Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/KH-UBND

Thái Bình, ngày 10 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG SỰ TRỢ GIÚP ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Kế hoạch số 207-KH/TU ngày 13/12/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật” (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 39-CT/TW); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tăng cường sự trợ giúp đối với người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự phối hợp giữa các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể, cơ quan có liên quan, nâng cao nhận thức, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp người khuyết tật.

2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức của người khuyết tật nhằm chăm lo tốt hơn cho đời sống người khuyết tật.

3. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật, huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, các đoàn thể chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, các tổ chức tôn giáo, nhân đạo, từ thiện và các tổ chức quốc tế.

4. Xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, hoạt động chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật, tạo điều kiện để họ khắc phục mọi khó khăn vươn lên sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật tiếp cận các chính sách giáo dục, học nghề, việc làm, tín dụng, bảo trợ xã hội, văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, đi lại góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp và nhân dân trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp người khuyết tật

- Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Kế hoạch số 207-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý.

- Đẩy mạnh và đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật, nhất là Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về công tác người khuyết tật.

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan: Triển khai các hoạt động truyền thông, đối thoại chính sách nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác người khuyết tật; cung cấp thông tin tuyên truyền cho các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền về chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, các hoạt động xã hội, trợ giúp người khuyết tật;

+ Sở Thông tin và Truyền thông: Thực hiện tuyên truyền trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh; chỉ đạo Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, thành phố; Đài Truyền thanh xã, phường, thị trấn tuyên truyền các nội dung của Chỉ thị số 39-CT/TW, Kế hoạch số 207-KH/TU và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp người khuyết tật;

+ Sở Tư pháp: Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chính sách xã hội liên quan đến chính sách người khuyết tật; làm tốt công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.

+ Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình: Chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền về các nội dung Chỉ thị số 39-CT/TW, Kế hoạch số 207-KH/TU, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh và các hoạt động của các sở, ngành, địa phương về trợ giúp người khuyết tật.

+ Sở Nội vụ: Lồng ghép tuyên truyền nội dung Kế hoạch trong chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh hằng năm.

2. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật

2.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan:

- Tham mưu cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về người khuyết tật đảm bảo kịp thời, nghiêm túc, phù hợp điều kiện của tỉnh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật;

- Thực hiện tốt các chính sách xã hội và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; lồng ghép, xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình trợ giúp người khuyết tật với các chương trình, kế hoạch hoạt động của ngành, huyện, thành phố; tạo điều kiện phát huy năng lực của người khuyết tật, các tổ chức của người khuyết tật và vì người khuyết tật;

- Tham mưu nâng cấp cơ sở vật chất cho các cơ sở bảo trợ xã hội để đảm bảo đời sống cho người khuyết tật đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở; làm tốt công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật;

- Kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch; tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Kế hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2.2. Sở Nội vụ:

- Lồng ghép tham mưu các chính sách liên quan đến công tác người khuyết tật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, như: Công chức, viên chức, thanh niên, dân chủ, dân vận; thực hiện khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp trong việc trợ giúp người khuyết tật; lồng ghép các cuộc vận động, các phong trào thi đua gắn với việc chăm lo đời sống người khuyết tật ngày càng tốt hơn; tạo điều kiện thuận lợi để các hội của người khuyết tật, các quỹ và các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực chăm lo cho người khuyết tật hoạt động có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật;

- Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn đôn đốc và xử lý vi phạm pháp luật trong tổ chức hội của người khuyết tật và hội vì người khuyết tật và việc thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật thuộc phạm vi ngành quản lý.

2.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan vận động các nguồn lực hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các chương trình, dự án về trợ giúp người khuyết tật; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư các công trình hỗ trợ cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

2.4. Sở Tài chính: Căn cứ khả năng ngân sách, bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch trong dự toán ngân sách hằng năm của tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra, quyết toán việc sử dụng kinh phí đúng quy định.

2.5. Sở Y tế: Chủ trì hướng dẫn điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật, triển khai các chương trình phòng ngừa, can thiệp sớm khuyết tật bẩm sinh trong các cơ sở Y tế, cơ sở Bảo trợ xã hội; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên, cộng tác viên y tế về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật.

2.6. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh triển khai lồng ghép các chương trình giáo dục kỹ năng sống, giáo dục hòa nhập, giáo dục tiếp cận cho học sinh, sinh viên; hướng dẫn các cơ sở giáo dục và đào tạo phối hợp các cơ sở y tế có liên quan thực hiện công tác chăm sóc, phục hồi khả năng học tập cho học sinh, sinh viên là người khuyết tật; vận động và tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật trong độ tuổi đi học được đến trường; thực hiện tốt khác cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh, sinh viên bị khuyết tật và giáo viên dạy trẻ em khuyết tật theo quy định.

2.7. Sở Xây dựng: Tổ chức thực hiện hoạt động tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng, hạng mục công trình xây dựng các công trình công cộng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo người khuyết tật sử dụng.

2.8. Sở Giao thông vận tải: Tổ chức thực hiện hoạt động tiếp cận và tham gia giao thông đối với người khuyết tật; chỉ đạo đơn vị tham gia vận tải thực hiện cải tạo phương tiện giao thông công cộng bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận trên các tuyến vận tải, bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp hành khách là người khuyết tật lên, xuống phương tiện giao thông thuận tiện, chỉ đạo thực hiện việc miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ giao thông công cộng.

2.9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện hoạt động phòng chống thiên tai, hỗ trợ sinh kế khi có thiên tai xảy ra nhất là đối với người khuyết tật.

2.10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

2.11. Ngân hàng chính sách xã hội: Tổ chức thực hiện hoạt động tiếp cận và tạo điều kiện hỗ trợ người khuyết tật có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm theo quy định của pháp luật.

2.12. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Phối hợp với các sở, ngành, các đoàn thể của tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn; thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người khuyết tật theo quy định của pháp luật.

3. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật

Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan:

- Tích cực vận động các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật và các tổ chức của người khuyết tật; huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ cho cuộc sống người khuyết tật và hội viên các tổ chức của người khuyết tật;

- Khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước đầu tư cho các mô hình phi lợi nhuận chăm sóc người khuyết tật, nhất là người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, phụ nữ, trẻ em khuyết tật, người khuyết tật là người cao tuổi,

4. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội đối với các tổ chức của người khuyết tật

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội tiếp tục nâng cao hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật; tăng cường quan hệ phối hợp trong các hoạt động trợ giúp người khuyết tật; lồng ghép các cuộc vận động, các phong trào thi đua gắn với việc chăm lo đời sống người khuyết tật ngày càng tốt hơn. Tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh, nhất là đối tượng người khuyết tật;

Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhằm hỗ trợ người khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ tại cộng đồng.

5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức của người khuyết tật

Các tổ chức của người khuyết tật tích cực, chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội theo phương châm “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng”; làm tốt công tác xây dựng và thực hiện Kế hoạch từng năm theo chức năng, nhiệm vụ, điều lệ của tổ chức hội; xây dựng và triển khai thực hiện các Dự án trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn; phối hợp với chính quyền địa phương vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ và giúp đỡ người khuyết tật; thường xuyên giới thiệu, tuyên truyền để nhân rộng những tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên của người khuyết tật; những tổ chức, cá nhân tích cực trong hoạt động trợ giúp người khuyết tật, những cách làm hay trong hoạt động của hội.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, đôn đốc thực hiện, định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp kết quả, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật để kịp thời chỉ đạo nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch

Nhận Kế hoạch này, yêu cầu các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật;
- Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo VP Đoàn DBQH, HĐND và UBND tỉnh;
- Các sở, ngành, đoàn thể liên quan;
- UBND huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VX, TH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Lĩnh