Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3824/KH-UBND

Kon Tum, ngày 24 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC TẠM THỜI HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ ĐẢM BẢO THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19;

Căn cứ Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Tổ chức tạm thời hoạt động vận tải đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Kon Tum như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Mục đích

Khôi phục lại hoạt động vận tải đường bộ phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19 để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải, góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

2. Yêu cầu

a) Thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 và hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12 tháng 10 năm 2021.

b) Đảm bảo tính chủ động, thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp về tổ chức hoạt động vận tải đường bộ; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

3. Đối tượng áp dụng

a) Các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng kiểm soát dịch, đơn vị kinh doanh vận tải; bến xe; đầu mối xếp dỡ hàng hóa.

b) Người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ trên phương tiện, người đi theo phương tiện (đối với vận tải hàng hóa, vận tải người nội bộ) và hành khách tham gia giao thông.

c) Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải.

II. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ

1. Phân loại cấp độ dịch

- Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh;

- Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng;

- Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam;

- Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

2. Nguyên tắc tổ chức vận chuyển

2.1. Vận tải hành khách bằng xe ô tô

Nguyên tắc tổ chức vận tải hành khách nội tỉnh và liên tỉnh đi đến các địa bàn được thực hiện như sau:

a) Đối với địa bàn có dịch ở cấp 1, cấp 2

- Tổ chức hoạt động vận tải hành khách với tần suất bình thường và đảm bảo tần suất theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải tại Văn bản số 11037/BGTVT-VT ngày 20 tháng 10 năm 2021;

- Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe đáp ứng các yêu cầu nêu tại khoản 4 Mục II Phần 2 và hành khách đáp ứng các yêu cầu nêu tại khoản 2 Mục I Phần 2 Hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải.

b) Đối với địa bàn có dịch ở cấp 3

- Đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên: Đảm bảo theo nguyên tắc không vượt quá 50% tổng số phương tiện của đơn vị và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm);

- Đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh: Hoạt động tối đa không vượt quá 50% số chuyến theo lưu lượng đã được Sở Giao thông vận tải công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm); giao Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố đối lưu thống nhất tổ chức hoạt động cho phù hợp với hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải tại Công văn số 11037/BGTVT-VT ngày 20 tháng 10 năm 2021;

- Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe đáp ứng các yêu cầu nêu tại khoản 4 Mục II Phần 2 và hành khách đáp ứng các yêu cầu nêu tại khoản 2 Mục I Phần 2 Hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải.

c) Đối với địa bàn có dịch ở cấp 4

- Dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe ô tô, gồm: Vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh, xe buýt, hợp đồng, du lịch (trừ xe công nghệ dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử), vận chuyển học sinh, sinh viên;

- Đối với xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ (xe hợp đồng, xe du lịch sử dụng hợp đồng điện tử) có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử được phép hoạt động không vượt quá 20% tổng số phương tiện của đơn vị và có giãn cách chỗ trên phương tiện;

- Lái xe phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh và đáp ứng các yêu cầu nêu tại khoản 4 Mục II Phần 2; hành khách đáp ứng các yêu cầu nêu tại khoản 2 Mục I Phần 2 Hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải;

- Trường hợp phương tiện vận tải hành khách có hành trình bắt buộc phải đi qua địa bàn có dịch ở cấp 4 thì không được dừng, đỗ.

2.2. Vận tải hàng hóa bằng xe ô tô:

Tổ chức hoạt động bình thường ở các cấp độ dịch; lái xe, người đi theo xe phải đáp ứng các yêu cầu nêu tại khoản 4 Mục II Phần 2 Hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải.

2.3. Vận tải nội bộ bằng xe ô tô

a) Vận tải hàng hóa nội bộ: Thực hiện theo điểm 2.2 Mục này;

b) Vận tải chở người nội bộ:

- Đối với địa bàn có dịch ở cấp 1, cấp 2: Tổ chức hoạt động bình thường;

- Đối với địa bàn có dịch ở cấp 3, cấp 4: Được phép hoạt động theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải điểm đi, điểm đến và có giãn cách chỗ trên phương tiện;

- Lái xe, người trên xe phải đảm bảo các yêu cầu về y tế theo địa bàn có dịch ở cấp độ tương ứng được quy định tại khoản 4 Mục II Phần 2 Hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải.

3. Hành khách tham gia giao thông phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế.

b) Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

c) Xét nghiệm y tế

- Xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…;

- Đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp:

Có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3;

Đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.

- Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp:

Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ;

Đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

d) Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả).

4. Yêu cầu đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, người đi theo xe

a) Thực hiện biện pháp phòng, chống dịch

- Tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế;

- Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

b) Xét nghiệm y tế

- Xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…; xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện;

- Xét nghiệm ngẫu nhiên đối với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao theo kế hoạch phòng, chống dịch của đơn vị vận tải;

- Đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, người đi theo xe một trong các trường hợp:

Có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3;

Đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn;

- Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp:

Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ;

Đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

- Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả).

c) Trước, trong và sau chuyến đi:

Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, người đi theo xe nếu có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở… thì cần theo dõi sức khoẻ và thông báo ngay cho đơn vị vận tải, cơ quan y tế địa phương để triển khai quy trình xử lý dịch theo quy định.

d) Trường hợp chuyến đi có hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, người đi theo xe dương tính với SARS-CoV-2: Thực hiện theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

III. KẾT NỐI VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH ĐẾN, ĐI TẠI CẢNG HÀNG KHÔNG, GA ĐƯỜNG SẮT THUỘC ĐỊA BÀN CÓ DỊCH Ở CẤP 4

1. Đơn vị vận tải kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, lái xe:

a) Vận chuyển hành khách đi, đến cảng hàng không, ga đường sắt theo nguyên tắc “một cung đường hai điểm đến”; không được phép dừng đỗ trên hành trình (trừ trường hợp khẩn cấp).

b) Chấp hành hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải, đơn vị quản lý cảng hàng không, ga đường sắt khi vận chuyển hành khách đi, đến cảng hàng không, ga đường sắt.

c) Thực hiện nghiêm các quy định về công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

2. Hành khách chấp hành nghiêm hướng dẫn của cảng hàng không, ga đường sắt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA ĐƠN VỊ KINH DOANH VẬN TẢI, BẾN XE, NƠI XẾP DỠ HÀNG HÓA, LÁI XE VÀ CÁN BỘ, NHÂN VIÊN CÓ LIÊN QUAN

Thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Mục II Phần 2 Hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải. Giao Sở Giao thông vận tải hướng dẫn chi tiết cho các đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giao thông vận tải:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện Hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải và chỉ đạo tại Công văn số 11037/BGTVT-VT ngày 20 tháng 10 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải;

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương để tổ chức hoạt động vận tải hành khách kết nối giữa vận tải đường bộ bằng xe ô tô với vận tải hàng không, đường sắt theo quy định tại Mục VII Phần 2 Hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải;

- Hướng dẫn và yêu cầu đơn vị vận tải, đơn vị bến xe khách, trạm dừng nghỉ (nếu có) thực hiện theo Hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải;

- Đăng công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải về hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô theo Hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải; số điện thoại đường dây nóng để đơn vị vận tải, đơn vị bến xe khách, lái xe, hành khách biết và thực hiện, đồng thời tiếp nhận phản ánh và xử lý tình huống phát sinh theo thẩm quyền;

- Chỉ đạo Thanh tra Giao thông phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, chính quyền địa phương, đơn vị quản lý đường bộ, trạm dừng nghỉ (nếu có) tổ chức nơi dừng nghỉ, đón tiếp để cung cấp các dịch vụ thiết yếu phục vụ, hỗ trợ tốt nhất cho hành khách và người dân;

- Báo cáo định kỳ về kết quả triển khai thực hiện Hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải và theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

2. Sở Y tế

- Công bố, cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn và vùng cách ly y tế (phong tỏa) và các biện pháp áp dụng tương ứng để làm cơ sở cho việc tổ chức hoạt động vận tải theo Hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, chính quyền địa phương giám sát, hướng dẫn hành khách thực hiện các biện pháp y tế về phòng, chống dịch COVID-19 khi về đến địa phương.

3. Công an tỉnh

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về công tác tổ chức hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô trong thời gian các địa phương thực hiện các cấp độ phòng, chống dịch COVID-19 theo lĩnh vực quản lý để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ;

- Chỉ đạo lực lượng chức năng của ngành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải bằng đường bộ.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Kon Tum

- Theo dõi, kiểm tra, giám sát những người về địa phương theo quy định của Bộ Y tế đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở tổ chức/cá nhân nâng cao ý thức chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải;

- Phối hợp với cơ quan Y tế, Sở Giao thông vận tải bố trí nơi dừng nghỉ, đón tiếp để cung cấp dịch vụ thiết yếu, hỗ trợ tốt nhất cho hành khách và người dân.

5. Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Kon Tum

Tuyên truyền, phổ biến đến đơn vị vận tải biết và thực hiện theo Hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn có liên quan đảm bảo hoạt động vận tải được thông suốt, an toàn và phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

6. Đơn vị, doanh nghiệp vận tải, bến xe khách, đơn vị xếp dỡ hàng hóa

Thực hiện nghiêm Kế hoạch này, Hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải, quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và các quy định của pháp luật có liên quan.

7. Các sở, ban ngành, đơn vị liên quan

Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này; tăng cường phối hợp, phân công chỉ đạo các đơn vị liên quan bảo đảm trong hoạt động vận tải thích ứng an toàn, linh hoạt theo đúng cấp độ dịch, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Trên cơ sở Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp triển khai thực hiện; trường hợp Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế ban hành quy định mới về phòng, chống dịch COVID-19 đối với các đối tượng áp dụng tại Hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải thì thực hiện theo quy định mới./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Giao thông vận tải; b/cáo
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, HTKT.TVL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Lê Ngọc Tuấn