Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4335/KH-UBND

Hải Dương, ngày 24 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

DIỆT CHUỘT BẢO VỆ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP NĂM 2022

Trong những năm qua, công tác diệt chuột đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương và nhân dân trong tỉnh nên đã thu được nhiều kết quả, góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, theo nhận định, tình hình chuột gây hại trong năm tới vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng do thiên địch của chuột ngày càng giảm, tình trạng cỏ dại trên các bờ vùng, bờ thửa tạo điều kiện cho chuột trú ngụ, sinh sản.

Để hạn chế tác hại do chuột gây ra đối với sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng dân cư; Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 233/TTr-SNN ngày 19/11/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2022, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Diệt chuột để bảo vệ, phát triển sản xuất nông nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra;

- Bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng ngừa dịch bệnh do chuột gây ra.

2. Yêu cầu:

- Các địa phương phải thành lập được tổ đội diệt chuột;

- Khi tổ chức các đợt diệt chuột tập trung phải thực hiện đồng loạt;

- Cùng với việc diệt chuột bằng thuốc hóa học cần phải đồng thời áp dụng các biện pháp diệt chuột thủ công truyền thống khác như: đặt bẫy cạm, hun khói, vớt bèo trên các kênh mương, phát quang bụi rậm kết hợp săn bắt chuột...;

- Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người và vật nuôi; bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên địch của chuột.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Công tác tuyên truyền:

Thường xuyên tuyên truyền sâu, rộng bằng nhiều hình thức: trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, cuộc họp ở cơ sở, tờ rơi... nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác hại của chuột đối với sản xuất và đời sống; sự cần thiết của công tác diệt chuột và các biện pháp diệt chuột; trách nhiệm trong công tác diệt chuột để bảo vệ sản xuất và sức khỏe cộng đồng. Nghiêm cấm việc dùng điện để diệt chuột.

2. Quy mô triển khai:

- Diệt chuột trên phạm vi toàn tỉnh, tập trung trên diện tích lúa, cây rau màu, cây ăn quả, bờ vùng, bờ thửa, gò đống, ... và những nơi chuột thường xuyên trú ngụ, sinh sản…;

- Tổng diện tích 141.000 ha (Trong đó: lúa 2 vụ: 112.000 ha, rau màu 2 vụ 19.000 ha, cây ăn quả trồng tập trung: 10.000 ha). diện tích cụ thể giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã xác định chi tiết và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

- Ngoài ra, tùy theo tình hình cụ thể, các huyện, thị xã, thành phố có thể bố trí mở rộng thêm diện tích diệt chuột đến các vùng chuyển đổi và các diện tích khác.

3. Thời điểm diệt chuột:

Diệt chuột là công việc thường xuyên, liên tục. Trong đó, một năm ít nhất phải tổ chức được 08 đợt tập trung đồng loạt diệt chuột ở các thời điểm, cụ thể:

- Đợt 1: Từ khi đổ ải, làm đất đến khi gieo, cấy lúa chiêm xuân (khoảng từ ngày 15 tháng 01 đến ngày 10/02);

- Đợt 2: Thời kỳ lúa chiêm xuân đẻ nhánh rộ (đầu tháng 3);

- Đợt 3: Thời kỳ lúa chiêm xuân đứng cái, làm đòng đến bắt đầu trỗ bông (tháng 4);

- Đợt 4: Từ khi làm đất đến khi gieo cấy lúa mùa (khoảng từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7);

- Đợt 5: Thời kỳ lúa mùa đẻ nhánh rộ (đầu tháng 8);

- Đợt 6: Thời kỳ lúa mùa đứng cái, làm đòng đến bắt đầu trỗ (từ cuối tháng 8 đến trung tuần tháng 9);

- Đợt 7: Thời kỳ làm đất trồng cây vụ đông (tháng 10);

- Đợt 8: Thời kỳ cây vụ đông gần thu hoạch (tháng 12).

Khi diệt chuột tập trung phải thực hiện đồng loạt giữa các địa phương và phải áp dụng đồng bộ các biện pháp, trong đó cần đẩy mạnh diệt chuột bằng các biện pháp thủ công truyền thống như: đặt bẫy cạm, hun khói, đổ nước, phát quang quang bụi rậm kết hợp săn bắt chuột,....

Riêng đợt 1 và 4, ngoài việc áp dụng các biện pháp thủ công truyền thống thì trong hai đợt này các địa phương nhất thiết phải đồng loạt tổ chức diệt chuột bằng thuốc hóa học (đồng loạt đặt bả) trên toàn bộ diện tích cây trồng ngoài đồng, do đánh bả ở hai đợt này sẽ có hiệu quả cao nhất (do trên đồng ruộng khan hiếm thức ăn của chuột).

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua thuốc diệt chuột cấp cho các địa phương để diệt chuột 02 đợt trong năm (đợt 01 và đợt 04) và kinh phí tổ chức triển khai, tập huấn, tuyên truyền, lựa chọn nhà thầu thực hiện Kế hoạch (Giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện).

2. Kinh phí mua mồi làm bả, tổ chức đặt bả và các chi phí khác do nông dân đóng góp hoặc do tổ, đội diệt chuột, HTX dịch vụ nông nghiệp bố trí để thực hiện.

3. Ngân sách huyện, thành phố, thị xã (nếu có) hỗ trợ thuốc diệt chuột bổ sung thêm 1 đến 2 đợt trong năm và kinh phí tổ chức, triển khai Kế hoạch tại địa phương theo đề nghị của cơ quan chuyên môn cấp huyện.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực thực hiện kế hoạch. Tham mưu, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch trong toàn tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh phí, lập phương án và tham mưu tổ chức đấu thầu mua thuốc diệt chuột trong năm 2021 để kịp thời có thuốc diệt chuột giao cho các địa phương trước ngày 10/01/2022 (thời gian tổ chức diệt chuột đợt 1) để đảm hiệu quả diệt chuột tốt nhất.

- Xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể về loại thuốc; các biện pháp kỹ thuật diệt chuột. Biên soạn tài liệu tập huấn, tài liệu tuyên truyền; tổ chức các lớp tập huấn phổ biến kế hoạch và hướng dẫn các địa phương thực hiện.

- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

- Tổng hợp, báo cáo, rút kinh nghiệm kết quả thực hiện kế hoạch, làm cơ sở xây dựng và thực hiện kế hoạch diệt chuột cho các năm tiếp theo.

2. Sở Tài chính:

Thẩm định dự toán kinh phí, cân đối, bố trí kinh phí trình UBND tỉnh quyết định; hướng dẫn các đơn vị bố trí, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo đúng quy định.

3. Các sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ tham gia, phối hợp thực hiện Kế hoạch.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

- Thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện để xây dựng và thực hiện Kế hoạch diệt chuột ở địa phương.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo cấp xã để chỉ đạo thực hiện Kế hoạch; thành lập các tổ, đội diệt chuột ở địa phương.

- Thực hiện việc tiếp nhận và cấp phát thuốc diệt chuột được hỗ trợ, sử dụng hiệu quả, đúng quy định. Hướng dẫn, kiểm tra, các địa phương thực hiện hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng; thanh quyết toán theo đúng quy định.

- Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tích cực thực hiện Kế hoạch diệt chuột; nghiêm cấm việc dùng điện để diệt chuột.

5. Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương; Đài phát thanh và đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến thực hiện Kế hoạch.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ngành: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính;
- Báo Hải Dương, Đài PTHT;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Lưu: VT, KTN, Ô Chính (10b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Quân