Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 392/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 22 tháng 11 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 73/NQ-CP NGÀY 23/9/2019 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 60/2018/QH14 NGÀY 15/6/2018 CỦA QUỐC HỘI VỀ TIẾP TỤC HOÀN THIỆN VÀ ĐẨY MẠNH VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN CỦA NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP VÀ CỔ PHẦN HÓA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Thực hiện Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong giai đoạn 2011 - 2016 đã được nêu tại Điều 1, Nghị quyết số 60/2018/QH14.

- Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới nhằm tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội.

2. Yêu cầu:

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ.

- Xác định rõ nhiệm vụ của các ngành, các cấp; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong triển khai nhiệm vụ được giao.

3. Nguyên tắc chung: Vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp phải được bảo toàn và phát triển; việc mua bán tài sản, xác định giá trị doanh nghiệp, thoái vốn phải bảo đảm công khai minh bạch, sát giá thị trường, không thấp hơn giá trị ghi trên sổ kế toán, tránh thất thoát, lãng phí.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Xác định giá đất cụ thể phù hợp với quy định của Luật Đất đai để xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, tính đúng tính đủ tiền thuê đất của doanh nghiệp, tránh thất thu cho NSNN.

2. Quản lý chặt chẽ, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, bảo đảm tuân thủ phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp.

3. Chỉ đạo rà soát toàn bộ các phương án sử dụng đất đã được phê duyệt cho các doanh nghiệp cổ phần hóa, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án đã được phê duyệt.

4. Chỉ đạo rà soát để xem xét phê duyệt phương án sử dụng đất đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải cổ phần hóa nhưng chưa được phê duyệt phương án sử dụng đất và các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất cho phù hợp với quy định tại Luật Đất đai hiện hành. Trường hợp phương án sử dụng đất doanh nghiệp đề xuất chưa phù hợp với quy hoạch, mục đích sử dụng đất, ngành nghề kinh doanh và pháp luật về đất đai hiện hành thì doanh nghiệp phải trả lại cho nhà nước để sử dụng vào mục đích khác.

5. Nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật đất đai về thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.

6. Hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn để chấn chỉnh, ngăn ngừa và xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật.

8. Rà soát lại các dự án đầu tư chậm tiến, độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài để có phương án xử lý kịp thời, phù hợp.

9. Thực hiện tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sau khi các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh; Công khai thông tin đối với tất cả các doanh nghiệp nhà nước theo các tiêu chuẩn áp dụng đối với công ty đại chúng theo quy định hiện hành.

10. Xác định tỷ lệ phù hợp phần vốn nhà nước nắm giữ tại các công ty cổ phần để có kiến nghị về lộ trình thoái vốn hợp lý, hiệu quả và có tính khả thi cao.

III. GIAO NHIỆM VỤ CHO CÁC SỞ, NGÀNH, ĐƠN VỊ LIÊN QUAN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

- Xác định giá đất cụ thể phù hợp với quy định của Luật Đất đai để xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

- Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, bảo đảm tuân thủ đúng Phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong Phương án cổ phần hóa doanh nghiệp.

- Rà soát toàn bộ các phương án sử dụng đất đã được phê duyệt cho các doanh nghiệp cổ phần hóa, báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án đã được phê duyệt.

- Rà soát, báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt phương án sử dụng đất đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải cổ phần hóa nhưng chưa được phê duyệt, đã duyệt nhưng chưa điều chỉnh phương án sử dụng đất và các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhung chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất, đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật đất đai hiện hành. Trường hợp phương án sử dụng đất doanh nghiệp đề xuất chưa phù hợp với quy hoạch, mục đích sử dụng đất, ngành nghề kinh doanh và pháp luật về đất đai hiện hành thì doanh nghiệp phải trả lại cho Nhà nước để sử dụng vào mục đích khác.

- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện quy định của pháp luật đất đai về thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.

- Hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát, xử lý các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; kiến nghị xử lý, cơ cấu lại các dự án đầu tư thua lỗ và thu hồi vốn nhà nước từ các dự án đầu tư không hiệu quả.

- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện, tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sau khi các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Công khai thông tin đối với tất cả các doanh nghiệp nhà nước theo các tiêu chuẩn áp dụng đối với công ty đại chúng theo quy định hiện hành.

3. Cục thuế tỉnh: Tính đúng, tính đủ, xác định và thông báo chính xác đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa.

4. Sở Nội vụ:

- Tham mưu UBND tỉnh các nội dung liên quan đến quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với người quản lý doanh nghiệp trong doanh nghiệp nhà nước.

- Tham mưu cho UBND tỉnh các nội dung liên quan đến quyền và trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong các công ty cổ phần có vốn nhà nước.

5. Thanh tra tỉnh: Chủ trì tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành diện rộng theo chuyên đề về việc sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa theo phương án sử dụng đất được duyệt.

6. Sở Tài chính:

- Chủ trì thực hiện thẩm định giá đất cụ thể phù hợp với quy định của Luật Đất đai để xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn.

- Xác định tỷ lệ phù hợp phần vốn nhà nước nắm giữ tại các công ty cổ phần để có kiến nghị về lộ trình thoái vốn hợp lý, hiệu quả và có tính khả thi cao.

7. UBND các huyện, thành phố, thị xã: Phối hợp các sở, ngành liên quan để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại mục II, mục III Kế hoạch này.

8. Các Doanh nghiệp nhà nước, các công ty cổ phần có vốn nhà nước:

- Căn cứ các kế hoạch, nội dung đã được phê duyệt, phối hợp với Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thành công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại đơn vị mình theo đúng thời gian, kế hoạch được phê duyệt. Người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh về công tác cổ phần hóa và thoái vốn tại đơn vị mình.

- Thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng tinh gọn bộ máy, bảo đảm doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả cao, chú trọng vào phát triển những ngành nghề có lợi thế, thế mạnh trong tỉnh, thay đổi những mô hình, ngành nghề không còn hiệu quả, hoặc lợi nhuận đạt thấp nhằm đảm bảo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tránh thất thoát, thua lỗ, lãng phí.

- Mạnh dạn đề xuất UBND tỉnh dừng dự án hoặc thoái vốn tại các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả theo đúng quy định hiện hành.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan trên cơ sở những nội dung, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại mục II, mục III căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để cụ thể hóa thành nhiệm vụ kế hoạch hàng năm sát với tình hình thực tế của mỗi đơn vị; Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 25 của tháng cuối quý.

2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch này, phổ biến kế hoạch đến các doanh nghiệp nhà nước thuộc Tỉnh, doanh nghiệp đã cổ phần hóa có vốn nhà nước do UBND tỉnh làm đại diện chủ sở hữu; tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ và đột xuất khi cần thiết.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc, các Sở, ban, ngành, đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KHĐT, TC;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Các công ty thuộc tỉnh quản lý;
- Trung tâm TT-CB-TH tỉnh;
- Lưu:VT, KT1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Tất Thắng