Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 332/KH-UBND

Hà Giang, ngày 09 tháng 8 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

KHẮC PHỤC NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ SAU 02 THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Thực hiện Quyết định số 840-QĐ/TU ngày 05/6/2017 của Tỉnh ủy v/v phân công ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách, chỉ đạo và đôn đốc việc khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Trên cơ sở báo cáo rà soát, đánh giá và đề xuất giải pháp khắc phục những tồn tại sau 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 02 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với những nội dung như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra trong lĩnh vực phát triển sản xuất nông lâm nghiệp;

- Đề ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 02 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đề ra.

2. Yêu cầu

- Xây dựng, đề ra được những giải pháp nhằm giải quyết, khắc phục được triệt để những tồn tại hạn chế sau 02 năm thực hiện đề án, có tính khả thi đảm bảo từ nay đến năm 2020 hoàn thành mục tiêu đề ra.

- Huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. UBND các huyện, thành phố phải vào cuộc quyết liệt, chủ động xây dựng các kế hoạch để khắc phục những tồn tại, hạn chế của địa phương mình trong triển khai thực hiện đề án.

- Thành viên Ban chỉ đạo các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện; cùng cơ sở kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

II. Những tồn tại, hạn chế sau 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

1. Công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách đến người dân còn hạn chế; việc triển khai thực hiện Đề án còn chưa được đồng bộ, nhiều địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm, triển khai chậm, dàn trải.

2. Việc phân vùng sản xuất, phân vùng nguyên liệu chưa rõ; sản xuất quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, chưa hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn; thiếu sự liên kết vùng.

3. Một số sản phẩm chủ lực trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý (Mật ong, cam); việc liên kết, phối hợp giữa các địa phương chưa rõ, chưa khai thác triệt để được lợi thế này.

4. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến đối với các cây trồng, vật nuôi thế mạnh của tỉnh đã được xác định trong đề án tái cơ cấu ngành còn hạn chế, hiệu quả thấp.

5. Nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ cho Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thấp, chủ yếu bố trí từ nguồn vốn sự nghiệp và từ nguồn tín dụng. Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng như thủy lợi, cơ sở sản xuất, dịch vụ, chế biến, bảo quản nông sản...., chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, chưa đồng bộ cho từng dự án.

6. Các hình thức tổ chức sản xuất (HTX, THT) được thành lập tăng về số lượng nhưng chất lượng hoạt động còn yếu, chưa đóng vai trò tổ chức lại sản xuất, chưa định hướng được thị trường và bao tiêu sản phẩm cho người dân.

7. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gặp nhiều khó khăn. Do vậy sản xuất chưa gắn kết được với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, các sản phẩm sản xuất chủ yếu bán thô, sơ chế nên giá trị thấp, người dân tự tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

8. Việc triển khai thực hiện chính sách ở cơ sở còn lúng túng, chưa tận dụng được thời cơ, cơ hội để khơi thông vốn tín dụng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Chính sách ban hành còn có những rào cản nhất định như: không có tài sản thế chấp, luôn có dư nợ tại các ngân hàng... nên người dân không tiếp cận được vốn tín dụng để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.

9. Nhận thức của người dân còn hạn chế, trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước. Nhận thức của người lao động làm nông nghiệp nông thôn về việc làm, học nghề còn hạn chế; tâm lý ngại đi làm xa, bằng lòng với cuộc sống đây là một trong những cản trở lớn đến công tác giải quyết đưa người lao động đi làm việc xa nhà.

10. Trình độ chuyên môn của cán bộ ngành nông nghiệp còn hạn chế; công tác lãnh chỉ đạo của chính quyền xã ở một số địa phương mới dừng lại trên văn bản là chính; thiếu kiểm tra, đôn đốc; chưa nắm chắc, đầy đủ các chủ trương, chính sách của tỉnh.

11. Hoạt động của một số thành viên Ban chỉ đạo chưa rõ nét, chưa chủ động đề xuất cho Ban chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung thuộc lĩnh vực ngành phụ trách.

III. Các nhóm giải pháp chủ yếu nhằm khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đảm bảo đến năm 2020 hoàn thành mục tiêu đề ra

1. Công tác tuyên truyền

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền theo nhiều hình thức đa dạng, phong phú (tuyên truyền bằng tờ rơi, pa nô, áp phích, các cuộc thi, truyền thanh, truyền hình, họp thôn), tạo đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị nhằm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất từ chiều rộng sang chiều sâu, lấy kết quả, hiệu quả kinh tế làm thước đo trong sản xuất, với mục tiêu cốt lõi là nâng cao thu nhận cho người dân. Phải tạo ra bước chuyển biến mới về tư duy sản xuất cũ sang sản xuất hàng hóa; sản xuất sản phẩm thị trường cần, không sản xuất cái mình có; phải có thị trường mới quay lại tổ chức sản xuất; sản xuất các sản phẩm đặc hữu, đặc sản, sản xuất an toàn.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai, quán triệt chính sách theo Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết 86/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa đến các tổ chức, cá nhân và đối tượng hưởng lợi để thống nhất chung từ công tác chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện trong toàn tỉnh.

- Thay đổi cách thức hỗ trợ từ hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất sang hỗ trợ lãi suất vay vốn, hỗ trợ cho các HTX, doanh nghiệp để tổ chức lại sản xuất, bao tiêu sản phẩm ổn định cho người dân nhằm tránh sự ỷ lại vào nhà nước của người dân.

2. Giải pháp về công tác quy hoạch, tích tụ ruộng đất, phân vùng nguyên liệu

- Quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh thành các vùng hàng hóa tập trung đối với các cây con theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (cam, chè, dược liệu; trâu, bò, ong); xác định diện tích phù hợp có tính đến yếu tố thị trường đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

- Tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tích tụ ruộng đất tại các vùng, nơi có điều kiện thông qua các hình thức: Dồn điền, đổi thửa; góp đất, giao đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung thông qua liên kết doanh nghiệp để có diện tích đủ lớn thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

- Rà soát lại diện tích các vùng nguyên liệu hiện có (chè, cam, dược liệu) để phân vùng cho các nhà máy, cơ sở chế biến để các doanh nghiệp chủ động liên kết với các hộ dân sản xuất theo tiêu chuẩn, nhằm chủ động vùng nguyên liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới các thị trường xuất khẩu.

3. Ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, huy động sự tham gia các thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vào các hoạt động khoa học công nghệ. Phát huy vai trò của các trung tâm khoa học tham gia vào nghiên cứu, phục tráng các sản phẩm đặc sản, đặc hữu của địa phương để cung ứng được giống tốt tại địa bàn tỉnh. Xây dựng mô hình, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ mới, có hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng, nhất là các mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, quả, chè, chăn nuôi theo hướng an toàn.

- Về trồng trọt: Chủ động nghiên cứu và ứng dụng đưa các bộ giống cây trồng mới thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu vào canh tác như: các giống lúa, ngô chịu hạn, các bộ giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt để sản xuất hàng hóa.... Hàng năm, UBND tỉnh giao cho Sở chuyên môn định hướng cụ thể về cơ cấu các loại giống cây trồng.

- Đối với phát triển chăn nuôi: Áp dụng các tiến bộ khoa học vào khâu chọn lọc và cải tạo chất lượng đàn trâu Hà Giang, trâu lai F1 Murrah. Đối với bò giống: xác định giống Bò vàng (giống bò Mông) đối với các huyện vùng cao. Riêng các huyện vùng thấp phát triển các giống Red Sindhi, Sahiwal, Brahman, 3B. Quyết liệt chỉ đạo thực hiện chương trình thụ tinh nhân tạo cho đàn bò trên địa bàn toàn tỉnh.

- Về lĩnh vực lâm nghiệp: Tập trung sử dụng giống mới trên 30% tổng diện tích rừng trồng mới, năng suất rừng trồng mới tăng ít nhất 1,2 - 1,5 lần vào năm 2020.

4. Giải pháp quản lý chỉ dẫn địa lý, nâng cao chất lượng sản phẩm

Đối với các sản phẩm đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý (cam, mật ong) yêu cầu các huyện phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ đối với chất lượng của sản phẩm, sử dụng chỉ dẫn địa lý dùng chung theo hướng chất lượng sản phẩm ngày một tốt hơn, giữ uy tín trên thị trường, không xây dựng chỉ dẫn địa lý riêng. Đối với các sản phẩm còn lại phải đẩy nhanh tiến độ làm hồ sơ xây dựng chỉ dẫn địa lý (Hồng không hạt, gạo già dui, sản phẩm bò vàng, chè, dược liệu) để sớm được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và công nghệ chứng nhận. Các sản phẩm đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý trong thời gian tới phải hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (VietGAP, GAP đối với cây cam, chè; VietGAHP đối với chăn nuôi trâu, bò; WHO - GAP, GlobalGAP đối với cây dược liệu) để nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

5. Tổ chức lại sản xuất và thu hút doanh nghiệp

- Song song với việc phát triển thành lập mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp (THT, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp), tập trung cho công tác đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về quản trị cho Ban giám đốc các HTX nông nghiệp; củng cố lại hoạt động của các THT đã thành lập; triển khai nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới đã thành công như: mô hình HTX thôn chang, các mô hình HTX trồng rừng... để tổ chức lại sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Xây dựng các mô hình phát triển xã, thôn điển hình, kiểu mẫu về phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với các sản phẩm đặc thù, đặc hữu của từng địa phương.

- Rà soát lại quỹ đất nông lâm nghiệp chưa sử dụng, đã giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng nhưng kém hiệu quả thu hồi để tạo ra mặt bằng sạch thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện đứng ra làm trung gian trong các mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân. Chuẩn bị tốt các dự án theo cây con thế mạnh đã được xác định trong đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; cây con xác định theo nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện các cấp để mời gọi, xúc tiến thu hút đầu tư.

6. Giải pháp về nguồn lực

- Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương từ các chương trình, dự án; vốn tín dụng thông qua các chính sách của tỉnh; vốn của doanh nghiệp để tập trung đầu tư vào các sản phẩm chủ lực trong đề án tái cơ cấu.

- Khuyến khích, thu hút các nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để mỗi cây con chủ lực có 01 doanh nghiệp đầu tầu dẫn dắt người dân sản xuất hàng hóa. Thu hút các nguồn vốn OAD để đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp nông thôn. Quản lý tốt các nguồn vốn, quản lý khai thác có hiệu quả các dự án, công trình sau đầu tư.

- Quyết liệt chỉ đạo nhân rộng mô hình đầu tư có thu hồi - tái đầu tư; hoạt động của các quỹ thôn bản để có nguồn vốn luân chuyển, hỗ trợ cho người dân sản xuất hàng hóa.

- Rà soát lại quỹ đất sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh (Điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp và quy hoạch 3 loại rừng) để bố trí quỹ đất sạch thu hút, giao cho doanh nghiệp thuê đầu tư sản xuất, kinh doanh các cây, con có thế mạnh theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

7. Về nguồn nhân lực

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm trên địa bàn tỉnh, nhất là các xã vùng cao, vùng sâu xa. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân.

- Tập trung chỉ đạo công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn phải bám sát vào các cây, con trong đề án tái cơ cấu để lao động sau đào tạo có kỹ năng tổ chức sản xuất.

- Quan tâm kiện toàn, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ khuyến nông xã, thôn bản theo hướng tinh gọn, có chuyên môn sâu để truyền tải kỹ thuật và giám sát dịch bệnh. Hàng năm, xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, đào tạo lại, tập huấn cho cán bộ ngành nông nghiệp từ huyện đến thôn bản.

8. Giải pháp về chính sách

- Tổ chức rà soát lại toàn bộ chính sách của Trung ương ban hành liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để báo cáo các Bộ, ngành trung ương bố trí nguồn vốn hàng năm để thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh.

- Quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND và nghị quyết 86/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh để tận dụng cơ hội khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư vào nông nghiệp, tạo ra bước chuyển biến, bứt phá trong sản xuất hàng hóa.

- Rà soát lại toàn bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách của tỉnh, của ngành chuyên môn, các tổ chức tín dụng theo hướng đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, không tạo ra các rào cản người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng.

9. Giải pháp về quản lý nhà nước

- Ngành Nông nghiệp & PTNT (cơ quan thường trực) tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ngành: Định hướng vùng sản xuất; cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho huyện; kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; kiểm soát chặt chẽ đầu vào sản xuất và chuyển hướng sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Rà soát lại các quy hoạch của ngành, quy hoạch sản phẩm để điều chỉnh lại quy hoạch phù hợp với các cây con theo đề án tái cơ cấu và sản xuất hàng hóa.

- Tiếp tục cải cách các bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng đơn giản về thủ tục, giảm thời gian hướng tới nền hành chính công lấy tổ chức, cá nhân làm đối tượng phục vụ.

IV. Tổ chức thực hiện (có phụ lục kèm theo)

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Là cơ quan thường trực triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp có trách nhiệm tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch tại các huyện, thành phố.

- Tham mưu, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - ĐT đề xuất UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, nguồn vốn đầu tư, ODA hàng năm phân cấp cho huyện, thành phố để thực hiện các đề án, phương án, kế hoạch.

- Định kỳ 6 tháng, cuối năm tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện các nội dung trong kế hoạch với UBND tỉnh; kịp thời tham mưu đề xuất, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.

2. Các thành viên BCĐ tỉnh

- Sở Kế hoạch - ĐT: Trên cơ sở nguồn vốn theo kế hoạch trung hạn; các nguồn vốn ODA, vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ tham mưu cho UBND tỉnh bố trí vốn để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đặc biệt là nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP ; Nghị định 65/2017/NĐ-CP.

- Sở Tài chính: Tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn Sự nghiệp kinh tế; nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, vốn 30a, 135... theo hướng tập trung đầu tư vào các cây con theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

- Sở Công thương: Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ các sản phẩm theo đề án tái cơ cấu. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm theo đề án.

- Sở Khoa học và công nghệ: Tham mưu đẩy mạnh việc ứng dụng kết quả của các đề tài, dự án khoa học đã nghiên cứu thành công trên địa bàn tỉnh. Tập trung triển khai các đề tài, dự án khoa học nghiên cứu đối với các cây, con theo đề án tái cơ cấu. Hướng dẫn, tham mưu xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu đối với các sản phẩm tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các sản phẩm đặc sản, đặc hữu của địa phương.

- Các thành viên BCĐ khác: Trên cơ sở lĩnh vực và địa bàn được phân công phụ trách tăng cường xuống cơ sở, tư vấn, đôn đốc BCĐ huyện triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu. Rà soát lại các kế hoạch, phương án, dự án đã ban hành để điều chỉnh cho phù hợp; xác định rõ cây con thực hiện tái cơ cấu để tập trung nguồn lực. Đồng thời kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở.

3. UBND các huyện, thành phố

- Ban chỉ đạo đề án Tái cơ cấu các huyện, thành phố: Chỉ đạo UBND huyện rà soát và bổ sung các kế hoạch để cụ thể hóa đề án tái cơ cấu cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng huyện thực hiện hàng năm.

- Tổ chức đánh giá lại sau 2 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thực hiện trên địa bàn huyện, thành phố và căn cứ vào kế hoạch của tỉnh ban hành có trách nhiệm xây dựng kế hoạch để khắc phục những tồn tại, hạn chế của địa phương.

- Tổ chức lồng ghép các nguồn vốn đầu tư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm chuyển biến về tư duy, nhận thức của người dân; tạo quỹ đất sạch để thu hút doanh nghiệp...Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu, các chính sách của Trung ương, chính sách của tỉnh tại cấp mình quản lý.

- Kịp thời báo cáo, đề xuất với tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch tại cơ sở.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao yêu cầu các ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố và các ngành liên quan nghiêm túc tổ chức thực hiện.

 


Nơi nhận:
- T.Tr Tỉnh ủy; (b/c)
- CT UBND tỉnh; (b/c)
- PCT UBND tỉnh phụ trách khối;
- Các TV BCĐ thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP (Đ/c Sang, Hùng);
- VNPTioffice;
- Lưu: VT, KTN, KTTH

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Tiến

 

PHỤ LỤC

STT

Nội dung

Đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện

Thời gian thực hiện

1

Tổ chức mở 01 đợt tuyên truyền, triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Chính sách theo nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND ; Nghị quyết 86/2017/NQ-HĐND

UBND các huyện, thành phố

Tháng 9/2017

2

Xây dựng hoàn thành đề án tích tụ đất đai để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Sở Nông nghiệp và PTNT

Năm 2017

3

Hoàn thành Quy hoạch ngành nông nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Sở Nông nghiệp và PTNT

Năm 2017

4

Kiện toàn lại các HTX nông nghiệp, THT hoạt động có hiệu quả

Sở Nông nghiệp và PTNT

Năm 2017

5

Phân vùng nguyên liệu chè, cam, dược liệu, trâu, bò; ong cho các cơ sở chế biến

Sở Nông nghiệp và PTNT

Năm 2017- 2018

6

Triển khai chính sách theo nghị quyết 209; nghị quyết 86

Sở Nông nghiệp và PTNT

2017-2020

7

Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

- Sở Nông nghiệp và PTNT

- UBND các huyện, TP

Hàng năm

8

Hoàn thành việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các sản phẩm đặc hữu của địa phương

- Sở Khoa học và Công nghệ

2017-2020

9

Quản lý chặt chẽ và phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý các sản phẩm đã được chứng nhận

- Sở Khoa học và Công nghệ

- UBND các huyện, TP

2017-2020

10

Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

- UBND các huyện.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư

2017-2020

11

Xác định các vùng xây dựng các nhà máy chế biến các sản phẩm tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Sở Công thương

Năm 2017

12

Dự báo thị trường và xúc tiến, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Sở Công thương

Hàng năm

13

Ưu tiên bố trí nguồn vốn hàng năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

- Sở Kế hoạch - ĐT;

- Sở Tài chính

2017-2020