ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/KH-UBND | Đồng Nai, ngày 25 tháng 02 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐỒNG NAI NĂM 2022
Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng;
Căn cứ Kế hoạch số 8040/KH-UBND ngày 13/7/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển du lịch năm 2022 với nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Cụ thể hóa Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30/12/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng và Kế hoạch số 8040/KH-UBND ngày 13/7/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
b) Từng bước phục hồi và phát triển du lịch trong tình hình mới, tập trung đón khách du lịch nội địa là chủ đạo.
c) Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch hướng đến bền vững.
d) Tập trung nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong tỉnh; chú trọng các dự án du lịch sinh thái, rừng, hồ, sông.
2. Yêu cầu
a) Các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa chủ động triển khai và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được giao.
b) Theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Trung ương và của tỉnh để chủ động thực hiện.
c) Đảm bảo các nhiệm vụ mang tính khả thi, phù hợp điều kiện, đặc điểm và tình hình phát triển du lịch của tỉnh.
II. DỰ BÁO TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH
1. Thuận lợi
a) Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định du lịch là một trong những nhiệm vụ đột phá cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên các nguồn lực để đầu tư phát triển.
b) Dự kiến khu du lịch Sơn Tiên có quy mô lớn nhất hiện nay của tỉnh được đưa vào khai thác giai đoạn 1, góp phần phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.
c) Nhiều dự án hạ tầng trọng điểm của quốc gia nằm trên địa bàn tỉnh được triển khai đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng.
d) Tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin ngày càng cao hướng đến miễn dịch cộng đồng và thực hiện thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 là tiền đề cho ngành du lịch phục hồi và tăng trưởng.
2. Khó khăn, thách thức
a) Tuy dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên ảnh hưởng đến các lĩnh vực nói chung và du lịch nói riêng.
b) Chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu nên ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ.
c) Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh trong thời gian vừa qua nên sức đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ gặp nhiều khó khăn.
d) Một số dự án du lịch sinh thái trong vườn quốc gia, Khu Bảo tồn, các Ban Quản lý rừng hiện nay gặp khó khăn trong triển khai thực hiện do bị điều chỉnh bởi nhiều luật, nghị định, thông tư hướng dẫn còn chưa cụ thể, rõ ràng.
III. MỤC TIÊU
1. Phấn đấu đón được 1.800.000 lượt khách, tăng 60 % so với năm 2021, trong đó:
a) Khách nội địa: 1.730.000 lượt
b) Khách quốc tế: 70.000 lượt.
2. Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 970 tỷ đồng, tăng 80 % so với năm 2021.
3. Thời gian lưu trú trung bình của khách đạt 1,43 ngày trở lên.
4. Chi tiêu bình quân lượt khách đạt 540.000 đồng/ngày/người trở lên.
IV. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch
Tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, đến các cán bộ, công chức, viên chức và các đơn vị hoạt động du lịch nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của du lịch trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, xây dựng văn hóa ứng xử, thái độ văn minh, lịch sự, thân thiện, hiếu khách trong việc đón tiếp và phục vụ khách du lịch thông qua nhiều hình thức như: Báo, đài, hội nghị, hội thảo, trang thông tin điện tử...
2. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
a) Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch kết hợp với cải cách thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực, uy tín để huy động vốn ngoài nhà nước đầu tư các dự án lớn, xây dựng các khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại cao cấp, các công trình văn hóa, thể thao gắn với du lịch tại các địa bàn trọng điểm
b) Rà soát các dự án trọng điểm về du lịch như: Dự án du lịch tại Thác Mai - Bàu nước sôi (Định Quán); khu phức hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại khu vực núi Chứa Chan và hồ Núi Le, huyện Xuân Lộc; khu du lịch tại khu vực Hồ Đa Tôn (huyện Tân Phú); Khu nuôi động vật bán hoang dã (Safari), Công viên thể thao Hàng không tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai; khu du lịch Đảo Ó - Đồng Trường và tuyến du lịch đường sông... để có giải pháp xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm hoàn thành và đi vào khai thác nhằm nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và sức cạnh tranh cao về du lịch để tạo thương hiệu và đột phá cho du lịch Đồng Nai.
3. Phát triển sản phẩm du lịch, liên kết tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh
a) Tổ chức khảo sát, đánh giá, phân tích các điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh và du lịch nông nghiệp, nông thôn để nghiên cứu đầu tư tạo sản phẩm du lịch; kết nối các điểm du lịch sinh thái; văn hóa, tâm linh và du lịch nông nghiệp nông thôn tạo thành tuyến du lịch.
b) Hỗ trợ và tạo điều kiện cho dự án khu du lịch Sơn Tiên (Biên Hòa) đi vào khai thác giai đoạn 1 để tạo thêm sản phẩm mới và điểm nhấn cho du lịch Đồng Nai; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tổ chức các giải thi đấu tạo các sản phẩm, dịch vụ như: Dù lượn, thuyền buồm, các môn thể thao phối hợp, đua xe đạp tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Thác Mai - Bàu nước sôi, núi Chứa Chan...
c) Phát triển sản phẩm du lịch ảo tại một số điểm đến trên địa bàn để tăng trải nghiệm cho người dân và du khách.
d) Khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành liên kết với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng các chương trình du lịch, sản phẩm du lịch an toàn.
e) Tiếp tục nghiên cứu kết nối đưa các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, công nông nghiệp tiêu biểu phù hợp vào các khu, điểm du lịch, siêu thị, Trung tâm Thương mại, trạm dừng chân để tạo sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và khách du lịch.
4. Đổi mới và nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch
a) Đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch, triển khai chương trình kích cầu du lịch với thông điệp “Du lịch Đồng Nai điểm đến an toàn - trải nghiệm trọn vẹn”; tập trung truyền thông nhận thức của người dân và du khách về du lịch an toàn trong tình hình mới. Tiếp tục nâng cấp các giải pháp du lịch thông minh để góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch.
b) Phối hợp Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch. Thường xuyên rà soát và cập nhật các thông tin mới vào các ấn phẩm du lịch bằng ngôn ngữ Việt - Anh để kịp thời cung cấp đến các doanh nghiệp, du khách.
c) Tổ chức các sự kiện: Tuần lễ văn hóa, du lịch Đồng Nai, các giải thể thao khu vực, toàn quốc...; tham gia các Hội chợ triển lãm về du lịch như: Hội chợ triển lãm quốc tế về du lịch Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh... để tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh quê hương, đất nước, con người Đồng Nai nhằm thu hút khách.
d) Tổ chức cho các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh khảo sát các điểm đến du lịch của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch xây dựng các gói kích cầu ưu đãi, cam kết chất lượng và đảm bảo an toàn trong quá trình du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường, xúc tiến bán sản phẩm du lịch.
e) Gắn hoạt động xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và ngoại giao. Tranh thủ quảng bá du lịch thông qua các nhà đầu tư trên địa bàn.
5. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực
Phối hợp các Trường đào tạo về du lịch có uy tín tổ chức 02 - 03 lớp bồi dưỡng nghề, kiến thức về du lịch, kỹ năng hoạt động du lịch cộng đồng cho người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó ưu tiên các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch nhằm trang bị về nghiệp vụ, kỹ năng cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch.
6. Công tác quản lý nhà nước về du lịch
a) Chú trọng xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, mến khách, đảm bảo an ninh trật tự, môi trường du lịch, ngăn chặn hiện tượng chèo kéo khách, nâng giá dịch vụ, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, cảnh báo nguy hiểm, cứu nạn, cứu hộ tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch.
b) Tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ... để chia sẻ kinh nghiệm quản lý, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến du lịch và kết nối tuyến du lịch giữa các địa phương.
c) Tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra để hướng dẫn, nhắc nhở các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh doanh dịch vụ du lịch, đồng thời xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình vi phạm và có hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh.
7. Ứng dụng khoa học và công nghệ
a) Ứng dụng nghiên cứu khoa học, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Đồng Nai, thương hiệu và xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ số nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, phát triển theo hướng du lịch thông minh.
b) Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ xanh, sạch, năng lượng tái tạo trong hoạt động kinh doanh du lịch.
c) Xây dựng sản phẩm du lịch thực tế ảo tại Văn miếu Trấn Biên với công nghệ 3D/4D để tăng sự trải nghiệm của khách du lịch tại điểm đến và trong hoạt động truyền thông, quảng bá.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN: Từ nguồn kinh phí của mỗi đơn vị và huy động xã hội hóa theo quy định.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch tỉnh
Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành và địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch.
2. Các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị tích cực hỗ trợ hoặc tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm về du lịch: Tuyến du lịch đường sông, Thác Mai - Bàu nước sôi, Đảo Ó - Đồng Trường, mở rộng Khu du lịch Suối Mơ, Công viên Safari, Công viên thể thao hàng không, dự án khu du lịch phức hợp sinh thái, nghỉ dưỡng khu vực núi Chứa Chan và hồ Núi Le, Hồ Đa Tôn... để sớm triển khai thực hiện dự án.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng.
b) Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch thực tế ảo tại một số điểm đến trên địa bàn để tăng trải nghiệm cho người dân và du khách.
c) Phối hợp nghiên cứu đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ về du lịch; nghiên cứu tiếp nhận, triển khai ứng dụng các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phát triển du lịch.
d) Là đầu mối chủ trì, đôn đốc thực hiện kế hoạch; phối hợp cơ quan, địa phương liên quan thực hiện và tổng hợp báo cáo kết quả theo quy định.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục quyết định chủ trương đầu tư để triển khai các dự án theo quy định của Luật Đầu tư và các quy định khác liên quan; kịp thời tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xử lý các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sớm triển khai thực hiện dự án.
b) Tổ chức kiểm tra, giám sát, đề xuất xử lý các dự án du lịch được cấp quyết định chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật để đôn đốc tiến độ thực hiện dự án.
5. Sở Xây dựng
a) Hỗ trợ và hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện hồ sơ xây dựng đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch.
b) Phối hợp UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về xây dựng tại các dự án du lịch.
6. Công an tỉnh
a) Thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; phối hợp các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch theo quy định pháp luật.
b) Tổ chức, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị du lịch phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và xây dựng lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh du lịch.
7. Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm công nông nghiệp tiêu biểu phù hợp đến các khu, điểm du lịch, các Trung tâm thương mại, siêu thị nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các huyện, thành phố nghiên cứu phát triển du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao.
b) Hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch liên quan đến các thủ tục đất rừng, môi trường rừng theo quy định pháp luật; kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý các vướng mắc của các dự án liên quan đến rừng.
9. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về đất đai đối với các dự án phát triển du lịch, nhất là các dự án trọng điểm về du lịch; chủ động đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý đối với các nội dung vượt thẩm quyền theo quy định.
b) Theo dõi, giám sát việc sử dụng đất, sử dụng nguồn nước, khoáng sản và công tác bảo vệ môi trường của các dự án du lịch theo quy định.
10. Sở Khoa học và Công nghệ:
Chủ động, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cho nghiên cứu, chuyển kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.
11. Hiệp hội Du lịch Đồng Nai
a) Tổ chức Đại hội Hiệp hội Du lịch lần IV, nhiệm kỳ 2022 - 2027 để đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, đồng thời xây dựng phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình mới.
b) Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp du lịch chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước về kinh doanh du lịch; đảm bảo môi trường du lịch, an ninh trật tự, an toàn cho du khách, xây dựng văn hóa, ứng xử văn minh trong doanh nghiệp; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch.
c) Chủ động phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng sản phẩm du lịch, liên kết doanh nghiệp và các hoạt động liên quan đến phát triển du lịch của tỉnh.
12. Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai
a) Nghiên cứu phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ tại Khu Bảo tồn.
b) Theo dõi các khó khăn vướng mắc một số dự án về du lịch tại Khu Bảo tồn, kịp thời báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
13. Vườn Quốc gia Cát Tiên
Phối hợp triển khai các nội dung được quy định tại Quyết định số 2109/QĐ-UBND ngày 23/6/2020 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế phối hợp quản lý và thúc đẩy hoạt động du lịch tại khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên.
14. Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai, Báo Đồng Nai: Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các chuyên mục để tuyên truyền, quảng bá du lịch Đồng Nai đến với du khách trong và ngoài tỉnh.
15. UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa
a) Tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm phát huy giá trị của di tích gắn với hoạt động du lịch, đồng thời nghiên cứu và xây dựng nâng cao các sản phẩm du lịch của địa phương để phục vụ người dân và du khách.
b) Rà soát các điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh và các điểm đến nông nghiệp, nông thôn có tiềm năng để có kế hoạch khai thác gắn với du lịch.
c) Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động, quảng bá du lịch của địa phương bằng nhiều hình thức (các ấn phẩm du lịch, internet, hội chợ triển lãm về du lịch, báo, đài...) để tuyên truyền, giới thiệu văn hóa, con người Đồng Nai đến du khách trong và ngoài nước.
d) Kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về xây dựng tại các dự án du lịch.
e) Tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các khu, điểm du lịch, đặc biệt là các điểm du lịch có các hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước; chỉ đạo các phòng chức năng ngăn chặn và xử lý các đối tượng đeo bám gây phiền hà cho khách du lịch (nếu có).
Trên đây là Kế hoạch phát triển du lịch Đồng Nai năm 2022. Đề nghị các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố chủ động, tích cực phối hợp triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trước ngày 15/11/2022; trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các ngành và địa phương chủ động báo cáo và đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch./.
| KT. CHỦ TỊCH |