BỘ THÔNG TIN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4058/KH-BTTTT | Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2019 |
PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC TRONG CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2020 - 2030 THEO HƯỚNG XÃ HỘI HÓA
Ngày 15/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Căn cứ nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông được giao tại Quyết định trên, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2020 - 2030 theo hướng xã hội hóa như sau:
1. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ) với mục tiêu “đẩy mạnh phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao năng lực tiếp nhận, vận dụng tri thức và sáng tạo của con người Việt Nam”.
2. Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội; nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của đọc sách đối với việc nghiên cứu, giáo dục và hình thành nhân cách con người.
3. Thực hiện xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
4. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam thông qua các nhiệm vụ triển khai tại Kế hoạch này.
1. Mục tiêu chung:
a. Bằng nguồn xã hội hóa, tổ chức xuất bản để từ đó hình thành hệ thống tủ sách cộng đồng nhằm xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (sách in và sách điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
b. Từ các tủ sách ban đầu phục vụ các điểm bưu điểm văn hóa xã, nhân rộng các điểm phục vụ bạn đọc, đồng thời luân chuyển sách tới các hệ thống thư viện công cộng, hệ thống thư viện chuyên ngành, hệ thống thư viện, tủ sách thuộc các cơ quan, đoàn thể, gia đình, dòng họ ... để phát huy hiệu quả giá trị của các tủ sách và nâng mức độ thụ hưởng văn hóa đọc trong cộng đồng.
2. Mục tiêu đảm bảo:
- 100% địa bàn xã, phường, thị trấn có tủ sách để phục vụ nhu cầu đọc của cộng đồng. Trong đó, đạt 20% - 25% người dân ở khu vực nông thôn, 15% - 20% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã.
- 40% thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học có thêm ít nhất 500 đầu sách mới để phục vụ nhu cầu đọc của học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục;
- 40% thư viện công an từ Trung ương đến địa phương; thư viện trại giam có thêm ít nhất 500 đầu sách mới phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu và học tập của cán bộ, chiến sĩ công an và các phạm nhân.
- 40% thư viện, tủ sách trong toàn quân có thêm ít nhất 500 đầu sách phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu và học tập của các chiến sĩ lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam.
- 30% các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... có tủ sách phục vụ nghiên cứu, học tập của các hội viên, đoàn viên.
- Số lượt người truy cập và sử dụng bản điện tử của sách thuộc các tủ sách được số hóa đạt 100.000.000 lượt/năm.
- Số lượt người đọc tham gia đọc sách tại các điểm giao dịch của Bưu điện đạt 1.000 lượt/năm.
Phát huy thế mạnh của các đơn vị trong toàn Ngành thông tin và truyền thông, tập trung huy động các nguồn lực xã hội hóa, nhằm thực hiện các nhiệm vụ:
1. Lựa chọn bản thảo và tổ chức xuất bản
a. Đơn vị chủ trì: Cục Xuất bản, In và Phát hành
b. Đơn vị phối hợp: Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, các cơ quan, doanh nghiệp có mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; các nhà xuất bản và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
c. Kế hoạch thực hiện:
- Lựa chọn những bản thảo phù hợp với từng đối tượng và địa bàn thụ hưởng để tổ chức xuất bản các xuất bản phẩm phục vụ nhu cầu đọc của người dân.
Đối tượng thụ hưởng: Tập trung vào các đối tượng là học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên; cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng an ninh, quốc phòng; cán bộ làm công tác quản lý; hội viên, đoàn viên thuộc các tổ chức chính trị, đoàn thể ở Trung ương và địa phương; người dân ở các địa phương...
Địa bàn: Vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; hệ thống trường học các cấp; hệ thống thư viện công cộng; hệ thống thư viện chuyên ngành; hệ thống thư viện thuộc lực lượng an ninh, quốc phòng; các cơ quan, tổ chức chính trị, đoàn thể ở Trung ương và địa phương.
- Lựa chọn và tổ chức xuất bản 1.000 đầu sách trong thời gian 10 năm (từ 2020 - 2030), chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Từ năm 2020 - 2025: Xuất bản 500 đầu sách.
Giai đoạn 2: Từ 2026 - 2030: Xuất bản 500 đầu sách.
- Lựa chọn một số nhà xuất bản phù hợp để xuất bản các đầu sách theo kế hoạch được phê duyệt.
2. Kết nối, mở rộng các điểm phát hành, đưa sách tới cộng đồng
a. Đơn vị chủ trì: Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam
b. Đơn vị phối hợp: Cục Xuất bản, In và Phát hành, các doanh nghiệp có mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa đọc; các đơn vị phát hành sách.
c. Kế hoạch thực hiện:
- Phát hành các sách thuộc kế hoạch được thực hiện trong từng giai đoạn đến các điểm bưu điện văn hóa xã trong toàn quốc.
- Huy động và khai thác các nguồn lực xã hội hóa để chung tay xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đồng thời mở rộng thêm hệ thống các điểm phát hành sách đến cộng đồng trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
- Phối hợp với hệ thống các thư viện công cộng; thư viện chuyên ngành; hệ thống thư viện thuộc lực lượng an ninh, quốc phòng; các cơ quan, tổ chức chính trị, đoàn thể ở Trung ương và địa phương; các tủ sách gia đình, dòng họ... để luân chuyển các sách thuộc chương trình, nhằm mở rộng hệ thống phát hành sách, đồng thời phục vụ tối đa các đối tượng đọc.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ để kết nối các nhà xuất bản sản xuất và đưa sách điện tử, sách audio, sách video... đến độc giả.
3. Xây dựng và triển khai chương trình tuyên truyền, quảng bá phát triển văn hóa đọc
a) Đơn vị chủ trì: Cục Xuất bản, In và Phát hành; Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
b) Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố; các cơ quan báo chí, truyền thông.
c) Kế hoạch thực hiện:
- Xây dựng các bản tin, các chương trình giao lưu, tọa đàm, chuyên đề, phim tài liệu, phóng sự tuyên truyền, quảng bá văn hóa đọc và phát triển phong trào đọc sách;
- Xây dựng các chương trình giao lưu và tôn vinh những điển hình có đóng góp cho sự phát triển của sách đến cộng đồng, biểu dương các tấm gương ham đọc sách, hiếu học; các tấm gương về việc lưu giữ và phục vụ bạn đọc;
- Tổ chức các chương trình giới thiệu, giao lưu tác giả - độc giả, ký tặng sách, giới thiệu tác giả trẻ, giới thiệu sách mới xuất bản; các buổi giao lưu, tọa đàm...;
- Tổ chức các cuộc thi, chương trình giới thiệu các hình thức, kỹ năng đọc sách trong đời sống hiện đại;
- Lồng ghép tổ chức các hoạt động, sự kiện về văn hóa đọc vào chương trình kỷ niệm Ngày Sách Việt Nam hằng năm ở từng địa phương.
IV. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ THỰC HIỆN
1. Sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả thực hiện Kế hoạch theo từng giai đoạn và đánh giá hiệu quả, sức lan tỏa của văn hóa đọc trong cộng đồng;
2. Đánh giá sự tham gia, kết nối của các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; đánh giá sự huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc; sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, tổ chức chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc tham gia thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch;
3. Đánh giá tác động của truyền thông, quảng bá đối với việc phát triển văn hóa đọc.
1. Cục Xuất bản, In và Phát hành: Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch. Phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức triển khai các Chương trình hợp tác cụ thể.
2. Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam: Chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch; huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch được phê duyệt.
3. Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố: Phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành; Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các nhiệm vụ của Kế hoạch trên địa bàn theo thẩm quyền quản lý.
Kinh phí thực hiện từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Trên đây là Kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2020 - 2030 theo hướng xã hội hóa. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phản ánh về Cục Xuất bản, In và Phát hành (Số 10 Đường Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội) để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét sửa đổi, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |