Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 377/KH-UBND

Nghệ An, ngày 12 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TRỒNG MỘT TỶ CÂY XANH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025” THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 524/QĐ-TTG NGÀY 01/4/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”.

UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH

- Đến hết năm 2025 toàn tỉnh phấn đấu trồng thêm được ít nhất 54,250 triệu cây xanh, trong đó: 42,615 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu vực đô thị và khu vực nông thôn; 11,635 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất nhằm: Góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước, vì một “Việt Nam xanh”.

- Phát huy vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị các cấp và huy động sự tham gia vào cuộc của toàn xã hội trong việc thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 524/QĐ-TTg.

II. YÊU CẦU

- Giao chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán trong cả giai đoạn và từng năm cụ thể tới từng huyện, thành phố, thị xã để làm cơ sở tổ chức thực hiện;

- Tập trung quyết liệt trong công tác điều hành, chỉ đạo; chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện;

- Việc tổ chức trồng rừng, trồng cây xanh phân tán phải đúng thời vụ, thực hiện thường xuyên, lâu dài; việc lựa chọn loài cây phải phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, đem lại hiệu quả về kinh tế và môi trường. Sau khi trồng công tác chăm sóc, bảo vệ phải được đặc biệt quan tâm và gắn trách nhiệm quản lý, chăm sóc cây sau khi trồng đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân;

- Việc tổ chức thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng;

- Việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm và cả giai đoạn phải được các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt; hàng tháng, quý báo cáo kết quả triển khai thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Trồng cây xanh phân tán (khu vực đô thị và khu vực nông thôn)

a) Khối lượng thực hiện: Đến hết năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng thêm được ít nhất 42,615 triệu cây xanh phân tán các loại, bình quân mỗi năm trồng được 8,523 triệu cây, tăng hơn 1,7 lần mức bình quân giai đoạn 2016 - 2020.

b) Địa điểm trồng

- Khu vực đô thị: Hành lang đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên các trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, các công trình tín ngưỡng, nhà ở và các công trình công cộng khác... theo quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị.

- Khu vực nông thôn: Trên đất vườn nhà, hành lang giao thông, ven sông, kênh mương, bờ vùng, bờ đồng, nương rẫy; khu văn hóa lịch sử, tôn giáo, khu cụm công nghiệp, khu chế xuất; kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp và các diện tích đất nhỏ phân tán (có diện tích dưới 0,3 ha); các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đất bị suy thoái bỏ hoang, bãi thải khai thác khoáng sản và đất chưa sử dụng khác....

c) Yêu cầu về loài cây trồng

- Đối với loài cây xanh trồng trồng phân tán trong đô thị, tham khảo lựa chọn trong danh mục theo Tiêu chuẩn Quốc gia TVN 9257:2012 tại Phụ lục E.

- Đối với loài cây trồng phân tán khu vực nông thôn, lựa chọn theo danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính ban hành kèm theo Thông tư số 30/2018/TT- BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống;

- Quản lý vật liệu giống cây trồng lâm nghiệp chính và danh mục các loài cây chủ yếu trồng rừng theo các vùng sinh thái lâm nghiệp tại Quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN ngày 17/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lựa chọn các loài cây trồng bóng mát kết hợp ăn quả. Ngoài ra, việc lựa chọn loài cây trồng cần xem xét đảm bảo tính phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái gây trồng, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể;

- Đối với địa bàn tỉnh Nghệ An, xác định ưu tiên lựa chọn trồng các loài cây như sau:

Khu vực đô thị: Giáng hương, Bằng lăng, Phượng, Muồng, Lát hoa, Lim xẹt, Sưa trắng, Hoàng Nam, Xà cừ, Sưa đỏ, Bàng, Bàng Đài Loan, Sấu, Xoài, Trám, Lim xanh, cây Hoa Ban, Sao đen ...

Khu vực nông thôn: Keo các loại, Bạch đàn lai (mô, hom), Sao đen, cây Hoa Ban, Sưa đỏ, Giáng hương, Lim xanh, Sấu, Mỡ, Bằng lăng, Lát hoa, Trám đen, Bơ, Mít, Nhãn, Vải, Xoài, Hồng dòn, Đào, Bưởi, Vú sữa,...

2. Trồng cây xanh tập trung

a) Khối lượng thực hiện: Đến hết năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng thêm được ít nhất 7.183 ha rừng tập trung tương đương với 11,635 triệu cây xanh (không tính diện tích trồng rừng thay thế và trồng lại rừng sản xuất sau khai thác gỗ). Trong đó:

- Trồng rừng phòng hộ đặc dụng diện tích khoảng 583,0 ha tương ứng với 1,075 triệu cây xanh các loại, gồm:

Rừng đặc dụng: 90.0 ha, mật độ bình quân 1.600 cây/ha tương đương với 0,144 triệu cây xanh.

Rừng phòng hộ đầu nguồn: 335,0 ha, mật độ bình quân 1.600 cây/ha tương đương với 0,536 triệu cây xanh.

Rừng phòng hộ ven biển: 158,0 ha, mật độ bình quân 2.500 cây/ha tương đương với 0,395 triệu cây xanh. Địa bàn thực hiện là 05 huyện, thị gồm: Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai, Diễn Châu, Nghi Lộc và Thị xã Cửa Lò.

- Trồng mới rừng sản xuất: 6.600 ha, mật độ trồng bình quân 1.600 cây/ha, tương đương với 10,56 triệu cây xanh các loại.

b) Địa điểm trồng

Thực hiện trồng rừng tập trung trên đất quy hoạch lâm nghiệp. Đối tượng, biện pháp trồng thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 9, Điều 10 và Điều 11 Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về các biện pháp lâm sinh. Ưu tiên trồng rừng đặc dụng và phòng hộ. Đối với trồng mới rừng sản xuất cần hướng tới mục tiêu trồng rừng gỗ lớn nhằm từng bước nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích rừng trồng.

c) Yêu cầu về loài cây trồng

Lựa chọn theo danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính ban hành kèm theo Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT và danh mục các loài cây chủ yếu trồng rừng theo các vùng sinh thái lâm nghiệp tại Quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN. Căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, cần chú ý:

- Đối với trồng rừng đặc dụng: Chỉ trồng các loài cây bản địa có phân bố sinh thái của khu vực đó. Ưu tiên xác định một số loài chủ yếu: Quế, Trám, Thông nhựa, Lát hoa, Lim xanh, Sở, Giổi, Mỡ ...

- Đối với trồng rừng phòng hộ: Trồng rừng bằng loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa là cây trồng chính và có thể kết hợp trồng cây phù trợ, sinh trưởng trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt. Trong đó xác định một số loài chủ yếu: Sao đen, Lát hoa, Lim xanh, Sở, Bần chua, Mỡ, ...

- Đối với trồng rừng sản xuất: Tập trung các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày ở những nơi có điều kiện thích hợp. Trong đó xác định một số loài chủ yếu: Keo Tai tượng, Keo lai, Keo lá tràm, Mỡ, Bạch đàn, Trám, Quế, Thông nhựa, Giổi ...

3. Tiến độ thực hiện

- Năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu trồng thêm được ít nhất 7,9337 triệu cây xanh (gồm 6,540 triệu cây xanh trồng phân tán và 1,3937 triệu cây xanh trồng tập trung)

- Từ năm 2022, mỗi năm trồng bình quân 11,5791 triệu cây tăng hơn 1,4 lần so với kết quả dự kiến kế hoạch thực hiện năm 2021.

Bảng 01 Tiến độ trồng cây xanh giai đoạn 2021 - 2025

Năm

Tổng cộng (triệu cây)

Trồng cây xanh phân tán (triệu cây)

Trồng cây xanh tập trung

Cây xanh tương ứng (triệu cây)

Diện tích (ha)

2021

7,9337

6,540

1,3937

857

2022

11,0176

8,670

2,3476

1.447

2023

11,7236

9,040

2,6836

1.657

2024

12,1649

9,380

2,7849

1.722

2025

11,4102

8,985

2,4252

1.500

Tổng

54,250

42.615

11,635

7.183

(Chỉ tiêu kế hoạch trồng cây xanh tối thiểu giai đoạn 2021 - 2025 của các huyện, thành phố, thị xã theo Phụ lục kèm theo)

4. Chuẩn bị cây giống và tiêu chuẩn cây đem trồng

a) Chuẩn bị cây giống

- Phát huy công suất, năng lực các vườn ươm sản xuất giống, các Công ty cây xanh... hiện có trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng diện tích và năng suất sản xuất, chất lượng vườn ươm;

- Hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để Khu sản xuất giống lâm nghiệp tại Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung Bộ sớm đi vào hoạt động.

b) Tiêu chuẩn cây đem trồng

- Đối với các loài cây sử dụng vào trồng rừng tập trung, cây xanh trồng phân tán ở khu vực nông thôn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 27/2021/NĐ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

- Đối với các loài cây xanh trồng phân tán ở khu vực đô thị khác: Tùy điều kiện cụ thể của từng loại hình đô thị và áp dụng các quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP để có phương án lựa chọn tiêu chuẩn cây trồng phù hợp trong danh mục theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9257:2012 tại Phụ lục E, vừa đảm bảo mặt mỹ quan đô thị vừa đảm bảo an toàn trong quá trình quản lý và sử dụng.

IV. KHÁI TOÁN KINH PHÍ VÀ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC

1. Dự kiến kinh phí thực hiện

Dự kiến tổng kinh phí để thực hiện kế hoạch là 551.755 triệu đồng (Năm trăm năm mươi một triệu, bảy trăm năm mươi lăm triệu đồng), cụ thể:

TT

Nội dung

Khối lượng (ha)

Đơn giá khái toán

Thành tiền (triệu đồng)

Ghi chú

I

Trồng cây xanh tập trung

 

 

125.605,00

 

1

Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng

583

 

46.405,00

 

1.1

Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn (ha)

335

45 Tr.đồng/ha

15.075,00

Theo đơn giá trồng rừng thay thế hiện nay

1.2

Trồng rừng đặc dụng (ha)

90

45 Tr.đồng/ha

4.050,00

1.3

Trồng rừng phòng hộ ven biển (ha)

158

 

27.280,00

 

Trồng rừng ngập mặn

64

250 Tr.đồng/ha

16.000,00

Theo đơn giá dự án Hiện đại hóa Lâm nghiệp

Trồng rừng trên cạn

94

120Tr.đồng/ha

11.280,00

2

Trồng rừng sản xuất (ha)

6600

12 Tr.đồng/ha

79.200,00

 

II

Trồng cây xanh phân tán (ngàn cây)

42615

10.000 đồng/cây

426.150,00

 

 

Tổng (=I II)

 

 

551.755,00

 

2. Huy động nguồn lực thực hiện

Trên cơ sở kế hoạch thực hiện hàng năm, các địa phương và các ngành có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch huy động các nguồn vốn hợp pháp để triển khai thực hiện, trong đó cần tập trung:

- Tăng cường huy động vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

- Kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật như: Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, dự án hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR); các chương trình, dự án phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng khu công nghiệp, công sở, làm đường giao thông có hạng mục trồng cây xanh được các ngành, địa phương triển khai thực hiện; các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác...

- Trong đó, dự kiến huy động các nguồn lực cụ thể như sau:

Kinh phí từ Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 khoảng: 10,00 tỷ đồng (chiếm 1,81%);

Kinh phí từ nguồn dịch vụ môi trường rừng chưa xác định được đối tượng thụ hưởng khoảng: 5,00 tỷ đồng (chiếm 0,90 %).

Kinh phí từ Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển khoảng: 27,00 tỷ đồng (chiếm 4,90%).

Nguồn từ ngân sách tỉnh hỗ trợ: 6,00 tỷ đồng (chiếm 1,09%, hỗ trợ tổ chức Tết trồng cây hàng năm, hỗ trợ kinh phí trồng cây xanh phân tán....)

Nguồn kinh phí còn lại khoảng 503,755 tỷ đồng (chiếm 91%) dự kiến được huy động từ nguồn xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp, vốn tự bỏ ra trồng rừng của các hộ gia đình, doanh nghiệp....

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, mối, phối hợp các đơn vị có liên quan đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn và triển khai thực hiện Kế hoạch;

- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, đất trồng mới rừng sản xuất; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn...làm cơ sở xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng liên quan trên địa bàn.

- Trên cơ sở chỉ tiêu thực hiện hàng năm, các nguồn vốn có khả năng huy động được xây dựng các chương trình, dự án lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu được ban hành tại kế hoạch này.

Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng cây xanh của các địa phương; theo dõi, tổng hợp, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.

2. Sở Xây dựng

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quản lý và phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP. Tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh.

- Trên cơ sở báo cáo định kỳ hàng năm của chính quyền địa phương, tổng hợp cơ sở dữ liệu về cây xanh đô thị; hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng theo quy định, đồng thời gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp và theo dõi và báo cáo UBND tỉnh.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan tổng hợp nhu cầu sử dụng đất cho các dự án trồng cây xanh vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tiếp cận đất đai phục vụ tham gia phát triển cây xanh trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo thẩm quyền cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nhằm khuyến khích việc trồng cây, trồng rừng.

4. Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí chi thường xuyên để thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thẩm định tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các dự án đầu tư góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu kế hoạch ban hành tại kế hoạch này.

6. Sở Giao thông vận tải

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch này

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện các dự án phát triển giao thông đường bộ gắn với trồng cây và phát triển cây xanh; bảo đảm hệ thống giao thông ngoài đô thị được trồng cây xanh ở những nơi có đủ điều kiện, tạo cảnh quan, bóng mát theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành và bảo đảm an toàn giao thông.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phát động phong trào học sinh, sinh viên tham gia trồng cây xanh trong khuôn viên trường học trong dịp đầu xuân, nhân dịp khai giảng năm học mới...Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ cây trồng tại các trường học trên địa bàn tỉnh.

8. Sở Y tế: Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng, chăm sóc quản lý bảo vệ cây trồng tại các bệnh viện, cơ sở y tế.

9. Sở Văn hóa và Thể thao: Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng, chăm sóc quản lý, bảo vệ cây trồng tại các trung tâm văn hóa thể thao và các di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh.

10. Sở Du lịch: Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng, chăm sóc quản lý bảo vệ cây trồng tại các điểm du lịch trên địa bàn.

11. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Xây dựng Kế hoạch, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng, chăm sóc quản lý bảo vệ cây trồng trên diện tích đất được giao quản lý.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đóng quân ở các địa phương cử lực lượng tham gia thực hiện Kế hoạch trồng cây xanh tại địa phương đó.

12. Công an tỉnh: Hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng, chăm sóc quản lý bảo vệ cây xanh tại trụ sở Công an tỉnh và tại các đơn vị cơ sở; tham gia thực hiện Kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn toàn tỉnh.

13. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Phối hợp với các ngành, các cấp liên quan đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây xanh trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã đến các tổ chức và người dân bằng nhiều hình thức đa dạng; góp phần duy trì và phát triển phong trào trồng cây xanh mà Bác hồ đã khởi xướng, tạo thành một nét đẹp truyền thống.

14. UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất, trong đó xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất trồng mới rừng sản xuất; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn; xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025 đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu Kế hoạch được UBND tỉnh giao. Giao chỉ tiêu kế hoạch trồng cây hàng năm cho các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị và từng khu dân cư. Đảm bảo diện tích đất đai thuộc các đối tượng trồng cây xanh phải có chủ quản lý cụ thể, rõ ràng. Tạo diều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” kết hợp đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua khác để kêu gọi, vận động toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục.

- Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan tổng hợp nhu cầu sử dụng đất cho các dự án trồng cây xanh vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện

- Đẩy mạnh công tác giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện theo quy định tạo hành lang pháp lý nhằm khuyến khích việc trồng cây, trồng rừng.

- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn trên địa bàn xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025.

- Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, giám sát, phân công trách nhiệm cho các địa phương, tổ chức, đoàn thể trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý rừng và cây xanh phân tán.

- Huy động các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân tham gia hỗ trợ kinh phí, cây giống góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch trồng cây xanh phân tán, trồng rừng tại địa phương.

- Thực hiện chế độ báo cáo tháng vào ngày 12 hàng tháng, báo cáo quý vào ngày 12 của tháng cuối quý và báo cáo năm thực hiện vào ngày 12 tháng 12 hàng năm. Báo cáo gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Chi cục Kiểm lâm đồng thời gửi file mềm về địa chỉ Email: lamnghiepnghean@gmail.com để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- Hàng năm tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, biểu dương khen thưởng, nhân rộng điển hình những tổ chức, cá nhân làm tốt; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi phá hại rừng, cây xanh. Chỉ đạo lập hồ sơ theo dõi, quản lý số lượng cây đã trồng và tổng kết đánh giá kết quả thực hiện hàng năm báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

15. Các cơ quan, đơn vị, các Chủ rừng

Tổ chức rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của mình để xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025; chủ động huy động, lồng ghép các nguồn vốn để tổ chức thực hiện tốt kế hoạch; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán cho UBND cấp huyện, sở tại, UBND cấp huyện tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chung trên địa bàn huyện.

16. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh: Tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.

17. Đề nghị Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội cựu chiến binh tỉnh và các tổ chức Hội khác

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng phong trào trồng cây, trồng rừng. Mỗi tổ chức Hội đóng vai trò là đầu mối trong quá trình tổ chức phát động, triển khai thực hiện các phong trào trồng cây, trồng rừng đến các cấp Hội cơ sở và hội viên.

18. Các tổ chức quản lý, sử dụng công trình chuyên ngành (điện, nước, hạ tầng viễn thông)

Trong quá trình thi công, sửa chữa, xử lý kỹ thuật công trình chuyên ngành, có trách nhiệm thông báo, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức được phân cấp quản lý và đơn vị đang thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh để đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật và sự an toàn về cây xanh trước khi triển khai xây dựng, sửa chữa công trình.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- CVP, Các PCVP UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin Điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NN (D.Hùng).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Nghĩa Hiếu

 

Phụ biểu: Chỉ tiêu kế hoạch trồng cây xanh tối thiểu giai đoạn 2021 - 2025 theo từng địa phương

(Kèm theo Kế hoạch số 377/KB-UBND ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh)

TT

Địa phương

Tổng cây xanh trồng giai đoạn 2021- 2025 (1000 cây)

Trồng cây xanh phân tán giai đoạn 2021 - 2025 (1000 cây)

KH trồng cây xanh phân tán theo từng năm (1000 cây)

Trồng cây xanh tập trung quy tương đương diện tích (1000 cây)

Trồng rừng tp trung 2021 2025 (ha)

Trong đó

Trồng rừng PH, ĐD (ha)

Trồng mới RSX (ha)

KH trồng cây xanh tập trung giai đoạn 2021 - 2025 (ha)

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

 

Tổng cộng

54.250

42.615

6.540

8.670

9.040

9.380

8.985

11.635

7.183

583

6.600

857

1.447

1.657

1.722

1.500

1

Kỳ Sơn

4.432

3.080

500

650

650

650

630

1.352

845

45

800

70

150

200

200

225

2

Tương Dương

5.202

3.210

500

650

680

700

680

1.992

1.245

45

1.200

210

260

260

270

245

3

Con Cuông

4.208

3.040

500

620

650

650

620

1.168

730

30

700

100

150

150

170

160

4

Anh Sơn

3.532

2.700

450

550

570

580

550

832

520

20

500

30

80

130

150

130

5

Thanh Chương

3.070

2.750

450

550

570

600

580

320

200

 

200

30

40

50

50

30

6

Đô Lương

2.294

2.150

350

450

450

450

450

144

90

40

80

10

20

20

20

20

7

Tân Kỳ

2.692

2.180

250

450

480

500

500

512

320

20

300

40

60

80

80

60

8

Yên Thành

2.532

2.260

350

450

480

500

480

272

170

20

150

20

30

40

50

30

9

Nghi Lộc

2.158

1.810

300

350

380

400

380

348

175

75

100

20

40

40

50

25

10

Diễn Châu

1.706

1.540

250

300

320

350

320

166

95

15

80

10

20

25

25

15

11

Hưng Nguyên

1.126

1.030

120

200

220

250

240

96

60

20

40

5

15

15

15

10

12

Nam Đàn

964

820

120

150

170

190

190

144

90

40

50

10

20

20

20

20

13

Quỳnh Lưu

1.408

950

100

190

220

230

210

458

255

55

200

20

45

65

65

60

14

TX Hoàng Mai

990

900

120

180

180

230

190

90

54

4

50

5

15

15

10

9

15

Nghĩa Đàn

1.822

1.630

250

300

350

380

350

192

120

20

100

10

20

30

30

30

16

TX Thái Hòa

1.258

1.170

200

250

250

250

220

88

55

5

50

5

10

15

15

10

17

Quỳ Hợp

4.115

3.075

500

650

650

650

625

1.040

650

50

600

80

150

150

150

120

18

Quỳ Châu

4.120

3.080

500

650

650

650

630

1.040

650

50

600

80

150

150

150

120

19

Quế Phong

4.450

3.090

500

650

650

650

640

1.360

850

50

800

100

170

200

200

180

20

TP Vinh

1.250

1.250

150

250

280

290

280

0

0

 

 

 

 

 

 

 

21

TX Cửa Lò

923

900

80

180

190

230

220

23

9

9

 

2

2

2

2

1