Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4080/KH-UBND

Hải Dương, ngày 08 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 CHO TRẺ TỪ 12 ĐẾN 17 TUỔI

Thực hiện Công văn số 8688/BYT-DP ngày 14/10/2021 của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, UBND tỉnh Hải Dương xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trên phạm vi toàn tỉnh với các nội dung cụ thể như sau:

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ Quy định về hoạt động tiêm chủng;

- Nghị quyết số 21/2021/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19;

- Quyết định số 1210/QĐ-BYT ngày 09/12/2020 của Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch tiếp nhận, phân phối và sử dụng vắc xin phòng chống COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facity hỗ trợ;

- Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 01/01/2018 của Bộ Y tế Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

- Quyết định số 2470/QĐ-BYT ngày 14/6/2019 ban hành Hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em;

- Công văn số 1384/BYT-DP ngày 06/3/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai Kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19;

- Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 ban hành Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19;

- Quyết định số 4355/QĐ-BYT ngày 10/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19;

- Quyết định số 5002/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em;

- Công văn số 8688/BYT-DP ngày 14/10/2021 của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi;

- Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế về việc Phê duyệt Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022;

- Công văn số 5441/BYT-DP ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế về việc thiết lập Văn phòng thường trực Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19;

- Kế hoạch số 1019/KH-BYT ngày 09/7/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai công tác an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19;

- Kế hoạch số 2659/KH-UBND ngày 22/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tỉnh Hải Dương năm 2021 - 2022;

- Kế hoạch số 2658/KH-UBND ngày 22/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai công tác an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tỉnh Hải Dương năm 2021 - 2022.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu chung

Phòng chống dịch chủ động cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh bằng việc sử dụng vắc xin phòng COVID-19, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin để tạo miễn dịch cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tiếp nhận và sử dụng 100% số vắc xin phòng COVID-19 được Bộ Y tế cung ứng và các nguồn hợp pháp khác của tỉnh để tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi góp phần đạt miễn dịch cộng đồng để chủ động phòng chống dịch COVID-19.

- Trên 90% số trẻ từ 12 đến 17 tuổi được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đến hết quý I năm 2022. Ưu tiên tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 đến 17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế.

- Đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quá trình triển khai các chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Huy động các nguồn lực xã hội để triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19.

3. Yêu cầu

- Tổ chức tiêm chủng nhanh, an toàn và hiệu quả theo tiến độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế.

- Đảm bảo công tác phòng chống dịch theo quy định.

- Đảm bảo an toàn, tiêm chủng; đúng tiến độ và công bằng, minh bạch.

III. THỜI GIAN, PHẠM VI, HÌNH THỨC TRIỂN KHAI

1. Thời gian: Từ tháng 11/2021

Triển khai ngay khi tiếp nhận vắc xin. Thời gian cụ thể theo các đợt phân bổ vắc xin của Bộ Y tế và nguồn cung ứng vắc xin (nhập khẩu và sản xuất trong nước) cho tỉnh Hải Dương.

2. Phạm vi

- Phạm vi triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.

- Đối tượng: Trẻ từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (khoảng 188.000 trẻ).

- Tổ chức triển khai thí điểm tại thành phố Hải Dương, sau đó rút kinh nghiệm và triển khai đồng loạt tại các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh.

3. Hình thức: Triển khai tiêm chủng chiến dịch.

Tùy theo số lượng vắc xin được cung ứng, tình hình dịch trên địa bàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh và BCĐ phòng, chống COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là cấp huyện) quyết định các hình thức triển khai tiêm chủng, trong đó ưu tiên triển khai hình thức tổ chức các điểm tiêm lưu động tại các trường Trung học phổ thông và Trung học cơ sở, kết hợp với hình thức tổ chức tại các điểm tiêm chủng công lập cố định, cụ thể như sau:

3.1. Tổ chức tại các điểm tiêm chủng công lập cố định

- Tổ chức tại các điểm tiêm chủng cố định đã đủ điều kiện tiêm chủng bao gồm: 235 trạm y tế, 12 Trung tâm Y tế tuyến huyện, 04 điểm tiêm chủng tại phòng tiêm chủng của Bệnh viện Nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

- Mỗi điểm tiêm chủng có thể tổ chức nhiều bàn tiêm chủng.

3.2. Tổ chức tại các điểm tiêm lưu động

- Thiết lập các điểm tiêm chủng lưu động tại các trường Trung học phổ thông và Trung học cơ sở.

- Mỗi bàn tiêm cần bố trí đủ nhân lực thực hiện quy trình tiêm và nhân lực hỗ trợ, trang thiết bị phục vụ cho khám sàng lọc, bảo quản vắc xin, tiêm vắc xin, nhập liệu, theo dõi xử lý phản ứng sau tiêm theo quy định.

- Trung tâm Y tế tuyến huyện thành lập các đội tiêm chủng lưu động để triển khai tiêm theo sự điều động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cùng cấp.

- Ban Chỉ đạo tổ chức điểm tiêm chủng lưu động cần xây dựng phương án, chuẩn bị, bố trí sẵn vị trí, đường đi theo quy trình từ nơi tiếp đón, nơi chờ, bàn tư vấn, đo dấu hiệu sinh tồn, khám sàng lọc, bàn tiêm, khu vực theo dõi sau tiêm trước ngày tiêm từ 1-2 ngày. Cần có giải phân cách mềm, có biển báo hướng dẫn lối đi, cho từng bàn tiêm rõ ràng, phù hợp.

- Phân công cán bộ, chuẩn chị đầy đủ trang thiết bị, vật tư, tài liệu, vắc xin cho các bàn tiêm cụ thể trước khi bắt đầu triển khai tiêm. Đặc biệt chú ý phải chuẩn bị các phương án phù hợp thực hiện theo dõi, xử lý phản ứng sau tiêm tại các điểm tiêm chủng lưu động.

- Phối hợp với Ban giám hiệu các trường chuẩn bị sẵn danh sách người dự kiến tiêm, phân chia thời gian từng ngày, từng múi giờ trong ngày cho phù hợp, đảm bảo đủ số lượng người tham gia tiêm chủng theo quy định.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI

1. Công tác tập huấn và tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch

- Tổ chức tập huấn chuyên môn và triển khai kế hoạch chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trên phạm vi toàn tỉnh theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp.

- Nội dung tập huấn tập trung vào công tác tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vắc xin; tổ chức điểm tiêm chủng đảm bảo an toàn; quy trình khám sàng lọc; kỹ thuật tiêm; theo dõi và xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng, đặc biệt về xử trí phản vệ; cập nhật phần mềm tiêm chủng, thống kê, báo cáo.

- Tổ chức tập huấn cấp chứng nhận bổ sung An toàn tiêm chủng cho các đối tượng cấp mới, cấp lại đảm bảo đủ nhân lực tổ chức chiến dịch.

2. Công tác thông tin, truyền thông

- Mục đích: Nâng cao nhận thức, chia sẻ thông tin, vận động các bậc phụ huynh, học sinh và huy động xã hội tham gia tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi.

- Hình thức truyền thông: Thực hiện chiến lược truyền thông đa dạng, phối hợp cả hình thức trực tiếp tại cộng đồng và gián tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống đài phát thanh, mạng xã hội; cấp phát tờ rơi, tài liệu hỏi đáp về Covid -19; treo băng rôn tuyên truyền tại những khu tập trung đông người và các cơ sở tiêm chủng chiến dịch.

- Nội dung truyền thông cần tập trung vào:

Mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi.

Mục tiêu, đối tượng, địa bàn, phương thức triển khai tiêm vắc xin.

Chỉ định, chống chỉ định của vắc xin, phản ứng có thể gặp phải và hướng dẫn cách theo dõi, xử lý các phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng.

Mục đích, cách thức đăng ký tiêm vắc xin online.

3. Điều tra, lập danh sách đối tượng tiêm

- Điều tra, lập danh sách trong trường học: lập danh sách học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 theo địa bàn hành chính cấp xã; lập danh sách học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, học sinh tại các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo địa bàn hành chính cấp huyện.

- Điều tra, lập danh sách tại cộng đồng: lập danh sách theo địa bàn hành chính cấp xã trẻ em sinh từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi hiện đang sinh sống tại cộng đồng nhưng không theo học tại các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông; điều tra lập danh sách các trẻ em đang theo học tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, trẻ lang thang cơ nhỡ trên địa bàn.

- Hoạt động điều tra, lập danh sách đối tượng phải hoàn tất tối thiểu trước chiến dịch 5 ngày để phục vụ công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai.

4. Dự trù, tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc xin, vật tư tiêm chủng

- Việc tiếp nhận, bảo quản vắc xin, vật tư tiêm chủng thực hiện theo đúng các quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ Quy định về hoạt động tiêm chủng; Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 01/01/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, và Quyết định 1464/QĐ-BYT ngày 5/3/2021 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

- Vắc xin được cấp cho các địa phương theo tiến độ cung ứng của Bộ Y tế. Căn cứ vào số lượng vắc xin do Bộ Y tế cấp từng đợt cho tỉnh và số lượng trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn từng địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh ra quyết định phân phối số lượng vắc xin cho từng địa phương.

- Các địa phương rà soát và chủ động chuẩn bị trang thiết bị trong tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin tại tất cả các điểm tiêm chủng bao gồm: tủ lạnh, hòm lạnh, phích vắc xin, nhiệt kế….Sẵn sàng đủ dây chuyền lạnh để tiếp nhận số lượng vắc xin với các đợt cung ứng của Bộ Y tế.

- Sử dụng trang thiết bị, vật tư trong Tiêm chủng mở rộng thường xuyên để tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc xin COVID-19 tại tất cả các tuyến. Việc vận chuyển vắc xin phải được thực hiện bởi cán bộ được đào tạo hướng dẫn bảo quản vắc xin. Trong quá trình vận chuyển bảo quản vắc xin tại các tuyến phải có thiết bị theo dõi nhiệt độ.

- Trang bị đầy đủ vật tư phục vụ công tác tiêm chủng bao gồm: bơm kim tiêm, hộp an toàn, bông cồn, sát khuẩn tay nhanh, phiếu khám phân loại, phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, phiếu hướng dẫn giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm, phiếu chứng nhận tiêm chủng, cơ số thuốc phòng chống phản vệ, máy huyết áp, máy đo nhiệt độ, SPO2, pano áp phích tại điểm tiêm…và các trang thiết bị khác phục vụ công tác tiêm chủng chiến dịch.

- Tiếp nhận trang thiết bị, vật tư từ Bộ Y tế cấp; tạm ứng từ nguồn của chương trình tiêm chủng mở rộng và chủ động mua từ nguồn ngân sách địa phương.

- Trung tâm Y tế tuyến huyện nhận vắc xin, vật tư tiêm chủng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hoặc Chương trình tiêm chủng Quốc gia bàn giao vắc xin trực tiếp tại các Trung tâm Y tế.

- Trạm y tế tuyến xã nhận vắc xin, vật tư tiêm chủng tại Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố vào sáng ngày thực hiện tiêm chủng (nhận và tiêm vắc xin trong ngày).

- Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế tuyến huyện thực hiện cấp phát, tiếp nhận, bảo quản vắc xin phòng COVID-19, vật tư tiêm chủng theo quy định.

- Các cơ sở tiêm chủng xử lý chất thải trong quá trình tiêm chủng theo quy định trong Công văn số 102/MT-YT ngày 04/3/2021 của Cục Quản lý Môi trường, Bộ Y tế.

5. Tổ chức tiêm chủng

5.1. Điểm tiêm chủng

- Trạm y tế xã rà soát, củng cố các cơ sở tiêm chủng cố định.

- Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện kiểm tra, thẩm định quyết định các điểm tiêm lưu động tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn đáp ứng đủ điều kiện theo quy định trong Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ Quy định về hoạt động tiêm chủng và Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 01/01/2018 của Bộ Y tế Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.

5.2. Tổ chức buổi tiêm chủng

- Công tác tổ chức thực hiện buổi tiêm chủng thực hiện theo Quyết định số 2470/QĐ-BYT ngày 14/6/2019 ban hành Hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em; Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và quy định trong Công văn số 6202/BYT-DP ngày 02/8/2021 về việc tăng tốc độ và diện bao phủ tiêm vắc xin phòng COVID-19 phù hợp với điều kiện thực tế.

5.3. Thực hiện các quy định về công tác phòng chống dịch

Tổ chức các buổi tiêm vắc xin phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy định về phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế và của tỉnh. Trong đó đặc biệt chú ý đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang và khử khuẩn.

5.4. Công tác khám sàng lọc

Việc khám sàng lọc thực hiện theo Quyết định số 5200/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em và cập nhật các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

5.5. Công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng

- Công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng thực hiện theo Kế hoạch số 1019/KH-BYT ngày 09/7/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai công tác an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Công văn số 5488/BYT-KCB về việc Hướng dẫn bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và Kế hoạch số 2658/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 22/7/2021 về việc triển khai công tác an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tỉnh Hải Dương năm 2021-2022, đồng thời cập nhật các hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Các điểm tiêm bố trí nhân lực đủ số lượng và thành phần của mỗi đội tiêm cho mỗi bàn tiêm. Tất cả các thành phần trong đội tiêm đều phải được tập huấn và phân công nhiệm vụ rõ ràng trước khi thực hiện nhiệm vụ.

- Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành duy trì các đội cấp cứu lưu động tại điểm tiêm và tại cơ sở điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm chủng để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.

6. Bố trí nhân lực cho một điểm tiêm chủng

Để triển khai chiến dịch tiêm chủng đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và đảm bảo an toàn, số lượng nhân lực cần thiết để triển khai một điểm tiêm chủng quy định trong Kế hoạch số 2659/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 22/7/2021 về việc triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tỉnh Hải Dương năm 2021-2022.

7. Hoạt động kiểm tra, giám sát, tổng hợp báo cáo

- Ban chỉ đạo các cấp phân công thành viên phụ trách và trực tiếp đi kiểm tra, giám sát các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch trước và trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch.

- Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị có liên quan trong ngành tổ chức giám sát thường xuyên các hoạt động chuyên môn: Xây dựng và triển khai kế hoạch, điều tra đối tượng, tuyên truyền; tiếp nhận, bảo quản, phân phối vắc xin, vật tư tiêm chủng; giám sát phản ứng sau tiêm vắc xin….

- Công tác thông tin, báo cáo:

Báo cáo hàng ngày trong thời gian tổ chức chiến dịch: Các cơ sở tiêm chủng báo cáo kết quả tiêm hàng ngày về Trung tâm Y tế tuyến huyện trước 17h00; Trung tâm Y tế tuyến huyện tổng hợp báo cáo về cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tỉnh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) trước 18h00 hàng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh và Bộ Y tế trước 20h00’ hàng ngày.

Sau khi kết thúc từng đợt và toàn bộ chiến dịch các huyện báo cáo bằng văn bản theo mẫu hướng dẫn gửi về COVID-19 tỉnh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế.

8. Kinh phí

- Kinh phí mua vắc xin, thực hiện theo quy định của Bộ y tế và Bộ Tài chính.

- Sử dụng nguồn ngân sách địa phương thực hiện hoạt động triển khai chiến dịch như truyền thông, huy động cộng đồng, mua bông, cồn; in bảng kiểm phân loại trước tiêm, giấy chứng nhận, giấy đồng ý tiêm chủng; bơm kim tiêm, hộp an toàn tiêm chủng phục vụ chiến dịch...; vận chuyển bảo quản vắc xin từ tỉnh xuống xã, vật tư phòng chống sốc, kiểm tra giám sát của Ban chỉ đạo...

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi trong phạm vi toàn tỉnh.

- Tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế từ tỉnh đến cơ sở để tổ chức tốt chiến dịch.

- Chỉ đạo các Trung tâm Y tế tuyến huyện phối hợp với ngành giáo dục thống kê, lập danh sách trẻ từ đủ 12 tuổi đến 17 tuổi theo từng khối, lớp, từng trường, từng địa bàn để làm cơ sở lập kế hoạch tổ chức tiêm chủng cho phù hợp hiệu quả.

- Cung cấp tài liệu chuyên môn cho các cơ quan thông tin đại chúng, các ban ngành, đoàn thể phục vụ cho công tác truyền thông, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, lợi ích của chiến dịch.

- Dự trù, tiếp nhận và bảo quản, cấp phát đủ vắc xin, vật tư, phương tiện tiêm chủng, đáp ứng cho Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ đủ 12 tuổi đến 17 tuổi tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các Trung tâm Y tế tuyến huyện thiết lập các điểm tiêm chủng phù hợp, đảm bảo cho việc triển khai chiến dịch thuận lợi, đúng quy định và đạt mục tiêu. Chỉ đạo, giám sát các cơ sở tiêm chủng sử dụng phần mềm tiêm chủng COVID-19 trong lập kế hoạch, quản lý, nhập liệu cho các đối tượng tiêm chủng.

- Chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị các phương án đảm bảo sẵn sàng cấp cứu, xử lý các tai biến, biến chứng nặng sau tiêm vắc xin, đảm bảo an toàn cho các đối tượng tiêm chủng trong chiến dịch.

- Tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh xây dựng kế hoạch, phân công thành viên Ban chỉ đạo tham gia kiểm tra giám sát hoạt động tại các địa phương theo địa bàn được phân công.

- Tổng hợp kết quả hàng ngày, báo cáo tiến độ về Ban Chỉ đạo tỉnh.

2. Sở Giáo dục & Đào tạo

- Chỉ đạo các phòng chức năng thuộc Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong việc điều tra, lập danh sách đối tượng tiêm chủng cho trẻ từ đủ 12 tuổi đến 17 tuổi theo từng khối, lớp, từng trường, từng địa bàn để làm cơ sở lập kế hoạch tổ chức tiêm chủng; đồng thời phối hợp với ngành y tế bố trí thời gian, địa điểm tiêm chủng tại các cơ sở giáo dục phù hợp, đảm bảo an toàn theo yêu cầu chuyên môn của ngành y tế.

- Chỉ đạo các Trường trung học Cơ sở, Trung học phổ thông phối hợp với ngành y tế trong việc tổ chức tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh ký phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho học sinh trước thời điểm tổ chức tiêm chủng; đồng thời vận động cha mẹ học sinh cùng tham gia phối hợp tổ chức trong những ngày tổ chức chiến dịch tiêm chủng và theo dõi sức khỏe cho trẻ sau tiêm .

- Chủ động phối hợp với ngành y tế cung cấp thông tin cho đội ngũ giáo viên kiến thức cơ bản về việc theo dõi, phát hiện xử lý các tác dụng không mong muốn sau tiêm cho trẻ.

- Hỗ trợ nhân lực và kinh phí cho việc tổ chức các điểm tiêm chủng tại cơ sở giáo dục.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc tham gia thực hiện các hoạt động trong chiến dịch của các đơn vị trong ngành.

3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch & Đầu tư

Tham mưu cho UBND tỉnh trong việc bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động triển khai chiến dịch và hướng dẫn sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo các quy định hiện hành.

4. Sở Thông tin & Truyền thông, Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương

- Chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền trước và trong thời gian tổ chức chiến dịch.

- Tăng thời lượng phát sóng, tin bài tuyên truyền về mục tiêu, lợi ích, phương thức triển khai của chiến dịch;

- Cử phóng viên tiếp cận và đưa tin kịp thời các hoạt động triển khai tại các đơn vị, địa phương trong thời gian triển khai chiến dịch.

5. Các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan

- Phổ biến, quán triệt và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, cá nhân phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch tổ chức chiến dịch.

- Tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị và hệ thống ngành dọc hiểu biết về lợi ích, hiệu quả của chiến dịch để phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và cộng đồng.

- Tham gia kiểm tra, giám sát các hoạt động triển khai thực hiện kế hoạch tại cơ sở theo phân công của Ban Chỉ đạo.

6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Phối hợp với Quân khu 3 tiếp nhận, vận chuyển vắc xin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bàn giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hoặc Trung tâm Y tế tuyến huyện nhanh chóng, kịp thời đúng theo quy định về vận chuyển, bảo quản vắc xin.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh xây dựng kế hoạch chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi và tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; đồng thời bố trí kinh phí hỗ trợ cho hoạt động triển khai chiến dịch tại địa phương.

- Tổ chức kiểm tra giám sát hoạt động triển khai thực hiện tại các đơn vị, địa phương trong địa bàn.

- Tổng kết, rút kinh nghiệm với các ban, ngành, địa phương khi kết thúc chiến dịch và báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Ban điều hành TCMR QG;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ngành, đoàn thể liên quan;
- UBND các huyện/Tx/Tp;
- Trung tâm KSBT tỉnh;
- Các bệnh viện tuyến tỉnh;
- TTYT các huyện/Tx/Tp;
- Lưu: VT, KGVX (01).Ph(5b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Hùng