ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3152/KH-UBND | Bình Dương, ngày 26 tháng 6 năm 2023 |
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030;
Căn cứ Văn bản số 197/CV-UB ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về việc triển khai thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030;
Nay, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương gồm các nội dung cụ thể như sau:
1. Mục đích:
- Triển khai kịp thời Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030 nhằm thực hiện tốt công tác phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ, sự cố môi trường chất thải gây ra trên địa bàn tỉnh.
- Đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong quản lý nhà nước về ứng phó khắc phục sự cố chất thải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời; phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng từ cấp tỉnh đến địa phương trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố chất thải.
- Vận dụng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh; xây dựng hệ thống tổ chức đủ năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về con người, kinh tế, xã hội và môi trường.
2. Yêu cầu:
- Tăng cường năng lực giám sát nguy cơ sự cố chất thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp (gọi tắt là cơ sở).
- Chủ động nghiên cứu, đánh giá, xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải phù hợp với từng huyện, thị xã, thành phố, cơ sở; tổ chức huấn luyện, diễn tập định kỳ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra. Đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện, vật tư chuyên dụng để nâng cao năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả.
- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương và thực hiện thống nhất các quy định trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải.
II. MỘT SỐ TÌNH HUỐNG SỰ CỐ CHẤT THẢI ĐIỂN HÌNH
1. Sự cố môi trường do chất thải y tế:
Do rò rỉ, rơi vãi, tràn đổ, hỏng thiết bị xử lý chất thải, nước thải y tế, khí thải (từ phòng xét nghiệm vi sinh) làm phát tán chất thải lây nhiễm ra môi trường trong quá trình quản lý chất thải y tế, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng.
2. Sự cố chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại
Do sự cố công trình xử lý, lưu giữ chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại bị hư hỏng kết hợp với mưa, bão, lũ bất thường làm tràn đổ, rò rỉ chất thải ra môi trường.
3. Sự cố chất thải lỏng (bùn thải, nước thải)
- Do mưa, bão bất thường làm đập hồ chứa nước thải chưa qua xử lý của Nhà máy xử lý nước thải bị sạt lở thân đập, nước thải chảy ra môi trường và khu vực dân cư.
- Do trong quá trình lưu giữ, vận chuyển chất thải chưa qua xử lý các phương tiện vận chuyển bị tai nạn đâm, va làm lật, đổ, bục, vỡ bồn chứa, nước thải chảy ra môi trường, khu vực dân cư, gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe của người dân.
4. Sự cố chất thải khí (khí thải)
Do sự cố cháy nhà xưởng sản xuất, kho chứa chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải có chứa các chất POP (cháy dầu thải chứa PCB phát tán hóa chất độc, khói độc từ nhà kho bay ra môi trường mang theo hàm lượng CO2, NO, SO2, HCl, NO2...).
1. Xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp tỉnh
- Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổng thể ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023 - 2030 theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng chính phủ, phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển của tỉnh.
+ Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.
+ Đơn vị phối hợp: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2023 - 2024.
- Triển khai Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải tỉnh Bình Dương đến các Sở, ban, ngành địa phương và tổ chức, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh; lồng ghép vào các Hội nghị tập huấn các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
+ Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.
+ Đơn vị phối hợp: Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2023 - 2024.
- Xây dựng, in ấn tài liệu hướng dẫn ứng phó sự cố chất thải tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023 - 2030.
+ Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.
+ Đơn vị phối hợp: Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2024.
- Thực hành diễn tập ứng phó sự cố chất thải cho các tình huống điển hình
+ Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện.
+ Đơn vị phối hợp: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
+ Thời gian thực hiện: Định kỳ theo kế hoạch tổng thể ứng phó sự số chất thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023 - 2030 sau khi được ban hành.
- Tích hợp thông tin dữ liệu các cơ sở có nguy cơ sự cố môi trường do chất thải vào cơ sở quản lý dữ liệu môi trường tỉnh Bình Dương.
+ Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.
+ Thời gian thực hiện: Định kỳ theo Kế hoạch tổng thể ứng phó sự số chất thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023 - 2030 sau khi được ban hành.
2. Xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp huyện
- Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành kế hoạch tổng thể ứng phó sự cố chất thải cấp huyện giai đoạn 2023 - 2030 theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng chính phủ, phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển của từng huyện, thị xã, thành phố.
+ Đơn vị chủ trì: Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện.
+ Đơn vị phối hợp: Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện, Công an cấp huyện, các phòng, ban và Ủy ban nhân dân cấp cấp xã.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2023 - 2024.
- Triển khai Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải đến các phòng, ban, địa phương và tổ chức, đơn vị có liên quan trên địa bàn huyện; và lồng ghép vào các Hội nghị tập huấn các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
+ Đơn vị chủ trì: Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2023 - 2024.
- Thực hành diễn tập ứng phó sự cố chất thải cho các tình huống điển hình
+ Đơn vị chủ trì: Ủy ban nhân dân cấp huyện
+ Đơn vị phối hợp: Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện, Công an cấp huyện, các Phòng, ban và Ủy ban nhân dân cấp xã.
+ Thời gian thực hiện: Định kỳ theo kế hoạch tổng thể ứng phó sự số chất thải cấp huyện sau khi được ban hành.
- Tích hợp thông tin dữ liệu các cơ sở có nguy cơ sự cố môi trường do chất thải vào cơ sở quản lý dữ liệu môi trường tỉnh Bình Dương.
+ Đơn vị chủ trì: Ủy ban nhân dân cấp huyện.
+ Thời gian thực hiện: Định kỳ theo kế hoạch tổng thể ứng phó sự số chất thải cấp huyện sau khi được ban hành.
3. Xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp cơ sở
- Chủ các cơ sở có trách nhiệm xây dựng, ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải theo hướng dẫn tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải phù hợp với nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường của cơ sở.
- Thời gian thực hiện: Theo Luật Bảo vệ môi trường và Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp cơ sở được ban hành trước ngày 30 tháng 12 năm 2024.
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương; xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp tỉnh gửi Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thẩm định trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, các chủ cơ sở xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp huyện, cấp cơ sở.
- Rà soát các cơ sở theo ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền quản lý để thông báo, hướng dẫn và đôn đốc xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp cơ sở; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải đối với các cơ sở này.
- Tổ chức thực hiện chương trình quan trắc chất lượng môi trường; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.
- Định kỳ (một năm một lần) sơ kết, tổng kết đánh giá công tác quản lý, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để tổng hợp báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn xây dựng, tổ chức lực lượng ứng phó; rà soát điều kiện hiện có để đầu tư mua sắm trang thiết bị, vật tư chuyên dụng đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực ứng phó cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và các đơn vị có liên quan, sẵn sàng ứng phó sự cố chất thải xảy ra trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự cấp huyện tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải. Xem xét lồng ghép nội dung ứng phó sự cố chất thải vào kế hoạch phòng thủ dân sự các cấp.
- Hàng năm tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, đào tạo lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm; phối hợp và làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.
3. Công an tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành, địa phương sẵn sàng nhân lực, phương tiện, trang thiết bị tham gia ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực xảy ra sự cố; điều tra, làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố theo quy định của pháp luật.
- Định kỳ tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, đào tạo lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và lồng ghép xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải trong tập huấn, huấn luyện, diễn tập sự cố khác của tỉnh; phối hợp và làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.
4. Sở Công thương
- Chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan tổ chức hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố hóa chất do rò rỉ, phát tán hóa chất độc trong kinh doanh, sử dụng và sản xuất công nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố hóa chất do rò rỉ, phát tán hóa chất độc trong kinh doanh, sử dụng và sản xuất công nghiệp.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư mua sắm trang thiết bị, vật tư chuyên dụng đáp ứng yêu cầu ứng phó sự cố thiên tai; phối hợp ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
6. Sở Giao thông Vận tải
Tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải tham gia ứng phó sự cố môi trường bằng đường bộ và đường thủy.
7. Sở Y tế
Tăng cường công tác kiểm tra việc phân loại, thu gom, lưu giữ và quản lý chất thải y tế, chất thải trong phòng chống dịch bệnh (nếu có xảy ra); công tác phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.
- Hướng dẫn, đánh giá các nguy cơ lây nhiễm đối với chất thải y tế và xây dựng các biện pháp phòng ngừa tương ứng.
8. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan tổ chức hoạt động, tham gia ứng phó sự cố liên quan đến chất thải phóng xạ do kinh doanh, vận chuyển, sử dụng gây rò rỉ chất phóng xạ.
- Chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan hướng dẫn công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố liên quan đến chất thải phóng xạ do kinh doanh, vận chuyển, sử dụng gây rò rỉ chất phóng xạ.
9. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn dân về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động ứng phó, tìm kiếm cứu nạn.
10. Sở Ngoại vụ
- Chủ trì, phối hợp Sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan tham mưu và giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác ngoại vụ về ứng phó sự cố chất thải xuyên quốc gia.
- Phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan nước ngoài có liên quan đối với công tác ứng phó sự cố chất thải xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
11. Sở Xây dựng
- Phối hợp với Sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan hướng dẫn các quy hoạch, kế hoạch, quản lý nhà nước về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn và khu công nghiệp.
- Hướng dẫn văn bản pháp luật về quản lý nhà nước về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn và khu công nghiệp; quản lý xây dựng hạ tầng kỹ thuật thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn trong lĩnh vực quản lý của ngành xây dựng.
12. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công của Trung ương, địa phương, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh phân bổ nguồn vốn đầu tư công cho các dự án, công trình thuộc đối tượng đầu tư công theo quy định tại Điều 5 Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn liên quan.
13. Sở Tài chính
Căn cứ khả năng cân đối ngân sách và dự toán của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Tài chính tham mưu bố trí nguồn kinh phí theo thẩm quyền.
14. Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương
Rà soát các cơ sở theo ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trong các khu công nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý để thông báo, hướng dẫn xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp cơ sở.
15. Ủy ban nhân dân cấp huyện
- Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030; xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp huyện theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.
- Rà soát các cơ sở theo ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố thuộc thẩm quyền quản lý để thông báo, hướng dẫn xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp cơ sở; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải theo thẩm quyền đối với các cơ sở này.
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại địa phương.
- Xây dựng lực lượng ứng phó sự cố chất thải, bảo đảm nguồn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố và sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố chất thải tại địa phương.
- Định kỳ (một năm một lần) sơ kết, tổng kết đánh giá công tác quản lý, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường).
16. Chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh
- Thực hiện đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật liên quan khác.
- Xây dựng, ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải theo hướng dẫn tại Phụ lục II Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải cấp cơ sở phù hợp với nội dung phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường (theo mục 1 Điều 109 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022).
- Đầu tư mua sắm trang, thiết bị, vật tư và chuẩn bị lực lượng phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở, thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố.
- Định kỳ hàng năm tổ chức tập huấn, huấn luyện và diễn tập ứng phó sự cố chất thải và đầu tư trang thiết bị bảo đảm sẵn sàng ứng phó sự cố chất thải.
Nguồn kinh phí cho công tác triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030 được bố trí từ nguồn kinh phí thực hiện theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc các cơ quan, đơn vị có ý kiến phản hồi về Sở Tài nguyên và Môi trường để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Kế hoạch 01/KH-UBND năm 2018 về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường do xả chất thải trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 2 Quyết định 772/QĐ-UBND năm 2020 kế hoạch Tăng cường năng lực ứng phó về mất an toàn sinh học trong quản lý chất thải tại cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030
- 3 Kế hoạch 99/KH-UBND năm 2023 thực hiện Kế hoạch Quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi