- 1 Quyết định 1920/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 3 Quyết định 741/QĐ-BYT năm 2016 Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 4 Thông tư 40/2017/TT-BTC quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 5 Quyết định 1125/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 7 Quyết định 2699/QĐ-BYT năm 2020 về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Sốt rét do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4500/KH-UBND | Kon Tum, ngày 20 tháng 12 năm 2021 |
PHÒNG CHỐNG VÀ LOẠI TRỪ BỆNH SỐT RÉT GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Căn cứ các Văn bản chỉ đạo của Trung ương[1], hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế[2] và trên cơ sở kết quả thực hiện công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2016 - 2020[3]; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, như sau:
1. Mục tiêu chung: Đẩy mạnh các hoạt động phòng chống, tập trung ưu tiên vào vùng sốt rét lưu hành và có nhiều đối tượng nguy cơ cao, nhanh chóng đẩy lùi bệnh sốt rét để đến năm 2025 công nhận loại trừ bệnh sốt rét quy mô cấp tỉnh và củng cố các yếu tố bền vững nhằm ngăn chặn bệnh sốt rét quay trở lại.
2. Mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025
2.1. Đảm bảo toàn bộ người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét kịp thời đối với cả cơ sở y tế công lập và tư nhân
- 100% người nghi ngờ sốt rét đến khám bệnh được xét nghiệm chẩn đoán sốt rét trong vòng 2 giờ.
- 100% người nhiễm ký sinh trùng sốt rét được điều trị đúng theo phác đồ của Bộ Y tế.
2.2. Đảm bảo người dân trong vùng nguy cơ được bảo vệ bằng các biện pháp phòng chống véc tơ thích hợp
- Hàng năm, có trên 98% hộ gia đình ở vùng sốt rét lưu hành có đủ màn phòng chống muỗi (trung bình 1,8 người/màn đôi).
- Có trên 95% hộ gia đình trong vùng ổ bệnh đang hoạt động được phun hóa chất tồn lưu diệt muỗi.
- Hàng năm có trên 90% người có nguy cơ cao mắc sốt rét (đi rừng, ngủ rẫy) sử dụng biện pháp phòng chống sốt rét (nằm màn, võng màn tẩm hóa chất và các biện pháp bảo vệ cá nhân khác).
2.3. Nâng cao chất lượng hệ thống giám sát dịch tễ bệnh sốt rét và đảm bảo năng lực đáp ứng dịch sốt rét
- 100% trường hợp bệnh sốt rét được báo cáo đầy đủ đúng hạn theo hướng dẫn quốc gia.
- 100% trường hợp bệnh được điều tra và báo cáo đúng hạn theo hướng dẫn quốc gia.
- 100% ổ bệnh sốt rét được xử lý kịp thời trong vòng 7 ngày kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên.
2.4. Nâng cao kiến thức và hành vi của người dân để tự chủ động bảo vệ cá nhân trước bệnh sốt rét
- Đạt trên 90% người sống trong vùng sốt rét lưu hành có ngủ màn đêm hôm trước ngày điều tra hàng năm.
- Duy trì trên 95% dân số vùng sốt rét lưu hành biết ít nhất 4 thông điệp chủ yếu về sốt rét, phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét (bệnh sốt rét do muỗi truyền, nằm màn và phun hóa chất để phòng chống sốt rét, khi bị sốt phải đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh, uống thuốc đủ liều theo hướng dẫn của cán bộ y tế).
2.5. Quản lý, điều phối hiệu quả Chương trình phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét và thực hiện loại trừ sốt rét quy mô cấp tỉnh
- Không còn ca bệnh sốt rét nội địa do P.falciparum tại địa phương vào năm 2025.
- 100% huyện được công nhận loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2025 (lộ trình chi tiết: Phụ lục I kèm theo).
3. Chỉ tiêu cụ thể hàng năm
TT | Chỉ số | ĐVT | 2021 | 2022 | 2023 | 2024 | 2025 |
1 | Tỷ lệ tử vong do sốt rét trên 100.000 dân | /100.000 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
2 | Số bệnh nhân mắc sốt rét mới phát hiện hàng năm trên 100.000 dân | Người | <17 | 8 | 0 | 0 | 0 |
3 | Tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét/1.000 dân | /1.000 | 0,017 | 0,008 | 0 | 0 | 0 |
- Tiếp tục triển khai kế hoạch hoạt động “Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình loại trừ bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến 2030 và Kế hoạch phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Y tế.
- Củng cố hệ thống chỉ đạo, tổ chức triển khai phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét hiện có từ tỉnh đến huyện, xã, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở (thôn, xã). Gắn kết công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét với chức năng chỉ đạo, quản lý, điều hành của từng cấp chính quyền.
- Cập nhật mới và triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phòng chống và loại trừ sốt rét trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát và đánh giá chương trình phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét.
- Các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai tổ chức có hiệu quả các hoạt động phòng, chống sốt rét và loại trừ sốt rét, đặc biệt ở các huyện trọng điểm, huyện có sốt rét lưu hành vừa và nặng. Ưu tiên, tăng cường đầu tư về công tác phòng chống sốt rét tại các huyện biên giới, huyện có tỷ lệ mắc sốt rét cao như Ia H’Drai, Sa Thầy, Ngọc Hồi.
- Huy động Bệnh viện Quân Y 24 - Sư đoàn 10 và các cơ sở y tế tư nhân (Bệnh viện Đa khoa Vạn Gia An, Phòng khám Đa khoa Hà Nội, Phòng khám Đa khoa Hạnh Tâm) tham gia vào công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét, tăng cường hoạt động kiểm soát việc bán thuốc sốt rét tại các địa phương và cơ sở y tế tư nhân để hạn chế việc bán thuốc không đảm bảo chất lượng.
2. Truyền thông, giáo dục sức khỏe
- Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong giai đoạn phòng, chống và loại trừ sốt rét tới cộng đồng bằng nhiều hình thức đa dạng, để mọi người dân chủ động phòng chống bệnh sốt rét, đặc biệt truyền thông giáo dục sức khỏe trực tiếp cho đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sốt rét tại vùng sốt rét lưu hành.
- Xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng, chống và loại trừ sốt rét đến các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng hiểu rõ hơn về chiến lược loại trừ sốt rét, tham gia chỉ đạo và triển khai các biện pháp phòng, chống và loại trừ sốt rét.
- Tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống sốt rét (25/4) nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và phát động toàn dân tích cực tham gia hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét. Đưa công tác truyền thông phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét vào trường học.
- Cung cấp tài liệu truyền thông phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét.
3.1. Phòng chống muỗi truyền bệnh
- Sử dụng các hóa chất diệt muỗi truyền bệnh có hiệu lực cao (phun tồn lưu, tẩm màn và sử dụng màn tẩm hóa chất tồn lưu dài). Áp dụng biện pháp đặc biệt để diệt muỗi tại các vùng sốt rét nặng có tỷ lệ mắc giảm chậm và không ổn định.
- Cung cấp màn, võng tẩm hóa chất diệt muỗi tồn lưu dài, kem xua muỗi cho dân vùng sốt rét lưu hành.
- Lồng ghép biện pháp phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét với phòng chống muỗi truyền các bệnh khác như sốt xuất huyết.
- Triển khai biện pháp phòng chống muỗi truyền bệnh chính là phun tồn lưu hóa chất ở các ổ bệnh khi được phát hiện để đảm bảo cắt đứt lan truyền sốt rét tại chỗ.
3.2. Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, chẩn đoán và điều trị
- Nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị sốt rét tại bệnh viện và các cơ sở y tế. Phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, đúng phác đồ quy định, không để xảy ra ca bệnh tử vong do bệnh sốt rét.
- Duy trì hoạt động có hiệu quả các điểm kính hiển vi nhằm phát hiện bệnh sớm để điều trị sớm, đúng hướng dẫn theo chủng loại ký sinh trùng tại cơ sở. Phát hiện bệnh bằng test chẩn đoán nhanh (RDT) tại các cơ sở y tế, đặc biệt tại các xã trọng điểm sốt rét, các thôn/bản vùng sâu, vùng xa để có thể chủ động khống chế bệnh sốt rét.
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc sốt rét theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, không để thiếu thuốc ở các cơ sở điều trị. Cấp thuốc tự điều trị (ACT) cho những người đi vào vùng có sốt rét lưu hành ở xa cơ sở y tế (ngoài tầm tiếp cận).
- Áp dụng các thuốc điều trị sốt rét mới; sàng lọc thiếu G6PD trước khi điều trị bệnh nhân nhiễm P.vivax.
- Quản lý và giám sát chặt chẽ bệnh nhân sốt rét, điều tra chủ động khi có trường hợp bệnh ngoại lai xuất hiện. Phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời cho tất cả các bệnh nhân nghi ngờ mắc sốt rét. Tăng cường giám sát và quản lý trường hợp bệnh tại bệnh viện, cộng đồng, giám sát hiệu quả điều trị bao gồm cả điều trị chống tái phát, không để có trường hợp sốt rét mới lan truyền tại địa phương.
4. Kiểm tra, giám sát, đánh giá chương trình
- Nâng cao năng lực hệ thống theo dõi giám sát, đánh giá từ tỉnh đến cơ sở. Cập nhật, triển khai quy trình và hướng dẫn theo dõi giám sát, đánh giá chương trình cho từng tuyến, tiếp tục tập huấn cho cán bộ làm công tác theo dõi giám sát, đánh giá chương trình ở tất cả các tuyến.
- Duy trì, cập nhật và nâng cấp hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm - quản lý sốt rét quốc gia (eCDS-MMS) để thực hiện báo cáo từ tuyến xã đến trung ương, đảm bảo báo cáo ca bệnh trong vòng 48 giờ. Cập nhật bản đồ ca bệnh hàng năm dựa trên số liệu sẵn có trên hệ thống eCDS-MMS và phân vùng dịch tễ 5 năm.
- Hàng năm và kết thúc giai đoạn 5 năm, tổ chức tổng kết đánh giá hiệu quả chương trình, rút ra bài học kinh nghiệm kết hợp công tác thi đua khen thưởng và xây dựng mục tiêu, kế hoạch hoạt động cho những năm tiếp theo.
5. Nghiên cứu khoa học: Ứng dụng các thành tựu và kết quả nghiên cứu khoa học của các Viện đầu ngành đồng thời chủ động tiến hành các nghiên cứu đưa ra các giải pháp phòng, chống sốt rét thích hợp cho các đối tượng mắc sốt rét chủ yếu tại địa phương nhằm đạt mục tiêu loại trừ sốt rét tại tỉnh vào năm 2025.
6. Giải pháp về nguồn lực và đầu tư
- Tăng cường đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực làm công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét, chú trọng vào đội ngũ cán bộ chuyên trách tuyến cơ sở (xã, thôn).
- Củng cố và phát triển mạng lưới phòng chống sốt rét trên địa bàn toàn tỉnh, duy trì hoạt động ổn định theo 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), phân công, gắn trách nhiệm của các cán bộ đầu mối để tiếp nhận và triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống sốt rét tại địa phương. Khuyến khích sự tham gia của đội ngũ cộng tác viên trong cộng đồng để hỗ trợ công tác phát hiện, tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng chống và loại trừ sốt rét.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đảm bảo đầu tư thích hợp về kinh phí, nhân lực, vật lực và tăng cường về tổ chức bộ máy cho công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2021 - 2025.
- Tiếp tục đầu tư kinh phí cho công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước, phù hợp với khả năng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn.
- Sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ quốc tế cho công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét thông qua việc xây dựng các chương trình hành động, dự án phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét theo từng giai đoạn, các chương trình hợp tác nghiên cứu, đào tạo với Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, khu vực.
- Mở rộng hợp tác quốc tế về phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét giữa tỉnh Kon Tum với tỉnh Attapeu, SeKong - Lào, Ratanakiri - Campuchia; tăng cường tìm kiếm hợp tác quốc tế để trao đổi, học tập kinh nghiệm cũng như hỗ trợ kinh phí cho công tác này.
7. Các giải pháp về xã hội hóa
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo, tổ chức phối hợp liên ngành và các tổ chức đoàn thể, cộng đồng tại địa phương tích cực hợp tác với ngành Y tế triển khai biện pháp phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét.
- Huy động, lôi kéo sự tham gia mạnh mẽ của các sở, ban ngành, đoàn thể, cộng đồng, y tế tư nhân và nhân dân vào hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét đặc biệt tại các vùng trọng điểm về bệnh sốt rét: ngủ màn thường xuyên, đến cơ sở y tế khám bệnh khi bị sốt, vệ sinh môi trường…
- Vận động và áp dụng các biện pháp khuyến khích phù hợp, tạo điều kiện để y tế tư nhân tham gia phát hiện và điều trị bệnh sốt rét tại cộng đồng (cấp test chẩn đoán nhanh, cấp thuốc sốt rét cho y tế tư nhân để xét nghiệm và điều trị miễn phí cho bệnh nhân sốt rét, đồng thời truyền thông cho cộng đồng về việc này và yêu cầu y tế tư nhân báo cáo hàng tháng về sốt rét…).
- Thông tin, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sốt rét cho người lao động.
1. Nguồn kinh phí Trung ương.
2. Nguồn ngân sách địa phương.
3. Các nguồn dự án ODA (RAI3E).
4. Các nguồn hợp pháp khác (nếu có).
(Dự toán kinh phí theo Phụ lục II kèm theo)
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tổng hợp báo cáo việc triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch này cho Bộ Y tế, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp huy động nguồn lực và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo kinh phí hàng năm cho hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét; quản lý, sử dụng và lồng ghép các nguồn kinh phí đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và tuân thủ đúng các quy định hiện hành.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai các nội dung Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét hàng năm, giai đoạn; đề xuất khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
2. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Y tê, các sở, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo và hướng dẫn công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở về phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét, đặc biệt là vùng sốt rét lưu hành, nhom đối tượng có nguy cơ mắc sốt rét.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho giáo viên, học sinh về phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và các ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống và loại trừ sốt rét.
- Phối hợp với Sở Tài chính bố trí nguồn lực đầu tư cho ngành Y tế và các đơn vị liên quan thực hiện Kế hoạch.
5. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Y tế cân đối, bố trí kinh phí sự nghiệp y tế hàng năm để thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh, phù hợp khả năng ngân sách và đúng quy định hiện hành
6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch trong lực lượng vũ trang theo đặc thù của ngành; phối hợp quân dân y trong hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét tại nơi đóng quân.
7. Các sở, ngành, cơ quan khác liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Y tế triển khai thực hiện Kế hoạch này; lồng ghép việc triển khai thông qua các hoạt động thường xuyên của các sở, ngành.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn quản lý.
- Chỉ đạo, xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2021 - 2025 tại địa phương.
- Chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nội dung của Kế hoạch trên địa bàn quản lý; xây dựng các mục tiêu phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bố trí ngân sách đầu tư cho chương trình phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét.
- Các huyện, thành phố thuộc vùng có bệnh sốt rét lưu hành nhẹ, vừa và nặng tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp can thiệp mạnh duy trì không để xảy ra trường hợp tử vong do sốt rét, giảm mắc và không để dịch bệnh sốt rét xảy ra.
9. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị: Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp, tham gia tổ chức triển khai, lồng ghép nguồn lực nhằm tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của Nhân dân về phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ nội dung, nhiệm vụ theo Kế hoạch, các đơn vị, địa phương triển khai đạt hiệu quả công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Giao Sở Y tế hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện. Định kỳ 06 tháng, hàng năm tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện; báo cáo Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
1. Tổ chức, mạng lưới: Mạng lưới phòng, chống sốt rét được duy trì hoạt động theo 3 cấp (tỉnh, huyện và xã), mỗi cấp đều phân công cán bộ đầu mối để tiếp nhận và triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống sốt rét tại địa phương. 100% xã, phường, thị trấn triển khai công tác phòng chống sốt rét. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum là đơn vị chuyên môn tuyến tỉnh, làm đầu mối tiếp nhận và triển khai các hoạt động phòng chống bệnh sốt rét.
2. Công tác dự phòng, giám sát, hỗ trợ chuyên môn
- Hàng năm, tổ chức chiến dịch phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét bằng các biện pháp: phun hóa chất, tẩm màn vào các thời điểm trước đỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, cấp 189.666 chiếc màn đôi và đơn cho người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành; 20.650 chiếc võng màn tẩm hóa chất cho người dân đi rừng, ngủ rẫy ở các vùng trọng điểm sốt rét. Mỗi năm, có từ 200.000 - 300.000 người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng hóa chất diệt muỗi và hàng nghìn bệnh nhân được cấp thuốc điều trị sốt rét miễn phí.
- 100% ca bệnh sốt rét được điều tra, xác định ca mắc sốt rét bằng xét nghiệm chẩn đoán lam máu nhuộm giemsa; xét nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện kháng nguyên và xử lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
- Tổ chức 2.271 đợt khám phát hiện chủ động cho 10.880 lượt người tại cộng đồng kết hợp điều tra côn trùng tại các xã trọng điểm sốt rét. Thường xuyên chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ sốt rét trên địa bàn tỉnh; giám sát việc chẩn đoán phát hiện sớm các trường hợp mắc sốt rét và điều trị bằng thuốc sốt rét phối hợp theo phác đồ của Bộ Y tế.
3. Công tác đào tạo, tập huấn: Giai đoạn 2016 - 2020, cử 105 lượt cán bộ tuyến tỉnh và huyện tham dự tập huấn về công tác phòng chống bệnh sốt rét do Trung ương tổ chức; tại tỉnh Kon Tum tổ chức được 43 lớp tập huấn cho 828 lượt cán bộ chuyên trách 102/102 xã, phường, thị trấn về kỹ thuật chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét và hướng dẫn thực hiện quy trình, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu đạt các tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét quy mô tuyến huyện.
4. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe: Truyền thông về phòng, chống bệnh sốt rét được ưu tiên triển khai thực hiện hàng năm với nhiều hình thức phong phú. Thường xuyên đưa tin phản ánh về hoạt động phòng chống sốt rét trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; đăng tin, bài tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử của ngành Y tế, báo Kon Tum..., lồng ghép tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp tại các xã, thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân sống thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy về bệnh sốt rét và các biện pháp phòng chống sốt rét để người dân chủ động tiếp cận sử dụng dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh sốt rét.
5. Kết quả thực hiện các chỉ số phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét
5.1. Kết quả thực hiện một số mục tiêu, chỉ tiêu
TT | Chỉ số | ĐVT | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 |
1 | Tỷ lệ tử vong sốt rét/100.000 dân | /100.000 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
2 | Số bệnh nhân sốt rét ác tính | Người | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
3 | Số bệnh nhân sốt rét | Người | 278 | 236 | 247 | 89 | 27 |
4 | Tỷ lệ mắc sốt rét/1.000 dân | /1.000 | 0,5 | 0,5 | 0,5 | 0,2 | 0,05 |
5 | Số người có ký sinh trùng sốt rét | Người | 69 | 106 | 134 | 52 | 19 |
6 | Số ký sinh trùng nội địa | Ký sinh trùng | 69 | 106 | 128 | 52 | 19 |
7 | Ký sinh trùng P.falciparum | Ký sinh trùng | 21 | 58 | 67 | 16 | 5 |
8 | Tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét/1.000 dân | /1.000 | 0,2 | 0,3 | 0,31 | 0,12 | 0,03 |
9 | Số vụ dịch sốt rét | Vụ dịch | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
5.2. Kết quả thực hiện chỉ tiêu phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét đến năm 2020
TT | Chỉ tiêu | Mục tiêu đến năm 2020 | Kết quả thực hiện | Đánh giá |
1 | Giảm tỷ lệ mắc sốt rét/1.000 dân số chung | < 0,5 | 0,05 | Đạt |
2 | Khống chế tử vong sốt rét/100.000 dân số chung | 0 | 0 | Đạt |
5.3. Kết quả phân vùng dịch tễ bệnh sốt rét tỉnh Kon Tum năm 2019
TT | Tên vùng | Số xã | Dân số | Tỷ lệ % |
1 | Vùng nguy cơ sốt rét quay trở lại | 34 | 241.177 | 46,2 |
2 | Vùng sốt rét lưu hành nhẹ | 60 | 253.744 | 48,6 |
3 | Vùng sốt rét lưu hành vừa | 7 | 25.253 | 4,8 |
4 | Vùng sốt rét lưu hành nặng | 1 | 1.697 | 0,4 |
| Tổng cộng | 102 | 521.871 | 100 |
5.4. Kết quả hoạt động loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2016 - 2020
- Trong giai đoạn 2016-2020, hoạt động phòng, chống và loại trừ bệnh Sốt rét của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu giảm chết, giảm mắc và khống chế không để dịch Sốt rét xảy ra trên địa bàn. Tỷ lệ bệnh nhân mắc Sốt rét và KSTSR giảm ổn định (năm 2016, tỷ lệ mắc sốt rét 0,5/1.000 dân số chung; năm 2020, tỷ lệ mắc sốt rét 0,05/1.000 dân số chung); Số trường hợp mắc Sốt rét năm 2020 (27 ca) giảm 90,28% so với năm 2016 (278 ca). Đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2016-2020 không ghi nhận trường hợp tử vong do Sốt rét trên địa bàn tỉnh.
- Công tác phòng, chống và loại trừ Sốt rét giai đoạn 2016-2020 đã được triển khai tích cực, đảm bảo đạt được các chỉ tiêu chuyên môn hàng năm. Trong đó tỷ lệ mắc Sốt rét/1.000 dân liên tục giảm, tỷ lệ chết do Sốt rét/100.000 dân duy trì ở mức 0, đạt so với mục tiêu chung của giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020.
- Xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động phòng, chống Sốt rét ở các tuyến theo từng năm. Thường xuyên chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ Sốt rét trên địa bàn tỉnh, giám sát việc chẩn đoán phát hiện sớm các trường hợp mắc Sốt rét và điều trị bằng thuốc Sốt rét phối hợp theo phác đồ của Bộ Y tế.
- 100% ca bệnh Sốt rét được điều tra, xác minh; Chủ động thực hiện các đợt khám phát hiện ca bệnh tại cộng đồng, kết hợp với điều tra côn trùng tại các vùng nguy cơ cao.
- Tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe phòng, chống Sốt rét trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tuyên truyền hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống Sốt rét 25/4 tại các huyện trong tỉnh. Năm 2017, tổ chức quy mô cấp Quốc gia tại huyện Ngọc Hồi nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và phát động toàn dân tích cực tham gia phòng, chống bệnh Sốt rét.
- Tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các Dự án đầu tư cho công tác phòng, chống Sốt rét tại địa phương.
- Trong năm 2020, toàn tỉnh có 06/10 huyện trong vùng dịch tễ sốt rét lưu hành trong giai đoạn loại trừ bệnh sốt rét (gồm: Thành phố Kon Tum, Đăk Hà, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy, Kon Plông).
6. Công tác cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị
- Cung ứng đầy đủ và hoàn toàn miễn phí thuốc điều trị bệnh sốt rét được Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cấp. Nguồn thuốc đảm bảo để sử dụng điều trị các trường hợp nghi ngờ mắc sốt rét tại tuyến cơ sở và cấp thuốc tự điều trị, hạn chế sốt rét nặng và sốt rét ác tính.
- Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống sốt rét, Dự án RAI, Dự án RAI2E, Chương trình phòng chống sốt rét quốc gia tai trơ thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ cho công tác xét nghiệm lam máu nhuộm giemsa, xét nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện kháng nguyên (test chẩn đoán nhanh sốt rét) tại tuyến cơ sở.
II. HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN
1. Nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số bị cắt giảm; nguồn kinh phí địa phương còn hạn hẹp, phân bổ chậm nên khó khăn trong việc triển khai các hoạt động giám sát, điều tra ca bệnh tại các điểm nóng thuộc vùng sốt rét nặng và khu vực biên giới, dân cư biến động lớn phải lồng ghép vào các chương trình, hoạt động khác gây ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả.
2. Có sự giao lưu của người dân qua khu vực biên giới với Lào, Campuchia, nơi có sốt rét lưu hành cao và có ký sinh trùng kháng thuốc, muỗi kháng hóa chất, đây là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ về dịch, sự lan rộng và kéo dài của bệnh sốt rét. Bên cạnh đó, nhóm đối tượng tham gia bảo vệ rừng, người nghèo, dân tộc thiểu số thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy chủ yếu sống ở vùng sốt rét lưu hành (vùng sâu, vùng xa, biên giới) khó khăn trong công tác phòng chống bệnh sốt rét và tiến tới loại trừ bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh.
3. Xuất hiện ký sinh trùng P.falciparum kháng thuốc Artemisinin, đã dẫn xuất tại một số tỉnh lân cận như Gia Lai, Quảng Nam và có nguy cơ lan rộng./.
LỘ TRÌNH PHÒNG CHỐNG VÀ LOẠI TRỪ BỆNH SỐT RÉT GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Kèm theo Kế hoạch số 4500/KH-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)
TT | Huyện/thành phố | Lộ trình loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2021 - 2025 (1 = Giai đoạn phòng chống sốt rét; 2 = Giai đoạn loại trừ sốt rét; 3 = Giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại) | ||||
2021 | 2022 | 2023 | 2024 | 2025 | ||
1 | Thành phố Kon Tum | 2 | 2 | 3 | 3 | 3 |
2 | Tu Mơ Rông | 2 | 2 | 3 | 3 | 3 |
3 | Đăk Tô | 2 | 2 | 3 | 3 | 3 |
4 | Đăk Hà | 2 | 2 | 3 | 3 | 3 |
5 | Kon Plông | 2 | 2 | 3 | 3 | 3 |
6 | Kon Rẫy | 2 | 2 | 3 | 3 | 3 |
7 | Đăk Glei | 2 | 2 | 2 | 3 | 3 |
8 | Ngọc Hồi | 2 | 2 | 2 | 3 | 3 |
9 | Sa Thầy | 2 | 2 | 2 | 3 | 3 |
10 | Ia H’Drai | 1 | 2 | 2 | 2 | 3 |
DỰ TOÁN KINH PHÍ PHÒNG CHỐNG VÀ LOẠI TRỪ BỆNH SỐT RÉT GIAI ĐOẠN 2021 – 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Kèm theo Kế hoạch số 4500/KH-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)
Triệu đồng
STT | Mục tiêu/ Nội dung hoạt động/ Thuyết minh định mức chi tiết | Tổng cộng | Năm | Căn cứ xây dựng dự toán | ||||
2021 | 2022 | 2023 | 2024 | 2025 | ||||
A | B | 1=2 3 4 5 6 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | C |
I | NGUỒN KINH PHÍ TRUNG ƯƠNG |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Mục tiêu 1: Đảm bảo toàn bộ người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét kịp thời đối với cả cơ sở y tế công lập và tư nhân | 2,500 | 500 | 500 | 500 | 500 | 500 |
|
1.1 | Hóa chất phun, tẩm, thuốc điều trị, vật tư trang thiết bị khác phục vụ hoạt động PCSR | 2,500 | 500 | 500 | 500 | 500 | 500 |
|
II | NGUỒN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG | 2,638 | 616 | 565 | 515 | 485 | 455 |
|
2 | Mục tiêu 2. Đảm bảo người dân trong vùng nguy cơ được bảo vệ bằng các biện pháp phòng chống véc tơ thích hợp | 1,113 | 317.4 | 266.4 | 216.4 | 186.4 | 126.4 |
|
2.1 | Chi trả công phun hóa chất tẩm màn | 1,036 | 302 | 251 | 201 | 171 | 111 | Hỗ trợ phụ cấp công tác phí theo Thông tư 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính |
2.2 | Giám sát độ bao phủ và đánh giá tác động của các biện pháp can thiệp phòng chống vector | 77 | 15.4 | 15.4 | 15.4 | 15.4 | 15.4 | |
3 | Mục tiêu 3. Nâng cao chất lượng hệ thống giám sát dịch tễ bệnh sốt rét và đảm bảo năng lực đáp ứng dịch sốt rét | 822 | 164 | 164 | 164 | 164 | 164 |
|
3.1 | Phát hiện và can thiệp kịp thời các ổ bệnh hoạt động trong vùng đã loại trừ sốt rét: Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Đăk Hà, Kon Plông, Kon Rẫy, thành phố Kon Tum | 300 | 60 | 60 | 60 | 60 | 60 | Hỗ trợ phụ cấp công tác phí theo Thông tư 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính |
3.2 | Triển khai phát hiện ca bệnh chủ động và xử lý kịp thời ổ bệnh, dự kiến 10 điểm | 522 | 104 | 104 | 104 | 104 | 104 | |
4 | Mục tiêu 4. Nâng cao kiến thức và hành vi của người dân để tự chủ động bảo vệ cá nhân trước bệnh sốt rét | 300 | 60 | 60 | 60 | 60 | 60 |
|
4.1 | Nói chuyện chuyên đề về phòng chống sốt rét tại cộng đồng (đi lại, phụ cấp cho cán bộ tham gia nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng tại các xã vùng sốt rét lưu hành) | 300 | 60 | 60 | 60 | 60 | 60 | Theo Thông tư 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính |
5 | Mục tiêu 5. Quản lý điều hành chương trình phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét quốc gia | 403 | 75 | 75 | 75 | 75 | 105 |
|
5.1 | Nâng cao năng lực nguồn nhân lực phục vụ phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét | 166 | 33 | 33 | 33 | 33 | 33 | Theo Thông tư 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính |
5.2 | Tăng cường quản lý điều phối hoạt động phòng chống sốt rét tại các tuyến | 75 | 15 | 15 | 15 | 15 | 15 | |
5.3 | Hướng dẫn triển khai, đánh giá tổ chức công nhận loại trừ sốt rét | 32 | 6 | 6 | 6 | 6 | 6 | |
5.4 | Giám sát và đánh giá chương trình, tổng kết | 130 | 20 | 20 | 20 | 20 | 50 | |
III | NGUỒN VỐN ODA KHÔNG HOÀN LẠI (do Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ- Dự án RAI) | 12,828 | 4,017 | 4,943 | 3,868 | - | - | Theo thông báo vốn của Ban QLDA Trung ương và Hợp đồng trách nhiệm ký kết hàng năm |
TỔNG CỘNG | 17,966 | 5,133 | 6,008 | 4,883 | 985 | 955 |
|
(Bằng chữ: Mười bảy tỷ, chín trăm sáu mươi sáu ngàn đồng)
[1] Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 27-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030.
[2] Quyết định số 741/QĐ-BYT ngày 02-3-2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét; Quyết định số 1609/QĐ-BYT ngày 08-4-2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Kết quả phân vùng dịch tễ sốt rét tại Việt Nam năm 2019; Quyết định số 2699/QĐ-BYT ngày 26-6-2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét; Quyết định số 2657/QĐ-BYT ngày 23-6-2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế Ban hành Kế hoạch phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 08/QĐ-BYT ngày 04-01-2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt lộ trình loại trừ Sốt rét tại Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
[3] Chi tiết tại Phụ lục kèm theo.
- 1 Kế hoạch 106/KH-UBND năm 2012 triển khai Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2030
- 2 Kế hoạch 27/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống và loại trừ bệnh Sốt rét quay trở lại giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
- 3 Kế hoạch 340/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025
- 4 Kế hoạch 34/KH-UBND năm 2022 về phòng ngừa bệnh sốt rét quay trở lại sau loại trừ tại tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025
- 5 Quyết định 351/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch triển khai hoạt động phòng chống sốt rét thuộc Dự án Rai3e năm 2022 do tỉnh Bạc Liêu ban hành