Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 312/KH-UBND

An Giang, ngày 21 tháng 6 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THU HÚT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

Thực hiện Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 17/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2016 - 2020”; Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2016-2020, cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC

1. Quan điểm

Thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững. Phát triển kinh tế và đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, Kết hợp phát triển kinh tế, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện sống của nhân dân.

2. Mục tiêu

Tranh thủ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ để thực hiện đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội góp phần phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục cho nhân dân; Thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan; thực hiện bảo vệ môi trường ứng phó biến đổi khí hậu và kế hoạch tăng trưởng xanh.

3. Nguyên tắc

a. Nguyên tắc sử dụng vốn

Trong việc huy động nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, cần tiếp cận linh hoạt theo hướng sử dụng tối đa các khoản vay ODA với các điều kiện ưu đãi, kết hợp giữa viện trợ không hoàn lại, vay ODA và cân nhắc vay ưu đãi để đảm bảo cân đối trả nợ các khoản vay. Cụ thể như sau:

Đối với vốn ODA không hoàn lại, ưu tiên sử dụng cho các lĩnh vực xã hội như: Y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, khoa học, kỹ thuật, các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường cho người dân, và các dự án hỗ trợ kỹ thuật.

Đối với vốn vay ODA, tập trung nguồn vốn này cho cân đối ngân sách Nhà nước để đầu tư cho các lĩnh vực: xây dựng cơ sở hạ tầng (bao gồm cả phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới, ...), các công trình phúc lợi xã hội và các lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp, chương trình, dự án.

Đối với vốn vay ưu đãi: Tập trung nguồn vốn này để đầu tư cho các chương trình, dự án có nguồn thu và có khả năng trả nợ chắc chắn.

b. Nguyên tắc quản lý vốn

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi là nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước được sử dụng để thực hiện các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và được phản ánh trong ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA và vốn vay ưu đãi trên cơ sở phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực quản lý của Bộ, ngành, địa phương; bảo đảm sự phối hợp quản lý, giám sát và đánh giá của các cơ quan có liên quan theo quy định hiện hành của pháp luật.

Bảo đảm công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình về chính sách, trình tự và thủ tục vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương, tình hình thực hiện và kết quả sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, ngăn ngừa và xử lý các hành vi này theo quy định của pháp luật.

II. ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT VÀ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ NGUỒN VỐN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI

1. Dự báo nhu cầu vốn đầu tư phát triển thời kỳ 2016-2020

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 7%/năm thì tỉnh cần phải huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 148 ngàn tỷ đồng. Dự kiến huy động các nguồn vốn ngoài nước khoảng 30 - 35%.Trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư huy động từ bên ngoài, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn ODA có vị trí rất quan trọng.

Để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư từ bên ngoài, dự kiến huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi khoảng 17 ngàn 259 tỷ đồng, và vốn đối ứng trên 4 ngàn 075 tỷ đồng.

2. Cơ chế tài chính trong nước

Kể từ năm 2010 khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình thấp, môi trường hợp tác phát triển ở nước ta bắt đầu thay đổi theo hướng chuyển dần từ quan hệ viện trợ sang quan hệ đối tác. Nguồn vốn vay ODA tăng mạnh, trong khi nguồn ODA không hoàn lại giảm mạnh. Vốn vay ODA ưu đãi (IDA[1] của WB, ADF[2] của ADB…) có xu thế giảm dần và ODA vốn vay kém ưu đãi (IBRD[3] của WB, OCR[4] của ADB) có xu thế tăng lên dẫn đến vốn vay ODA trở nên đắt đỏ hơn. Nhằm chia sẽ trách nhiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, trong thời gian tới Trung ương sẽ không cấp phát vốn ODA mà sẽ cho các địa phương vay lại, dự kiến như sau:

- Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh: vay lại vốn ODA 80%.

- 11 địa phương có đóng góp ngân sách: vay lại vốn ODA 50%.

- Các tỉnh, thành khó khăn: vay lại vốn ODA 10-30%.

Do đó, công tác thu hút vốn ODA và vốn vay ưu đãi của tỉnh ưu tiên vào các dự án, công trình hạ tầng kinh tế, xã hội quan trọng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh và các chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn để đảm bảo công tác trả nợ và lãi vay theo quy định của Trung ương và nhà tài trợ.

3. Định hướng chung thu hút và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2016-2020

Trên cơ sở Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của cả nước, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh ưu tiên thu hút vốn ODA và vốn vay ưu đãi vào các lĩnh vực sau:

+ Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, bao gồm: kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội.

+ Bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh.

+ Phát triển nông nghiệp và nông thôn.

+ Cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực và các lĩnh vực xã hội khác.

+ Khu vực tư nhân tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà tỉnh sử dụng làm vốn đầu tư Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Tập trung thu hút và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi vào đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội khoảng 43,76%; Bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện tăng trưởng xanh khoảng 27,16%; Phát triển nông nghiệp và nông thôn khoảng 19,56%; và cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực và các lĩnh vực xã hội khác là 9,51%.

4. Định hướng ưu tiên thu hút và sử dụng ODA theo ngành và lĩnh vực

a. Kết cấu hạ tầng:

* Hạ tầng kinh tế: Cần ưu tiên kêu gọi, thu hút các dự án ODA và vốn vay ưu đãi để xây dựng hạ tầng kinh tế theo hướng kiên cố, bền vững, hiện đại đảm bảo hiệu quả lâu dài. Đây là lĩnh vực quan trọng, tạo nền tảng cho việc thúc đẩy kinh tế phát triển. Vì vậy, cần tích cực vận động thu hút nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho lĩnh vực này, cần tập trung cụ thể như sau:

- Về giao thông: từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường tỉnh theo quy hoạch, phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.

- Về cấp thoát nước và phát triển đô thị:Ưu tiên thu hút ODA để hỗ trợ, xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, hoàn thiện hệ thống cấp nước sinh hoạt các thị trấn, cấp đủ nước sạch cho đô thị. Thu hút ODA để đầu tư giải quyết vấn đề thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn, rác thải đô thị.

- Về hạ tầng du lịch: Ưu tiên phát triển hạ tầng du lịch, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

- Về Bưu chính Viễn thông: ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và trang thiết bị phục vụ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu.

Quy hoạch các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi để xây dựng hạ tầng kinh tế như sau:

- Giao thông:

+ Dự án Xây dựng cầu 13 tuyến Nam Vịnh Tre.

+ Dự án Nâng cấp đường tỉnh 947.

+ Dự án Nâng cấp đường tỉnh 949.

+ Dự án Nâng cấp đường tỉnh 952.

+ Dự án Nâng cấp đường tỉnh 954.

+ Dự án Cải tạo kênh Vĩnh Tế.

- Đô thị: Chống ngập và nâng cấp đô thị thành phố Châu Đốc thích ứng biến đổi khí hậu.

- Cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải

+ Hệ thống cấp nước Bình Đức tỉnh An Giang.

+ Mở rộng và nâng công suất hệ thống cấp nước các thị trấn: Chợ Mới, Nhà Bàng, Núi Sập, Tri Tôn, Phú Mỹ.

+ Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải và hạ tầng đấu nối, thị xã Tân Châu.

+ Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải: Phú Mỹ, Tịnh Biên, Tri Tôn.

- Hạ tầng du lịch:

+ Phát triển cơ sở hạ tầng gắn với cải thiện môi trường khu du lịch Núi cấm.

+ Phát triển cơ sở hạ tầng gắn với cải thiện môi trường thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc.

+ xây dựng cầu tàu đón khách du lịch tại thành phố Long Xuyên

- Bưu chính viễn thông

+ Trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện thông tin về nông thôn.

+ Nâng cấp, mở rộng trang thiết bị và tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

* Hạ tầng xã hội:

Ưu tiên thu hút và sử dụng ODA để đầu tư nâng cấp và tăng cường trang thiết bị y tế cho bệnh viện tỉnh, Hỗ trợ thực hiện các chương trình quốc gia trong các lĩnh vực y tế.

Tập trung vào hiện đại hoá trường đại học và ngành nghề đào tạo trọng điểm, đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm kết hợp nghiên cứu đào tạo ở trường Đại học.

Quy hoạch các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi để xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội như sau:

+ Dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật y tế An Giang (gồm trang thiết bị cho 2 bệnh viện: Đa khoa trung tâm An Giang và Sản – Nhi An Giang).

+ Dự án Xây dựng bệnh viện Tim mạch chuyên khoa hạng I cấp vùng.

b. Bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh

Ưu tiên thu hút và sử dụng ODA để đầu tư các dự án bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường đô thị, hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (như hình thành các hệ sinh thái ven sông, giảm nhẹ tác động lũ lụt, phòng ngừa sự cố, ...)

Quy hoạch các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi để xây dựng dự án bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên như sau:

+ Dự án hỗ trợ giảm thiểu tác động của Biến đổi khí hậu của tỉnh An Giang.

+ Quản lý nước và tái trồng rừng tràm trên đất ngập nước.

+ Hệ thống thủy lợi vùng cao thích ứng biến đổi khí hậu nhằm phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho đồng bào vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang.

+ Nâng cao sinh kế cộng đồng sản xuất lúa tỉnh An Giang trong điều kiện biến đồi khí hậu.

+ Mô hình nhà máy điện trấu 1MW đến 3MW cho các doanh nghiệp chế biến lúa gạo vừa và nhỏ tại một số huyện trên địa bàn tỉnh An Giang.

+ Xây dựng 5 trạm quan trắc liên tục tự động.

+ Đánh giá và dự báo tác động của việc xây đập thủy điện khu vực thượng nguồn sông Mê Kông đến đa dạng sinh học tại sông Tiền và sông Hậu khu vực An Giang, đề xuất giải pháp ứng phó.

+ Điều tra, khảo sát phân vùng sạt lở tỉnh An Giang kết hợp tái định cư các hộ dân sông 1trong vùng có nguy cơ sạt lở bờ sông.

+ Bảo tồn phục hồi rừng, đất ngập nước và đa dạng sinh học toàn tỉnh An Giang.

c. Phát triển nông nghiệp và nông thôn (nông nghiệp, thuỷ lợi, lâm nghiệp, thuỷ sản kết hợp xoá đói giảm nghèo)

Hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tập trung đầu tư các công trình phát triển hạ tầng nông thôn. Ưu tiên xây dựng các dự án tổng hợp phát triển kinh tế xã hội nông thôn gắn với công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm nhằm phát huy hiệu quả tổng hợp, nâng cao đời sống dân cư nông thôn một cách đồng đều.

Quy hoạch các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thuộc lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn như sau:

+ Tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long.

+ Nâng cao khả năng thoát lũ và thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng tứ giác Long Xuyên.

+ Cơ sở hạ tầng tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng tứ giác Long Xuyên.

d. Cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực và các lĩnh vực xã hội khác

Ưu tiên tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của tỉnh ở các cấp (sở, ngành, các BQLDA,...) để đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế;

Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển. Hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

Quy hoạch các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực và các lĩnh vực xã hội khác.

+ Đại học An Giang_Chương trình Chính sách phát triển giáo dục đại học.

+ Đầu tư trang thiết bị thí nghiệm trường Đại học An Giang.

+ Đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm Trung tâm công nghệ sinh học.

+ Chương trình đào tạo nghề 2016-2020.

e. Thu hút và sử dụng ODA theo nhà tài trợ

Các nhà tài trợ đều có chính sách, quy mô tài trợ khác nhau và thế mạnh riêng trong việc cung cấp vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho Việt Nam. Vì vậy, các ngành các cấp cần có sự phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để khai thác tối đa thế mạnh của từng nhà tài trợ để thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn viện trợ, cụ thể như sau:

- Đối với các tổ chức phát triển như Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng tái thiết Đức (KFW), Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan phát triển Pháp (AFD): cần thu hút và sử dụng ODA của các tổ chức này cho các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế lớn, hạ tầng đô thị trọng điểm, phát triển nông nghiệp và nông thôn kết hợp xóa đói, giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo; tăng cường năng lực con người.

Mặc dù, trong 5 năm tới các Ngân hàng Phát triển vẫn sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức cho Việt Nam, song mức độ ưu đãi sẽ giảm dần, trong đó WB sẽ chấm dứt cung cấp vốn vay ODA (IDA) sau chu kỳ IDA-17 trong năm 2017, còn ADB sẽ dừng cung cấp vốn vay ODA (ADF) trong một hoặc hai năm sau đó. Tình hình đó dẫn tới vốn vay sẽ tăng giá đòi hỏi Tỉnh cần phải tính toán, cân nhắc toàn diện khi quyết định sử dụng nguồn vốn của các ngân hàng phát triển nhằm đạt được hiệu quả đầu tư và bảo đảm cân đối vốn.

- Đối với các nhà tài trợ song phương như: Anh, Canada, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Phần Lan, Trung Quốc...và các tổ chức đa phương như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Quỹ OPEC, Quỹ KUWAIT, Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Bắc Âu (NIB), Uỷ ban Châu Âu (EC), Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP), Quỹ quốc tế phát triển nông nghiệp (IFAD), Quỹ dân số (UNFPA),Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cần thu hút nguồn vốn ODA vào các lĩnh vực: tăng cường năng lực con người, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai, xóa đói, giảm nghèo bền vững, một số dự án đầu tư quy mô nhỏ trong ngành y tế và giáo dục và đào tạo, hỗ trợ thực hiện các cam kết toàn cầu như Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDGs).

III. CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ THU HÚT VÀ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ NGUỒN VỐN ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020

Để thực hiện có hiệu quả công tác thu hút, quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi cần phải có những giải pháp cụ thể như sau:

1. Công tác chuẩn bị dự án

Cập nhật các thông tin, số liệu kinh tế - xã hội của tỉnh để phục vụ cho công tác vận động, thu hút vốn ODA và vốn vay đãi.

Hàng năm các đơn vị có nhu cầu sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Báo cáo đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi sao cho phù hợp với Định hướng thu hút vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khả năng bố trí nguồn lực, khả năng tổ chức thực hiện.

Tăng cường quan hệ tiếp xúc, làm việc với các Bộ, ngành Trung ương với các tổ chức song phương, đa phương để tiếp nhận thông tin, được hỗ trợ, giúp đỡ vận động, thu hút vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Triển khai thực hiện các nội dung theo quy định tại Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn.

2. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư

Công tác điều tra, lên phương án và thực hiện bồi thường GPMB, tái định cư là một nội dung quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư có sử dụng đất nói chung và đặc biệt là các dự án đầu tư có sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Do đó, cần thực tốt các giải pháp sau:

- Thực hiện tốt các quy định của Luật Đất đai và các văn bản Nghị định, Thông tư hướng dẫn về đất đai. Đẩy nhanh việc quy hoạch sử dụng đất toàn tỉnh, các huyện nhằm phục vụ tốt hơn, kịp thời cho phát triển kinh tế xã hội và thu hút các dự án đầu tư.

- Nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện các quy định, chính sách bồi thường GPMB, tái định cư của tỉnh theo hướng tiếp cận với các chính sách giải phóng mặt và tái định cư của các nhà tài trợ để việc triển khai dự án ODA và vốn vay ưu đãi không bị kéo dài góp phần tiết kiệm chi phí thực hiện dự án.

- Tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư và cần coi đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành nhằm bảo đảm khởi công và hoàn thành chương trình, dự án theo đúng tiến độ đã được thoả thuận với nhà tài trợ.

- Phối hợp một cách tích cực đồng bộ với các nhà đầu tư để giải quyết dứt điểm theo từng dự án. Thực hiện tốt các văn bản luật và các văn bản hướng dẫn dưới luật, đặc biệt, tập trung làm tốt công tác quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, khắc phục cơ bản tình trạng dự án chờ đất, giải quyết nhanh chóng các thủ tục về giao đất, cho thuê đất, các dịch vụ về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

3. Nâng cao năng lực và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc thu hút, quản lý và sử dụng ODA

Thống nhất chỉ đạo, các sở, ban ngành liên quan phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện dự án (từ bước chuẩn bị đầu tư đến khi kết thúc dự án); đóng góp ý kiến nhanh, chính xác về các nội dung liên quan đến dự án; hướng dẫn thủ tục và phối hợp với các ban quản lý dự án để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án.

Tích cực, chủ động tham gia các khóa đào tạo về nâng cao năng lực thực hiện và quản lý dự án ở các cấp. Chú trọng đào tạo các kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ lẫn kỹ năng hợp tác quốc tế và ngoại ngữ, đặc biệt năng lực chuẩn bị chương trình, dự án.

Hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý cấp tỉnh theo hướng tăng cường chức năng đầu mối, điều phối; nâng cao tính chủ động, vai trò kiểm tra, giám sát, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy này nhằm đảm bảo công tác vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi được tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, bền vững; đảm bảo sự thống nhất, toàn diện, theo định hướng, có hiệu quả.

4. Năng lực của các ban quản lý dự án (BQLDA) ODA

Rà soát, kiện toàn, có thể sát nhập các BQLDA thực hiện kém hiệu quả để tạo thành một số BQLDA có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu và có tính chuyên nghiệp trong quản lý các dự án ODA của tỉnh. Ủy quyền cho BQLDA chịu trách nhiệm về một số hạng mục công việc của dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Nâng cao chất lượng, năng lực và trình độ cán bộ của các BQLDA ODA. Củng cố và kiện toàn cơ cấu tổ chức và bộ máy của BQLDA để đáp ứng các yêu cầu công việc trong các giai đoạn của dự án. Thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về các nghiệp vụ quản lý dự án.

5. Công tác theo dõi, giám sát và đánh giá

Tăng cường công tác theo dõi, giám sát và đánh giá thông qua việc hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý và dữ liệu về tình hình thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ở các cấp quản lý và các BQLDA theo quy định.

Nâng cao năng lực cán bộ, xây dựng và áp dụng các chế tài nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định của pháp luật về theo dõi, giám sát và đánh giá việc quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Tăng cường công tác theo dõi và giám sát cộng đồng thông qua việc hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, góp phần vào việc đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, phòng chống thất thoát, lãng phí và tham nhũng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Quán triệt và lồng ghép nội dung vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai, thông tin nội dung kế hoạch đến các đơn vị, địa phương, các cấp, các ngành thuộc tỉnh, các tổ chức khác có liên quan bằng các hình thức thích hợp và hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Các cơ quan chức năng quản lý nhà nước và các đơn vị thụ hưởng quán triệt tinh thần, các nguyên tắc, định hướng vận động và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi của kế hoạch để xây dựng các chương trình, dự án vận động; lồng ghép với thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương, đồng thời căn cứ vào kế hoạch này tiến hành công tác vận động.

2. Phối hợp với các nhà tài trợ

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, các cơ quan và địa phương trong phạm vi chức năng của mình giới thiệu với các nhà tài trợ và các cơ quan, tổ chức có liên quan về nội dung của Kế hoạch, nâng cao sự chủ động, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan và hợp tác với các nhà tài trợ trong quá trình vận động, chuẩn bị và thực hiện các dự án cụ thể theo những định hướng của kế hoạch này.

3. Theo dõi, báo cáo và cập nhật Đề án

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan theo dõi tình hình thực hiện, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh 6 tháng và hàng năm; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan cập nhật bổ sung phù hợp với tình hình thực tế./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng

 

DANH MỤC

CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN THU HÚT VỐN ODA VÀ VAY ƯU ĐÃI GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Kế hoạch số 312 /KH-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Chương trình, dự án

Nhà Tài trợ (dự kiến)

Địa điểm

Mô tả

Tổng vốn

Vốn ODA và vay ưu đãi

Vốn đối ứng

Ghi chú

1

2

3

4

5

6 = 7+8

7

8

9

 

Tổng

 

 

 

21.334.758

17.259.095

4.075.663

 

A

Hạ Tầng kinh tế - xã hội

 

 

 

9.808.463

7.553.302

2.255.161

 

A1

Hạ tầng kinh tế

 

 

 

7.818.627

6.085.466

1.733.161

 

I

Giao thông

 

 

 

3.674.172

2.717.783

956.389

 

1

Dự án Xây dựng cầu 13 tuyến Nam Vịnh Tre.

 

Tri Tôn, Tịnh Biên.

Xây dựng cầu chính, cầu dẫn và cầu nhỏ chợ 13, với chiều dài phần cầu cầu chính là 368,7 m. Nhằm tăng cường khả năng thông xe qua cầu, làm giảm chi phí vận chuyển hàng hoá, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đường thuỷ.

149.690

131.300

18.390

 

2

Dự án Nâng cấp đường tỉnh 947

 

Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn

Nâng cấp 35 km đường đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, mặt đường rộng 7m, nền đường rộng 9m, mặt đường láng nhựa.

Xây dựng 24 cây cầu (tổng chiều dài dự kiến là 1.000m) bê tông cốt thép đảm bảo tải trọng thiết kế HL.93, chiều rộng cầu dự kiến là 10m.

918.995

698.502

220.493

 

3

Dự án Nâng cấp đường tỉnh 949

 

Tri Tôn, Tịnh Biên

Nâng cấp 22 km đường đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, mặt đường rộng 7m, nền đường rộng 12m, mặt đường láng nhựa.

Xây dựng 22 cống hộp bê tông cốt thép đảm bảo tải trọng thiết kế HL.93, khẩu độ cống từ 2m đến 4m.

726.293

552.024

174.269

 

4

Dự án Nâng cấp đường tỉnh 952

 

Tân Châu

Xây dựng phần cầu và phần cống nhằm giảm tải lưu lượng xe trên Quốc lộ 91, đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn. Phát triển kinh tế, văn hoá trong tỉnh An Giang và các tỉnh lân cận, phát triển mua bán quốc tế qua cửa khẩu Vĩnh Xương (giáp với Campuchia).

479.230

376.420

102.810

 

5

Dự án Nâng cấp đường tỉnh 954

 

Tân Châu, Phú Tân

Xây dựng phần đường 45,65 km cấp IV đồng bằng và phần cống thoát nước nhằm giảm tải lưu lượng xe trên Quốc lộ 91, đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn.

- Phát triển kinh tế, văn hoá các huyện Chợ Mới, Phú Tân, thị xã Tân Châu, phát triển mua bán quốc tế qua cửa khẩu Vĩnh Xương (giáp với Campuchia).

994.830

743.890

250.940

 

6

Dự án Cải tạo kênh Vĩnh Tế

 

Châu Đốc, Tri Tôn

Cải tạo kênh thành kênh cấp III; Tăng cường khả năng vận chuyển hàng hoá từ trong vùng nội địa ra Vịnh Thái Lan và ngược lại; Xả lũ, bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho khu vực Tứ giác Long Xuyên, Ổn định đời sống cho các hộ sống ven kênh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

405.134

215.647

189.487

 

II

Phát triển đô thị

 

 

 

1.252.185

962.385

289.800

 

1

Chống ngập và nâng cấp đô thị thành phố Châu Đốc thích ứng biến đổi khí hậu

 

Châu Đốc

Xây dựng kè bảo vệ bờ sông hậu dài 3.346 m; kè bảo vệ bờ sông Châu Đốc dài 2.160, hệ thống chiếu sáng, thoát nước và cầu Vĩnh ngươn (bắc qua sông Vĩnh Tế) dài 165,2 m.

1.252.185

962.385

289.800

 

III

Cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải

 

 

 

2.649.270

2.172.448

476.822

 

1

Hệ thống cấp nước Bình Đức tỉnh An Giang

 

Long Xuyên

Xây dựng hệ thống xử lý nước cấp công suất 36.000 m3/ngày. Mở rộng đường ống, cải tạo vả nâng cấp tuyến ống hiện hữu.

540.000

432.000

108.000

 

2

Mở rộng và nâng công suất hệ thống cấp nước thị trấn Chợ Mới

 

Chợ Mới

Xây dựng hệ thống xử lý nước cấp công suất 10.000 m3/ngày. Mở rộng đường ống, cải tạo vả nâng cấp tuyến ống hiện hữu.

150.000

120.000

30.000

 

3

Mở rộng và nâng công suất hệ thống cấp nước thị trấn Nhà Bàng

 

Tịnh Biên

Xây dựng hệ thống xử lý nước cấp công suất 7.000 m3/ngày. Mở rộng đường ống, cải tạo vả nâng cấp tuyến ống hiện hữu.

72.000

60.000

12.000

 

4

Mở rộng và nâng công suất hệ thống cấp nước thị trấn Núi Sập

 

Thoại Sơn

Xây dựng hệ thống xử lý nước cấp công suất 7.000 m3/ngày. Mở rộng đường ống, cải tạo vả nâng cấp tuyến ống hiện hữu.

75.000

60.000

15.000

 

5

Mở rộng và nâng công suất hệ thống cấp nước thị trấn Tri Tôn

 

Tri Tôn

Xây dựng hệ thống xử lý nước cấp công suất 7.000 m3/ngày. Mở rộng đường ống, cải tạo vả nâng cấp tuyến ống hiện hữu.

163.988

131.164

32.824

 

6

Mở rộng và nâng công suất hệ thống cấp nước thị trấn Phú Mỹ

 

Phú Tân

Xây dựng hệ thống xử lý nước cấp công suất 10.000 m3/ngày. Mở rộng đường ống, cải tạo vả nâng cấp tuyến ống hiện hữu.

188.482

152.482

36.000

 

7

Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải và hạ tầng đấu nối, thị xã Tân Châu.

Hàn Quốc

Tân Châu

Xây dựng 02 hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải

820.910

656.728

164.182

 

8

Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải Phú Mỹ

 

Phú Tân

2.000 m3/ngày

181.503

145.551

35.952

 

9

Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải Tịnh Biên

 

Tịnh Biên

6.000 m3/ngày

300.853

289.321

11.532

 

10

Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải Tri Tôn

 

Tri Tôn

4.500m3/ngày

156.534

125.202

31.332

 

IV

Hạ tầng Du lịch

 

 

 

180.000

180.000

 

 

1

Phát triển cơ sở hạ tầng gắn cải thiện môi trường khu du lịch Núi Cấm

 

Tịnh Biên

 

67.500

67.500

 

 

2

Phát triển cơ sở hạ tầng gắn với cải thiện môi trường thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc

 

Long Xuyên; Châu Đốc

 

67.500

67.500

 

3

Xây dựng cầu tàu đón khách du lịch tại thành phố Long Xuyên

 

Long Xuyên

 

45.000

45.000

 

V

Bưu chính – Viễn thông

 

 

 

63.000

52.850

10.150

 

1

Trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện thông tin về nông thôn

 

 

Đầu tư trang thiết bị tin học và đường dây internet nhằm phổ cập thông tin đến người dân vùng nông thôn và cán bộ hội phụ nữ cấp huyện và cấp xã.

21.000

17.850

3.150

 

2

Nâng cấp, mở rộng trang thiết bị và tích hợp hệ thống CCSDL chuyên ngành

 

 

Đầu tư hệ thống trang thiết bị tin học đảm bảo lưu trữ an toàn CSDL tích hợp, xây dựng phần mềm khai thác CSDL tích hợp.

42.000

35.000

7.000

 

A2

Hạ tầng xã hội

 

 

 

1.989.836

1.467.836

522.000

 

1

Dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật y tế An Giang (gồm trang thiết bị cho 2 bệnh viện: Đa khoa trung tâm An Giang và Sản – Nhi An Giang).

Ba Lan (hoặc Áo)

Long Xuyên

Đầu tư trang thiết bị cho 02 bệnh viện thiết bị hiện đại, đồng bộ giupa1 điều trị và chẩn đoán bệnh kịp thời cho người dân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng, giảm các chi phí do phải chuyển lên các bệnh viện TP.HCM

609.836

609.836

 

 

2

Dự án Xây dựng bệnh viện Tim mạch chuyên khoa hạng I cấp vùng

Jica

Long Xuyên

Quy mô 600 giường và các công trình phụ trợ kèm theo, trang thiết bị phục vụ khám và điều trị đồng bộ.

1.380.000

858.000

522.000

Vốn đối ứng (bao gồm vốn TPCP 462 tỷ đồng và đối ứng NS tỉnh 60 tỷ đồng)

B

Bảo vệ môi trường, ứng phó Biến đổi khí hậu và thực hiện tăng trưởng xanh

 

 

 

5.367.277

4.687.509

679.768

 

1

Dự án hỗ trợ giảm thiểu tác động của Biến đổi khí hậu tỉnh AG.

WB

AG

 

1.100.000

1.000.000

100.000

 

2

Quản lý nước và tái trồng rừng tràm trên đất ngập nước.

 

Tri Tôn, Tịnh Biên

80 ha

251.432

220.224

31.208

 

3

Hệ thống thủy lợi vùng cao thích ứng biến đổi khí hậu nhằm phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho đồng bào vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang

 

Tri Tôn, Tịnh Biên

 

1.430.001

1.099.345

330.656

Vốn đối ứng: vốn chủ sở hữu

4

Nâng cao sinh kế cộng đồng sản xuất lúa tỉnh An Giang trong điều kiện biến đồi khí hậu.

 

 

 

836.500

669.200

167.300

 

5

Mô hình nhà máy điện trấu 1MW đến 3MW cho các doanh nghiệp chế biến lúa gạo vừa và nhỏ tại một số huyện trên địa bàn tỉnh An Giang.

Thụy Điển

Long Xuyên, Châu phú, Chợ Mới, Tân Châu, Thoại Sơn.

Xây dựng hai nhà máy công suất 1MW tại thành phố Long Xuyên và huyện Châu Phú, 01 nhà máy công suất 2MW tại Chợ Mới và 2 nhà máy công suất 3MW tại thị xã Tân Châu và Thoại Sơn

538.944

512.000

26.944

Vốn đối ứng: vốn chủ sở hữu.

6

Xây dựng 5 trạm quan trắc tự động.

Hà Lan

 

 

36.400

12.740

23.660

 

7

Đánh giá và dự báo tác động của việc xây đập thủy điện khu vực thượng nguồn sông Mê Kông đến đa dạng sinh học tại sông Tiền và sông Hậu khu vực An Giang, đề xuất giải pháp ứng phó.

 

 

 

4.000

4.000

 

 

8

Điều tra, khảo sát phân vùng sạt lở tỉnh An Giang kết hợp tái định cư các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở bờ sông.

 

 

 

110.000

110.000

 

9

Bảo tồn phục hồi rừng, đất ngập nước và đa dạng sinh học toàn tỉnh An Giang.

 

 

 

1.060.000

1.060.000

 

C

Phát triển nông nghiệp, nông thôn

 

 

 

4.493.645

3.376.516

1.117.129

 

1

Tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long

WB

An Phú

 

650.376

513.042

137.334

 

2

Nâng cao khả năng thoát lũ và thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng tứ giác Long Xuyên

WB

Tri Tôn, Tịnh Biên

 

943.269

688.474

254.795

 

3

Cơ sở hạ tầng tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng tứ giác Long Xuyên

 

 

 

2.9000.000

2.175.000

725.000

 

D

Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, các lĩnh vực xã hội khác.

 

 

 

1.665.373

1.641.768

23.605

 

1

Đại học An Giang_Chương trình Chính sách phát triển giáo dục đại học

WB

Long Xuyên

 

1.461.279

1.461.279

 

 

2

Đầu tư trang thiết bị thí nghiệm Trường Đại học An Giang.

WB

 

Trang thiết bị cho 45 phòng thí nghiệm phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

101.970

92.700

9.270

 

3

Đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm của Trung tâm Công nghệ sinh học.

 

 

Đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm cho Trung tâm nhằm đáp ứng tốt nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao, các dịch vụ kỹ thuật thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học theo yêu cầu.

16.113

16.113

 

 

4

Chương trình đào tạo nghề 2016-2020

Đức

 

Trang thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại cho lĩnh vực nghề Công nghệ Ô tô để tổ chức đào tạo theo định hướng nhu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp. Lực lượng lao động có kỹ năng nghề lĩnh vực được đầu tư từ dự án tăng thêm 20% vào năm 2020

86.011

71.676

14.335

 

 

 


[1] IDA: Hiệp hội phát triển Quốc tế của ngân hàng thế giới (WB)

[2] ADF: Quỹ Phát triển Châu Á của ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)

[3] IBRD: Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế của ngân hàng thế giới (WB)

[4] OCR: Nguồn lực vốn thông thường của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)