Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 14 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC LÀM CÔNG TÁC TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2022 - 2026

Thực hiện Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 89/2021/NĐ- CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017;

Thực hiện Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 11/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo giai đoạn 2022 - 2026”, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo giai đoạn 2022 - 2026 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu tại Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 11/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Cung cấp, trang bị những thông tin và kiến thức cơ bản cho các thành viên, tổ giúp việc Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo cấp tỉnh, cấp huyện; đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách, quản lý, theo dõi công tác tôn giáo thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn giai đoạn 2022 - 2026.

c) Nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc vận động, tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo.

2. Yêu cầu

a) Bám sát mục tiêu, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp theo Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 11/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Việc tổ chức các lớp cập nhật thông tin, bồi dưỡng kiến thức tín ngưỡng, tôn giáo và nghiệp vụ công tác tôn giáo phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng nội dung, thời gian, thành phần tham gia.

II. NỘI DUNG

1. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng

a) Đối với công tác tín ngưỡng:

- Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, gồm: đăng ký hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng; bầu, cử người đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; tổ chức lễ hội tín ngưỡng; quyên góp, quản lý và sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng; cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, di dời công trình tín ngưỡng…

- Cập nhật kiến thức, kinh nghiệm giải quyết đối với các hành vi lợi dụng tín ngưỡng để hoạt động vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội;

- Tập huấn, bồi dưỡng công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa những vụ việc phức tạp, điểm nóng về tín ngưỡng;

- Tập huấn, bồi dưỡng công tác vận động quần chúng, xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và đầu mối ban quản lý, người đứng đầu cơ sở tín ngưỡng, đặc biệt trong vùng có nhiều loại hình tín ngưỡng.

b) Đối với công tác tôn giáo:

- Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về công tác tôn giáo nói chung và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo nói riêng;

- Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác tôn giáo, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Cập nhật thông tin về tình hình tôn giáo, trao đổi kinh nghiệm xử lý các vụ việc phức tạp, điểm nóng liên quan đến lĩnh vực tôn giáo.

2. Đối tượng tập huấn, bồi dưỡng

a) Cấp tỉnh:

- Lãnh đạo Sở Nội vụ và công chức Phòng Tín ngưỡng, Tôn giáo;

- Cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu Chiến binh.

b) Cấp huyện:

- Lãnh đạo UBND huyện, thành phố;

- Lãnh đạo Phòng Nội vụ và công chức phụ trách công tác tín ngưỡng, tôn giáo;

- Cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo của các cơ quan, đơn vị cấp huyện, gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận, Công an, Ban Chỉ huy Quân sự, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu Chiến binh.

c) Cấp xã:

- Lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND;

- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội;

- Trưởng Công an, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự;

- Công chức phụ trách công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Hình thức, phương pháp tập huấn, bồi dưỡng

a) Hình thức tổ chức tập huấn, bồi dưỡng

- Đối với cán bộ, công chức cấp tỉnh: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phố i hợp với Sở Nội vụ cử cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Bộ Nội vụ chủ trì tổ chức (Sở Nội vụ làm đầu mối triển khai tại tỉnh).

- Đối với cán bộ, công chức cấp huyện: Sở Nội vụ chủ trì tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng theo kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh; thủ trưởng các cơ quan cấp huyện cử cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng theo văn bản triển khai của Sở Nội vụ.

- Đối với cán bộ, công chức cấp xã: UBND các huyện, thành phố chủ trì tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng theo kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh; thủ trưởng cơ quan cấp xã cử cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng.

b) Phương pháp tập huấn, bồi dưỡng

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp (tập trung tại hội trường) kết hợp với hình thức trực tuyến;

- Bồi dưỡng chuyên sâu, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ kết hợp bồi dưỡng cập nhật kiến thức hàng năm;

- Ngoài tập huấn, bồi dưỡng theo chương trình, tài liệu của Bộ Nội vụ biên soạn, kết hợp cập nhật bổ sung tình hình thực tiễn và nhiệm vụ của địa phương về công tác tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức.

4. Số lượng lớp, lộ trình thực hiện

Giai đoạn 2022 - 2026, dự kiến tổ chức 98 lớp và cử 7.960 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia bồi dưỡng, tập huấn, cụ thể như sau:

a) Năm 2022: Trên cơ sở chương trình, tài liệu bồi dưỡng được Bộ Nội vụ chuyển giao, nội dung, chỉ tiêu bồi dưỡng sẽ được triển khai theo lộ trình tại Kế hoạch giai đoạn 2022 - 2026 (bổ sung kế hoạch bồi dưỡng theo chương trình của Bộ Nội vụ và tình hình thực tế).

b) Năm 2023 và các năm tiếp theo: Nội dung, chương trình, chỉ tiêu bồi dưỡng tín ngưỡng, tôn giáo sẽ được tổng hợp chung trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm của tỉnh.

(Chi tiết theo phụ lục đính kèm).

5. Tài liệu bồi dưỡng

Thực hiện theo chương trình, tài liệu được Bộ Nội vụ biên soạn, chuyển giao tại Quyết định số 43/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời có cập nhật, bổ sung các nội dung, thông tin về tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ công tác tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh giai đoạn 2022 - 2026.

6. Giảng viên, báo cáo viên

a) Giảng viên, báo cáo viên các cơ quan, cơ sở đào tạo Trung ương

(Gồm: Ban Tôn giáo Chính phủ; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện hành chính Quốc gia; các cơ quan Trung ương liên quan ; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, viện nghiên cứu khác ở Trung ương...);

b) Các chuyên gia trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo;

c) Giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ;

d) Báo cáo viên là lãnh đạo, quản lý phụ trách công tác tín ngưỡng, tôn giáo thuộc cấp tỉnh, cấp huyện.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo giai đoạn 2022 - 2026 được đảm bảo từ nguồn ngân sách dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng tại kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh và các nguồn hợp pháp khác theo quy định pháp luật.

Riêng năm 2022, kinh phí thực hiện các lớp bồi dưỡng theo lộ trình tại Kế hoạch này, Sở Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh để thực hiện.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ

a) Chủ trì tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; hàng năm, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xác định đối tượng, nội dung, chỉ tiêu đưa vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm của tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện cụ thể kế hoạch giai đoạn 2022 - 2026.

b) Tiếp nhận chương trình, tài liệu bồi dưỡng do Bộ Nội vụ chuyển giao; tham mưu UBND tổ chức biên soạn, cập nhật bổ sung thông tin về tình hình và nhiệm vụ của địa phương trong nội dung tập huấn, bồi dưỡng tín ngưỡng và tôn giáo, đảm báo đáp ứng các yêu cầu công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

c) Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh phí thực hiện tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện, đảm bảo các mục tiêu của kế hoạch hàng năm và giai đoạn.

d) Theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện hàng năm và giai đoạn với UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền. Kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh những vướng mắc, phát sinh để xem xét, điều chỉnh phù hợp.

2. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định dự toán kinh phí; tham mưu UBND tỉnh cân đối, cấp kinh phí thực hiện đảm bảo các mục tiêu của kế hoạch.

3. Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố

a) Căn cứ Kế hoạch giai đoạn và hàng năm của UBND tỉnh, tổ chức các lớp bồi dưỡng được giao nhiệm vụ chủ trì hoặc phối hợp với Sở Nội vụ cử cán bộ, công chức tham gia các lớp bồi dưỡng tín ngưỡng, tôn giáo do Bộ Nội vụ tổ chức hàng năm đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch.

b) Phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện, thành phố cử lãnh đạo, quản lý tham gia làm báo cáo viên giảng dạy các chuyên đề về tín ngưỡng, tôn giáo liên quan đến lĩnh vực do cơ quan, đơn vị tham mưu, quản lý.

c) Báo cáo kết quả, tổng hợp những vướng mắc và kiến nghị, đề xuất trong tổ chức thực hiện về UBND tỉnh thông qua Sở Nội vụ.

4. Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ

a) Phối hợp với Sở Nội vụ tiếp nhận chương trình, tài liệu bồi dưỡng tín ngưỡng, tôn giáo do Bộ Nội vụ chuyển giao; nghiên cứu biên soạn cập nhật, bổ sung các thông tin về tình hình và nhiệm vụ công tác tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương, đáp ứng yêu cầu về nâng cao chất lượng công tác tập huấn, bồi dưỡng.

b) Xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên kiêm chức có trình độ và kinh nghiệm thực tiễn trong xử lý hiệu quả các vụ việc liên quan đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo.

Căn cứ Kế hoạch này, các sở, ban, ngành tỉnh, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ (Ban TGCP);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- UB MTTQ Việt Nam tỉnh; các Hội: LHPN tỉnh, Nông dân tỉnh, CCB tỉnh;
- Tỉnh đoàn Lạng Sơn;
- Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ;
- Các Sở: Nội vụ, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ CHQS tỉnh, CAT, BCH BĐBP tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- C, PVP UBND tỉnh, các phòng CM, TT TH-CB;
- Lưu: VT, THNC(PVD).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Xuân Huyên