ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3296/KH-UBND | Lâm Đồng, ngày 30 tháng 5 năm 2017 |
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU CỦA CỘNG ĐỒNG VĂN HÓA - XÃ HỘI ASEAN GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
Triển khai Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Đề án ASEAN), UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án ASEAN giai đoạn 2017 - 2020 với những nội dung cụ thể sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích: Thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh nhằm đạt được các mục tiêu khu vực về xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội.
2. Yêu cầu:
a) Chủ động và tích cực trong việc thực hiện vai trò điều phối các hoạt động về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại địa phương.
b) Tạo sự gắn kết và phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN giai đoạn 2017 - 2020.
c) Kịp thời cập nhật các hoạt động, sự kiện và tiến độ thực hiện Kế hoạch ở địa phương và khu vực.
d) Quy định cụ thể nhiệm vụ tương ứng cho từng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và yêu cầu chủ động thực hiện; nêu cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ để đạt được kết quả theo yêu cầu và đảm bảo đúng tiến độ.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Xây dựng cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân:
a) Tăng cường sự tham gia của các đơn vị, địa phương trong quá trình xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá các chương trình, chính sách, pháp luật, hoạt động liên quan đến các lĩnh vực của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.
b) Nâng cao năng lực cho tất cả các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và toàn dân để tăng cường sự tham gia trong quá trình xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá các chương trình, chính sách, pháp luật, hoạt động liên quan đến các lĩnh vực của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại địa phương.
c) Từng bước hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cá nhân; củng cố và hoàn thiện hệ thống dịch vụ xã hội phục vụ nhân dân.
Đơn vị thực hiện: Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và UBND các huyện, thành phố.
2. Xây dựng cộng đồng hòa nhập:
a) Giảm dần các rào cản, bất bình đẳng đối với các nhóm yếu thế trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đẩy mạnh việc tiếp cận bình đẳng với an sinh xã hội cho tất cả mọi người.
b) Thúc đẩy tiếp cận công bằng các dịch vụ xã hội, phát triển nguồn nhân lực tại địa phương, hỗ trợ tạo việc làm ổn định, giảm nghèo bền vững và tạo môi trường hòa nhập cho tất cả mọi người.
c) Tăng cường bảo vệ Quyền của các nhóm yếu thế và đối tượng đặc thù, tạo cơ hội hòa nhập cộng đồng.
Đơn vị thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, Tỉnh Đoàn và UBND các huyện, thành phố.
3. Xây dựng cộng đồng bền vững:
a) Bảo tồn, quản lý bền vững đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn.
b) Xây dựng thành phố bền vững về môi trường hướng tới ASEAN xanh, sạch, đẹp.
c) Xây dựng cộng đồng có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu vì một môi trường bền vững với sự tham gia tích cực của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, cộng đồng và các tổ chức quốc tế.
d) Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và tiêu thụ bền vững sản phẩm địa phương với việc áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, quản lý tốt rác thải và sử dụng nguyên, nhiên liệu hiệu quả.
Đơn vị thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh Đoàn, UBND các huyện, thành phố.
4. Xây dựng cộng đồng tự lực tự cường:
a) Tăng cường khả năng dự báo, ứng phó, thích ứng và khả năng phục hồi nhanh, hiệu quả.
b) Tăng cường khả năng ứng phó với các nguy cơ gây hại đến sức khỏe của người dân như nguy cơ sinh học, hóa học, phóng xạ, hạt nhân và các nguy cơ tiềm ẩn hoặc mới phát sinh (dịch, bệnh).
c) Nâng cao năng lực của bộ máy cơ quan, tổ chức và người dân để có thể thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu và các nguy cơ gây hại đến sức khỏe của người dân trên địa bàn.
d) Tăng cường an sinh xã hội cho các nhóm dễ bị tổn thương, những người sống trong khu vực dễ gặp phải những nguy cơ gây hại đến sức khỏe, dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và biến đổi môi trường khác.
đ) Tăng cường và phát huy tối đa vai trò của hệ thống tài chính, tín dụng, dự phòng lương thực, thực phẩm, nước, năng lượng và chuẩn bị mạng lưới an sinh xã hội tại địa phương để ứng phó với các rủi ro có thể xảy ra.
e) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các biện pháp hướng tới một Lâm Đồng “Không ma túy”.
Đơn vị thực hiện: Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh Đoàn, UBND các huyện, thành phố.
5. Xây dựng cộng đồng năng động:
a) Xây dựng một xã hội mở và thích ứng, trong đó áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, khuyến khích các hoạt động tình nguyện, công tác xã hội và quảng bá hình ảnh ASEAN.
b) Xây dựng một xã hội sáng tạo, đổi mới và thích ứng với việc tăng cường tính cạnh tranh của nguồn nhân lực, thúc đẩy hợp tác trong nước và khu vực về lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo.
c) Mở rộng các hình thức quảng bá, thu hút các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh hướng tới quá trình hội nhập, từng bước xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh trên địa bàn tỉnh và theo chuẩn mực trong khu vực ASEAN.
Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, Sở Ngoại vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh Đoàn, UBND các huyện, thành phố.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Lồng ghép các chính sách, chương trình của địa phương với việc tổ chức thực hiện các nội dung hoạt động của Kế hoạch Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
a) Rà soát hệ thống pháp luật, chính sách, chương trình, tiêu chuẩn, tổ chức bộ máy thực hiện tại địa phương trong giai đoạn 2017 - 2020.
b) Nghiên cứu và lựa chọn các biện pháp thực hiện phù hợp với ưu tiên của địa phương và của Chính phủ Việt Nam.
c) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện các yêu cầu, mục tiêu của Đề án.
d) Lồng ghép các chương trình, kế hoạch, Đề án của địa phương để tổ chức thực hiện Đề án.
2. Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và Đề án.
a) Biên soạn và phát hành các ấn phẩm truyền thông về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và các hoạt động, thành tựu của cơ quan chuyên ngành tham gia thực hiện Đề án.
b) Duy trì và vận hành hiệu quả trang thông tin điện tử của địa phương trong Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.
c) Tổ chức tập huấn, diễn đàn đối thoại, hội thảo với cơ quan truyền thông, báo chí để truyền thông về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.
3. Tăng cường hệ thống thông tin, báo cáo, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các nội dung hoạt động của Đề án.
a) Tăng cường cơ chế trao đổi thông tin, báo cáo, giao ban giữa các cơ quan liên quan của Đề án.
b) Nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị về chủ trương, chính sách trong hợp tác ASEAN.
c) Định kỳ đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các nội dung Đề án.
4. Thúc đẩy vận động, thu hút nguồn lực.
a) Đa dạng hóa việc vận động nguồn lực từ các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế, các Quỹ của ASEAN.
b) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn lực để thực hiện các nội dung hoạt động của Đề án.
5. Hoàn thiện hệ thống tổ chức và nâng cao năng lực cán bộ phù hợp với chức năng nhiệm vụ để thực hiện Đề án.
a) Bố trí nhân lực chuyên trách để thực hiện Đề án và đáp ứng yêu cầu hội nhập ASEAN.
b) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ cho công chức, viên chức nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi về nghiệp vụ và ngoại ngữ để tham gia tích cực vào hợp tác ASEAN.
IV. PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Phạm vi thực hiện: Trên phạm vi toàn tỉnh.
2. Thời gian thực hiện:
a) Năm 2017: Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh.
b) Năm 2020: Đánh giá giữa kỳ; tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Đề án; xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2025.
c) Năm 2025: Đánh giá cuối kỳ; tổ chức tổng kết Đề án.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước.
2. Lồng ghép nguồn lực của các chương trình, đề án, dự án tại địa phương.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các sở, ngành, đoàn thể, địa phương liên quan trực tiếp tham gia hợp tác trong Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN bao gồm: Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Tỉnh Đoàn và UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh:
a) Xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hoàn thành vào cuối tháng 6/2017; định kỳ vào ngày 15 tháng 12 hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh.
b) Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ có liên quan trong khuôn khổ Kế hoạch hành động của tỉnh đã được phê duyệt trong giai đoạn 2017 - 2020.
c) Tạo điều kiện, khuyến khích các cơ quan, tổ chức và mọi người dân tham gia vào quá trình xây dựng, triển khai, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch trên cơ sở phù hợp chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức thực hiện Kế hoạch.
b) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp và báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch hàng năm, tổ chức sơ kết thực hiện Đề án giai đoạn 2017 - 2020, tổng kết thực hiện Đề án giai đoạn 2017 - 2025 và trình UBND tỉnh xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành, đoàn thể liên quan bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch trong dự toán ngân sách hàng năm và kế hoạch trung hạn của các sở, ngành, đoàn thể trực tiếp tham gia hợp tác ASEAN theo quy định.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể liên quan vận động nguồn hỗ trợ phát triển chính thức để thực hiện Kế hoạch.
5. Sở Ngoại vụ thúc đẩy thực hiện và huy động nguồn lực của các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện Kế hoạch.
Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện, nếu thấy cần thiết phải bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch này, các sở, ngành, đoàn thể liên quan chủ động kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Kế hoạch 173/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Quyết định 161/QĐ-TTg thực hiện mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại thành phố Hải Phòng đến năm 2025
- 2 Kế hoạch 3506/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Quyết định 161/QĐ-TTg thực hiện mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
- 3 Kế hoạch 115/KH-UBND năm 2017 thực hiện Quyết định 161/QĐ-TTg thực hiện mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 4 Quyết định 161/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 1 Kế hoạch 115/KH-UBND năm 2017 thực hiện Quyết định 161/QĐ-TTg thực hiện mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 2 Kế hoạch 3506/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Quyết định 161/QĐ-TTg thực hiện mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
- 3 Kế hoạch 173/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Quyết định 161/QĐ-TTg thực hiện mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại thành phố Hải Phòng đến năm 2025