Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 366/KH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2010

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG NHÀ TRƯỜNG”

Thực hiện khoản 7, Điều 1 Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” (Sau đây gọi tắt là Đề án 1928) và Quyết định số 1274/QĐ-BGDĐT ngày 5 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập Ban điều hành Đề án 1928; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban điều hành xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án 1928 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt trong Đề án 1928 nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân. Tăng cường phối hợp các lực lượng làm công tác PBGDPL và các điều kiện bảo đảm cho việc triển khai công tác PBGDPL trong nhà trường trong các năm tiếp theo.

2. Yêu cầu

- Các hoạt động phải sát với nội dung của Đề án 1928 và bảo đảm đúng tiến độ, khoa học, khả thi;

- Các biện pháp thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, không trùng lặp, chồng chéo với các đề án, chương trình khác đã và đang được triển khai tại các bộ, ngành, địa phương;

- Nêu cao vai trò chủ động của các cơ quan, tổ chức đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ tại khoản 7, Điều 1 Quyết định số 1928/QĐ-TTg.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ

1. Hoạt động năm 2010

a) Xây dựng kế hoạch công việc, kế hoạch kinh phí và quy định về lề lối làm việc của Ban điều hành Đề án 1928.

b) Tổ chức quán triệt và triển khai Đề án 1928 đến các cơ quan, tổ chức, đối tượng liên quan.

c) Tổ chức Quán triệt các văn bản chỉ đạo, các quy định về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

d) Tổ chức khảo sát, đánh giá đội ngũ giáo viên, giảng viên, báo cáo viên, cán bộ phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục;

đ) Tổ chức khảo sát, đánh giá về chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy, sách giáo khoa giáo dục pháp luật:

- Rà soát, chương trình môn học Đạo đức và môn học Giáo dục công dân;

- Khảo sát chương trình các môn học về pháp luật.

Đối với giáo dục thường xuyên: nghiên cứu, hướng dẫn đưa các nội dung pháp luật cơ bản, tinh giản, thiết thực và phù hợp với các đối tượng ở các cơ sở giáo dục thường xuyên.

- Giáo trình: tổ chức nghiên cứu để biên soạn giáo trình pháp luật đại cương thống nhất dùng trong các cơ sở giáo dục đại học;

e) Tổ chức khảo sát, đánh giá các tài liệu, thiết bị PBGDPL trong nhà trường:

- Tổ chức khảo sát, đánh giá việc xây dựng danh mục tài liệu cơ bản phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Tăng cường biên soạn, phát hành tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật phổ thông; tài liệu tham khảo phục vụ việc giảng dạy, học tập các kiến thức pháp luật; tài liệu hướng dẫn kỹ năng áp dụng pháp luật cụ thể, thiết thực, hấp dẫn theo hướng đa dạng hóa nội dung và hình thức.

- Xây dựng danh mục và tổ chức sản xuất bộ mẫu thiết bị cơ bản phục vụ giảng dạy.

g) Tổ chức khảo sát tình hình đào tạo giáo viên giáo dục công dân ở các cơ sở giáo dục sư phạm: Năng lực đào tạo; Chương trình giáo dục và các điều kiện đào tạo giáo viên giáo dục công dân.

h) Xây dựng trang thông tin PBGDPL trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

i) Xây dựng, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác PBGDPL trong nhà trường

- Thông tư liên tịch giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp về phối hợp công tác PBGDPL trong nhà trường;

- Thông tư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về báo cáo viên pháp luật trong ngành giáo dục;

- Văn bản quy định chế độ hỗ trợ đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân.

k) Triển khai chỉ đạo điểm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với một số cơ sở giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo

l) Kiểm tra tình hình triển khai sơ kết năm 2010.

2. Hoạt động năm 2011

a) Hoàn thiện hoặc hướng dẫn bổ sung giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân;

b) Tiếp tục nghiên cứu nhằm hoàn thiện chương trình đào tạo ngành luật và chương trình đào tạo giáo viên giáo dục công dân trình độ cao đẳng và trình độ đại học ở các trường sư phạm, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Nghiên cứu đưa nội dung pháp luật phù hợp vào giảng dạy ở các ngành cụ thể.

c) Tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, báo cáo viên, cán bộ phụ trách công tác PBGDPL

- Tập huấn cập nhật kiến thức pháp luật, phương pháp giảng dạy cho giáo viên, giảng viên;

- Tập huấn báo cáo viên pháp luật ngành giáo dục;

- Tập huấn cho cán bộ làm công tác pháp chế ngành giáo dục.

d) Tăng cường thiết bị, tài liệu

- Bổ sung các tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy và học tập; tài liệu pháp luật theo chuyên đề, các đề cương tuyên truyền pháp luật, sách hỏi đáp pháp luật, sách pháp luật phổ thông, báo, tạp chí chuyên ngành về luật, sách hệ thống hóa về pháp luật và các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật khác; duy trì và phát triển tủ sách pháp luật ở các cơ sở giáo dục;

- Xây dựng danh mục, sản xuất bộ mẫu thiết bị phục vụ giảng dạy pháp luật phù hợp từng cấp học để sử dụng có hiệu quả, thống nhất trong toàn ngành. Chú trọng việc sử dụng các phương tiện điện tử, tin học, các mô hình trực quan phục vụ việc giảng dạy và học tập môn Pháp luật, Giáo dục công dân.

đ) Xây dựng đơn vị nghiên cứu, bồi dưỡng, tư vấn pháp luật:

- Xây dựng đơn vị nghiên cứu, bồi dưỡng, tư vấn pháp luật thuộc Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội;

- Xây dựng trung tâm tư vấn pháp luật theo quy định tại Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật tại các cơ sở giáo dục có điều kiện.

e) Hỗ trợ vùng khó khăn: hỗ trợ tài liệu, thiết bị, tủ sách pháp luật và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ, báo cáo viên pháp luật cho một số cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

f) Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài

g) Sơ kết năm 2011

Tiếp tục chỉ đạo điểm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với một số cơ sở giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo.

3. Hoạt động năm 2012

a) Tiếp tục triển khai những nội dung của năm 2010 và 2011. Tổ chức tập huấn, hội nghị, toạ đàm để triển khai Đề án 1928.

b) Thi báo cáo viên pháp luật;

c) Thi giáo viên dạy giỏi môn giáo dục công dân; thi học sinh giỏi, thi Olympic về pháp luật.

d) Tổng kết Đề án 1928.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban điều hành Đề án

- Ban hành kế hoạch, lề lối làm việc của Ban điều hành và các văn bản điều hành chung;

- Đầu mối tổng hợp tình hình, tập hợp kinh phí thực hiện các nội dung Đề án;

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nội dung của Đề án.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Đề án hằng năm, tổng hợp tình hình và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện hằng năm.

2. Các cơ quan, tổ chức thành viên Ban điều hành Đề án

- Thực hiện nhiệm vụ do Trưởng ban điều hành Đề án giao; Chủ động thực hiện hoặc đề xuất Lãnh đạo cơ quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các điểm a,b,c,d,đ,e khoản 7 Điều 1 Quyết định số 1928/QĐ-TTg;

- Tổ chức kiểm tra, báo cáo Ban điều hành để tập hợp chung.

3. Các cơ quan, tổ chức quản lý cơ sở giáo dục

- Chủ động xây dựng Kế hoạch nội dung, kinh phí và tổ chức triển khai theo điểm g khoản 7 Điều 1 Quyết định số 1928/QĐ-TTg;

- Tổ chức kiểm tra, báo cáo Ban điều hành và cơ quan quản lý cấp trên.

4. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai Đề án theo điểm h khoản 7 Điều 1 Quyết định số 1928/QĐ-TTg;

- Lập dự toán kinh phí triển khai Đề án và trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

- Kiểm tra, sơ kết, tổng kết và báo cáo Ban điều hành tập hợp chung.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính, Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ; Bộ CA, Bộ QP; Trung ương Đoàn TNCSHCM;
- Thành viên Ban điều hành Đề án 1928;
- Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;
- Các sở giáo dục và đào tạo;
- Lưu BĐH, PC, VT.

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quang Quý