Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 321/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 28 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG DỊP TẾT DƯƠNG LỊCH, TẾT NGUYÊN ĐÁN NHÂM DẦN VÀ LỄ HỘI XUÂN 2022 GẮN VỚI PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Thực hiện Công điện số 1725/CĐ-TTg ngày 13/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022; căn cứ Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022 với các nội dung trọng tâm sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân, vận tải hàng hóa trước, trong và sau kỳ nghỉ tết Dương lịch, tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022;

2. Thực hiện quyết liệt các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022; tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác phòng chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải, quản lý các bến xe, bãi đỗ xe, nhà ga…

3. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và ý thức, trách nhiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ, đồng thời nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông trong việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế, tuân thủ “Thông điệp 5K”, khai báo y tế theo quy định khi tham gia giao thông, tạo thái độ, ý thức nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; thực hiện các biện pháp phòng, tránh tai nạn giao thông, tuyên truyền thực hiện các biện pháp hạn chế tai nạn mô tô, xe gắn máy ở khu vực nông thôn (đội mũ bảo hiểm, tuân thủ quy định về tốc độ, không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia, chất có cồn; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chở đúng số người quy định; thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô; xe ô tô chở hành lý, hàng hoá quá kích thước bao ngoài của xe, quá trọng tải, xe ô tô tải có kích thước thùng xe không đúng quy định; rửa tay đúng cách và mang khẩu trang khi tham gia giao thông, nhất là khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng,...).

2. Các Sở, Ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên ký cam kết không vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, gương mẫu chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, thực hiện hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, không lạm dụng rượu, bia trong dịp Tết, đặc biệt là khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; nâng cao ý thức khi tham gia giao thông kết hợp với với việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

3. Xây dựng phương án, huy động tối đa các loại phương tiện vận tải hành khách, phương tiện xe buýt đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của nhân dân trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, trong dịp Lễ hội Tây Thiên.

4. Xây dựng phương án tổ chức phân luồng giao thông và bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại các đoạn đường, tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn như: tuyến QL.2, QL.2B, QL.2C, các khu vực tổ chức Lễ hội Xuân (nếu được cho phép đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19),…

5. Tăng cường lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông là nguyên nhân gây tai nạn giao thông; đồng thời bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho lực lượng thực thi nhiệm vụ và người dân.

6. Tăng cường kiểm tra an toàn kỹ thuật của ô tô chở khách liên tỉnh và điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền cho chủ doanh nghiệp vận tải hành khách yêu cầu lái xe không dừng, đón trả khách trên đường cao tốc; kiểm tra phương tiện thủy chở khách và các điều kiện bảo đảm an toàn tại các bến đò, bến khách ngang sông; bảo đảm an toàn tại điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, thường xuyên đôn đốc người được Công an tỉnh tuyển chọn tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại nơi đường sắt giao nhau với đường bộ không có nhân viên đường sắt gác, nâng cao tinh thần, trách nhiệm cảnh giới, chốt gác tại các đường ngang dân sinh.

7. Bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát hệ thống cọc tiêu, biển báo hiệu, phao tiêu để bổ sung kịp thời, nhất là những nơi đèo dốc nguy hiểm và trên những đoạn đường hay xảy ra tai nạn giao thông; đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm chất lượng công trình, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của nhân dân; thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường tại các công trình đang thi công, phải hoàn trả lại mặt bằng đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại trong dịp Tết, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông do thi công công trình giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vừa thi công cải tạo vừa khai thác.

8. Tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai thực hiện các hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu tại Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

9. Thời gian thực hiện đợt cao điểm: Từ nay đến 15/02/2022.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công an tỉnh

- Xây dựng kế hoạch thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, điều khiển hướng dẫn giao thông tất cả các ngày trước, trong và sau Tết, trong những ngày diễn ra Lễ hội Tây Thiên, Lễ hội chọi trâu Hải Lựu (nếu được cho phép tổ chức đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19). Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố huy động lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với Cảnh sát trật tự, Cảnh sát hình sự (phát huy hiệu quả mô hình Tổ 141) tập trung xử lý có hiệu quả theo chuyên đề đối với các hành vi vi phạm mang tính thường xuyên như vi phạm: về tốc độ; nồng độ cồn; không chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ; đón, trả hành khách không đúng nơi quy định; chở hành khách, hành lý, hàng hóa vượt quá trọng tải, số người theo quy định; chở hành khách trên mui, trong khoang chở hành lý hoặc để hành khách đu, bám bên ngoài xe; phương tiện quá hạn đăng kiểm, hết niên hạn tham gia giao thông; chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế và quá kích thước giới hạn cho phép của xe; vận chuyển hàng rời không che đậy, che đậy vẫn để rơi vãi... của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Chú trọng công tác tuần tra lưu động, kết hợp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội khác, trên những đoạn đường thường xảy ra tai nạn giao thông; có phương án phòng, chống đua xe trái phép và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự theo chỉ đạo của Bộ Công an; bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho lực lượng thực thi nhiệm vụ và người dân.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý hoạt động vận tải hành khách trước và sau khi xe ô tô xuất bến, kiên quyết không cho xuất bến với những xe ô tô không đảm bảo các quy định liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện và thể lệ vận tải.

- Phối hợp với các cơ quan quản lý đường sông tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa đối với các bến thủy nội địa, bến đò, bến phà, bến khách ngang sông và phương tiện vận chuyển hàng hóa cũng như hành khách trên sông, tập trung vào các bến phức tạp dọc tuyến sông Hồng, sông Lô, hồ Đại Lải...

- Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với chính quyền địa phương và ngành Đường sắt tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt, an ninh tại các khu vực nhà ga, tăng cường kiểm tra các điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc người được Công an tỉnh tuyển chọn tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại nơi đường sắt giao nhau với đường bộ không có nhân viên đường sắt gác nâng cao tinh thần, trách nhiệm cảnh giới, chốt gác tại các đường ngang dân sinh.

- Tăng cường lực lượng để bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự an toàn xã hội, kết hợp với việc phòng, chống dịch COVID-19 trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022.

- Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng (Lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo phòng Cảnh sát giao thông, phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, số điện thoại trực ban của đơn vị) để tiếp nhận phản ánh về tình hình vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông.

2. Sở Giao thông vận tải

- Xây dựng kế hoạch chỉ đạo các đơn vị vận tải tăng cường tối đa phương tiện vận chuyển hành khách đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để xử lý các trường hợp vi phạm; tăng số lượt vận chuyển của các tuyến xe buýt để đảm bảo nhu cầu đi lại trong dịp Tết và tham gia các Lễ hội của nhân dân; đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19, có phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả khi phát sinh tình huống có người nhiễm COVID-19, đặc biệt là tại các đầu mối giao thông chính, trên phương tiện vận tải khách công cộng, cũng như đội ngũ người điều khiển và nhân viên phục vụ trên phương tiện.

- Phối hợp với Sở Tài chính và Công an tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra công tác phục vụ vận tải, kiểm tra việc tuân thủ quy định về giá cước, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong vận tải dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán và Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với Cảnh sát giao thông có biện pháp ngăn chặn, xử lý kiên quyết các trường hợp phương tiện chở khách chở quá số người quy định tại các bến, điểm đón, trả khách và trong suốt quá trình vận chuyển; có phương án để kịp thời vận chuyển tiếp hành khách trên các phương tiện chở quá tải bị phát hiện và xử lý; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè theo Kế hoạch số 1919/KH-UBND ngày 24/3/2017 của UBND tỉnh.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm đối với người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ: Chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế và quá kích thước giới hạn cho phép của xe; chở người trong thùng xe; vận chuyển hàng rời không che đậy, che đậy vẫn để rơi vãi… đối với xe vận tải hàng hóa. Đón, trả hành khách không đúng nơi quy định; Chở hành khách, hành lý, hàng hóa vượt quá trọng tải, số người theo quy định; chở hành khách trên mui, trong khoang chở hành lý hoặc để hành khách đu, bám bên ngoài xe… đối với xe vận tải hành khách.

- Chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường công tác duy tu, rà soát toàn diện và có biện pháp tổ chức an toàn giao thông đảm bảo yêu cầu, nâng cao biện pháp ngăn ngừa (như tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt, ngã rẽ khuất tầm nhìn,..); bổ sung kịp thời hệ thống biển báo hiệu đường bộ, phát hiện xử lý kịp thời các điểm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông trên các tuyến giao thông, bổ sung, sửa chữa hệ thống biển báo, cọc tiêu, đèn tín hiệu, vạch kẻ đường… để bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường; khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đô thị và trả lại lòng đường phục vụ giao thông trước ngày 23/01/2022; có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông; bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ kịp thời giải tỏa khi xảy ra sự cố về hạ tầng, phương tiện hoặc tai nạn giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài.

- Chỉ đạo các Phòng, ban chức năng phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tăng cường quản lý các bến khách và phương tiện thủy chở khách dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến trái phép, phương tiện không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn an toàn, dụng cụ cứu sinh; nhắc nhở hành khách sử dụng áo phao, dụng cụ nổi khi đi thuyền, đò qua sông.

- Chỉ đạo các Bến xe khách vệ sinh sạch sẽ, treo các khẩu hiệu tuyên truyền về an toàn giao thông và phòng, chống dịch COVID-19 tại trụ sở các bến; chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe; có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, không để hành khách chậm về quê đón Tết do thiếu phương tiện, không để xảy ra tình trạng xe dù, tranh giành khách, tăng giá vé trái quy định,...; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách là người khuyết tật, người cao tuổi khi tham gia giao thông; chỉ đạo các đơn vị vận tải có xe khách chạy tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai không dừng, đỗ đón trả khách dọc đường; cương quyết không để phương tiện vận tải, người điều khiển, nhân viên phục vụ và hành khách không tuân thủ quy định phòng, chống dịch COVID-19 tham gia giao thông; niêm yết đầy đủ số điện thoại đường dây nóng của Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải.

3. Sở Y tế

Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh có phương án bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và máu để đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân tai nạn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19, giảm thiểu thiệt hại về người khi xảy ra tai nạn giao thông.

4. Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh

- Tăng cường thời lượng, chuyên mục tuyên truyền hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán, Lễ hội Xuân 2022; tập trung tuyên truyền các nguyên nhân gây tai nạn giao thông trong dịp Tết để phòng tránh, các biện pháp hạn chế tai nạn xe mô tô, xe gắn máy ở khu vực nông thôn, biện pháp ngăn chặn tai nạn xe khách, tai nạn đường đèo, dốc (QL.2B), tai nạn đắm đò, tai nạn đường ngang đường sắt; khẩu hiệu tuyên truyền “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, “Không phóng nhanh, vượt ẩu, chuyển hướng bất ngờ”, “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”, “Thắt dây an toàn trên xe ô tô”, “Phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy, xe đạp điện”; thường xuyên tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia, tác hại của việc chở hàng quá trọng tải và tác dụng của việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn; đồng thời kết hợp với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh và các ngành chức năng xây dựng các chương trình tọa đàm trên sóng truyền hình với chuyên đề: Tác dụng của việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; phòng chống tác hại của việc sử dụng rượu, bia; tăng cường lập lại trật tự đô thị, trật tự hành lang an toàn giao thông.

5. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn tỉnh

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ, nhân viên, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến sỹ ký cam kết không vi phạm trật tự, an toàn giao thông, gương mẫu chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; thực hiện hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông; không lạm dụng rượu bia trong dịp Tết, Lễ hội, đặc biệt là khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; đồng thời kết hợp với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

6. UBND các huyện, thành phố

Căn cứ thực tiễn về tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, xây dựng kế hoạch cụ thể chỉ đạo lực lượng công an địa phương, các phòng, ban chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông như treo các băng zôn, áp phích tại các tuyến đường và tại trụ sở đơn vị, đồng thời tăng cường kiểm tra xử lý đối với các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, kể cả ở các tuyến đường liên thôn, liên xã, liên huyện nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông; đồng thời kết hợp với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp và thực hiện hướng dẫn của Công an tỉnh và các Sở, ban, ngành của tỉnh trong triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán Nhâm Dần và các Lễ hội Xuân 2022. Kịp thời báo cáo Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh, Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh về các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn quản lý để chỉ đạo giải quyết kịp thời.

7. Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh

- Công bố số điện thoại đường dây nóng của Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi các đơn vị kinh doanh vận tải, các nhà ga, bến tàu, bến xe khách để niêm yết công khai.

- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các ngành chức năng, xây dựng các chương trình tọa đàm trên sóng truyền hình với chuyên đề: Tác dụng của việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; phòng chống tác hại của việc sử dụng rượu, bia; tăng cường lập lại trật tự đô thị, trật tự hành lang an toàn giao thông.

- Tham mưu Lãnh đạo Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức kiểm tra đột xuất tại một số cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện kế hoạch này và chương trình thăm, chúc Tết đối với các đơn vị chuyên trách trong dịp tết Nguyên đán; tham mưu UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh khen thưởng, biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện đợt cao điểm.

8. Chế độ thông tin báo cáo trong đợt cao điểm

Các đơn vị thực hiện chế độ báo cáo công tác triển khai thực hiện nội dung theo yêu cầu tại Kế hoạch này của đơn vị mình, gửi về Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh (email: atgt@vinhphuc.gov.vn):

- Báo cáo sơ bộ kết quả thực hiện trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần từ ngày 29/01/2022 (27 Tết) đến trước 13 giờ 30 phút ngày 04/02/2022 (mùng 04 Tết). Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trước 16 giờ 30 phút ngày 04/02/2022 (mùng 04 Tết).

- Báo cáo tổng hợp kết quả triển khai thực hiện từ ngày 15/12/2021 đến trước 15 giờ 00 ngày 15/02/2022. Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trước 16 giờ 00 ngày 15/02/2022.

Trên đây là Kế hoạch tổ chức đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022, đề nghị các cơ quan thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn và phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả đợt hoạt động cao điểm này./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban ATGT Quốc gia (B/c);
- TTTU, HĐND tỉnh (B/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh,
- CPVP UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể tỉnh;
- Các đơn vị vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh;
- Báo Vĩnh Phúc, Đài PT&TH tỉnh;
- Cổng Thông tin - GTĐT tỉnh;
- UBND cac huyên,thành phố;
- CV: NCTH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khước