Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4308/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 18 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TẠI NHỮNG KHU VỰC CÓ KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Quyết định số 2376/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ tại những khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn quốc”.

Nhằm tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, tiến tới bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ một cách bền vững tại những khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất trên địa bàn toàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận xây dựng Kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ tại những khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. Mục tiêu, yêu cầu

1. Mục tiêu tổng quát

- Nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cán bộ quản lý, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp và người dân sống xung quanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông tại các khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm giảm từ 5–10% số người chết hàng năm do tai nạn giao thông và giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu đến năm 2020

- 100% cán bộ quản lý và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và người dân sống xung quanh được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông hàng năm.

- 100% lái xe cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp được tập huấn hàng năm về kỹ năng lái xe an toàn và đạo đức của người lái xe.

- Xóa bỏ 100% điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông tại khu vực xung quanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- 100% hệ thống báo hiệu đường bộ được chuẩn hóa.

- 80 – 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy mô lớn và vừa được kết nối xe buýt có điểm dừng, đỗ thuận tiện và an toàn trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

3. Yêu cầu

- Công tác đảm bảo an toàn giao thông đường bộ tại những khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị của tỉnh.

- Các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh, quy hoạch các khu công nghiệp và cụm công nghiệp và các quy hoạch khác có liên quan.

- Huy động tối đa các nguồn lực xã hội, đặc biệt từ các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại các khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông phải được thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên và liên tục.

II. Nội dung kế hoạch

1. Quản lý nhà nước

- Rà soát và điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải, đặc biệt chú trọng công tác đấu nối theo đúng quy định của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; xây dựng thêm đường gom và bãi đỗ xe trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Rà soát và điều chỉnh quy hoạch tuyến xe buýt, bố trí các điểm dừng, đỗ trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt đối với các khu công nghiệp có quy mô trên 100 ha.

- Thực hiện Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

- Tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Xây dựng quy chế phối hợp giữa Ban An toàn giao thông tỉnh với Ban quản lý các khu công nghiệp, Liên đoàn lao động tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Các nhà đầu tư, nhà khai thác và các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải bố trí bộ phận làm đầu mối theo dõi, quản lý về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông hoặc có người phụ trách về vấn đề này.

- Khuyến khích các doanh nghiệp, các khu công nghiệp áp dụng quy trình quản lý an toàn giao thông theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 39001.

- Bổ sung tiêu chí về an toàn giao thông vào tiêu chí đánh giá, xếp loại khen thưởng cuối năm đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

2. Kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông

Kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về giao thông vận tải và đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống cơ sở hạ tầng khác tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

a) Đối với khu vực ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp

- Ưu tiên cải tạo xóa bỏ điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông trên hệ thống đường bộ tại khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Rà soát, điều chỉnh, đảm bảo đấu nối của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vào quốc lộ đúng quy định tại Thông tư số 50/2015/TT-BGTV ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải. Đề ra các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm đấu nối khu công nghiệp, cụm công nghiệp với quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị và đường huyện; ưu tiên các giải pháp lắp đèn tín hiệu giao thông, phân làn giao thông, sơn gờ giảm tốc, bố trí lối đi bộ sang đường…

- Ưu tiên đầu tư xây dựng cầu vượt cho người đi bộ, xe đạp và xe máy qua đường trên các tuyến quốc lộ và đường tỉnh có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông nhiều và tổ chức giao thông phức tạp tại khu vực khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Đầu tư xây dựng đường gom tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch.

- Thực hiện các giải pháp phân luồng giao thông, hạn chế phương tiện bên ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp lưu thông qua khu công nghiệp, cụm công nghiệp vào giờ cao điểm để tránh gây ùn tắc giao thông.

b) Đối với khu vực trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp

- Rà soát, thay thế hệ thống báo hiệu đường bộ đang hoạt động và đang xây dựng theo đúng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT.

- Cải tạo điều kiện đảm bảo an toàn giao thông tại các nút giao trong khu vực khu công nghiệp, cụm công nghiệp; ưu tiên lắp đặt các biển cảnh báo, bổ sung vạch sơn, gờ giảm tốc.

- Cải tạo hạ tầng xung quanh đảm bảo tầm nhìn, bán kính cong tại các đoạn rẽ, các nút giao trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Xây dựng bãi đỗ xe ô tô trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Bố trí các điểm dừng, đón trả khách trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho các phương tiện đưa đón cán bộ, công nhân.

- Khu công nghiệp có lưu lượng giao thông lớn vào giờ cao điểm nghiên cứu mở thêm cổng nếu có đủ điều kiện an toàn; xem xét bố trí cổng dành riêng cho phương tiện vận tải hàng hóa.

- Cải tạo điều kiện an toàn tại các khu vực đường ngang đường bộ và đường sắt trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

3. Phương tiện giao thông và hoạt động vận tải

- Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe ngay tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Rà soát và bố trí các tuyến xe buýt có điểm dừng đón, trả khách trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nhu cầu. Nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm thời gian phù hợp với giờ hoạt động của khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Siết chặt công tác quản lý đối với phương tiện đưa đón cán bộ quản lý, công nhân tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu về đăng ký, đăng kiểm và bảo vệ môi trường theo quy định.

- Khuyến khích các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp bố trí phương tiện đưa đón cán bộ quản lý, công nhân; có phương án hợp đồng với các doanh nghiệp vận tải hành khách để hỗ trợ đưa đón cán bộ quản lý, công nhân về quê trong các đợt cao điểm như ngày lễ, ngày tết.

- Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần xây dựng và phổ biến quy chế riêng về giao thông vận tải, phù hợp với điều kiện thực tế của từng khu vực, bao gồm giao thông nội bộ và vận tải ra, vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

4. Tuyên truyền an toàn giao thông

- Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông vào các chương trình của Ban An toàn giao thông tỉnh và các hoạt động về tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông của địa phương. Chú trọng tuyên truyền vào các chủ đề: đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy; không đi ngược chiều, không chở quá số người quy định, không chạy quá tốc độ quy định (đối với công nhân, tập trung tuyên truyền cho độ tuổi từ 18 tuổi đến 30 tuổi) và không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, không buôn bán trên lòng đường và lề đường (đối với người dân xung quanh khu vực khu công nghiệp, cụm công nghiệp) theo hướng tăng cường bằng hình ảnh trực quan, sinh động.

- Đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào cùng với các hoạt động tập huấn về an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy hàng năm của các doanh nghiệp.

- Lồng ghép các nội tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào các buổi sinh hoạt công đoàn, cuộc họp giữa công nhân với chủ doanh nghiệp…có sự phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh.

- Xây dựng tài liệu tuyên truyền và cẩm nang tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Thành lập đội tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và tiếp tục nhân rộng mô hình Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ.

- Tập huấn nâng cao đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng lái xe an toàn cho các lái xe của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Xây dựng chương trình phối hợp giữa Ban An toàn giao thông tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Liên đoàn lao động tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông theo từng năm.

- Biểu dương gương người tốt, việc tốt về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Không xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng đối với cán bộ quản lý, công nhân vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông.

5. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

- Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc thực hiện các quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Thường xuyên tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt thanh tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đối với xe gắn máy hai bánh, chạy quá tốc độ, sử dụng rượu bia, chở quá số người quy định, đi không đúng làn đường, phần đường quy định…Lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với phương tiện đưa đón công nhân vi phạm quy định trật tự an toàn giao thông và các điều kiện về đăng ký, đăng kiểm, phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải.

- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm, chấm dứt tình trạng lấn chiếm lòng đường, lề đường để kinh doanh, buôn bán, làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn giao thông tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Thành lập Tổ tuần tra, kiểm soát công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông với nồng cốt là công an xã, phường, dân phòng…

- Phối hợp liên ngành giữa Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Công an, Dân phòng… tiến hành phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các điểm nóng giao thông trong giờ cao điểm tại các khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

6. Nhân lực thực hiện

- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho cán bộ thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp, Công đoàn, cán bộ phụ trách an toàn của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cán bộ cấp huyện, xã có khu công nghiệp, cụm công nghiệp (như cán bộ phụ trách về giao thông vận tải, Công an xã, Dân phòng, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh).

- Đào tạo, tập huấn cho mạng lưới tuyên truyền viên cơ sở, tổ công nhân tự quản khu nhà trọ thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

7. Nguồn vốn

- Huy động tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt từ các nhà đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp. Ưu tiên, tập trung nguồn kinh phí cho cải tạo, nâng cấp điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Tranh thủ các nguồn vốn khác, dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó chú trọng đến các nguồn kinh phí của các tổ chức phi chính phủ, các quỹ hỗ trợ của các quốc gia có các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và đào tạo nguồn nhân lực.

- Các nguồn vốn để thực hiện Kế hoạch cụ thể như sau:

+ Kinh phí sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương: từ nguồn kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngân sách tỉnh bố trí hàng năm.

+ Kinh phí rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quy hoạch các tuyến xe buýt: từ nguồn kinh phí quy hoạch ngân sách tỉnh bố trí hàng năm.

+ Kinh phí thực hiện các giải pháp cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông khu vực ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp: từ ngân sách nhà nước theo phân cấp, kinh phí của các nhà đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và của các doanh nghiệp.

+ Kinh phí thực hiện các giải pháp về kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông trong khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp: kinh phí từ các nhà đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và của các doanh nghiệp.

+ Kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đào tạo nguồn nhân lực được huy động từ: kinh phí của các nhà đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và của các doanh nghiệp, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, kinh phí đảm bảo trật tự an toàn giao thông hàng năm của Bộ Giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh.

III. Tổ chức thực hiện

1. Công an tỉnh

- Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Chỉ đạo Công an huyện tham mưu với Ủy ban nhân dân các huyện thành lập các Tổ tuần tra, kiểm soát vi phạm hành chính trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại địa phương.

2. Ban An toàn giao thông tỉnh

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tập trung nhiệm vụ cải tạo, xóa bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông trên các hệ thống đường bộ trong tỉnh, các đường đô thị trong khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Chủ trì xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa Ban An toàn giao thông tỉnh với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Chủ trì lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp vào các chương trình của Ban An toàn giao thông tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành đào tạo, tập huấn cho mạng lưới tuyên truyền viên cơ sở, tổ công nhân tự quản khu nhà trọ thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai nội dung của kế hoạch này tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của địa phương.

3. Sở Giao thông vận tải

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tham gia giao thông trong các khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Rà soát, cải tạo điều kiện an toàn giao thông tại các điểm đấu nối khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hệ thống đường bộ trong tỉnh.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát các tuyến đường địa phương tại các khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nơi có nhu cầu người sang đường cao và tổ chức giao thông phức tạp để đề xuất xây dựng cầu vượt cho người đi bộ, xe đạp và xe máy.

- Điều chỉnh bổ sung quy hoạch hệ thống xe buýt của tỉnh, đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt đến các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; bố trí các điểm đón, trả cán bộ, công nhân tại các khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Chủ trì, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành giám sát, thanh tra và xử lý các vi phạm hành chính việc thực hiện các quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

4. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch này phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

- Rà soát và điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch giao thông của tỉnh.

- Tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Áp dụng quy trình quản lý an toàn giao thông theo tiêu chuẩn ISO 39001.

- Yêu cầu các nhà đầu tư, nhà khai thác và các doanh nghiệp phải bố trí bộ phận làm đầu mối hoặc người phụ trách theo dõi, quản lý về công tác đảm bảo an toàn giao thông.

- Bổ sung tiêu chí về an toàn giao thông vào tiêu chí đánh giá, xếp loại khen thưởng hàng năm đối với doanh nghiệp.

- Rà soát, đề xuất thay thế hệ thống báo hiệu đường bộ trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đúng chuẩn.

- Cải tạo điều kiện an toàn giao thông tại các nút giao trong khu vực khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xây dựng bãi đỗ xe ô tô, bố trí các điểm đón, trả khách trong khu công nghiệp.

- Khuyến khích các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bố trí xe ô tô đưa đón cán bộ, công nhân.

- Yêu cầu các khu công nghiệp xây dựng và ban hành quy chế riêng về giao thông vận tải trong khu vực của mình, phù hợp với điều kiện thực tế của các khu công nghiệp.

- Đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào cùng với các hoạt động tập huấn về an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy hàng năm của các doanh nghiệp.

- Lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào các buổi sinh hoạt công đoàn, cuộc họp giữa công nhân với chủ doanh nghiệp.

IV. Thời gian thực hiện: Từ ngày ban hành kế hoạch này đến hết năm 2020.

V. Công tác báo cáo

Các cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ phân công, lập kế hoạch của đơn vị để triển khai các nội dung về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Kết quả thực hiện có báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Giao thông vận tải) để tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị các đơn vị kịp thời có văn bản gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc báo cáo nhanh để kịp thời chỉ đạo, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Vụ An toàn giao thông-Bộ Giao thông vận tải;
- Tổng cục ĐBVN;
- Chủ tịch, các Phó CT UBND tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Sở Giao thông vận tải Bình Thuận;
- Sở Tài chính Bình Thuận;
- Ban Quản lý các Khu công nghiệp;
- Liên đoàn Lao động tỉnh;
- Văn phòng TT. Ban ATGT tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, NC(H b)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Phạm Văn Nam