Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/KH-UBND

Yên Bái, ngày 21 tháng 3 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ TỈNH YÊN BÁI NĂM 2014

Thực hiện Quyết định số 1241/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2015; Công văn số 164/LĐTBXH-BĐG ngày 21/01/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới năm 2014; Công văn số 06/UBQG-VP ngày 22/01/2014 của Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam về việc hướng dẫn hoạt động năm 2014; theo đề nghị của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 23/TTr-SLĐTBXH ngày 11/3/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2014 cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH:

Tổ chức các hoạt động về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, sự tham gia của mỗi người, từng gia đình và cả cộng đồng về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới; tạo bước chuyển mạnh mẽ nhằm thay đổi nhận thức, hành vi thực hiện bình đẳng giới; từng bước thu hẹp khoảng cách giới; nâng vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực còn bất bình đẳng hoặc nguy cơ bất bình đẳng giới, tiến tới bình đẳng giới thực chất, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác tham mưu, chỉ đạo:

Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương và của tỉnh, như Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Luật Bình đẳng giới, Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 4/6/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bình đẳng giới; Chỉ thị số 10/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới; Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011–2020; Quyết định 1241/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 12/3/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015...

Chú trọng tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

2. Đổi mới các nội dung, hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ

Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về pháp luật bình đẳng giới, Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới, các cam kết quốc tế liên quan mà Việt Nam đã tham gia (CEDAW, Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, các tuyên bố của khu vực ASEAN...), kết quả triển khai thực hiện các cam kết quốc tế, các chủ đề ưu tiên hàng năm của Liên hợp quốc và Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APEC)....

Tổ chức truyền thông bằng nhiều hình thức, xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phóng sự; tổ chức diễn đàn, toạ đàm, hội thảo, cuộc thi ... tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu ứng công tác tuyên truyền; tiếp tục phát huy công tác tuyên truyền qua đài phát thanh và truyền hình đài truyền thông cấp xã

Chú trọng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, từng bước xóa bỏ định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, đặc biệt là xóa bỏ các hình thức bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có hành vi phá thai vì lựa chọn giới tính thai nhi, hành vi xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về các mô hình dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới ở địa phương, cơ sở.

3. Nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ

Tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức, cán bộ, cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ các ngành, các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo đủ cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở các cấp; đồng thời phân công làm rõ trách nhiệm cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở các ngành và các huyện, thị xã, thành phố.

Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp: tổ chức các lớp tập huấn kiến thức giới và kỹ năng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hoạch định và thực thi chính sách cho cán bộ các cơ quan có liên quan; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm tại một số địa phương trong nước thực hiện tốt công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

4. Tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình thí điểm: mô hình phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới tại phường Minh Tân - thành phố Yên Bái; mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới tại xã Nậm Lành, Văn Chấn; mô hình xây dựng sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; khuyến khích cộng đồng phát huy ý tưởng sáng tạo trong thực hiện và nhân rộng các mô hình trên.

Đồng thời xây dựng và phát triển các hệ thống dịch vụ nhằm hỗ trợ phụ nữ và nam bình đẳng giới về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

5. Tăng cường xã hội hoá và phối hợp liên ngành, phối hợp giữa các ngành của tỉnh với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các hoạt động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.

6. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ và đồng thời kiểm tra giám sát về sử dụng kinh phí hoạt động Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp.

7. Thực hiện chế độ báo cáo và thu thập số liệu thống kê tách biệt giới

Xây dựng và nộp báo cáo định kỳ về hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ 6 tháng một lần, trước ngày 10/6 đối với Báo cáo sơ kết, trước ngày 15/11 đối với Báo cáo tổng kết và các báo cáo theo yêu cầu.

Chủ động thu thập các số liệu thống kê tách biệt giới thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của sở, ban, ngành và trong phạm vi đơn vị, địa phương để phục vụ cho việc soạn thảo báo cáo cũng như nghiên cứu xây dựng chính sách có nhạy cảm giới.

III. KINH PHÍ

Kinh phí hỗ trợ triển khai các hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp tỉnh năm 2014 được giao tại Quyết định số 1968/QĐ-UBND ngày 18/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc giao dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2014.

Kinh phí hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể nằm trong kinh phí hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị.

Kinh phí hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp huyện do Ủy ban nhân dân cùng cấp chịu trách nhiệm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động – Thương binh và xã hội:

Xây dựng kế hoạch chi tiết các hoạt động; chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện; quản lý, sử dụng kinh phí và thực hiện chế độ báo cáo đúng quy định.

Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, việc sử dụng kinh phí của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp.

Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở thông tin và truyền thông, Báo Yên Bái, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Mặt trận tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn lao động tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giới và trách nhiệm thực hiện Luật Bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chuẩn bị các điều kiện, tổ chức hội nghị tập huấn về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

2. Các sở, ban, ngành thành viên:

Các sở, ban, ngành, các ngành thành viên Ban VSTBPN tỉnh thực hiện việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của cơ quan, đơn vị mình. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp thúc đẩy về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành, lĩnh vực phụ trách.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào việc xây dựng và đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu trong kế hoạch thực hiện chiến lược về bình đẳng giới, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và của tỉnh.

- Sở Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới bảo đảm đúng mục đích, có hiệu quả và đúng quy định.

- Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông về giới và bình đẳng giới; hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng các cấp tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, khởi động các hoạt động tuyên truyền nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng và trúng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

- Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai thực hiện các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ đối với phụ nữ khu vực vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn; tiếp tục duy trì và triển khai có hiệu quả mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới tại xã Nậm Lành, Văn Chấn.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tổ chức đoàn thể thành viên: tăng cường phối hợp liên ngành để nâng cao hiệu quả hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong tổ chức mình, hướng dẫn hội viên, đoàn viên thực hiện và giám sát việc quản lý nhà nước về bình đẳng giới; bố trí hội viên Hội phụ nữ làm cộng tác viên, tuyên truyền viên về bình đẳng giới ở cơ sở.

Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ nữ để đề xuất, giới thiệu những phụ nữ ưu tú chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Thực hiện việc kiện toàn Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp huyện theo quy định; tổ chức lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, chính sách, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân tại địa phương. Kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong phạm vi địa phương.

Trên đây là kế hoạch thực hiện công tác Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Yên Bái năm 2014; đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, các ngành thành viên Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo (qua cơ quan thường trực- Sở Lao động - Thương binh và xã hội và địa chỉ email: linhnham86@gmail.com) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ LĐTB& XH;
- Vụ Bình đẳng giới;
- UBQG VSTBPN Việt Nam;
- Trưởng Ban VSTBCPN tỉnh;
- Các ngành TV Ban VSTBCPN tỉnh;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Lưu: VT, VX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Thị Chinh