Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3123/KH-UBND

Kon Tum, ngày 01 tháng 12 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN THỰC HIỆN “THỎA THUẬN GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CHDCND LÀO VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ NGƯỜI DI CƯ TỰ DO, KẾT HÔN KHÔNG GIÁ THÚ TRONG VÙNG BIÊN GIỚI HAI NƯỚC” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Quyết định số 2627/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thực hiện “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước” (sau đây gọi tắt là Đề án); Quyết định số 1662/QĐ-BTP ngày 15/7/2014 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án; Văn bản số 1255/BNG-UBBG ngày 18/4/2014 và Văn bản số 1519/BNG-UBBG ngày 12/5/2014 của Bộ Ngoại giao về việc triển khai kết quả cuộc họp vòng I Đoàn Chuyên viên liên hợp thực hiện Thỏa thuận giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Ngoại vụ tại Công văn số 607/SNgV-PNV ngày 14/11/2014; đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 169/TTr-STP ngày 12/8/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm giải quyết tốt vấn đề người dân di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước Việt Nam - Lào; hoàn thành các mục tiêu Đề án thực hiện "Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước" trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

2. Yêu cầu

Các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác phối hợp, triển khai tốt các nội dung của Kế hoạch; từng địa phương, đơn vị cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện Đề án nhằm đảm bảo tiến độ, lộ trình thực hiện Thỏa thuận.

II. NỘI DUNG

1. Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho đảng viên, cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước

- Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho đảng viên, cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trong vùng biên giới Việt Nam - Lào về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các Hiệp định, Thỏa thuận song phương về biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn, nghĩa vụ của đội ngũ cán bộ cơ sở trực tiếp thực hiện Thỏa thuận.

*Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp và các ngành, địa phương liên quan xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện. Thời gian thực hiện từ tháng 11/2014 đến tháng 12/2015.

2. Thống nhất nội dung và tổ chức khảo sát, điều tra, thống kê phân loại dân di cư tự do và kết hôn không giá thú trên địa bàn biên giới giữa tỉnh Kon Tum (Việt Nam) và hai tỉnh Attapư, Sê Kông (Lào)

- Tổ chức mời Đoàn công tác của Ủy ban chính quyền hai tỉnh Attapư và Sê Kông (Lào) sang làm việc, ký kết Biên bản ghi nhớ thống nhất nội dung Kế hoạch, lộ trình triển khai song phương thực hiện Đề án.

* Đồng chí Nguyễn Đức Tuy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Tổ chuyên viên liên hợp thực hiện Thỏa thuận tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tham mưu triển khai thực hiện. Hoàn thành trong tháng 12/2014.

- Tổ chức khảo sát, điều tra, thống kê, phân loại và lập danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước trên địa bàn 02 huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei (Danh sách những người được phép cư trú; những người không được phép cư trú, phải trở về nước; những người kết hôn không giá thú đến từ các tỉnh Attapư, Sê Kông của nước CHDCND Lào), trên cơ sở đó tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội đàm với chính quyền hai tỉnh Attapư và Sê Kông (Lào) để thống nhất kết quả khảo sát, điều tra, thống kê phân loại dân di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước.

* Tổ chuyên viên liên hợp thực hiện thỏa thuận của tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện. Thời gian thực hiện từ cuối tháng 11/2014 đến tháng 4/2015.

- Báo cáo Đoàn chuyên viên liên hợp thực hiện Thỏa thuận, Trưởng đoàn đại biểu biên giới hai nước xem xét, phê duyệt danh sách những người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước đã được UBND tỉnh Kon Tum (Việt Nam) và Chính quyền hai tỉnh Attapư, Sê Kông (Lào) thống nhất; đồng thời xây dựng Kế hoạch, lộ trình trao, nhận, giải quyết vấn đề người di cư tự do trở về Nước gốc theo quy định của Thỏa thuận.

* Tổ chuyên viên liên hợp thực hiện Thỏa thuận tỉnh tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện. Thời gian thực hiện từ tháng 4/2015 đến tháng 7/2015.

3. Phối hợp tiếp nhận, trao trả dân di cư tự do, kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới hai nước Việt Nam - Lào hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh

- Phối hợp với Chính quyền hai tỉnh Attapư, Sê Kông (Lào) và các Bộ, ngành Trung ương có liên quan tiến hành tiếp nhận, trao trả những người di cư tự do, kết hôn không giá thú thuộc diện phải trở về Nước gốc theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

* Tổ chuyên viên liên hợp thực hiện Thỏa thuận tỉnh tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện. Thời gian thực hiện từ tháng 9/2015 đến tháng 12/2015.

4. Giải quyết các vấn đề liên quan đến Quốc tịch, Hộ tịch và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người di cư tự do, kết hôn không giá thú

- Giải quyết việc nhập Quốc tịch Việt Nam; cấp giấy xác nhận có Quốc tịch Việt Nam; Đăng ký hộ tịch cho người di cư tự do và kết hôn không giá thú đủ điều kiện và có nguyện vọng sinh sống tại Việt Nam trong khu vực biên giới Việt Nam - Lào.

* Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đắk Glei, Ngọc Hồi và các cơ quan có liên quan tham mưu triển khai thực hiện. Thời gian thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Bố trí nơi định canh, định cư, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người trở về tái hòa nhập cộng đồng nơi cư trú; hướng dẫn những người di cư tự do phải trở về nước gốc và những người được phép cư trú hoàn tất hồ sơ để được cấp các giấy tờ về quốc tịch, hộ tịch, đăng ký kết hôn và các giấy tờ cần thiết khác trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.

* Tổ chuyên viên liên hợp thực hiện Thỏa thuận tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện. Thời gian thực hiện từ tháng 12/2015 đến tháng 10/2016.

5. Tổ chức sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Kế hoạch

Tổ chuyên viên liên hợp thực hiện Thỏa thuận tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh tiến hành sơ kết vào Quý III năm 2015 và tổng kết Quý IV năm 2016 để đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất biện pháp giải quyết với các Bộ, ngành liên quan, hướng dẫn xử lý, giải quyết.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Ngoại vụ

- Là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với Tổ chuyên viên liên hợp thực hiện Thỏa thuận của tỉnh và các ngành, địa phương liên quan tham mưu tổ chức thực hiện Đề án; đồng thời kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nội dung của Kế hoạch, kịp thời đề xuất biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện. Thông tin liên hệ với nước CHDCND Lào để trao đổi, thảo luận, giải quyết các công việc liên quan.

- Lập và tổng hợp dự toán kinh phí liên quan đến thực hiện Kế hoạch; phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí thực hiện và chịu trách nhiệm thanh quyết toán theo quy định hiện hành.

2. Sở Tư pháp tỉnh

- Phối hợp với Sở Ngoại vụ và các ngành liên quan nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện đơn giản hóa điều kiện, trình tự, thủ tục liên quan đến nhập quốc tịch, xác nhận có quốc tịch, đăng ký hộ tịch và cấp các giấy tờ cần thiết khác trên cơ sở quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương cho người di cư tự do và kết hôn không giá thú được phép cư trú ở Việt Nam và những người do nước CHDCND Lào trao trả được ta đồng ý tiếp nhận.

- Tham mưu cấp thẩm quyền ký kết thỏa thuận với tỉnh Sê Kông và Attapư, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về hợp tác tư pháp; thực hiện giải quyết vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch cho những người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới Việt Nam - Lào.

- Phối hợp với các đơn vị chức năng tham gia xây dựng các Văn bản hướng dẫn việc đơn giản hóa điều kiện, trình tự thủ tục nhập Quốc tịch Việt Nam, đăng ký hộ tịch theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.

- Xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành, công bố các thủ tục hành chính về lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch thuộc thẩm quyền trong thực hiện Thỏa thuận; giải quyết các vấn đề liên quan đến nhập quốc tịch, cấp giấy xác nhận có quốc tịch, đăng ký hộ tịch cho những người di cư tự do và kết hôn không giá thú đủ điều kiện và có nguyện vọng sinh sống tại Việt Nam trong khu vực biên giới Việt Nam - Lào.

3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Ngoại vụ hướng dẫn các đơn vị, địa phương liên quan sử dụng kinh phí và quyết toán theo quy định hiện hành.

4. Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Tham mưu, có giải pháp tạo việc làm, hỗ trợ người di cư tự do sang Lào trước ngày Thỏa thuận có hiệu lực do phía Lào trao trả để họ yên tâm làm ăn, sinh sống, tái hòa nhập vào xã hội và cộng đồng địa phương nơi cư trú.

5. Công an tỉnh

- Theo dõi, nắm bắt tình hình và triển khai các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có hành vi tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo người dân hai bên biên giới di cư tự do, vượt biên trái phép; xây dựng kế hoạch hợp tác với Công an các tỉnh giáp biên của nước bạn Lào trong đấu tranh phòng chống tội phạm nêu trên.

- Phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện tốt quy trình, thủ tục xác minh, trao, nhận và nhanh chóng tiến hành việc xác minh những người không được cư trú do phía Lào trao trả.

- Thực hiện việc đăng ký cư trú, cấp chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu và các giấy tờ cần thiết khác cho những người được cư trú theo quy định của Thỏa thuận.

6. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh

- Phối hợp với các lực lượng bảo vệ biên giới của phía bạn Lào thực hiện nghiêm Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới giữa hai nước; thực hiện tốt trong công tác trao trả, tiếp nhận dân di cư tự do tại cửa khẩu biên giới theo quy định của Thỏa thuận.

- Tuyên truyền, vận động nhân dân trong khu vực biên giới thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giải quyết dân di cư tự do; chủ động nắm tình hình, đấu tranh có hiệu quả với lực lượng phản động, các phần tử xấu lôi kéo, kích động người dân gây mất an ninh, trật tự trên khu vực biên giới.

- Chỉ đạo các Đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn hai huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei phối hợp chính quyền địa phương trong việc thực hiện thống kê, phân loại đối tượng dân di cư tự do và kết hôn không giá thú khu vực biên giới; phối hợp Tổ chuyên viên liên hợp thực hiện Thỏa thuận tỉnh tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch.

7. Ban Dân tộc tỉnh: Phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn và vận động đồng bào dân tộc sinh sống trong khu vực biên giới thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và Thỏa thuận song phương về giải quyết dân di cư tự do giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về dân tộc và các chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần vào việc phòng chống tái di cư tự do và di cư tự do mới.

8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tham mưu việc bố trí đất ở, đất sản xuất, cung cấp nước sạch... cho người di cư tự do phía Lào trao trả và được chính quyền địa phương tiếp nhận để họ yên tâm làm ăn, sinh sống, tái hòa nhập vào xã hội và cộng đồng địa phương nơi cư trú.

9. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biên giới Việt Nam - Lào trên địa bàn tỉnh (điện, đường, trường, trạm y tế, nước sạch...). Có chính sách kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào vùng biên giới theo quy định của pháp luật.

10. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch:

Hướng dẫn cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn, các đơn vị trực thuộc tổ chức tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các Hiệp định, Thỏa thuận song phương về biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào.

11. Ủy ban nhân dân các huyện: Ngọc Hồi, Đăk Glei

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư cho các đối tượng dân di cư tự do, kết hôn không giá thú do phía Lào trao trả và các đối tượng được phép cư trú nhưng chưa có đất ở, đất sản xuất nhằm giúp họ ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng.

- Chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân hiểu, nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giải quyết vấn đề dân di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới trên địa bàn.

- Sớm hoàn thành việc giao đất, giao và khoán bảo vệ rừng theo quy định; ưu tiên tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới, đề xuất biện pháp phát triển hợp tác kinh tế - xã hội với các huyện biên giới các tỉnh của nước bạn Lào.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã biên giới, phối hợp đơn vị liên quan rà soát, thống kê, phân loại đối tượng dân di cư tự do và kết hôn không giá thú khu vực biên giới; phối hợp, tạo điều kiện cho Tổ chuyên viên liên hợp thực hiện Thỏa thuận tỉnh tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch.

Các sở, ban, ngành, địa phương liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này khẩn trương cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch của đơn vị mình để triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có những phát sinh, vướng mắc kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Ngoại vụ) để có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban BGQG, Bộ Ngoại giao;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng: Đoàn ĐBQH; HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Công an tỉnh;
- Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Đài PT - TH tỉnh; Báo Kon Tum;
- Cổng TTĐT Kon Tum;
- Lưu: VT, TH5, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Đức Tuy