Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 4449/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 25 tháng 08 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ TRONG SẢN XUẤT, LƯU THÔNG VÀ TIÊU THỤ HÀNG HÓA NÔNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRONG TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19

Nhằm chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa nông sản; tăng cường các giải pháp liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh, hỗ trợ người dân giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hạn chế thiệt hại; Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch ứng phó trong sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản trên địa bàn tỉnh trong tình hình dịch Covid-19, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Phát huy vai trò, trách nhiệm của Lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, mua bán, vận chuyển nông sản hàng hóa, đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp.

- Tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn và tổ chức sản xuất, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, không để chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm nông nghiệp bị đứt gãy, trong đó tập trung các sản phẩm nông sản.

- Tăng cường các hoạt động ứng phó và hỗ trợ nhằm hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Nông sản của tỉnh được đảm bảo tiến độ thu hoạch, tiêu thụ hoàn toàn trong điều kiện áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ở các huyện, thành phố trong tỉnh để phòng dịch Covid-19.

- Tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân, doanh nghiệp trong việc thu hoạch, chế biến và tiêu thụ nông sản của tỉnh.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất và nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận và kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, chợ, điểm bán nông sản trong và ngoài nước, trong đó điều kiện hiện nay tập trung thị trường nội địa là chủ yếu.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về tổ chức sản xuất:

- Rà soát các vùng nguyên liệu sản xuất, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình sản xuất, diện tích, sản lượng nông sản đến kỳ thu hoạch để phối hợp với Sở Công thương theo tiến độ thu hoạch và đồng thời, triển khai thực hiện phương án ứng phó trong sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản.

- Theo dõi diễn biến thời tiết, thủy văn và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; khuyến cáo nông dân, hợp tác xã và tổ hợp tác liên kết hợp tác, cơ sở với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ, trước mắt là sản phẩm vụ Hè Thu năm 2021.

- Chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và thu hoạch nông sản, tham mưu UBND tỉnh có giải pháp xử lý đối với các nội dung vượt thẩm quyền.

- Xây dựng kế hoạch sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo mùa vụ phù hợp, trong đó:

Tập trung chỉ đạo thu hoạch vụ Hè Thu và triển khai xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Mùa 2021 và vụ Đông Xuân 2021-2022; xây dựng lịch thời vụ chặt chẽ, khuyến cáo áp dụng cơ cấu giống phù hợp, tăng cường sử dụng giống xác nhận, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất đảm bảo theo kế hoạch; chỉ đạo chặt chẽ công tác kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật.

Tăng cường công tác điều tra, dự tính, dự báo, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ bệnh hại có hiệu quả với các đối tượng gây hại trên cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển các vùng sản xuất tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP,... gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Tăng cường tuyên truyền và triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản để vừa nâng giá trị thu nhập cho người sản xuất vừa đáp ứng nhu cầu cung cấp thực phẩm tại địa phương và một số tỉnh lân cận.

- Triển khai kế hoạch sản xuất, gắn với tiêu thụ nông sản theo mùa vụ phù hợp tại các địa phương.

- Cục Quản lý thị trường, Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu của sản xuất cả về số lượng và chất lượng đảm bảo ổn định, phát triển sản xuất của người dân trong tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

2. Về Công tác thu hoạch:

- Rà soát, thống kê và thông tin sản lượng nông sản trên địa bàn, sản lượng dự kiến thu hoạch theo từng thời điểm, tiêu chuẩn chất lượng, nhu cầu kết nối tiêu thụ, giá cả; các đội, nhóm nhân công thu hoạch, máy gặt đập liên hợp, doanh nghiệp, người thu mua; đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm phân phối, kết nối, thương thảo tiêu thụ hàng hóa; lập danh sách báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương trước thời gian dự kiến thu hoạch ít nhất 10 ngày để phối hợp, hỗ trợ kết nối tiêu thụ (nếu gặp khó khăn).

- Tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch và xây dựng phương án “04 tại chỗ” trong tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản; bố trí các các tổ, đội chống dịch ở các tuyến đường, cửa ngõ ra vào vùng nông sản tập trung của địa phương để hỗ trợ phương tiện, người thu mua ra vào thu hoạch thuận tiện, đồng thời để kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt thời gian thu hoạch và tiêu thụ.

- Quản lý, bố trí các đội, nhóm thu hoạch với quy mô, số lượng phù hợp đảm bảo tiến độ thu hoạch mùa vụ (phù hợp với phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt các tiểu vùng đến giai đoạn thu hoạch không thể chờ thêm thời gian). Trong trường hợp thiếu hụt nhân công, trang thiết bị, vật tư thì có phải có ngay phương án tăng cường hỗ trợ lực lượng cho địa phương;

- Xây dựng kịch bản cụ thể cho việc huy động lực lượng, diện tích thu hoạch gắn với sản lượng kết nối tiêu thụ trên địa bàn; triển khai việc thành lập các tổ liên kết giữa các hộ trồng từng loại nông sản theo khu vực, địa bàn để hỗ trợ trong thu hoạch, vận chuyển (trong trường hợp cần thiết, chủ động đề nghị các lực lượng đoàn viên, thanh niên, quân sự tham gia nhưng đảm bảo về phòng, chống dịch…) kịp thời báo cáo, đề xuất các Sở, ban, ngành cấp tỉnh hỗ trợ nếu gặp khó khăn, vướng mắc khi huy động lực lượng hoặc tham mưu UBND tỉnh cho ý kiến đối với các nội dung vượt thẩm quyền của các Sở, ban, ngành liên quan.

3. Về công tác liên kết, tiêu thụ nông sản, thủy sản:

- Tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên địa bàn được thuận lợi, phù hợp với diễn biến, tình hình dịch Covid-19.

- Trao đổi, thống nhất với các đơn vị thu mua nông sản; tổ chức quảng bá, chương trình kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu; chủ động liên hệ, thường xuyên trao đổi, vận động xúc tiến, mời gọi các chợ đầu mối toàn quốc, các đối tác tiêu thụ lớn như: Hệ thống siêu thị (Co.opmart,  VinMart,  Bách  hóa  Xanh,..),  trung  tâm  thương  mại,  các  doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm đến tỉnh khảo sát, liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ các mặt hàng nông sản.

- Tập trung xúc tiến thương mại cho tiêu thụ, chào bán sản phẩm nông sản (đặc biệt là các sản phẩm đặc thù, đặc sản) trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số (Online) như: Voso, Postmart, Alibaba,…

- Hướng dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch đối với nông dân, thương lái từ địa bàn khác đến chăm sóc, thu hoạch, mua bán nông sản vào địa bàn giãn cách theo chỉ thị 15/CT-TTg, 16/CT-TTg đảm bảo chăm sóc, thu hoạch và mua bán không bị cách ly nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch; Hướng dẫn các địa phương tổ chức quy trình thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tầm soát, giám sát dịch.

- Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định phòng dịch Covid-19 tại các vùng sản xuất các mặt hàng nông sản tập trung, các doanh nghiệp, thương nhân thu mua tiêu thụ và phương tiện vận chuyển nông sản.

- Sở Công Thương chủ động và thường xuyên bám sát, liên hệ trao đổi với các tỉnh, thành phố trong nước để có sự ủng hộ, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động, thường xuyên liên hệ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các đơn vị trực thuộc Bộ để có sự ủng hộ, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hoạch, chế biến và xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh tại các thị trường trong và ngoài nước.

- Đối với các sản phẩm nông sản đề nghị UBND các huyện, thành phố chủ động có kế hoạch, phương án tiêu thụ, liên kết doanh nghiệp, mời gọi thương lái vào địa bàn thu mua, đảm bảo thu hoạch và tiêu thụ cho nông dân trên địa bàn.

4. Về xét nghiệm và hỗ trợ kinh phí hỗ trợ xét nghiệm Covid-19:

- Căn cứ nội dung, đối tượng được ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí xét nghiệm tại Kế hoạch số 4179/KH-UBND ngày 15/8/2021 của UBND tỉnh để xây dựng nội dung công tác xét nghiệm Covid-19 cho các đối tượng là công nhân làm dịch vụ thu hoạch trên địa bàn quản lý của các huyện, thành phố (nếu có), UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở Y tế để xây dựng kế hoạch xét nghiệm cụ thể, báo cáo Ban Chỉ đạo.

- Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế và các địa phương, đơn vị có liên quan tham mưu kinh phí thực hiện các nội dung theo Kế hoạch này trong khả năng cân đối ngân sách bảo đảm theo quy định luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về kinh phí phòng, chống dịch.

- Giao Sở Y tế đầu mối hướng dẫn địa phương thực hiện quy trình test nhanh kháng nguyên, lấy mẫu kiểm tra RT-PCR và xét nghiệm theo hình thức mẫu gộp cho các đối tượng được hỗ trợ. Chỉ đạo tuyến cơ sở thống nhất cách thức thực hiện đối với nông dân, thương lái, doanh nghiệp từ địa bàn khác đến chăm sóc, thu hoạch, mua bán nông sản tại địa bàn giãn cách theo Chỉ thị 16 nhằm giúp không gián đoạn và vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch.

5. Về công tác tuyên truyền: Sở Thông tin và Truyền thông đầu mối:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch truyền thông, có thông điệp rõ ràng, cơ quan truyền thông thực hiện và phối hợp tuyên truyền trong và ngoài tỉnh để người dân cả nước biết, hưởng ứng, tích cực tiêu dùng các mặt hàng nông sản của tỉnh.

- Thường xuyên nắm bắt tình hình thông tin báo chí, dư luận xã hội có liên quan đến hoạt động sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh để kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh có chỉ đạo xử lý kịp thời.

- Chủ động nắm bắt thông tin thị trường, kịp thời xử lý có hiệu quả đối với các thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và hoạt động tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không lợi dụng tình hình dịch bệnh để ép giá trong hoạt động thu mua các mặt hàng nông sản.

(Kèm theo phụ lục chi tiết phân công thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị)

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN: Sử dụng nguồn kinh phí bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố chủ động triển khai thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ được phân công tại phụ lục kèm theo Kế hoạch này; định kỳ hàng tuần hoặc đột xuất theo yêu cầu, báo cáo tình hình nông sản đang trong thời gian thu hoạch, sản lượng dự kiến và tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn, phạm vi quản lý gửi về Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, theo dõi, kịp thời hỗ trợ kết nối tiêu thụ, không để xảy ra tình trạng không được thu hoạch hay không tiêu thụ được.

2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này và chịu trách nhiệm làm đầu mối giúp UBND tỉnh đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

3. Sở Công Thương đầu mối tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh được thuận lợi, phù hợp với diễn biến, tình hình dịch Covid-19 và các nhiệm vụ khác liên quan trong Kế hoạch này.

4. Các Sở: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Tài chính; Cục Quản lý thị trưởng tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ theo nội dung và chức năng nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch này khẩn trương tổ chức thực hiện.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung Kế hoạch này cho phù hợp với tình hình thực tế thì các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động đề xuất, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp và thống nhất hướng giải quyết hoặc báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định đối với các nội dung vượt thẩm quyền./.

 


Nơi nhận:
- Như mục IV;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- BCĐ phòng chống dịch Covid-19;
- Công an tỉnh;
- Báo Ninh Thuận, Đài PT&TH tỉnh;
- VPUB: LĐ, VXNV, TCDNC, KTTH;
- Lưu: VT. HC

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Huyền

 

PHỤ LỤC

PHÂN CÔNG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CỦA CÁC SỞ, NGÀNH, UBND CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ
(Kèm theo Kế hoạch số 4449/KH-UBND ngày 25/8/2021 của UBND tỉnh)

TT

Nội dung

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

I

Về tổ chức sản xuất

1

Rà soát các vùng nguyên liệu sản xuất, thường xuyên cập nhât thông tin về tiểu vùng, diện tích sản lượng nông sản đến kỳ thu hoạch để phối hợp với Sở Công thương theo tiến độ thu hoạch và thực hiện phương án ứng phó trong sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Công thương, UBND các huyện, thành phố

2

Theo dõi diễn biến thời tiết, thủy văn; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; khuyến cáo nông dân, HTX/THT liên kết hợp tác với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Trung tâm khí tượng thủy văn, các đơn vị liên quan

3

Chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và thu hoạch nông sản và tham mưu UBND tỉnh có giải pháp xử lý đối với các nội dung vượt thẩm quyền.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thành phố

4

Xây dựng kế hoạch sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo mùa vụ phù hợp.

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan

5

Triển khai kế hoạch sản xuất, gắn với tiêu thụ nông sản, thủy sản theo mùa vụ phù hợp.

UBND các huyện, TP

Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị liên quan

6

Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu của sản xuất cả về số lượng và chất lượng đảm bảo ổn định, phát triển sản xuất của người dân trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường

Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố

II

Về công tác thu hoạch

1

UBND cấp huyện chủ động thực hiện rà soát, thống kê và thông tin sản lượng nông sản sản xuất trên địa bàn, sản lượng dự kiến thu hoạch theo từng thời điểm, tiêu chuẩn chất lượng, nhu cầu kết nối tiêu thụ, giá cả; các đội, nhóm nhân công thu hoạch, máy gặt đập liên hợp, doanh nghiệp, người thu mua; là đầu mối chịu trách nhiệm phân phối, kết nối, thương thảo tiêu thụ hàng hóa; báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương trước thời gian dự kiến thu hoạch ít nhất 10 ngày để phối hợp, hỗ trợ kết nối tiêu thụ (nếu gặp khó khăn).

UBND các huyện, thành phố

Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương

2

Tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch và xây dựng phương án “04 tại chỗ” cho công tác tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản, bố trí các các tổ, đội ở các tuyến đường, cửa ngõ ra vào vùng nông sản tập trung của địa phương để hỗ trợ phương tiện, người thu mua ra vào thu hoạch thuận tiện, đồng thời để kiểm soát công tác phòng, chống dịch Covid-19, phải an toàn trong suốt thời gian thu hoạch và tiêu thụ.

UBND các huyện, thành phố

Mời các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tham gia

Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh

3

Quản lý, bố trí các đội, nhóm thu hoạch với quy mô, số lượng phù hợp đảm bảo tiến độ thu hoạch mùa vụ (phù hợp với phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt các tiểu vùng đến giai đoạn thu hoạch không thể chờ được). Trong trường hợp thiếu hụt nhân công, trang thiết bị, vật tư thì có phải có ngay phương án tăng cường hỗ trợ lực lượng.

UBND các huyện, thành phố

Sở Y tế, các đơn vị liên quan

4

Xây dựng kịch bản cụ thể việc huy động lực lượng, diện tích thu hoạch gắn với sản lượng kết nối tiêu thụ trên địa bàn; triển khai việc thành lập các tổ liên kết giữa các hộ trồng từng loại nông sản theo khu vực, địa bàn để hỗ trợ trong thu hoạch, vận chuyển (trong trường hợp cần thiết, chủ động đề nghị các lực lượng đoàn viên, thanh niên, …) kịp thời báo cáo, đề xuất các sở, ban, ngành Tỉnh hỗ trợ nếu gặp khó khăn, vướng mắc khi huy động lực lượng hoặc tham mưu UBND tỉnh cho ý kiến đối với các nội dung vượt thẩm quyền của các Sở, ngành.

UBND các huyện, thành phố

Mời các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tham gia. Sở Nông nghiệp và PTNT,Sở Công thương, Sở Giao thông và Vận tải, Công An tỉnh, Đoàn Thanh niên

III

Về công tác liên kết, tiêu thụ nông sản, thủy sản

1

Đầu mối tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh được thuận lợi, phù hợp với diễn biến, tình hình dịch COVID-19.

Sở Công thương

Mời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội tham gia; Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố

2

Trao đổi, làm việc với các đơn vị thu mua nông sản; tổ chức quảng bá, chương trình kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu; chủ động liên hệ, thường xuyên trao đổi, vận động xúc tiến, mời gọi các chợ đầu mối toàn quốc, các đối tác tiêu thụ lớn như: hệ thống siêu thị (Co.opmart, VinMart, Bách hóa Xanh,...), trung tâm thương mại, các doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm đến tỉnh khảo sát, liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ các mặt hàng nông sản.

Sở Công thương

UBND các huyện, thành phố

3

Tập trung cao cho hình thức tiêu thụ, chào bán sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số (Online) như: Voso, Postmart,..

Sở Công thương

Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố

4

Hướng dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch đối với nông dân, thương lái từ địa bàn khác đến chăm sóc, thu hoạch, mua bán nông sản vào địa bàn giãn cách theo chỉ thị 15/CT-TTg, 16/CT-TTg đảm bảo chăm sóc, thu hoạch và mua bán không bị cách ly nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch; Hướng dẫn các địa phương tổ chức quy trình thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tầm soát, giám sát dịch.”

Sở Y tế

Sở Nông nghiệp và PTNT UBND các huyện, thành phố

5

Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định phòng dịch COVID-19 tại các vùng sản xuất các mặt hàng nông sản tập trung, các doanh nghiệp, thương nhân thu mua tiêu thụ và phương tiện bảo quản, vận chuyển nông sản.

Sở Y tế

Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố

6

Chủ động và thường xuyên bám sát, liên hệ trao đổi với Sở, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trong nước để có sự ủng hộ, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi công tác xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh.

Sở Công thương

Sở Nông nghiệp và PTNT; UBND các huyện, thành phố

7

Chủ động và thường xuyên liên hệ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị trực thuộc Bộ để có sự ủng hộ, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hoạch, chế biến và xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh tại các thị trường trong và ngoài nước.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Công thương, UBND các huyện, thành phố

8

Đối với các sản phẩm nông sản đề nghị UBND các huyện, thành phố phối hợp các Sở, ngành chủ động có kế hoạch, phương án tiêu thụ, liên kết doanh nghiệp, mời gọi thương lái vào địa bàn thu mua, đảm bảo thu hoạch và tiêu thụ cho nông dân trên địa bàn.

UBND các huyện, thành phố

Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương

IV

Về hỗ trợ xét nghiệm và kinh phí hỗ trợ xét nghiệm Covid-19

1

Căn cứ nội dung, đối tượng được ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí xét nghiệm tại Kế hoạch số 4179/KH-UBND ngày 15/8/2021 của UBND tỉnh, để xây dựng nội dung công tác xét nghiệm Covid-19 cho các đối tượng là công nhân làm dịch vụ thu hoạch trên địa bàn quản lý của các huyện, thành phố (nếu có); UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở Y tế để xây dựng kế hoạch xét nghiệm cụ thể, báo cáo Ban Chỉ đạo.

UBND các huyện, thành phố

Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Tài chính (hướng dẫn)

2

Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế và các địa phương, đơn vị có liên quan tham mưu kinh phí thực hiện các nội dung theo Kế hoạch này trong khả năng cân đối ngân sách bảo đảm theo quy định luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về kinh phí phòng chống dịch.

Sở Tài chính

Sở Y tế và các địa phương, đơn vị có liên quan

3

Đầu mối hướng dẫn địa phương tổ chức quy trình thực hiện test nhanh kháng nguyên, lấy mẫu kiểm tra RT-PCR và xét nghiệm theo hình thức mẫu gộp cho các đối tượng được hỗ trợ. Có chỉ đạo tuyến cơ sở thống nhất cách thức thực hiện để nông dân, thương lái từ địa bàn khác đến chăm sóc, thu hoạch, mua bán nông sản vào địa bàn giãn cách theo chỉ thị 15, 16 đảm bảo chăm sóc, thu hoạch và mua bán không bị cách ly nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Sở Y tế

Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố

V

Về công tác tuyên truyền

 

 

1

Xây dựng phương án truyền thông, có thông điệp rõ ràng, thực hiện và phối hợp tuyên truyền trên phương tiện truyền thông trong và ngoài tỉnh để người dân cả nước biết, hưởng ứng, tích cực tiêu dùng các mặt hàng nông sản của tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông

Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố; cơ quan báo, đài.

2

Thường xuyên nắm bắt tình hình thông tin báo chí, dư luận xã hội có liên quan đến hoạt động sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh để kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh có chỉ đạo xử lý kịp thời.

Sở Thông tin và Truyền thông

Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố; cơ quan báo, đài.

3

Chủ động nắm bắt thông tin dư luận, thông tin xã hội và thông tin thị trường, kịp thời xử lý có hiệu quả đối với các thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và hoạt động tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không lợi dụng tình hình dịch bệnh để ép giá trong hoạt động thu mua các mặt hàng nông sản tại các địa phương.

UBND các huyện, thành phố

Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh; cơ quan báo, đài.