Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3226/KH-UBND

Bến Tre, ngày 29 tháng 6 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

MỞ ĐỢT VẬN ĐỘNG CAI NGHIỆN MA TUÝ TỰ NGUYỆN TẠI GIA ĐÌNH, CỘNG ĐỒNG VÀ THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC THAY THẾ METHADONE

Thời gian qua, do các Bộ, ngành Trung ương chưa ban hành văn bản hướng dẫn về thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma tuý, mặt khác, công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn như: Còn thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, kinh phí và nhân sự. Từ đó, ảnh hưởng đến việc xử lý người nghiện và người nghiện ma tuý gia tăng trong những năm gần đây (năm 2014 tăng 43,03% so với năm 2013; 6 tháng đầu năm 2015 tăng 5,92% so với cuối năm 2014).

Thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone năm 2014 và 2015. Và để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thời gian qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh đề ra Kế hoạch mở đợt vận động cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và tham gia Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone (gọi tắt là cai nghiện tự nguyện và tham gia Chương trình điều trị Methadone) với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Mục đích:

- Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; tham mưu, nòng cốt của các lực lượng chuyên trách; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác vận động cai nghiện tự nguyện và tham gia Chương trình điều trị Methadone.

- Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác phòng, chống ma tuý hiện nay, vận động người nghiện hiểu và nhận thức được việc cai nghiện tự nguyện và tham gia Chương trình điều trị Methadone; kiểm soát tình trạng nghiện ma tuý, góp phần kiềm chế và tiến tới kéo giảm người nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu:

Đảm bảo công tác cai nghiện tự nguyện và tham gia Chương trình điều trị Methadone theo đúng quy định pháp luật.

3. Mục tiêu cụ thể:

- Các huyện, thành phố vận động ít nhất 10% số người nghiện ma tuý hiện có trên địa bàn tham gia cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (không tính số người đã tự nguyện tham gia Chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone).

- Đảm bảo 100% số người nghiện ma tuý tham gia cai nghiện tự nguyện đợt này thực hiện đúng quy trình đề ra và đạt kết quả theo phát đồ điều trị.

- 90% số người nghiện ma tuý tham gia cai nghiện tự nguyện đợt này, sau khi cắt cơn, giải độc được quản lý, giáo dục, can thiệp, trợ giúp và không tái nghiện.

- Về tham gia Chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, trước mắt phấn đấu vận động đạt chỉ tiêu Chính phủ giao cho tỉnh Bến Tre năm 2015 là 300 người.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng trong công tác vận động cai nghiện tự nguyện và tham gia Chương trình điều trị Methadone; các địa phương vận động đạt chỉ tiêu đã đề ra. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các địa phương và lãnh đạo các sở, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Công an chịu trách nhiệm về những chỉ tiêu không hoàn thành.

2. Thường xuyên điều tra, khảo sát nắm chắc tình hình, thống kê đầy đủ, chính xác người nghiện ma tuý; xác định số người nghiện ma tuý cụ thể trên từng xã, phường, thị trấn, để vận động tham gia đợt cai nghiện tự nguyện và Chương trình điều trị Methadone theo chỉ tiêu Kế hoạch đã đề ra.

3. Mở đợt tuyên truyền, vận động, giáo dục người nghiện, gia đình người nghiện về tác hại của ma tuý, tự nguyện thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục để tham gia đợt cai nghiện tự nguyện và Chương trình điều trị Methadone; phát huy ưu thế của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các lực lượng nòng cốt của các đoàn thể ở cơ sở với phương châm “Đến từng ngỏ, gỏ từng nhà”, tạo thành đợt tuyên truyền, vận động rộng khắp về tự nguyện cai nghiện ma tuý trên toàn tỉnh.

4. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ tham gia trực tiếp vào công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng ở cơ sở; đảm bảo hồ sơ, thủ tục đầy đủ, đúng quy định khi áp dụng các biện pháp cai nghiện tự nguyện và tham gia Chương trình điều trị Methadone. Đồng thời, tiếp tục triển khai, thực hiện Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc“Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma tuý đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh”; trước mắt tận dụng Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội xã Tân Xuân, huyện Ba Tri để tập trung người nghiện ma tuý cắt cơn, giải độc trong quá trình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

5. Tiếp tục kiến nghị Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành thông tư hướng dẫn về thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma tuý của người nghiện ma tuý, tạo điều kiện thuận lợi mở rộng phạm vi đối tượng cai nghiện tự nguyện đến các đối tượng không tự nguyện cai nghiện ngoài xã hội.

6. Phát huy hiệu quả Chương trình điều trị nghiện ma tuý các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, tiếp tục vận động và tổ chức điều trị đạt chỉ tiêu đã được Chính phủ phân bổ cho tỉnh; mở thêm 2 điểm cho uống thuốc Methadone, dự kiến tại huyện Châu Thành và huyện Mỏ Cày Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện tham gia điều trị.

7. Đồng thời với mở đợt cai nghiện tự nguyện và tham gia Chương trình điều trị Methadone, các địa phương tăng cường thực hiện Kế hoạch “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma tuý” mà nhiệm vụ trọng tâm là: Chuyển hoá địa bàn có trên 07 người nghiện xuống còn dưới 03 người nghiện; từ có ít người nghiện thành không người nghiện và giữ vững số đơn vị không người nghiện ma tuý.

Quản lý chặt chẽ không để người nghiện ma tuý hiện có ở các địa phương câu móc, rủ rê người khác sử dụng ma tuý, phạm tội, vi phạm pháp luật; phát hiện, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm về ma tuý, nhất là ma tuý tổng hợp.

8. Thành lập Tổ liên ngành để điều phối đợt cai nghiện tự nguyện, quản lý người nghiện trong quá trình tham gia cai nghiện.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

Đề nghị các ngành là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, có trách nhiệm phối hợp thực hiện đợt cai nghiện tự nguyện và tham gia Chương trình điều trị Methadone theo mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu và giải pháp của Kế hoạch đề ra.

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các ngành chức năng thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế có kế hoạch liên ngành để triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch này; phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng ngành, địa phương để phối hợp thực hiện, đạt mục tiêu đề ra.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc“Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma tuý đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh”.

- Bố trí địa điểm, trang thiết bị, thuốc, nhân sự cần thiết tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri để kịp thời phục vụ đợt cai nghiện tự nguyện này.

- Phối hợp Sở Tài chính dự toán kinh phí hỗ trợ đợt cai nghiện tự nguyện theo nội dung Kế hoạch này.

- Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành điều phối đợt cai nghiện tự nguyện (gọi tắt là Tổ điều phối cai nghiện tỉnh) và quy chế hoạt động.

2. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các ngành chức năng, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Tăng cường triển khai các mặt công tác nghiệp vụ, điều tra, khảo sát nắm chắc tình hình, thống kê đầy đủ, xác định chỉ tiêu vận động người nghiện ma tuý cai nghiện tự nguyện và tham gia Chương trình điều trị Methadone trên từng địa bàn.

- Quản lý chặt chẽ người nghiện ma tuý hiện có, không để người nghiện câu móc, rủ rê người khác sử dụng ma tuý, phạm tội, vi phạm pháp luật ở các địa phương; tập trung lực lượng, biện pháp kịp thời phát hiện, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm về ma tuý, nhất là ma tuý tổng hợp.

- Gắn đợt cai nghiện tự nguyện và tham gia Chương trình điều trị Methadone với việc thực hiện Kế hoạch “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma tuý” của Ban Chỉ đạo tỉnh.

- Xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành liên quan tập huấn cho cán bộ cơ sở để phục vụ đợt cai nghiện tự nguyện và tham gia Chương trình điều trị Methadone.

- Chuẩn bị nội dung, tài liệu để tổ chức hội nghị triển khai việc thực hiện Kế hoạch này; định kỳ (3 tháng) có báo cáo để Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành và địa phương thực hiện đúng nội dung của Kế hoạch đề ra.

3. Sở Y tế chủ trì, phối hợp các ngành chức năng, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Tổ chức tổng kết đánh giá bước đầu kết quả thực hiện Chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; tiếp tục mở rộng Chương trình ở các huyện còn lại.

- Chủ động phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương trong quá trình chăm sóc, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, phòng tránh người nghiện tiếp tục sử dụng ma tuý trong quá trình điều trị.

- Có kế hoạch kiểm tra đội ngũ y, bác sĩ, thuốc, trang, thiết bị phục vụ cai nghiện ma tuý tự nguyện đợt này.

- Tăng cường quản lý và kiểm soát việc sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất dùng trong chữa bệnh và sản xuất dược phẩm đúng quy định của pháp luật.

4. Sở Tư pháp:

Hỗ trợ kiểm tra, giám sát quá trình khảo sát, lập hồ sơ, thủ tục thực hiện đợt cai nghiện ma tuý tự nguyện, đảm bảo quy trình, thủ tục, thẩm quyền đúng quy định của pháp luật.

5. Sở Tài chính:

Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh cân đối ngân sách, hỗ trợ kinh phí cho đợt cai nghiện ma tuý tự nguyện; hướng dẫn, kiểm tra các ngành, địa phương lập dự toán, nhận, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí được cấp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

6. Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre:

- Tăng cường thời lượng, tin, bài tuyên truyền đợt cai nghiện tự nguyện và tham gia Chương trình điều trị Methadone; tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống ma tuý nói chung, công tác tổ chức cai nghiện ma tuý, quản lý sau cai nghiện ma tuý nói riêng. Đặc biệt, đi sâu tuyên truyền ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, giải pháp của đợt cai nghiện ma tuý tự nguyện.

- Thường xuyên cập nhật tiến độ triển khai, thực hiện Kế hoạch; biểu dương, giới thiệu các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong quá trình thực hiện.

7. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên:

- Mở đợt tuyên truyền, giáo dục đặc biệt trên phạm vi toàn tỉnh về phòng, chống ma tuý, quyết tâm ngăn chặn không để phát sinh thêm người nghiện mới trên từng địa bàn.

- Kiên trì vận động người nghiện ma tuý, gia đình người nghiện ma tuý tham gia đợt cai nghiện tự nguyện và tham gia Chương trình điều trị Methadone.

- Hướng các tổ chức thành viên, các đội tình nguyện viên và các lực lượng nòng cốt về an ninh trật tự cơ sở tích cực tham gia quản lý, giáo dục, can thiệp, trợ giúp người nghiện ma tuý, gia đình người nghiện ma tuý tham gia đợt cai nghiện tự nguyện và tham gia Chương trình điều trị Methadone.

8. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Phối hợp với các sở, ban ngành chức năng của tỉnh thực hiện đợt cai nghiện tự nguyện và tham gia Chương trình điều trị Methadone ở địa phương.

- Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách của địa phương cho người nghiện ma tuý tham gia cai nghiện tự nguyện ở địa phương mình.

- Chỉ đạo quản lý chặt chẽ số người nghiện ma tuý trên địa bàn không để câu móc, rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng ma tuý, phạm tội, vi phạm pháp luật tại địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, không để phát sinh người nghiện ma tuý mới; kịp thời phát hiện và đấu tranh, triệt xoá dứt điểm tội phạm về ma tuý và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma tuý” của Ban Chỉ đạo tỉnh.

- Thành lập Tổ công tác liên ngành điều phối đợt cai nghiện tự nguyện ở địa phương; đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu mà Kế hoạch tỉnh đề ra.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ nội dung Kế hoạch và chức năng, nhiệm vụ được giao, các ngành là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc ở ngành, địa phương.

2. Kế hoạch thực hiện của các ngành, địa phương gửi về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Phòng Tham mưu Công an tỉnh) trước ngày 25 tháng 7 năm 2015.

3. Thời gian thực hiện Kế hoạch từ ngày 01 tháng 8 năm 2015; tổ chức sơ kết vào quí I năm 2016.

4. Giao Cơ quan Thường trực phòng, chống ma tuý - Công an tỉnh theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Cao Văn Trọng