Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4238/KH-UBND

Bến Tre, ngày 03 tháng 9 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 49/2014/NĐ-CP NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ GIÁM SÁT, KIỂM TRA, THANH TRA ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 49/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu; Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Nắm bắt, phản ánh và đánh giá đúng đắn về việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), qua đó kịp thời chấn chỉnh hoặc áp dụng các biện pháp phù hợp, giúp doanh nghiệp khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

- Giúp các cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu phát hiện những yếu kém trong hoạt động kinh doanh của các DNNN; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, xử lý.

- Kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý đối với các DNNN để kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những biện pháp khắc phục, hoàn thiện.

- Tăng cường thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các DNNN; khuyến khích việc chia sẻ, nhân rộng những kinh nghiệm tốt, mô hình kinh doanh có hiệu quả giữa các DNNN.

- Phân công rõ trách nhiệm của các sở, ngành trong việc tham mưu UBND tỉnh thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu.

2. Yêu cầu:

- Tuân theo các quy định của pháp luật và bảo đảm tính khách quan, chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch.

- Tăng cường phối hợp có hiệu quả giữa chủ sở hữu, cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra.

- Không làm cản trở hoạt động bình thường của các doanh nghiệp là đối tượng giám sát, kiểm tra, thanh tra và các chủ thể có liên quan khác.

- Không trùng lặp về phạm vi, nội dung, đối tượng, thời gian kiểm tra, thanh tra giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

II. NỘI DUNG

1. Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật trên các lĩnh vực sau đây:

- Quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước; chế độ tài chính và giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Sắp xếp, đổi mới, kiện toàn tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về đầu tư phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp;

- Tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động; đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, chính sách tiền lương, tiền thưởng và các chế độ, chính sách khác đối với người quản lý doanh nghiệp, người đại diện và người lao động làm việc tại doanh nghiệp;

- Quy định của pháp luật chuyên ngành về lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh; quy định, quy trình về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp;

- Các quy định của pháp luật về việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá hiệu quả hoạt động và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;

- Các quy định của pháp luật khác theo yêu cầu của chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ quyết định của chủ sở hữu về các nội dung sau:

- Việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển đã được phê duyệt; nhiệm vụ công ích được giao cho doanh nghiệp; các dự án đầu tư nhóm A, B đã được phê duyệt.

- Việc phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ; tăng, giảm vốn điều lệ; vay nợ, cho vay nợ (trong nước và nước ngoài); huy động vốn; nghĩa vụ tài sản; mua, bán tài sản có giá trị (từ 50% vốn điều lệ trở lên hoặc theo quy định trong Điều lệ); việc góp vốn, nắm giữ, tăng, giảm vốn của doanh nghiệp tại các doanh nghiệp khác theo chủ trương đã phê duyệt.

- Việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản; thành lập, giải thể các đơn vị mới trực thuộc theo đề án đã phê duyệt;

- Việc thực hiện các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ; việc thực hiện các nhiệm vụ hoặc tham gia thực hiện việc cung cấp và bảo đảm các sản phẩm, dịch vụ công ích, thiết yếu của nền kinh tế theo quyết định hoặc quy định của chủ sở hữu;

- Việc thực hiện các quyết định liên quan đến tuyển dụng, quản lý, sử dụng; thực hiện chế độ, chính sách; đánh giá hoạt động, khen thưởng, kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp và người lao động;

- Việc thực hiện các quyết định khác liên quan đến kết quả giám sát, kiểm tra, thanh tra; đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả quản lý và điều hành đối với doanh nghiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người quản lý doanh nghiệp;

Các nội dung khác theo yêu cầu của UBND tỉnh.

3. Phân công nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp do UBND tỉnh làm chủ sở hữu:

a) Căn cứ chức năng quản lý nhà nước của các sở đối với ngành, nghề kinh doanh của các DNNN trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh phân công sở quản lý ngành đối với các DNNN sau đây:

- Sở Tài chính tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết;

- Sở Xây dựng tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước và Công ty TNHH một thành viên Công trình đô thị (cuối năm 2014 chuyển sang công ty cổ phần mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ);

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi;

b) Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm như sau:

- Chịu trách nhiệm giám sát đối với DNNN mà Sở được giao nhiệm vụ quản lý ngành đối với doanh nghiệp.

- Hướng dẫn về nội dung giám sát, hình thức giám sát, quy định và tổ chức thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động giám sát đối với các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý ngành theo quy định tại Nghị định số 49/2014/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tiến hành kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất việc chấp hành pháp luật và thực hiện các quyết định của chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý ngành theo nội dung được quy định tại Điều 7 Nghị định số 49/2014/NĐ-CP .

- Hướng dẫn về trình tự, thủ tục, nội dung kiểm tra đối với các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 49/2014/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

- Căn cứ, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra; kết luận và xử lý kết luận thanh tra đối với doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu được thực hiện theo quy định tại Luật Thanh tra, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, Nghị định số 49/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Xây dựng, Sở Tài Chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Căn cứ vào tình hình hoạt động của các DNNN mà sở quản lý ngành đã được UBND tỉnh giao; quý IV hằng năm, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN trên địa bàn tỉnh và các nhiệm vụ được phân công.

2. Đối với các sở, ngành tỉnh:

Theo chức năng, nhiệm vụ của mình và theo quy định tại Nghị định số 49/2014/NĐ-CP của Chính phủ phối hợp thực hiện hoặc tham gia thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

3. Thanh tra tỉnh:

- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thanh tra hoặc tham gia thanh tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện các quyết định của UBND tỉnh đối với các DNNN khi có một trong những căn cứ theo quy định của Luật Thanh tra và Nghị định số 49/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

- Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này, hằng năm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện về UBND tỉnh để theo dõi.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc đề nghị các sở ngành, doanh nghiệp phản ánh về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để hướng dẫn, xử lý kịp thời./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Cao Văn Trọng