Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4495 /KH-UBND

Bình Thuận, ngày 08 tháng 11 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1335/QĐ-BTP NGÀY 25/8/2017 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “THÀNH LẬP VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI CỦA TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2017 - 2018”

Ngày 25/8/2017, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1335/QĐ-BTP phê duyệt Đề án “Thành lập Văn phòng Thừa phát lại của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2017 - 2018”. Theo đó, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt trên địa bàn thành phố Phan Thiết được thành lập 01 Văn phòng Thừa phát lại và trên địa bàn thị xã La Gi được thành lập 01 Văn phòng Thừa phát lại.

Để kịp thời tổ chức triển khai những quy định của pháp luật về thực hiện chế định Thừa phát lại, Quyết định số 1335/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp tại tỉnh Bình Thuận, từ đó có những đánh giá đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc tổng kết, báo cáo Quốc hội quyết định những chủ trương tiếp theo, góp phần thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp, cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước đã đề ra; UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1335/QĐ- BTP ngày 25/8/2017 của Bộ Tư pháp với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại nhằm triển khai chủ trương xã hội hóa trong hoạt động bổ trợ tư pháp, tăng cường năng lực, hiệu quả trong hoạt động thi hành án dân sự cũng như trong công tác quản lý nhà nước và sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước đối với hoạt động thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

- Đảm bảo tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt và giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng và thực hiện chế định Thừa phát lại nhằm giảm áp lực công việc, giảm chi tiêu ngân sách và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp mà trực tiếp là Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh Bình Thuận.

- Việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi phải công khai, minh bạch, kịp thời và đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại; Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 14/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại; Quyết định số 1335/QĐ-BTP ngày 25/8/2017 của Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án “Thành lập Văn phòng Thừa phát lại của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2017 - 2018”; Quyết định số 1090/QĐ-UBND ngày 19/4/2016 của UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Trên thực tế trong những năm qua, số vụ việc thi hành án dân sự và số vụ việc Tòa án thụ lý giải quyết trên địa bàn thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi, chiếm tỷ lệ cao so với tổng số vụ việc trong và ngoài tỉnh, cụ thể:

- Thành phố Phan Thiết: là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội của tỉnh, kết nối với 02 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Về kết quả thi hành án dân sự, trong 9 tháng năm 2016 (01/10/2015-30/6/2016) Cục THADS tỉnh thụ lý 433 vụ việc, thi hành xong 92 vụ việc với 12 chấp hành viên; Chi cục THADS thành phố Phan Thiết thụ lý 2.605 vụ việc, thi hành xong 994 vụ việc với 10 chấp hành viên. Về công tác thụ lý giải quyết các loại án của Tòa án, từ 01/10/2014-30-9/2015 đã thụ lý 1.308 vụ việc.

- Thị xã La Gi: tiếp giáp với huyện Hàm Tân. Về kết quả thi hành án dân sự, trong 9 tháng năm 2016 (01/10/2015-30/6/2016) thụ lý 1.866 vụ việc, thi hành xong 1.521 vụ việc với 04 chấp hành viên. Về công tác thụ lý giải quyết các loại án của Tòa án, từ 01/10/2014-30/9/2015 đã thụ lý 668 vụ việc.

2. Triển khai việc Bổ nhiệm Thừa phát lại và thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi theo Quyết định số 1335/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp:

2.1. Bổ nhiệm Thừa phát lại:

- Cá nhân có đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại theo quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định s61/2009/NĐ-CP , nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp để đề nghị Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thừa phát lại.

- Tiêu chuẩn và việc bổ nhiệm Thừa phát lại: Là công dân Việt Nam, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt; Có trình độ Cử nhân Luật; Đã công tác trong ngành pháp luật trên 05 năm hoặc đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên, trọng tài viên, điều tra viên từ trung cấp trở lên; Đã qua lớp tập huấn về nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức; Không kiêm nhiệm hành nghề luật sư, công chứng và các công việc khác theo quy định của pháp luật; Không có tiền án, tiền sự.

- Thời gian thực hiện: sau khi Kế hoạch này được ban hành.

2.2. Quy trình thành lập Văn phòng Thừa phát lại:

- Thừa phát lại có nguyện vọng thành lập Văn phòng Thừa phát lại nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng tại Sở Tư pháp, Sở Tư pháp xét duyệt hồ sơ và chọn các hồ sơ đáp ứng yêu cầu, trình UBND tỉnh xem xét, cho phép thành lập Văn phòng thừa phát lại. Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại.

Việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải đúng theo quy định của pháp luật và tuân theo quy hoạch đã được phê duyệt. Thừa phát lại, đặc biệt là Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ, sức khỏe, kinh nghiệm công tác ở lĩnh vực pháp luật.

- Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Tên gọi của Văn phòng Thừa phát lại do Thừa phát lại lựa chọn nhưng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng Thừa phát lại”, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của văn phòng khác, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

- Điều kiện thành lập Văn phòng Thừa phát lại bao gồm: Có nhân viên giúp việc, trong đó bắt buộc phải có kế toán; Có địa điểm để làm văn phòng với diện tích bảo đảm và thuận tiện cho khách hàng, có các điều kiện vật chất cần thiết khác để hoạt động; Phải mở tài khoản và đăng ký thuế; Phải có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

- Thời gian thực hiện: Sau khi ban hành Kế hoạch này (giai đoạn 2017 - 2018).

2.3. Xây dựng cơ chế và mối quan hệ phối hợp trong công tác quản lý nhà nước giữa Sở Tư pháp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Quý I năm 2018

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH ĐƠN VỊ VÀ ĐỀ NGHỊ PHỐI HỢP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh:

a) Phối hợp, hỗ trợ và chỉ đạo Tòa án nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động Thừa phát lại.

b) Bên cạnh việc giao Cơ quan Thi hành án dân sự thi hành Bản án, Quyết định, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh bổ sung quy định trong Bản án, Quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân các huyện, thị xã, thành phố giao Văn phòng Thừa phát lại thi hành Bản án, Quyết định, tạo điều kiện để đương sự lựa chọn giữa Cơ quan Thi hành án dân sự và Văn phòng Thừa phát lại.

c) Chuyển giao, chỉ đạo Tòa án nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chuyển giao các văn bản cần tống đạt cho Thừa phát lại; Hướng dẫn nghiệp vụ tống đạt cho Thừa phát lại và Thư ký Thừa phát lại.

d) Thông tin cho Sở Tư pháp về số lượng và chất lượng của vi bằng được sử dụng làm chứng cứ trong xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

2. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh:

a) Kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại.

b) Chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động Thừa phát lại.

c) Thông tin cho Sở Tư pháp việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tống đạt các văn bản của Tòa án, các văn bản về thi hành án và trong hoạt động thi hành án của Thừa phát lại.

3. Đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh: Tham gia giám sát việc triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn toàn tỉnh.

4. Sở Tư pháp:

a) Tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai thực hiện việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi.

b) Chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan khác triển khai thực hiện có hiệu quả việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại (trong đó có việc xây dựng Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với các Văn phòng Thừa phát lại).

c) Giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về Thừa phát lại theo quy định của pháp luật hiện hành.

d) Thực hiện các nội dung quy định chức năng, nhiệm vụ của Sở Tư pháp.

5. Cục Thi hành án dân sự tỉnh:

a) Chuyển giao, chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết chuyển giao các văn bản cần tống đạt cho Thừa phát lại thực hiện.

b) Chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết, các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động Thừa phát lại, đặc biệt là hỗ trợ về kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án dân sự.

c) Thông tin cho Sở Tư pháp việc thực hiện các công việc về thi hành án dân sự của Thừa phát lại.

6. Công an tỉnh:

a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về đăng ký xe cơ giới phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên và phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.

b) Chỉ đạo Công an các xã, phường, thị trấn phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại trong việc tống đạt văn bản của Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự, xác minh điều kiện thi hành án theo quy định của pháp luật về tố tụng, pháp luật về thi hành án dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.

c) Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố và Công an các xã, phường, thị trấn phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại tổ chức bảo vệ cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và các quy định pháp luật có liên quan trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ.

d) Chỉ đạo các Trại giam, Trại tạm giam phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh; Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Phát triển quỹ đất: cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (bao gồm cả thông tin về giao dịch bảo đảm) phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên và phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về đăng ký kinh doanh, đầu tư phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.

9. Sở Giao thông vận tải:

Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về đăng ký phương tiện thủy nội địa, xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên và phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.

10. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Thuận:

a) Phổ biến về trách nhiệm, hướng dẫn các tổ chức tín dụng phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.

b) Phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt chế định Thừa phát lại trong hệ thống các tổ chức tín dụng.

11. Kho bạc Nhà nước tỉnh:

Thực hiện và chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các huyện, thị xã, thành phố phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.

12. Cục Thuế tỉnh:

Cung cấp và chỉ đạo các Chi cục Thuế các huyện, thị xã, thành phố cung cấp thông tin về thuế phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.

13. Bảo hiểm xã hội tỉnh:

Thực hiện và chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.

14. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

a) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

b) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự và các quy định pháp luật có liên quan; thực hiện việc tống đạt văn bản của Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng, theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.

c) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tư pháp và các cơ quan chuyên môn cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (bao gồm cả thông tin về giao dịch bảo đảm) phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên và phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.

15. Ngoài các quy định cụ thể trên, các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai công tác tuyên truyền về chế định Thừa phát lại và Kế hoạch này; đồng thời phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động của Thừa phát lại trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.

Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch; báo cáo Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, UBND tỉnh theo quy định.

Yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch. Quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh, vướng mắc đề nghị phản ánh về Sở Tư pháp tổng tổng hợp, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- TT.Tỉnh ủy;
- TT.HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- TAND tỉnh, Viện KSND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Cục Thi hành án dân sự tỉnh;
- Kho bạc Nhà nước tỉnh;
- Bảo hiểm xã hội tỉnh;
- Cục Thuế tỉnh;
- Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Bình Thuận;
- Các Sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, NC. N

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lương Văn Hải