Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3128/KH-UBND

Gia Lai, ngày 10 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC GIAI ĐOẠN 2023-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Thực hiện Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công văn số 3222/BNN-TL ngày 19/5/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023; để chủ động ứng phó với tác động của hiện tượng El Nino và tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu hụt nguồn nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Chủ động nắm bắt, dự báo tình hình thời tiết để triển khai kịp thời các phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; đảm bảo nguồn nước, lương thực phục vụ dân sinh, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; huy động kịp thời và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phục vụ công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo khả năng cung cấp nước phục vụ sản xuất và dân sinh năm 2023, tích trữ nước cho giai đoạn 2024-2025.

- Tập trung ứng dụng đồng bộ các giải pháp cấp bách để ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước; tổ chức sản xuất theo hướng chủ động, bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao chất lượng và giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

2. Yêu cầu

- Các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan căn cứ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, nguồn nước để kịp thời triển khai giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phù hợp.

- Sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, trong đó ưu tiên nguồn nước hiện có cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản và các ngành sản xuất trọng yếu khác. Hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra; chủ động các biện pháp tiết kiệm nước, chống hạn ngay từ đầu mùa vụ.

- Nhà nước và Nhân dân cùng tham gia ứng phó với hạn hán, thiếu nước, huy động tối đa các nguồn lực hiện có của địa phương, đơn vị để cùng phối hợp thực hiện.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Giải pháp trước mắt: (Vụ Mùa năm 2023 và vụ Đông Xuân 2023-2024)

Triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 397/CT-TTg ngày 13/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước; Công văn số 3222/BNN- TL ngày 19/5/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 26/5/2023 của UBND tỉnh về triển khai các giải pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai; đồng thời cần triển khai ngay các giải pháp chống hạn như sau:

- Tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời theo kế hoạch đồng thời phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi với các tổ chức, cá nhân, hộ dùng nước và bám sát lịch thời vụ gieo trồng, nhu cầu dùng nước của cây trồng.

- Triển khai thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình cấp nước đang bị xuống cấp để đảm bảo cấp nước phục vụ người dân; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình cấp nước để kịp thời phục vụ dân sinh trong mùa khô hạn.

- Thực hiện các giải pháp nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước từ hệ thống sông, suối, dung tích nước chết trong hồ chứa.

2. Nhóm giải pháp cần triển khai thường xuyên từ năm 2023 - 2025

2.1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hạn hán, thiếu nước

- Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại cũng như công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước về các giải pháp tưới tiên tiến, khoa học, tiết kiệm nước; các mô hình chuyển đổi sang các hình thức sản xuất ít sử dụng nước; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong phòng ngừa và ứng phó với hạn hán, thiếu nước.

- Tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, tận dụng tối đa nguồn nước hiện có. Khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý làm bờ cản trên kênh, tháo nước tràn lan gây thất thoát, thiếu nước khu vực cuối kênh.

2.2. Nhóm các giải pháp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành a) Đối với công tác thủy lợi

- Tổ chức ra quân làm thuỷ lợi, khơi thông dòng chảy, tu sửa, nạo vét kênh mương, các cửa dẫn nước đảm bảo chuyển nước tốt nhất, duy tu bảo dưỡng tốt các trạm bơm để sẵn sàng bơm tưới, chuẩn bị các loại máy bơm dự phòng để sẵn sàng bơm hỗ trợ.

- Áp dụng biện pháp tưới luân phiên ngay từ đầu vụ, tận dụng các nguồn nước hồi quy ở các trục tiêu, ao hồ, sông suối để bơm tát phục vụ làm đất, gieo sạ, tích trữ nguồn nước ở các hồ chứa để phục vụ tưới khi cần thiết. Chủ động be bờ giữ nước trong ruộng trước lúc vào vụ sản xuất, tích nước ở các bàu, ao, đầm, chủ động khoanh vùng đặt máy bơm dã chiến hỗ trợ khi cần thiết.

- Tăng cường kiểm tra để đảm bảo an toàn tuyệt đối các hồ chứa, sửa chữa các cửa cống, cửa tràn đảm bảo kín nước để tiết kiệm nước phục vụ sản xuất; nạo vét các hồ chứa nhằm tăng dung tích trữ của hồ chứa trong mùa mưa lũ.

- Tập trung nạo vét các trục tiêu, kênh dẫn vào trạm bơm, khơi thông các cửa lấy nước, kênh dẫn trạm bơm đảm bảo dẫn nước thông suốt; sửa chữa, nâng cấp các tuyến kênh bị hư hỏng, xuống cấp, gây lãng phí nước, để tiết kiệm nước tưới phục vụ chống hạn.

- Đối với các hệ thống thuỷ lợi nhỏ, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các đơn vị quản lý lập kế hoạch dùng nước tiết kiệm nhất, thường xuyên kiểm tra nguồn nước để kịp thời chỉ đạo điều hành chống hạn.

- Những vùng có nguồn nước ao, hồ, sông, suối tự nhiên nghiên cứu lắp đặt thêm các trạm bơm giả chiến để bơm tưới chống hạn trước mắt và lâu dài.

b) Đối với nước sinh hoạt nông thôn

- Đối với những địa bàn có công trình cấp nước hệ bơm dẫn sử dụng nguồn cấp là nước ngầm: Thổi rửa các giếng khoan hiện có; nghiên cứu các nguồn nước dự phòng, bổ sung (nhất là các nguồn nước mặt) cho các trạm cấp nước để tăng khả năng khai thác đảm bảo nguồn nước cung cấp cho các trạm cấp nước và điểm cấp nước tập trung.

- Đối với những địa bàn có công trình cấp nước hệ bơm dẫn sử dụng nguồn cấp là nước mặt: Theo dõi, thường xuyên cập nhật nguồn nước và chất lượng nước tại các sông, suối để chủ động việc lấy nước cung cấp cho các trạm cấp nước.

- Đối với những địa bàn đã có công trình cấp nước loại hình tự chảy: Tập trung làm vệ sinh nguồn nước phía thượng lưu, nạo vét bùn đất trước đập ngăn, bể lọc chậm để tăng lưu lượng cấp, nếu cần thiết thì thay thế, cấp phối lại vật liệu lọc. Bên cạnh đó cần kiểm tra, sửa chữa, thay thế các đoạn tuyến ống dẫn nước (nếu hư hỏng), van, vòi tại các bể phân phối để giảm tỷ lệ thất thoát nước.

- Đối với các địa bàn có công trình cấp nước nhỏ lẻ như giếng đào, giếng khoan: Làm vệ sinh giếng đào, giếng khoan; nạo vét và đào sâu thêm để tranh thủ nguồn nước. Khoan và đào thêm giếng mới tại các khu vực dân cư chưa tiếp cận được với công trình cấp nước.

- Rà soát, thống kê các hộ dân ở phân tán thuộc các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực chưa có công trình cấp nước, đầu tư hỗ trợ cấp nước nhỏ lẻ bằng bồn nhựa 3m3 - 5m3 chứa nước và hóa chất xử lý nước khẩn cấp (PAC) cho các hộ dân ở phân tán, những vùng khó khăn về nước sạch mà nguồn nước mặt có thể sử dụng được.

c) Đối với trồng trọt và bảo vệ thực vật

- Trên cơ sở nhận định thời tiết của từng vụ, từng năm và hiện trạng nguồn nước để xác định diện tích sản xuất, lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng linh hoạt phù hợp với khả năng nguồn nước tưới; sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn và cực ngắn, giống chịu hạn để sản xuất.

- Đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích; tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, cánh đồng lớn để gieo trồng vào cùng thời điểm, cùng một cánh đồng để tiết kiệm nước.

- Phối hợp với các địa phương tập trung rà soát diện tích cây trồng cần chuyển đổi để xây dựng Kế hoạch chuyển đổi cây trồng hàng năm, vụ.

- Đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các giải pháp tiết kiệm nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; canh tác thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… cho nông dân biết và áp dụng nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, .

d) Đối với lâm nghiệp: Thực hiện có hiệu quả các biện pháp công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; củng cố Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững ở các địa phương, tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ các nguồn lửa ở trong rừng và ven rừng; có nội quy, biển báo, biển cấm lửa bố trí tại các vị trí phù hợp; có giải pháp phòng, chống cháy lan. Xây dựng và tổ chức diễn tập các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện thường trực và phương án chữa cháy rừng, đáp ứng yêu cầu chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ.

e) Đối với chăn nuôi

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để từng cơ sở chăn nuôi chủ động triển khai các biện pháp phù hợp; thường xuyên kiểm tra hệ thống cung cấp nước phục vụ nhu cầu cho vật nuôi như: Nước máy, giếng khoan, giếng đào, ao hồ, bồn chứa nước,... để kịp thời sửa chữa, khắc phục nhằm đảm bảo đủ nước sạch, mát, dễ dàng cho vật nuôi tiếp cận kể cả trong trường hợp ao hồ khô cạn; có kế hoạch dự trữ nước ngọt nhằm đảm bảo nguồn nước cho sản xuất chăn nuôi trong các tháng mùa khô, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, chống thất thoát, lãng phí nước

- Hướng dẫn người chăn nuôi theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch chăn nuôi phù hợp, có biện pháp chăm sóc chu đáo đàn vật nuôi hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, các quy trình tiết kiệm nước, cải tạo, sửa chữa chuồng trại để chống nắng, chống nóng nhằm giảm nhu cầu sử dụng nước của vật nuôi, nếu có điều kiện nên bố trí hệ thống làm mát chuồng nuôi trong thời điểm nắng nóng.

- Lắp đặt thêm các hệ thống giếng khoan để chủ động nguồn nước, nạo vét hệ thống kênh mương thủy lợi để chủ động dẫn nước đến khu vực chăn nuôi. Bố trí, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước phục vụ chăn nuôi. Đối với các khu vực trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc cần chủ động xây dựng hệ thống dẫn nước, khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới, tránh lãng phí nước.

f) Đối với thủy sản

- Rà soát nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước đến các vùng nuôi trồng thuỷ sản, bố trí mùa vụ sản xuất phù hợp với từng đối tượng nuôi, vùng sinh thái. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

- Hướng dẫn người nuôi tuân thủ khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về khung lịch thời vụ thả giống, biện pháp phòng, chống dịch bệnh và quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; chuẩn bị ao/hồ/bể chứa… để tích trữ và cấp nước vào ao nuôi khi cần; thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo về khí tượng, thủy văn, thông báo về quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh để có giải pháp ứng phó kịp thời; thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trong nuôi trồng thủy sản.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, như: sử dụng chế phẩm sinh học, hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn; tập trung nghiên cứu chọn lọc các loài nuôi có khả năng sinh trưởng, kháng bệnh cao, dễ thích nghi với biến đổi môi trường nuôi; chuyển đổi các diện tích nuôi thường xuyên bị dịch bệnh, kém hiệu quả sang nuôi sinh thái, xen ghép.

- Tiến hành rà soát cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, có kế hoạch bố trí nguồn vốn xây dựng hệ thống kênh, mương thủy lợi, ao, hồ chứa nước tại các vùng nuôi chưa được đầu tư đúng mức; tu sửa, nâng cấp tại các vùng nuôi đã bị hư hỏng, xuống cấp.

III. CÁC KỊCH BẢN HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC

Theo Bản tin số 605/KTHM-09/12h00/DBQG-DBKH ngày 15/9/2023 của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thời hạn Mùa trên phạm vi toàn quốc như sau:

- Dự báo khí tượng thủy văn từ tháng 10 - 12/2023: Tổng lượng mưa khu vực Tây Nguyên: TLM tháng 10/2023 ở mức xấp xỉ TBNN. Tháng 11-12/2023, TLM ở khu vực Tây Nguyên ở mức thấp hơn từ 15-30%, khu vực Nam Bộ ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

- Dự báo khí tượng thủy văn từ tháng 01/2024 - 03/2024:

+ Hiện tượng ENSO: Dự báo hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì trong 3 tháng đầu năm 2024 với xác suất khoảng 85-95% và cường độ có xu hướng giảm dần.

+ Khô hạn: Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng sẽ xảy ra khô hạn kéo dài trong các tháng mùa khô năm 2024.

+ Lượng mưa: Tháng 01-3/2024 phổ biến ít mưa và TLM phổ biến thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ (mưa trái mùa ít có khả năng xảy ra trên khu vực). Dự báo, TLM trong tháng 01-02/2024 trên các khu vực này phổ biến từ 5-15mm, tháng 3/2024 phổ biến từ 15-30mm.

Theo Thông báo và dự báo khí tượng nông nghiệp số tháng 10/2023 của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu dự báo tác động của khí hậu đến sản xuất nông nghiệp từ tháng 10 đến tháng 12/2023 như sau:

- Mùa khô hạn 2023/2024 (mùa đông-xuân) ở Tây Nguyên có khả năng khắc nghiệt hơn mùa khô hạn 2022/2023 và có thể xấp xỉ mùa khô hạn năm 2019/2020.

- Tháng 12/2023: Do thiếu hụt ẩm, hầu hết các khu vực đều không có điều kiện thuận lợi cho phát triển cây trồng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Hạn có thể xảy vào tháng 12 tại các vùng Tây Nguyên.

- Trong tháng 10 và tháng 12/2023, ở khu vực Tây Nguyên điều kiện nhiệt - ẩm thuận lợi cho chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Theo Bản tin số KTHM-05/17h00/GLAI ngày 15/10/2023 của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên Bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa tỉnh Gia Lai như sau:

- Dự báo khí tượng thủy văn từ tháng 11/2023 đến tháng 01/2024:

+ Khí tượng: Tổng lượng mưa từ tháng 11/2023 – 01/2024: Phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

+ Thủy văn và nguồn nước: Trong 02 tháng tới, trên các sông, suối tỉnh Gia Lai có khả năng xuất hiện lũ, ngập lụt tại các vị trí xung yếu dọc sông, suối và tại các vùng trũng thấp, đô thị; trên các suối nhỏ, vùng đất dốc có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất. Các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm này có khả năng gây thiệt hại về người, nhà ở, giáo dục, nông lâm nghiệp, chăn nuôi và các công trình khác; Từ nửa cuối tháng 12, các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm giảm dần cả về số lượng và cường độ.

- Xu thế thời tiết, thủy văn từ tháng 02/2023 đến tháng 4/2024:

+ Khí tượng: Khô hạn: Có khả năng sẽ xảy ra khô hạn diện rộng trong các tháng mùa khô năm 2024.

+ Thủy văn và nguồn nước: Mực nước từ tháng 02 đến tháng 4 mực nước dao động theo xu thế giảm. Trong các tháng mùa khô năm 2024, có khả năng xuất hiện hạn hán diện rộng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh tế xã hội tỉnh Gia Lai. Hiện nay, trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino. Dự báo hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì trong các tháng đầu năm 2024 với xác suất khoảng từ 80 – 90%, nguy cơ cao xảy ra hạn diện rộng trong mùa khô năm 2024.

Trên cơ sở dự báo tình hình, kết hợp với các điều kiện thực tế, tỉnh Gia Lai có thể xảy ra các trường hợp như sau:

1. Kịch bản 1: Tình hình thời tiết không có mưa, lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt từ 25-40% so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ và dung tích các hồ chứa chỉ còn 50%.

2. Kịch bản 2: Tình hình thời tiết không có mưa, lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt từ 40-60% so với TBNN cùng kỳ và dung tích các hồ chứa chỉ còn 30%.

3. Công tác chỉ đạo phòng, chống, ứng phó:

Các Sở, Ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, thiếu nước mùa khô theo kế hoạch, phương án của đơn vị, địa phương và tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

a) Kịch bản 1:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh): Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và địa phương:

+ Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình hạn hán, thiếu nước, thông tin dự báo, cảnh báo, nội dung chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh trong công tác phòng chống, ứng phó với hạn hán, thiếu nước đến các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và địa phương biết, thực hiện.

+ Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

+ Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh Gia Lai:

• Thống nhất phương án vận hành các công trình thủy lợi, đảm bảo linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng nước của các địa phương nhằm phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và hạn chế thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra.

• Thông báo lịch đóng, mở cống để nhân dân biết, chủ động lấy nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

+ Thống kê, đánh giá thiệt hại do hạn hán, thiếu nước và kịp thời hỗ trợ, giúp người dân sớm khắc phục thiệt hại theo quy định.

- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên: Tăng cường thông tin dự báo, cảnh báo để phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống, ứng phó hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh; kịp thời cung cấp thông tin về diễn biến tình hình hạn hán, thiếu nước đến các ngành, địa phương và người dân để biết, chủ động ứng phó.

- Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở thông tin, tuyên truyền tình hình, diễn biến của thời tiết, khí hậu; công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền về phòng chống hạn hán, thiếu nước tại địa phương.

- Báo Gia Lai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: Thường xuyên thông tin, tuyên truyền để dự báo, cảnh báo tình hình thời tiết, công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền về phòng chống hạn hán, thiếu nước tại địa phương; nghiên cứu xây dựng các chuyên trang, chuyên mục hướng dẫn biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, thiếu nước để người dân biết và thực hiện.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh: Phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên để cung cấp cho sản xuất; vận động Nhân dân theo dõi thông tin, diễn biến tình hình hạn hán, thiếu nước để tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước hiệu quả.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố:

+ Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình nguồn nước; các thông tin dự báo, cảnh báo, các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để triển khai các biện pháp ứng phó với hạn hán linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn quản lý, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra.

+ Phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh Gia Lai vận hành các công trình thủy lợi linh hoạt; kịp thời khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin, diễn biến tình hình hạn hán, thiếu nước để tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước hiệu quả.

b) Kịch bản 2: (Mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng như đợt hạn cực đoan năm 2015 – 2016):

Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó như Kịch bản 1 của Kế hoạch này và thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách như sau:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan và địa phương:

+ Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình hạn hán, thiếu nước, thông tin dự báo, cảnh báo, nội dung chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh trong công tác phòng chống, ứng phó với hạn hán, thiếu nước đến các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và địa phương biết, thực hiện.

+ Tham mưu, đề xuất công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do hạn hán, thiếu nước theo đúng quy định.

+ Tăng cường kiểm tra, dự báo tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản để kịp thời phát hiện, khắc phục, không để bùng phát thành dịch trên diện rộng.

+ Thống kê, đánh giá thiệt hại do hạn hán, thiếu nước và tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời hỗ trợ, giúp người dân sớm khắc phục thiệt hại theo quy định.

- Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh Gia Lai: Tăng cường vận hành, điều tiết, cung cấp nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

- Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Rà soát, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong trường hợp cấp thiết huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để vận chuyển nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân, nhất là tại các bệnh viện, khu công nghiệp, trường học,... trên địa bàn tỉnh.

- Sở Y tế: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân trong điều kiện nắng nóng, hạn hán; tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, không để bùng phát dịch bệnh do nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh: Tuyên truyền, vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong và ngoài nước hỗ trợ, cứu trợ cho người dân bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước.

- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên: Tăng cường thông tin dự báo, cảnh báo để phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống, ứng phó hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh; kịp thời cung cấp thông tin về diễn biến tình hình hạn hán, thiếu nước đến các ngành, địa phương và người dân để biết, chủ động ứng phó.

- Sở Thông tin và Truyền thông: Tăng cường hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình, diễn biến của thiên tai và các thông tin về công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền về phòng chống hạn hán, thiếu nước tại địa phương.

- Báo Gia Lai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: Thường xuyên và liên tục thông tin, tuyên truyền cảnh báo đối với diễn biến của thiên tai, hạn hán tại địa phương và các thông tin liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền về phòng chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố:

+ Theo dõi tình hình sản xuất, xuống giống trên địa bàn quản lý, đảm bảo tuân thủ lịch thời vụ, cơ cấu giống theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn; đồng thời, theo dõi tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi nhằm phát hiện sớm, kịp thời cách ly, điều trị, xử lý, không để dịch bệnh phát sinh lây lan thành dịch trên diện rộng; tổ chức vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm nước, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; phối hợp với đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ nguồn nước, tránh thất thoát, lãng phí nước.

+ Thống kê, báo cáo tình hình thiệt hại do hạn hán, thiếu nước đúng theo quy định. Đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp giúp người dân sớm khắc phục thiệt hại theo quy định.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1. Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước; Quỹ Phòng, chống thiên tai và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố sử dụng kinh phí được phân bổ hàng năm (nếu có) để tổ chức thực hiện hoặc lập dự toán trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí đối với các nhiệm vụ mới phát sinh được cấp có thẩm quyền giao.

2. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước theo Kế hoạch; tổng hợp tình hình, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo ứng phó, khắc phục thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra.

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc theo chức năng nhiệm vụ để tăng cường tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, cây trồng, vật nuôi, phòng chống cháy rừng; chuẩn bị nguồn giống đảm bảo về số lượng và chất lượng cho sản xuất. Nhất là đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, giống thủy sản trên diện tích đất lúa và đất nuôi trồng thủy sản thiếu nước, đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất sử dụng các loại giống vật nuôi thích nghi tốt với điều kiện nắng nóng, khô hạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi và dự báo chính xác tình hình hạn hán, thiếu nước, cử cán bộ bám sát hiện trường, tham gia chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp thực hiện phương án hiệu quả; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các chủ rừng rà soát các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, chuẩn bị phương án phòng cháy chữa cháy cụ thể cho từng địa phương, tăng cường kiểm tra kịp thời phát hiện các điểm cháy rừng và triển khai các biện pháp chữa cháy rừng có hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ” kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.

- Căn cứ vào tình hình dự báo, diễn biến của EL Nino xảy ra từng năm, từng vụ, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch; đề xuất điều chỉnh Kế hoạch phù hợp theo diễn biến của tình hình thời tiết.

2. Sở Tài chính: Hằng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách và trên cơ sở dự toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các cơ quan, đơn vị có liên quan, kiểm tra, tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí theo phân cấp quản lý ngân sách để triển khai thực hiện Kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước giai đoạn 2023-2025 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định khác có liên quan.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước; ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư, sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi, cấp nước tập trung.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị vận hành khai thác các hồ chứa thuỷ điện, thủy lợi xây dựng kế hoạch xả nước về hạ du để phục vụ sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân khi hạn hán xảy ra.

5. Sở Công Thương:

- Chỉ đạo, kiểm tra các chủ hồ, đập thủy điện vận hành điều tiết dòng chảy ở khu vực hạ du theo đúng Quy trình vận hành liên hồ chứa, Quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền ban hành.

- Chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất Kế hoạch xả nước về hạ du ở các hồ chứa thuỷ điện để phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong trường hợp hạn hán, thiếu nước.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan xây dựng phương án, kế hoạch cung ứng điện phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất - kinh doanh và cho công tác phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Xây dựng: Chỉ đạo các nhà máy nước cung cấp nước sạch đô thị rà soát, nâng cấp hệ thống cấp nước, đảm bảo an toàn cho sinh hoạt; nghiên cứu việc kéo dài đường ống dẫn nước một số nhà máy nước có khả năng để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ nông thôn.

7. Sở Y tế: Chủ động hướng dẫn người dân các kỹ năng để bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng gay gắt kéo dài; chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở hướng dẫn người dân chủ động phòng chống, tránh bùng phát dịch bệnh do nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước.

8. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu và hỗ trợ người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, sinh hoạt, nhất là các biện pháp tưới tiết kiệm ứng phó với khô hạn, phương án đảm bảo an toàn, vệ sinh nguồn nước.

9. Sở Thông tin và truyền thông: Tăng cường hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình, diễn biến của thiên tai và các thông tin về công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền về phòng chống hạn hán, thiếu nước tại địa phương.

10. Báo Gia Lai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối với diễn biến của thiên tai và các thông tin về công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền về phòng chống hạn hán, thiếu nước tại địa phương nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho nhân dân trong tỉnh biết, và thực hiện.

11. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên: Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn, nhận định tình hình hạn hán thường xuyên cung cấp thông tin cho các địa phương, đơn vị liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn hán.

12. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

- Chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng mùa vụ, từng vùng dân sinh, sản xuất cụ thể, trong đó ưu tiên bố trí kinh phí của địa phương để triển khai thực hiện phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các cảnh báo về tổ chức sản xuất của ngành nông nghiệp.

- Tăng cường công tác tuyên truyền về hạn hán, thiếu nước và những khó khăn trong quá trình sản xuất đến các cấp chính quyền ở địa phương cũng như đến người sản xuất. Vận động Nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm giảm thiểu sự thiệt hại do hạn hán gây ra.

- Chủ động bố trí kinh phí của địa phương để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước tập trung, nhất là các công trình cấp nước; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi; tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi trong việc điều tiết nước phục vụ sản xuất theo đúng lịch trình, kế hoạch.

- Thường xuyên theo dõi và báo cáo kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng liên quan biết về tình hình hạn cũng như khả năng bị hạn để có biện pháp chỉ đạo, ứng phó kịp thời.

13. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi:

- Bám sát lịch thời vụ, diện tích sản xuất, xây dựng phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước của đơn vị cho từng công trình, từng khu vực cụ thể.

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các Chi nhánh khai thác công trình thủy lợi, UBND cấp xã huy động các tổ, đội thủy nông bịt các chỗ rò rỉ ở các cửa cống lấy nước và các chỗ rò rỉ khác ở các công trình thủy lợi. Triển khai sửa chữa, nạo vét hệ thống kênh mương để chủ động cho công tác điều tiết nước tưới, đồng thời giảm tổn thất nước.

- Sử dụng nước tiết kiệm ngay đầu vụ, đối với các vùng có khả năng bơm tưới từ sông, suối hoặc từ dưới mực nước chết trong các hồ chứa vào thời kỳ cuối vụ thì phải có kế hoạch bố trí máy bơm, nhiên liệu ngay từ đầu vụ.

- Thường xuyên theo dõi và báo cáo kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng liên quan biết về tình hình hạn cũng như khả năng bị hạn để có biện pháp chỉ đạo, ứng phó kịp thời.

14. Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Binh đoàn 15:

Chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc có quản lý, khai thác hồ chứa thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh:

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức vận hành các hồ chứa thuỷ lợi theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền ban hành. Thường xuyên đánh giá trữ lượng nước và khả năng tưới của từng công trình thuỷ lợi để điều chỉnh kế hoạch cấp nước cho từng công trình. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác sửa chữa, bảo trì các hạng mục công trình, khẩn trương nạo vét kênh mương, cửa vào cống lấy nước để đảm bảo dẫn nước.

- Xây dựng phương án phòng chống hạn cụ thể cho từng công trình, từng khu tưới. Trong đó ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất của người dân trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt.

15. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh: Quan tâm phối hợp triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

16. Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai theo quy định. Báo cáo đột xuất kết quả thực hiện Kế hoạch khi có yêu cầu và báo cáo định kỳ gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh trước ngày 10/12 hàng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch Phòng chống hạn hán, thiếu nước giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đề nghị các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch này đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc thì các cơ quan, đơn vị có văn bản phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMT TQ Việt Nam tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai; Tổng công ty Cà phê Việt nam, Binh đoàn 15 (Sở Nông nghiệp và PTNT sao gửi);
- Đài Phát thanh – TH tỉnh, Báo Gia Lai;
- Lưu: VT, KTTH, NL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Mah Tiệp