Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 11 tháng 6 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Thực hiện Luật phòng, chống tác hại thuốc lá; Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 25/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020; Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt, triển khai đầy đủ nội dung của Chiến lược Quốc gia nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại do thuốc lá gây ra, từ đó thay đổi hành vi hút thuốc, giảm dần tỷ lệ sử dụng thuốc lá, giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.

2. Yêu cầu

- Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với các biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá.

- Các cấp, các ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phấn đấu giảm nhu cầu sử dụng và tăng cường kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở các nhóm đối tượng:

+ Thanh thiếu niên (từ 15 - 24 tuổi): Giảm xuống dưới 18% năm 2020.

+ Nam giới: Giảm xuống dưới 39% năm 2020.

+ Nữ giới: Giảm xuống dưới 1,4% năm 2020.

- Tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của người dân về thực hiện môi trường không khói thuốc.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

- Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường quán triệt triển khai đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá như: Luật Phòng, chống thuốc lá năm 2012, Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 25/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2020” trong toàn thể cán bộ và nhân dân.

- Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, quy định không hút thuốc lá nơi làm việc vào quy chế nội bộ. Đưa vào hương ước việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư.

- Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo việc tăng cường phối hợp liên ngành để thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá một cách hiệu quả.

2. Đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức

- Xây dựng chương trình, kế hoạch về thông tin, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá và tổ chức triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá.

- Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho tất cả các đối tượng trong các cơ quan, công sở, trường học và người dân tại cộng đồng về tác hại của thuốc lá; lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá; môi trường sống không có khói thuốc lá; chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá đảm bảo phù hợp các nhóm đối tượng. Tuyên truyền, vận động nhân dân không sử dụng thuốc lá trong đám cưới, đám tang và các cuộc vui gia đình, bạn bè.

- Xây dựng các chuyên mục tuyên truyền và tăng thời lượng phát sóng, đưa tin bài, ảnh trên Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; hệ thống đài truyền thanh các huyện, thành phố, hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn; bản tin sức khỏe của ngành y tế về tác hại của thuốc lá, lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá.

- Thực hiện lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các chương trình chăm sóc sức khỏe do ngành y tế quản lý; lồng ghép với các chương trình giáo dục thanh, thiếu niên và chương trình giáo dục của các trường học trên địa bàn tỉnh.

3. Xây dựng mạng lưới phòng, chống tác hại của thuốc lá

- Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá từ tỉnh đến cơ sở khi có hướng dẫn của Trung ương. Phân công cụ thể chức năng nhiệm vụ và cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể để bảo đảm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng mạng lưới và nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các cơ quan, địa phương thông qua các lớp tập huấn, đào tạo, hội thảo và các hình thức khác.

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ thanh tra chuyên ngành để thường xuyên theo dõi và giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về quảng cáo, khuyến mại và tài trợ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá.

4. Phòng tránh tiếp xúc với khói thuốc lá

- Nghiêm cấm hút thuốc lá tại các lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao, trên các phương tiện giao thông công cộng không được hút thuốc lá và phải treo biển có chữ hoặc biểu tượng "Cấm hút thuốc lá".

- Tại các nơi công cộng trong nhà (nhà thi đấu thể thao, sân vận động có mái che, trung tâm triển lãm, phòng đợi của bến xe, khu vui chơi giải trí trong nhà, các nhà hàng, quán bar, karaoke, khách sạn, vũ trường phải có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá; những nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải có thông khí riêng biệt.

- Tổ chức cho cán bộ công chức, các lực lượng vũ trang của tỉnh viết bản cam kết không hút thuốc lá ở các nơi cấm hút thuốc và thực hiện bỏ thuốc. Đưa tiêu chí cán bộ, viên chức không hút thuốc lá vào 01 trong các tiêu chuẩn xét thi đua khen thưởng tại các đơn vị.

5. Tăng cường kiểm soát việc kinh doanh các sản phẩm thuốc lá

- Thực hiện nghiêm Quyết định số 1988/QĐ-BCT ngày 01/4/2013 của Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch sản xuất sản phẩm thuốc lá và phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 2332/QĐ-BCT ngày 12/4/2013 của Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch mạng lưới kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá trên phạm vi toàn quốc đến năm 2020, có xét đến năm 2025.

- Kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông thuốc lá từ bán buôn đến bán lẻ, quản lý nghiêm ngặt việc cấp phép kinh doanh cho đại lý bán buôn, bán lẻ. Thực hiện nghiêm quy định cấm bán các sản phẩm thuốc lá tại cơ quan, nơi làm việc, trường học, bệnh viện, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại những nơi có quy định cấm bán thuốc lá theo quy định hiện hành.

- Thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Yêu cầu các cửa hàng bán các sản phẩm thuốc lá cam kết với cơ quan quản lý không bán các sản phẩm thuốc lá cho người dưới 18 tuổi và sử dụng người dưới 18 tuổi bán thuốc lá.

6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

- Phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá và vận động cộng đồng từ bỏ thói quen sử dụng thuốc lá.

- Thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá như xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về cấm hút thuốc tại các địa điểm theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu thuốc lá, kinh doanh thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác và kinh doanh trái phép các sản phẩm thuốc lá. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá dưới mọi hình thức và xử lý theo quy định.

7. Kinh phí thực hiện: Tăng cường ngân sách cho hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá từ nguồn hỗ trợ của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá; huy động từ các nguồn kinh phí nhà nước, kinh phí địa phương, kinh phí viện trợ (nếu có) và kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

IV. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Sở Y tế

- Là cơ quan thường trực của Chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá; là đầu mối phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể để tổ chức, chỉ đạo, điều phối thực hiện các chương trình, kế hoạch liên ngành về phòng chống tác hại của thuốc lá trong phạm vi toàn tỉnh; hàng năm tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Tuần lễ quốc gia không thuốc lá.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang, các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, các nội dung của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Công ước khung; vận động người dân tích cực hưởng ứng tham gia thực thi các quy định về phòng chống tác hại thuốc lá.

- Chủ trì, triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về tác hại của thuốc lá và các biện pháp cai nghiện thuốc lá để triển khai trong cộng đồng. Chỉ đạo các cơ sở y tế xây dựng và phát triển mô hình tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các chương trình chăm sóc sức khỏe và các chương trình xã hội khác: chăm sóc sức khỏe sinh sản; phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng làng văn hóa sức khỏe...

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chỉ đạo các đơn vị theo ngành dọc tổ chức truyền thông sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về tác hại của các sản phẩm thuốc lá; các chủ trương, biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá trên các loại hình văn hóa nghệ thuật, điện ảnh, thể thao.

- Tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, không mời và không sử dụng các sản phẩm thuốc lá; xây dựng kế hoạch hoạt động lồng ghép các thông tin, truyền thông giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá với các chương trình kinh tế xã hội khác; xây dựng các điểm du lịch không khói thuốc.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy định cấm toàn diện các hình thức quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá. Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc không nhận tài trợ và đưa các thông tin quảng cáo, khuyến mại và tài trợ của các công ty thuốc lá.

3. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan chỉ đạo việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tác hại của thuốc lá nhằm thay đổi hành vi hút thuốc lá, đồng thời chỉ đạo ngăn chặn việc đưa các thông tin quảng cáo, khuyến mại và tài trợ của các công ty thuốc lá trên báo chí, mạng thông tin máy tính và các ấn phẩm báo chí.

4. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục sắp xếp, tổ chức, quy hoạch mạng lưới đại lý bán buôn, bán lẻ các sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh bán buôn hoặc đại lý bán buôn sản phẩm thuốc lá theo quy định hiện hành. Thực hiện hiệu quả việc phòng, chống các vi phạm như: buôn lậu thuốc lá, kinh doanh thuốc lá giả, không in cảnh báo sức khỏe, không dán tem theo quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cho học sinh, cán bộ, nhân viên trong ngành về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tiếp tục chỉ đạo, xây dựng mô hình trường học không khói thuốc. Nghiên cứu đưa các nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào chương trình giảng dạy của các cấp học, bậc học trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế và chuyển đổi cây trồng thay thế một phần cây thuốc lá tại những vùng trồng cây thuốc lá.

7. Sở Tài chính cân đối, bảo đảm tài chính cho các hoạt động của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các sở, ban, ngành theo chế độ quy định và phân cấp ngân sách hiện hành cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính bảo đảm nguồn kinh phí và các nguồn lực cần thiết cho các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.

9. Công an tỉnh tăng cường hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành công an; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương đẩy mạnh công tác phòng, chống kinh doanh thuốc lá bất hợp pháp, tham gia xử phạt các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

10. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tăng cường hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành quân đội; phối hợp chặt chẽ với sở, ngành chức năng tham gia công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá.

11. Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường tin bài, thời lượng phát sóng và đăng tải thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá, phổ biến pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá và các biện pháp cai nghiện thuốc lá. Xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Hạn chế tối đa việc đăng tải các tác phẩm có cảnh hút thuốc lá.

12. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Tăng cường chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tác hại thuốc lá ở địa phương, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá và các biện pháp cai nghiện thuốc lá nhằm thay đổi hành vi hút thuốc.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về bán buôn, bán lẻ thuốc lá; kiểm tra, giám sát các hành vi nhập khẩu thuốc lá lậu, buôn bán thuốc lá giả; nghiêm cấm hút thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị, đám cưới, đám tang, xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại cộng đồng. Hàng năm xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách và giám sát kiểm tra sử dụng ngân sách đúng mục đích cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh: tích cực vận động các thành viên, hội viên tham gia tích cực vào cuộc vận động phòng, chống tác hại của thuốc lá; thực hiện không hút thuốc tại nơi làm việc và nơi công cộng theo quy định hiện hành.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện “Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; yêu cầu các sở, ban ngành, cơ quan liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế, Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh uỷ; (báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương;
- Các Ban Đảng thuộc Tỉnh uỷ;
- UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- Thường trực Huyện uỷ, Thành uỷ;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh VP, các PCVP UBND tỉnh;
- Các Trưởng phòng NCTH;
- Lưu VT-VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Thị Bích Việt