Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/KH-UBND

Hà Giang, ngày 27 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 10/01/2022 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP QUỐC GIA NĂM 2022

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Tiếp tục nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp và các Hội ngành nghề trên địa bàn tỉnh trong việc phối hợp, trao đổi thông tin, phản ánh những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp với các ngành, các cấp để tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

3. Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

1. Tiếp tục tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các Sở, Ngành được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số (Có phụ lục kèm theo).

a) Các Sở, Ban, Ngành căn cứ hướng dẫn của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương để tham mưu đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp phục vụ cho việc cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đảm bảo mục tiêu phù hợp với thực tiễn tại địa phương.

b) Tiếp tục thực hiện các giải pháp theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, gồm: (1) Khởi sự kinh doanh, Bảo vệ nhà đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư); (2) Nộp thuế và bảo hiểm xã hội (Cục thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh); (3) Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan (Sở Xây dựng); (4) Tiếp cận tín dụng (Ngân hàng nhà nước); (5); Tiếp cận điện năng (Sở Công thương); (6) Đăng ký tài sản (Sở Tài Nguyên và Môi trường); (7) Giao dịch thương mại qua biên giới (Cục Hải Quan tỉnh); (8) Giải quyết tranh chấp hợp đồng, Giải quyết phá sản doanh nghiệp (Tòa án nhân dân tỉnh).

2. Chú trọng thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

2.1. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo “Chương trình chuyển đi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính.

- Các Sở, Ban, Ngành và UBND các huyện, thành phố: Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 29/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 294/KH-UBND ngày 7/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2022, đảm bảo đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; nhấn mạnh các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, chú trọng thực hiện:

(i) Rà soát và nâng cao hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến;

(ii) Đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử theo nhiệm vụ mục tiêu Kế hoạch số 304/KH-UBND ngày 21/12/2021 của UBND tỉnh Hà Giang.

(iii) Ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền; kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Tích cực phối hợp với Tập đoàn FPT và các đơn vị để thực hiện nhiệm vụ về chuyển đổi số, lấy năm 2022 là năm chuyển đổi số của tỉnh.

2.2. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát.

- Các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực, gắn cải cách thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số; Đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ; thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh từ ngày 01 tháng 6 năm 2022; tại Bộ phận Một cửa cấp huyện từ ngày 01 tháng 12 năm 2022 theo đúng quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP. Sơ kết mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa các cấp để có giải pháp phát triển phù hợp. Đưa nhiệm vụ nâng cao năng lực cán bộ và nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong trách nhiệm giải quyết TTHC.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh và công khai kết quả xử lý trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và của sở.

2.3. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu phát triển bền vững.

- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ các Nghị quyết chuyên đề giai đoạn 2021-2025 của Tỉnh ủy về thu hút đầu tư (Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/8/2021), về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ (Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 24/8/2021), về chuyển đổi số (Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 29/10/2021)...; Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, Chương trình hành động số 05/CTr-UBND ngày 07/01/2021 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, các kế hoạch chuyên đề giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh; tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn như: Bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều, phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa.

- Khuyến khích doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh hướng tới phát triển bền vững, trong đó chú trọng các yếu tố bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tạo cơ hội việc làm cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện các giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức toàn xã hội về nội dung và ý nghĩa của phát triển bền vững.

2.4. Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19

- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các Hội và Hiệp hội doanh nghiệp: Tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả các chính sách hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện các hoạt động hợp tác nghiên cứu, tư vấn và đối thoại chính sách với các tổ chức có uy tín đề ra các giải pháp thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

3. Tập trung cải thiện và nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 và những năm tiếp theo đảm bảo thực chất và hiệu quả theo nội dung Kết luận của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện:

1.1. Xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên; trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện kế hoạch này.

1.2. Xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện kế hoạch này, trong đó xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đối với từng nhiệm vụ và phân công đơn vị chủ trì thực hiện, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng 02 năm 2022 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

1.3. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình, Kế hoạch thực hiện về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời công khai các kết quả kiểm tra, giám sát. Phân công đơn vị làm đầu mối thực hiện tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

1.4. Tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ thị số 623/CT-UBND ngày 31/3/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới tác phong lề lối làm việc, nâng cao chất lượng thực thi công vụ trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Tổ chức công tác truyền thông về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.

1.5. Trước ngày 05 tháng cuối quý tổng hợp báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ và kết quả thực hiện Kế hoạch gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

2. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục chủ trì thực hiện khảo sát thu thập thông tin đánh giá năng lực điều hành về kinh tế của các sở, ban, ngành và địa phương (DDCI), công bố kết quả trong quý I năm 2022. Đồng thời phối hợp với Hội doanh nhân trẻ tỉnh, các Hội ngành nghề trên địa bàn tỉnh theo dõi, đánh giá độc lập, thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch.

3. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí và truyền thông thực hiện truyền thông, phổ biến kế hoạch sâu rộng trên thông tin đại chính đến mọi người dân, doanh nghiệp; tăng cường sự theo dõi, giám sát của các cơ quan truyền thông, báo chí về kết quả thực hiện kế hoạch.

4. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị đầu mối chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch này; định kỳ tổng hợp tình hình thực hiện báo cáo UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ (trước ngày 10 tháng 6 và ngày 10 tháng 12) theo quy định; kịp thời đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (B/c);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (B/c);
- Phòng TM&CN Việt Nam;
- Thường trực Tỉnh ủy (B/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (B/c);
- Đoàn Đại biểu QH khóa XIV tỉnh HG;
- UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh HG;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thành ủy;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Hiệp Hội DN tỉnh, Hội DN trẻ HG;
- LĐVP, CVTH VP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Hệ thống Vnpti office;
- Lưu: VT, CV (CVNCTH).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn

 

PHỤ LỤC

PHÂN CÔNG CÁC CƠ QUAN CHỦ TRÌ, CHỊU TRÁCH NHIỆM CẢI THIỆN CÁC CHỈ SỐ
(Kèm theo Kế hoạch hành động số: 33/KH-UBND ngày 27/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang)

STT

Chỉ số (theo cách tiếp cận của WB)

Bộ, cơ quan chủ trì

Nhiệm vụ, giải pháp

Thời gian

1

Khởi sự kinh doanh

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Nghiên cứu, thực hiện theo thẩm quyền, hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành và thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm tăng nhanh số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động.

Thường xuyên

2

Bảo vệ nhà đầu tư

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Nghiên cứu và kiến nghị sửa đổi các quy định đề ngăn chặn xung đột lợi ích và nâng cao hiệu quả quản trị cổ đông.

Thường xuyên

3

Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan

Sở Xây dựng

Đẩy mạnh áp dụng dịch vụ công trực tuyến; rút ngắn thời gian ở mỗi bước thủ tục.

Thường xuyên

4

Tiếp cận điện năng

Sở Công thương, Công ty Điện lực Hà Giang

Đẩy mạnh áp dụng dịch vụ trực tuyến.

Thường xuyên

5

Tiếp cận tín dụng (trên khía cạnh nâng cao hiệu quả hệ thống thông tin tín dụng và cơ chế an toàn về bảo đảm quyền lợi của người đi vay và người cho vay)

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Giang

Thực hiện hoặc kiến nghị thực hiện các giải pháp về; (i) Cải thiện chiều sâu thông tin tín dụng; và (ii) Hỗ trợ việc cho vay trên cơ sở hoàn thiện các quy định về xử lý đối với tài sản bảo đảm và phá sản doanh nghiệp.

Thường xuyên

6

Đăng ký tài sản gắn liền với đất vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Sở Tài nguyên và Môi trường

Thực hiện liên thông các thủ tục, thời gian thực hiện theo quy định

Thường xuyên

7

Nộp thuế

Cục Thuế tỉnh

Đẩy mạnh áp dụng dịch vụ trực tuyến đầy đủ, thực chất.

Thường xuyên

8

Nộp bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội tỉnh

- Đẩy mạnh áp dụng dịch vụ trực tuyến.

Thường xuyên

9

Giao dịch thương mại qua biên giới

Cục Hải Quan

- Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hải quan.

- Triển khai thực hiện Cổng thông tin một cửa quốc gia để đảm bảo thực hiện giao dịch trực tuyến đầy đủ trên Cổng và kết nối dữ liệu giữa các Bộ, ngành, cơ quan

Thường xuyên

10

Giải quyết tranh chấp hợp đồng

Tòa án nhân dân tỉnh

Tham mưu các giải pháp cụ thể và trực tiếp thực hiện (khi được ủy quyền).

Thường xuyên

11

Giải quyết phá sản doanh nghiệp

Tòa án nhân dân tỉnh

12

Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch

Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch

Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; Triển khai thực hiện Đề án xúc tiến quảng bá du lịch giai đoạn đến năm 2020

Thường xuyên