Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4370/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 22 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC TRIỂN KHAI PHONG TRÀO NÔNG DÂN THI ĐUA SẢN XUẤT - KINH DOANH GIỎI GIAI ĐOẠN 2022 - 2027 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

1. Mục đích, yêu cầu

- Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi nhằm thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.

- Biểu dương các điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; sơ tổng kết rút ra những kinh nghiệm trong việc tổ chức chỉ đạo, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong cán bộ, hội viên, nông dân và nhân dân trong toàn tỉnh. Thông qua phong trào, đề xuất với Đảng và Nhà nước bổ sung chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Tăng cường sự phối hợp với các cấp, các ngành, thu hút các nguồn lực tạo thành sức mạnh tổng hợp, phát triển phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức Hội vững mạnh.

2. Chỉ tiêu

- Hàng năm 100% cơ sở hội tổ chức phát động, đăng ký, bình xét; có từ 70% số hộ nông dân đăng ký phấn đấu, trong đó có từ 50% trở lên số hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp.

- 100% hội nông dân cấp huyện, 80% hội nông dân cấp xã tổ chức được các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ hộ nông dân phát triển sản xuất có hiệu quả.

- 100% hội nông dân cấp xã chủ động hướng dẫn, tổ chức cho nông dân xây dựng được ít nhất một mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả.

- Hàng năm tập huấn và phối hợp tập huấn cho trên 50% hội viên nông dân về kiến thức khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.

- Phấn đấu góp phần giảm hộ nghèo hàng năm từ 0,35 - 0,5% (theo chuẩn mới giai đoạn 2022 - 2025).

- Phấn đấu nâng cao mức sống nông dân đến năm 2027 đạt bình quân 98.000.000 - 103.000.000 đồng/người/năm (tương đương 4.200 - 4.400 USD/người/năm).

3. Nhiệm vụ: Tập trung triển khai thực hiện có kết quả những nội dung, nhiệm vụ đề ra cho giai đoạn 2022 - 2027, nhất là Thông báo kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tỉnh tại Hội nghị Tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi toàn tỉnh lần thứ X (2017 - 2022). Trong đó, chú trọng một số nhiệm vụ:

3.1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

3.2. Tuyên truyền, vận động nông dân gắn sản xuất với thị trường đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập.

3.3. Thực hiện hiệu quả hoạt động liên kết hợp tác, dạy nghề, dịch vụ hỗ trợ cho nông dân nhằm phát triển toàn diện phong trào ở các địa bàn.

3.4. Tăng cường hoạt động tương trợ, cùng nhau làm giàu, giúp nông dân giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào.

3.5. Tham mưu đề xuất xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.

4. Nội dung và giải pháp thực hiện

4.1. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các mô hình sản xuất - kinh doanh giỏi điển hình, làm chuyển biến nhận thức của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân về phát triển kinh tế; khích lệ, động viên nông dân thay đổi nếp nghĩ, quyết tâm vượt khó, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư phát triển sản xuất.

4.2. Đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy phong trào phát triển; hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình và đối tượng sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; có kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân để không ngừng nâng cao trình độ sản xuất thâm canh, kiến thức quản lý kinh tế và thị trường, giúp nông dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và huy động tối đa các nguồn vốn, khoa học công nghệ mới, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh trong nước và thế giới; phát triển một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bền vững.

4.3. Tập trung hướng dẫn phong trào phát triển mạnh theo hướng liên kết, hợp tác, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy liên kết giữa các mô hình sản xuất, kinh doanh, giữa các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với nhau để đoàn kết, giúp đỡ để chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa đạt chuẩn an toàn, nâng cao chất lượng. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin sản xuất và tìm kiếm thị trường, tăng cường sản phẩm phục vụ du lịch các vùng trong nước. Tăng cường phối hợp và làm cầu nối để các thành phần kinh tế ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản cho các hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, các hợp tác xã.

4.4. Tập trung xây dựng, nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến, xuất sắc phù hợp với mỗi địa phương. Nêu gương và tổ chức học tập, nhân rộng các điển hình sản xuất - kinh doanh giỏi và hỗ trợ có hiệu quả đối với các hộ nghèo. Hằng năm, phối hợp điều tra, rà soát, làm rõ nguyên nhân các hộ nghèo, cận nghèo để đề xuất biện pháp cụ thể giúp hội viên, nông dân nghèo có điều kiện tự vươn lên, phấn đấu trở thành hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi.

4.5. Khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, kinh tế gia trại, trang trại, kinh tế hợp tác, phát triển ngành nghề gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và tăng tỷ lệ hộ khá, hộ giàu, giảm hộ nghèo. Vận động hộ sản xuất - kinh doanh giỏi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

4.6. Gắn phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi với việc đẩy mạnh công tác củng cố, xây dựng tổ chức hội nông dân các cấp ngày càng vững mạnh; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hội, tăng cường tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề cho nông dân, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân; giúp đỡ, bồi dưỡng nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ưu tú để giới thiệu tổ chức đảng xem xét, kết nạp đảng.

4.7. Tăng cường các hoạt động hợp tác với các viện, trường, các nhà khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức và địa phương để tranh thủ các nguồn lực về vốn, khoa học, công nghệ tiên tiến, công tác dạy nghề, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ hội chỉ đạo phong trào và nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, trình độ quản lý, điều hành các trang trại, gia trại của các hộ nông dân có quy mô sản xuất lớn.

4.8. Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn làm cơ sở chỉ đạo phong trào và kiến nghị với Đảng, Nhà nước có chính sách phù hợp, ổn định để nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, nhất là về chính sách đất đai, chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm... tạo điều kiện cho phong trào phát triển.

4.9. Chủ động tham mưu với cấp ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai sâu rộng những chính sách liên quan đến việc phát triển kinh tế. Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

5. Hình thức tổ chức và thời gian tiến hành hội nghị sản xuất - kinh doanh giỏi từng cấp

5.1. Cấp xã, phường, thị trấn:

- Thành lập hoặc củng cố ban chỉ đạo phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi giai đoạn 2022 - 2027 (trưởng ban chỉ đạo là chủ tịch hoặc phó chủ tịch ủy ban nhân dân, phó ban thường trực là chủ tịch hội nông dân và các ban, ngành liên quan làm thành viên).

- Hàng năm, tổ chức phát động, đăng ký các danh hiệu thi đua thực hiện vào đầu quý I; tổng kết đánh giá phong trào, bình xét suy tôn, công nhận danh hiệu thi đua vào cuối tháng 12.

5.2. Cấp huyện, thị xã, thành phố:

- Thành lập hoặc củng cố ban chỉ đạo phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi giai đoạn 2022 - 2027 (trưởng ban chỉ đạo là chủ tịch hoặc phó chủ tịch ủy ban nhân dân, phó ban thường trực là chủ tịch hội nông dân và cơ cấu các ban, ngành liên quan làm thành viên).

- Tổ chức hội nghị tổng kết phong trào; bình chọn, biểu dương điển hình nông, ngư dân đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi, dự kiến vào quý II/2027.

5.3. Cấp tỉnh:

Tổ chức hội nghị tổng kết phong trào; bình chọn, biểu dương điển hình nông, ngư dân đạt tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giỏi, dự kiến vào quý III/2027.

6. Tổ chức thực hiện

6.1. Ban Chỉ đạo phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi của tỉnh có trách nhiệm:

- Từng cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm giúp và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai tổ chức thực hiện phong trào có hiệu quả.

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2022 - 2027.

- Đôn đốc kiểm tra việc tổ chức thực hiện tổng kết ở hai cấp huyện, xã.

- Trên cơ sở tổng hợp, đánh giá phong trào ở hai cấp huyện, xã, tham mưu kế hoạch, nội dung, hình thức tổng kết ở cấp tỉnh.

- Phối hợp với các sở, ngành và đoàn thể chính trị - xã hội liên quan có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng đến hội viên nông, ngư dân nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa của phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xem đây là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế góp phần giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

6.2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm cụ thể hóa nội dung Kế hoạch này và tổ chức triển khai thực hiện.

6.3. Ban thường vụ hội nông dân cấp huyện báo cáo cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các ngành, đoàn thể tại địa phương tổ chức phát động thi đua rộng rãi đến cán bộ, hội viên, nông dân.

6.4. Giao Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo (Hội Nông dân tỉnh) thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cấp thực hiện Kế hoạch này và kịp thời báo cáo, đề xuất hướng giải quyết các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình thực hiện cho Ban Chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Trung ương Hội Nông dân Việt Nam;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh (Đ/c Minh);
- Mặt trận và các đoàn thể tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Thành viên BCĐ tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Hội ND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, KT. An

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh