- 1 Nghị định 85/2016/NĐ-CP về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ
- 2 Quyết định 3570/QĐ-BVHTTDL năm 2022 phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3472/KH-UBND | Bình Dương, ngày 11 tháng 7 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CỦA CÔNG NGHIỆP 4.0 ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÔNG MINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Thực hiện Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày 21 tháng 12 năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh Bình Dương với những nội dung như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
- Phát triển du lịch thông minh theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
- Phát triển du lịch thông minh trên cơ sở lấy khách du lịch làm trung tâm, sản phẩm dịch vụ làm điểm nhấn, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến Bình Dương tạo nguồn thu góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong thời đại số, hỗ trợ tra cứu, tìm kiếm thông tin du lịch, kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và khách du lịch.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2025
- Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong phát triển đô thị thông minh, thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
- Hoàn thiện nền tảng ứng dụng công nghệ hiện có phục vụ khách du lịch, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
- Tiếp tục hoàn thiện Cổng Thông tin du lịch, App Du lịch đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch và thông tin cần thiết khác; tích hợp các ứng dụng tiện ích hỗ trợ khách du lịch, các chủ thể khác liên quan đến du lịch.
- Xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm được ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để nâng cao trải nghiệm và phù hợp với hành vi tiêu dùng của khách du lịch. Trước mắt, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi khách du lịch sau đại dịch Covid - 19.
- Phát triển hệ thống dữ liệu số, cơ sở dữ liệu ngành du lịch làm nền tảng cho xây dựng các ứng dụng du lịch thông minh.
- Kết nối, chia sẻ dữ liệu ngành du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đến khách du lịch.
b) Định hướng đến năm 2030
- Phát triển du lịch thông minh đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững, góp phần đưa du lịch Bình Dương trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với các điểm đến hấp dẫn tương xứng với phát triển đô thị, thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo.
- Hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, đồng bộ trên cơ sở tiếp cận những công nghệ tiên tiến. Mở rộng phát triển du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh, đóng góp việc hình thành các chuỗi đô thị thông minh phạm vi toàn tỉnh.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Phát triển hệ thống dữ liệu số trong lĩnh vực du lịch
- Phát triển, mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch đảm bảo đồng bộ, kết nối và liên thông từ trung ương đến các địa phương; chuẩn hóa dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý. Kết nối cơ sở dữ liệu với các di tích, danh thắng với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch.
- Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch cần được xây dựng đáp ứng quản lý ngành gồm: Cơ sở lưu trú du lịch; Doanh nghiệp lữ hành; doanh nghiệp vận tải khách du lịch; Khu du lịch, điểm du lịch; cơ sở kinh doanh các loại dịch vụ du lịch khác (ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch); Hướng dẫn viên du lịch; Xúc tiến du lịch; Nhân lực du lịch; Khách du lịch; Thống kê du lịch.
- Các hệ thống thông tin được xây dựng đáp ứng theo yêu cầu và tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ tương ứng theo Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
2. Số hóa, kết nối, tích hợp các dữ liệu về du lịch địa phương vào hệ thống thông tin, dữ liệu quản lý chung theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch. Phát triển các nhóm ứng dụng:
Nhóm 1: Ứng dụng hỗ trợ khách du lịch
- Phát triển hoàn thiện Cổng Thông tin du lịch, App du lịch tích hợp ứng dụng trên thiết bị di động hỗ trợ, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, sinh động về các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch; tích hợp các ứng dụng hỗ trợ xây dựng chương trình du lịch, đặt và thanh toán dịch vụ du lịch trực tuyến; tư vấn thông tin chỉ dẫn cho du khách, tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch.
- Phát triển nền tảng số, các ứng dụng trên thiết bị di động hỗ trợ khách du lịch chuẩn bị trước chuyến đi nhằm nâng cao chất lượng thông tin và trải nghiệm của khách du lịch, tạo thuận lợi cho hành trình du lịch.
- Phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh phục vụ khách du lịch nội địa và quốc tế.
- Phát triển ứng dụng tích hợp trên nền bản đồ số hỗ trợ khách du lịch với tính năng có khả năng theo sát hành trình, cảnh báo an toàn, tiếp nhận phản hồi, chủ động cung cấp thông tin du lịch phù hợp chỉ dẫn cho khách như thông tin về địa danh, đi lại, ẩm thực, lưu trú, mua sắm, nhật ký du lịch, mua vé,...
- Ứng dụng các công nghệ: Thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (bigdata), các nền tảng số, v.v.. để phát triển hệ thống du lịch, hỗ trợ làm giàu thông tin số về du lịch và khách du lịch.
Nhóm 2: Ứng dụng hỗ trợ quản lý nhà nước về du lịch
- Thực hiện hệ thống thông tin báo cáo trong lĩnh vực du lịch kết nối hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc của Ủy ban nhân dân tỉnh để kết nối với trung tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch.
- Kết nối cơ sở dữ liệu du lịch của tỉnh với cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam liên thông tới hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh để kết nối tới các hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia, Bộ, Ngành liên quan để phục vụ phát triển nền tảng, ứng dụng trong công tác quản lý nhà nước về du lịch.
Nhóm 3: Ứng dụng hỗ trợ, quản lý điểm đến thông minh
- Khuyến khích các điểm đến du lịch đặc biệt với các điểm đến là các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, đầu tư các thiết bị thông minh để phục vụ khách du lịch; tăng cường chuyển đổi, sử dụng các hệ thống thanh toán điện tử.
- Phát triển hệ thống thông tin ngành du lịch; hoàn thiện nội dung số hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch Bình Dương. Phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch trên thiết bị di động. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, đóng góp dữ liệu vào hệ thống dữ liệu chung về du lịch và cùng khai thác.
- Chuẩn hóa bản đồ dữ liệu du lịch; ứng dụng công nghệ GIS (trên nền tảng cơ sở dữ liệu nền địa lý dùng chung tỉnh Bình Dương) và những công nghệ khác phục vụ nhu cầu tra cứu tại điểm đến, quản lý sức chứa của điểm đến du lịch của khách du lịch.
- Ứng dụng công nghệ GPS, AI,... phát triển ứng dụng hướng dẫn du lịch tự động (auto guide) bằng nhiều ngôn ngữ phù hợp với các thị trường khách du lịch của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng.
- Thí điểm lắp đặt thiết bị tự động đếm lượt khách tại Bảo tàng tỉnh, một số khu điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Nhóm 4: Ứng dụng hỗ trợ, quản lý doanh nghiệp thông minh
- Hỗ trợ, kết nối các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch với các nhà đầu tư và tham gia các cuộc thi khởi nghiệp trong nước và quốc tế.
- Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, áp dụng các phần mềm, hệ thống quản trị doanh nghiệp trên các thiết bị thông minh để nâng cao khả năng quản lý, điều hành của doanh nghiệp cũng như nâng cao chất lượng trải nghiệm cho khách du lịch.
- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển ứng dụng kết nối dịch vụ du lịch tích hợp cung cấp dịch vụ du lịch trên sàn thương mại điện tử, cho phép doanh nghiệp kết nối, cung cấp thông tin, quảng bá và bán sản phẩm của doanh nghiệp, đồng thời cho phép doanh nghiệp tiếp cận được dữ liệu phục vụ marketing số.
- Tổ chức các hoạt động trao đổi, hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch với doanh nghiệp công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; tăng cường chia sẻ thông tin, đề xuất ý tưởng hợp tác về du lịch thông minh.
3. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin, du lịch trên địa bàn tỉnh
Đảm bảo sự tiếp cận thông tin của doanh nghiệp, người dân và khách du lịch khi ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch; Xây dựng môi trường du lịch thân thiện, ứng xử văn minh, chấp hành các quy định của pháp luật tại điểm đến du lịch.
Nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh, quản lý hoạt động lưu trú điện tử. Khuyến khích triển khai các ứng dụng hỗ trợ thanh toán thuận tiện trên thiết bị di động thông minh cho khách du lịch như thẻ tích điểm thanh toán đa năng, ứng dụng thanh toán trực tuyến, ứng dụng thanh toán bằng mã QR...
Khuyến khích các khu điểm du lịch, doanh nghiệp viễn thông lắp đặt hệ thống mạng wifi công cộng phục vụ du khách; chuẩn hóa nội dung giới thiệu về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch tiêu biểu của tỉnh.
Khai thác, sử dụng hiệu quả Cổng Thông tin du lịch để thống kê số liệu du lịch nhanh chóng, hiệu quả, làm cơ sở dữ liệu để định hướng phát triển du lịch cho các địa phương.
4. Chia sẻ, kết nối dữ liệu góp phần phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh
Kết nối, chia sẻ dữ liệu liên thông với nền tảng số hỗ trợ hoạt động du lịch như ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”; nền tảng “Quản trị kinh doanh du lịch”; hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; hệ thống thẻ -vé điện tử; Thẻ du lịch thông minh; Hệ thống thuyết minh đa phương tiện; kênh truyền thông nền tảng số của Tổng cục Du lịch; kết nối, chia sẻ dữ liệu trên các nền tảng dữ liệu của tỉnh như: Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh Bình Dương (IOC); App Bình Dương số,...
5. Phát triển Nguồn nhân lực
Nâng cao kỹ năng và bồi dưỡng kiến thức mới một cách toàn diện, đồng bộ về công nghệ số và đổi mới sáng tạo nhàm trang bị năng lực phù hợp cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch. Xây dựng đội ngũ nhân lực có năng lực phù hợp cho việc triển khai phát triển du lịch thông minh.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng vận hành sử dụng các hệ thống thông tin trong quản lý du lịch thông minh, kỹ năng thống kê, tổng hợp và phân tích dữ liệu, Chính quyền điện tử, Chính quyền số, chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin chuyên ngành cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành du lịch để sẵn sàng thích ứng làm việc trong môi trường số.
Thu hút nguồn nhân lực về công nghệ thông tin chất lượng cao trong ngành du lịch để đảm bảo an toàn thông tin các hệ thống ứng dụng và dịch vụ phục vụ hệ sinh thái du lịch thông minh.
Lồng ghép các nội dung phát triển du lịch thông minh và chuyển đổi số trong ngành du lịch vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.
6. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch thông minh
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ thể trong hoạt động du lịch về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, về vai trò và lợi ích của phát triển du lịch thông minh.
Đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số, Cổng Thông tin du lịch, mạng xã hội, bản tin chuyên đề, tài liệu về phát triển du lịch thông minh.
Tuyên truyền thu hút sự tham gia tích cực của toàn ngành du lịch trong phát triển du lịch thông minh, tạo sự tham gia đồng bộ của các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, khách du lịch.
II. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách tỉnh Bình Dương và nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan được phê duyệt.
2. Nguồn kinh phí huy động từ nguồn tài trợ, viện trợ huy động từ xã hội, cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác theo quy định.
III. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
(Phụ lục đính kèm)
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Căn cứ Kế hoạch này Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp vào kế hoạch phát triển của ngành, địa phương để triển khai thực hiện. Định kỳ báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cơ quan thường trực) trước ngày 15 tháng 11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC
DANH MỤC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
(Kèm theo Kế hoạch ố 3472/KH-UBND ngày 11 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)
TT | Tên nhiệm vụ | Cơ quan chủ trì | Thời gian thực hiện |
1 | Hoàn thiện Cổng thông tin, App du lịch đưa vào vận hành, thường xuyên cập nhật thông tin duy trì hoạt động | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Năm 2023 |
2 | Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Năm 2024 |
3 | Xây dựng phát triển ứng dụng thuyết minh tự động tại các di tích lịch sử cấp quốc gia | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Năm 2024 |
4 | Thí điểm lắp đặt thiết bị tự động đếm lượt khách tham quan Bảo tàng và 1 số điểm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Năm 2025 |
5 | Phát triển hệ thống thông tin ngành du lịch, thực hiện số hóa dữ liệu phục vụ phát triển du lịch thông minh và cung cấp danh mục dữ liệu đã được số hóa theo quy định để tích hợp, chia sẻ (gồm bảo tàng, di tích, điểm đến du lịch,...) | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Giai đoạn 2023 - 2025 |
6 | Tuyên truyền chính sách liên quan đến thực hiện chuyển đổi số cho lĩnh vực du lịch | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Giai đoạn 2023 - 2025 |
7 | Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. | Sở Thông tin và Truyền thông | Giai đoạn 2023 - 2025 |
8 | Đầu tư cơ sở hạ tầng, nền tảng chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. | Sở Thông tin và Truyền thông | Giai đoạn 2023 - 2025 |
- 1 Kế hoạch 734/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình 25-CTr/TU về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trước xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư do tỉnh Đắk Nông ban hành
- 2 Kế hoạch 210/KH-UBND năm 2019 về ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phục vụ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2020-2025
- 3 Kế hoạch 266/KH-UBND năm 2021 về ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025