có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện (kinh phí, thời gian...) cho các thành viên của đơn vị học tập.

10

Tổ chức khuyến học của đơn vị hoạt động có nền nếp, hiệu quả. Quỹ khuyến học của đơn vị năm sau cao hơn năm trước để hỗ trợ việc học tập thường xuyên, khen thưởng các thành viên, con em trong đơn vị có thành tích học tập tốt, và tích cực tham gia đóng góp vào các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường.

10

3

Tác động, hiệu quả của phong trào học tập trong đơn vị. (30 điểm)

Hằng năm đơn vị đều dạt danh hiệu thi đua từ Tập thể lao động tiên tiến trở lên hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ/nghĩa vụ với Nhà nước, không có cá nhân vi phạm pháp luật.

20

Hằng năm, 100% gia đình các thành viên trong đơn vị đăng ký phấn đấu xây dựng “Gia đình học tập”, trong đó 80% đạt danh hiệu.

10

 

PHỤ LỤC 5

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, CÔNG NHẬN DANH HIỆU “ĐƠN VỊ HỌC TẬP” GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ
(Dành cho doanh nghiệp)

STT

Tiêu chí

Nội dung

Điểm tối đa

1

Học tập của chủ sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp (gọi chung là người lao động) (40 điểm)

100% người lao động trong doanh nghiệp tham gia học tập thường xuyên, suốt đời dưới nhiều hình thức và phương thức khác nhau.

20

- 100% chủ sử dụng lao động có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định.

- 90% trở lên công nhân lao động có trình độ THPT hoặc tương đương và được đào tạo nghề.

10

- Tỷ lệ người lao động có kiến thức cơ bản về tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc và giao lưu văn hóa ngày càng tăng.

- 100% Người lao động trong doanh nghiệp được bồi dưỡng, giáo dục pháp luật và kỹ năng sống cần thiết.

10

2

Điều kiện học tập trong doanh nghiệp (30 điểm)

Có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy đảng, lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể đối với việc học tập thường xuyên của các thành viên trong doanh nghiệp. Trong kế hoạch công tác hàng năm, trong chỉ tiêu thi đua của doanh nghiệp có các tiêu chí về học tập suốt đời.

10

Có các phương tiện cần thiết (phòng họp, sách/báo máy tính, mạng internet...) phục vụ cho việc học tập của người lao động trong doanh nghiệp; có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện (kinh phí, thời gian...) cho người lao động trong doanh nghiệp học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng, tay nghề.

10

Tổ chức khuyến học của doanh nghiệp hoạt động có nền nếp, hiệu quả. Quỹ khuyến học năm sau cao hơn năm trước, để hỗ trợ việc học tập thường xuyên cho cán bộ, người lao động và khen thưởng con em trong doanh nghiệp có thành tích học tập tốt; tham gia tích cực vào các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong và ngoài trường.

10

3

Tác động, hiệu quả của phong trào học tập trong doanh nghiệp. (30 điểm)

Hằng năm doanh nghiệp đạt danh hiệu thi đua từ Tập thể lao động tiên tiến trở lên hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ/nghĩa vụ với Nhà nước, không có cá nhân vi phạm pháp luật.

20

Hằng năm, 70% gia đình các thành viên trong đơn vị đăng ký phấn đấu xây dựng “Gia đình học tập”, trong đó 60% đạt Danh hiệu.

10

 

PHỤ LỤC 6

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, CÔNG NHẬN DANH HIỆU “ĐƠN VỊ HỌC TẬP” GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ
(Dành cho nhà trường)

STT

Tiêu chí

Nội dung

Điểm tối đa

1

Học tập của cán bộ, viên chức, lao động trong nhà trường (gọi tắt là các thành viên trong nhà trường) (40 điểm)

- 100% các thành viên trong nhà trường tham gia học tập thường xuyên và thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc, tối thiểu hàng năm.

- 100% thành viên trong nhà trường giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định.

20

- 100% các thành viên trong nhà trường có trình độ chuyên môn đạt chuẩn theo chuẩn quy định.

10

- 100% các thành viên trong nhà trường tham gia học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, biết sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy; 40% có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2), 30% bậc 3 (B1).

- 100% cán bộ, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên được tham gia học tập các chương trình giáo dục kỹ năng sống, giáo dục pháp luật.

10

2

Điều kiện học tập của các thành viên trong nhà trường (30 điểm)

Có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy đảng, lãnh đạo nhà trường và các tổ chức đoàn thể đối với việc học tập thường xuyên của các thành viên trong nhà trường. Trong kế hoạch công tác hàng năm, trong chỉ tiêu thi đua của nhà trường có các tiêu chí về học tập suốt đời của các thành viên.

10

Có các phương tiện cần thiết (phòng họp, tủ sách, máy tính nối mạng internet, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn...) phục vụ cho việc học tập của các thành viên trong đơn vị; khuyến khích, tạo điều kiện (kinh phí, thời gian...) cho các thành viên của đơn vị học tập nâng cao trình độ mọi mặt.

10

Ban khuyến học nhà trường hoạt động có nền nếp, hiệu quả. Quỹ khuyến học của nhà trường năm sau cao hơn năm trước để hỗ trợ việc học tập thường xuyên và khen thưởng các cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt, tích cực đóng góp vào các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời tại địa phương.

10

3

Tác động, hiệu quả của phong trào học tập trong nhà trường (30 điểm)

Hàng năm nhà trường đạt danh hiệu thi đua từ Tập thể lao động tiên tiến trở lên, không có cá nhân vi phạm pháp luật.

20

Hàng năm, 100% gia đình các thành viên trong nhà trường đăng ký phấn đấu xây dựng “Gia đình học tập”, trong đó 90% đạt Danh hiệu.

10