Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 437/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 18 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 CHO TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH NĂM 2021-2022

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007;

- Luật Dược ngày 06/4/2016;

- Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

- Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021;

- Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

- Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022;

- Các văn bản của Bộ Y tế: số 1675/CĐ-BYT ngày 22/10/2021 về việc triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; số 9093/BYT-DP ngày 26/10/2021 về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; số 8616/BYT-DP ngày 12/10/2021 về việc dự trù vắc xin COVID-19 và xây dựng kế hoạch năm 2022; số 8688/BYT-DP ngày 14/10/2021 về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 từ 12 đến 17 tuổi.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Phòng chống dịch chủ động bằng việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em phù hợp với từng lứa tuổi.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tối thiểu 95% trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được tiêm đầy đủ vắc xin phòng COVID-19 trong quý IV năm 2021 và quý I năm 2022.

- Trên 95% trẻ em từ 03 tuổi đến 11 tuổi được tiêm đầy đủ vắc xin phòng COVID-19 đến hết quý II/2022.

- Đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

III. NGUYÊN TẮC, THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI

1. Nguyên tắc

- Sử dụng các loại vắc xin được phép sử dụng cho trẻ em từ nguồn vắc xin được Bộ Y tế phân bổ cho địa phương.

- Kế hoạch triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn, trường học trên phạm vi toàn tỉnh.

- Đảm bảo tiêm hết số lượng vắc xin trước khi hết hạn sử dụng, tránh lãng phí.

- Huy động hệ thống chính trị tham gia kế hoạch tiêm chủng; huy động tối đa các lực lượng bao gồm các cơ sở trong và ngoài ngành y tế, lực lượng trong ngành giáo dục, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể... hỗ trợ triển khai tiêm chủng.

- Đảm bảo tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ sử dụng vắc xin cao cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vắc xin phòng COVID-19 (đạt trên 95%).

- Đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng.

2. Thời gian: Tổ chức các đợt tiêm chủng từ Quý IV năm 2021 đến hết Quý II năm 2022, cụ thể như sau:

- Nhóm trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện tiêm chủng Quý IV/2021 và Quý I/2022.

- Nhóm trẻ em từ 03 tuổi đến 11 tuổi thực hiện tiêm chủng trong Quý I, II/2022.

3. Đối tượng tiêm

Toàn bộ trẻ em trong độ tuổi từ 03 tuổi đến dưới 18 tuổi (bao gồm trẻ em tại trường học và trẻ em chưa hoặc không đi học) có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, Bộ Y tế và được sự đồng ý của phụ huynh học sinh/người giám hộ, trong đó theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương (Chi tiết tại Phụ lục 1 đính kèm).

4. Phạm vi triển khai: Trên quy mô toàn tỉnh, ưu tiên tiêm chủng trước cho các đối tượng ở các vùng đang có dịch; địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm; nơi có mật độ lưu thông, đi lại lớn; huyện biên giới, các địa phương giáp ranh với các tỉnh khác.

5. Hình thức triển khai: Tổ chức tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến (cả điểm tiêm chủng cố định và tiêm chủng lưu động) bao gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các Bệnh viện đa khoa ngoài công lập, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các Bệnh viện/Trung tâm Y tế tuyến huyện; các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn...

IV. NỘI DUNG

1. Tiếp nhận vắc xin: Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị liên quan chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để tiếp nhận, bảo quản, phân phối vắc xin, vật tư tiêm chủng phòng COVID-19 từ Bộ Y tế đảm bảo an toàn theo quy định.

2. Vận chuyển, bảo quản, phân bổ vắc xin

2.1. Vận chuyển

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp nhận vắc xin tại kho chứa của Quân khu 4, của Bộ Y tế, vận chuyển đến Kho bảo quản tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã với số lượng và thời gian theo kế hoạch cụ thể từng đợt được, phê duyệt;

- Kho bảo quản của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Dùng để dự trữ vắc xin cấp bổ sung cho các điểm tiêm chủng có phát sinh ngoài kế hoạch và một số vắc xin tại các điểm tiêm có hệ thống dây chuyền lạnh không đủ để bảo quản/tồn cuối buổi tiêm;

- Tại Kho bảo quản vắc xin Trung tâm Y tế huyện: Cấp ngay vắc xin cho các điểm tiêm với số lượng trong kế hoạch cụ thể từng đợt được phê duyệt; các điểm tiêm sử dụng hòm lạnh, phích vắc xin vận chuyển về điểm tiêm; số vắc xin còn tồn vào cuối buổi tiêm được vận chuyển trả lại lưu tại kho bảo quản Trung tâm Y tế tuyến huyện hoặc điều chuyển cho các điểm tiêm khác trên địa bàn trong thời gian quy định.

2.2. Bảo quản: Sử dụng hệ thống dây chuyền lạnh tại Kho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế tuyến huyện để bảo quản vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Nhà sản xuất.

2.3. Phân bổ, điều phối vắc xin: Tùy thuộc số lượng phân bổ vắc xin của Bộ Y tế, nhu cầu của từng địa phương đề thực hiện phân bổ đảm bảo công bằng, ưu tiên các đối tượng tiêm hoàn thành theo kế hoạch.

3. Tổ chức tiêm chủng

3.1. Hệ thống tiêm chủng

Sử dụng điểm tiêm chủng thường xuyên đủ điều kiện trên địa bàn để triển khai Chiến dịch tiêm chủng, bao gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; bệnh viện, đa khoa/Trung tâm y tế; bệnh viện ngoài công lập; Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; cơ sở tiêm chủng dịch vụ ngoài công lập. Tùy tình hình thực tế, Sở Y tế triển khai thêm các điểm tiêm chủng lưu động tại các trường học, cơ sở giáo dục...

3.2. Tổ chức buổi tiêm chủng

- Tổ chức điểm tiêm chủng theo đúng quy định của Bộ Y tế;

- Tổ chức tại các điểm tiêm chủng công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh;

- Các cơ sở tiêm chủng triển khai thực hiện tiêm chủng lưu động tại các trường học, nhà trẻ, cơ sở giáo dục... đóng trên địa bàn.

- Các điểm tiêm chủng bố trí tiêm chủng theo khung giờ, chia thành nhiều bàn, điểm tiêm chủng bảo đảm giãn cách phòng chống dịch; sử dụng Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 để triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19; bố trí cán bộ sử dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai tiêm chủng.

- Các bệnh viện đa khoa tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng cần được theo dõi đặc biệt theo hướng dẫn của Bộ Y tế; các cơ sở tiêm chủng khi khám sàng lọc nếu có đối tượng cần tiêm tại bệnh viện để theo dõi thì lập danh sách gửi bệnh viện trên địa bàn để thực hiện tiêm chủng.

4. Đảm bảo an toàn tiêm chủng

- Sở Y tế chỉ đạo đơn vị liên quan tổ chức tập huấn hướng dẫn cho cán bộ y tế về bảo quản, vận chuyển, sử dụng vắc xin, khám sàng lọc, xử trí tai biến nặng sau tiêm chủng; an toàn tiêm chủng.

- Các điểm tiêm tiến hành khám sàng lọc chủ động để phân loại các đối tượng cần phải bố trí tiêm tại điểm tiêm ở các bệnh viện đa khoa.

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa/TTYT có giường bệnh, các bệnh viện đa khoa ngoài công lập căn cứ số lượng điểm tiêm, khoảng cách địa lý để thành lập các đội cấp cứu tại đơn vị mình và hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng trên địa bàn, đảm bảo ít nhất 01 đội cấp cứu lưu động phụ trách 3-4 điểm tiêm chủng. Trong thời gian triển khai tiêm chủng COVID-19, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa/TTYT có giường bệnh phải dự phòng một số giường bệnh hồi sức tích cực nhất định (để trống tối thiểu 5 giường/Bệnh viện) để sẵn sàng xử trí trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.

- Các cơ sở, điểm tiêm chủng: Phải bố trí trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết.

- Phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K và các biện pháp phòng chống dịch theo quy định tại các điểm tiêm chủng.

- Xử lý bơm kim tiêm và chất thải y tế sau buổi tiêm chủng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNM ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các văn bản hướng dẫn hiện hành;

- Các điểm tiêm có phương án thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế theo quy định tại Công văn số 102/MT-YT ngày 04/3/2021 của Cục Quản lý môi trường y tế.

5. Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng

Sử dụng Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 để triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19, giao Chi nhánh Viettel Hà Tĩnh thường xuyên hỗ trợ cho các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo công khai, minh bạch thông tin. Nền tảng bao gồm 4 thành phần: (1) Cổng công khai thông tin tiêm chủng tại địa chỉ: https://tiemchungcovid19.gov.vn: (2) Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng; (3) Hệ thống phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; (4) ứng dụng số sức khỏe điện tử; nếu đối tượng không có điện thoại thông minh thì sử dụng điện thoại của bố mẹ hoặc người giám hộ (kê khai hộ).

6. Công tác truyền thông: Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan tổ chức đẩy mạnh công tác truyền thông trên báo chí, truyền hình, truyền thanh cơ sở và mạng xã hội về các nội dung:

- Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh... về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. ,

- Vận động người dân ủng hộ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em theo tinh thần “Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”; vận động phụ huynh/người giám hộ cho trẻ đi tiêm chủng khi đến lượt; vận động người dân ủng hộ Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam.

- Các nội cơ bản của Kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em; hiệu quả của tiêm chủng trong phòng, chống dịch COVID-19; các khuyến cáo về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn, theo dõi và xử lý phản ứng sau tiêm chủng.

- Tuyên truyền Đường dây nóng của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các bệnh viện để kịp thời cung cấp thông tin, tư vấn cho người dân về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Nêu gương những cá nhân điển hình trong triển khai Kế hoạch tiêm chủng Vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em.

7. Giám sát hoạt động tiêm chủng

7.1. Giám sát hoạt động tiêm chủng

- Sở Y tế chỉ đạo cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi triển khai kế hoạch; chỉ đạo, đôn đốc việc đảm bảo tiến độ tiêm chủng.

- Thành viên Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của tỉnh, Sở Y tế và các đơn vị liên quan tiến hành theo dõi, giám sát các hoạt động tiêm vắc xin phòng chống COVID-19.

7.2. Báo cáo kết quả tiêm chủng

- Sở Y tế báo cáo hàng ngày, định kỳ và kết thúc Kế hoạch cho Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tỉnh và Bộ Y tế theo quy định.

- Sử dụng phần mềm tiêm chủng mở rộng Quốc gia để thực hiện báo cáo.

8. Kinh phí thực hiện

8.1. Dự toán kinh phí:

Tổng kinh phí cho các hoạt động của Kế hoạch: Dự kiến 6.241.163.300 đồng (Sáu tỷ, hai trăm bốn mươi mốt triệu, một trăm sáu mươi ba nghìn ba trăm đồng), để chi cho: công tác truyền thông; mua vật tư tiêu hao phục vụ tiêm chủng và chi trả phụ cấp đặc thù đối với cán bộ y tế trực tiếp tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.

8.2. Nguồn kinh phí:

- Nguồn ngân sách trung ương: Hỗ trợ phụ cấp đặc thù cho các tình nguyện viên là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh các trường đào tạo trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương nhà nước tham gia trực tiếp tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Nguồn ngân sách tỉnh: Đảm bảo các khoản chi phí phát sinh tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập (nếu có); hỗ trợ ngân sách cấp huyện (trường hợp ngân sách cấp huyện đã sử dụng hết nguồn lực phòng chống dịch theo quy định).

- Ngân sách cấp huyện: Đảm bảo các khoản chi phí phát sinh tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp huyện quản lý. Trường hợp chi phí phát sinh vượt quá nguồn lực cấp huyện đảm bảo theo quy định, ngân sách tỉnh sẽ xem xét, hỗ trợ để địa phương có đủ nguồn lực thực hiện.

- Nguồn tài trợ, viện trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

- Nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vắc xin tự nguyện chi trả.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Thực chức năng cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, chịu trách nhiệm toàn diện về việc chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.

- Căn cứ số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ để xây dựng kế hoạch tiêm chi tiết từng đợt.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện phân bổ, điều phối vắc xin đến Kho bảo quản và các điểm tiêm chủng.

- Chỉ đạo các bệnh viện/TTYT có giường bệnh, bệnh viện đa khoa ngoài công lập xây dựng kế hoạch, thành lập các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các điểm tiêm trong suốt quá trình triển khai kế hoạch tiêm;

- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện Kế hoạch này; tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

- Xây dựng dự toán kinh phí tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các trường bố trí giáo viên, cán bộ phụ trách phối hợp với ngành y tế để thống kê, lập danh sách học sinh trong độ tuổi theo từng nhóm tuổi, từng trường, lớp.

- Phối hợp tổ chức triển khai các điểm tiêm tại trường học; bố trí điều kiện cơ sở hạ tầng (Khu vực chờ trước tiêm; khu vực khám sàng lọc; khu vực tiêm chủng; khu vực theo dõi phản ứng sau tiêm chủng) theo yêu cầu chuyên môn; đảm bảo đường truyền internet để tổ chức các buổi tiêm chủng an toàn.

- Tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các trường học cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, vận động phụ huynh và học sinh tích cực tham gia thực hiện Kế hoạch.

- Chỉ đạo việc lấy ý kiến của phụ huynh/người giám hộ của học sinh THPT thông qua phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19. Phối hợp ngành y tế vận động cha mẹ, người giám hộ trẻ đưa trẻ đến tiêm chủng đầy đủ, đúng thời gian quy định.

3. Sở Tài chính: Tham mưu phương án bố trí kinh phí theo phân cấp ngân sách hiện hành để thực hiện Kế hoạch; phối hợp Sở Y tế hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì thực hiện công tác truyền thông về tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em trên địa bàn tỉnh;

- Hướng dẫn, đôn đốc các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, phóng viên theo dõi địa bàn, các cơ quan hợp tác truyền thông với tỉnh tăng cường thời lượng, tin, bài để tuyên truyền việc thực hiện Kế hoạch;

- Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa Truyền thông các huyện, thành phố, thị xã tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên trên hệ thống truyền thanh - truyền hình cấp huyện, trạm truyền thanh cấp xã.

- Xây dựng dự toán kinh phí truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chỉ đạo Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao thống kê, tổng hợp số lượng vận động viên từ 17 tuổi trở xuống; chỉ đạo việc lấy ý kiến của phụ huynh/người giám hộ của các vận động viên thông qua phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19. Phối hợp ngành y tế vận động cha mẹ, người giám hộ trẻ đưa vận động viên đến tiêm chủng đầy đủ, đúng thời gian quy định.

6. Bộ Chỉ huy Quân sợ tỉnh: Chỉ đạo, điều phối lực lượng, phương tiện, phối hợp với Sở Y tế để vận chuyển, bảo quản, phân phối vắc xin đảm bảo hiệu quả, an toàn theo quy định.

7. Công an tỉnh: Chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với ngành Y tế cập nhật thông tin tiêm vắc xin phòng COVID-19 vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội: Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện Kế hoạch.

9. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã

- Phân công nhiệm vụ cho các thành viên BCĐ thực hiện Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cấp huyện. Phê duyệt kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ em trên địa bàn đảm bảo an toàn, hiệu quả.

- Chỉ đạo việc lấy ý kiến của phụ huynh/người giám hộ của học sinh THCS, tiểu học, mầm non, trẻ em 3-17 tuổi không đi học trên địa bàn thông qua phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19. Phối hợp ngành y tế vận động cha mẹ, người giám hộ trẻ đưa trẻ đến tiêm chủng đầy đủ, đúng thời gian quy định.

- Thống kê, tổng hợp số lượng trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng trên địa bàn, tổ chức triển khai Kế hoạch theo đúng số lượng vắc xin được cấp, không được để lãng phí nguồn vắc xin.

- Bố trí nguồn ngân sách theo phân cấp quản lý để phục vụ kế hoạch tiêm chủng.

- Chỉ đạo các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện phối hợp trong việc triển khai kế hoạch tiêm chủng.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- BCĐ triển khai CD tiêm VX phòng COVID-19 tỉnh;
- Chánh VP, PC VP Trần Tuấn Nghĩa;
- Trung tâm CB-TH tỉnh;
- Lưu: VT, VX1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Ngọc Châu

 

PHỤ LỤC

THỐNG KÊ SỐ LƯỢNG TRẺ EM THEO NHÓM TUỔI

STT

Địa phương, đơn vị

Trẻ từ 03-11 tuổi

Trẻ từ 12-15 tuổi

Trẻ từ 16-17 tuổi

Tổng trẻ em

Số lượng (Người)

Nhu cầu vắc xin (Liều)

Số lượng (Người)

Nhu cầu vắc xin (Liều)

Số lượng (Người)

Nhu cầu vắc xin (Liều)

Số lượng (Người)

Nhu cầu vắc xin (Liều)

1

Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT

26

52

115

230

49

98

190

380

2

UBND huyện Cẩm Xuyên

23.371

46.742

9.024

18.048

6.257

12.514

38.652

77.304

3

UBND huyện Kỳ Anh

23.277

46.554

7.939

15.878

3.773

7.546

34.989

69.978

4

UBND TX Kỳ Anh

18.197

36.394

5.603

11.206

2.490

4.980

26.290

52.580

5

UBND huyện Đức Thọ

15.225

30.450

5.722

11.444

3.203

6.406

24.150

48.300

6

UBND huyện Hương Khê

17.645

35.290

6.656

13.312

3.640

7.280

27.941

55.882

7

UBND TX Hồng Lĩnh

5.753

11.506

2.492

4.984

1.133

2.266

9.378

18.756

8

UBND huyện Lộc Hà

13.208

26.416

5.748

11.496

3.038

6.076

21.994

43.988

9

UBND huyện Thạch Hà

24.576

49.152

8.896

17.792

3.959

7.918

37.431

74.862

10

UBND Thành phố

19.345

38.690

6.894

13.788

3.092

6.184

29.331

58.662

11

UBND huyện Nghi Xuân

17.001

34.002

5.569

11.138

2.407

4.814

24.977

49.954

12

UBND huyện Hương Sơn

17.174

34.348

6.523

13.046

3.717

7.434

27.414

54.828

13

UBND huyện Vũ Quang

5.156

10.312

1.722

3.444

770

1.540

7.648

15.296

14

UBND huyện Can Lộc

23.197

46.394

7.987

15.974

3.715

7.430

34.899

69.798

 

TỔNG

223.151

446.302

80.890

161.780

41.243

82.486

345.284

690.568