Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 479/KH-UBND

Tây Ninh, ngày 22 tháng 02 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM GIẾT NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm giết người diễn biến phức tạp, với tính chất, mức độ, hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Trên địa bàn tỉnh, từ năm 2015 đến nay xảy ra 57 vụ án giết người, làm chết 58 người, bị thương 21 người, đã khởi tố 53 vụ 83 bị can, không khởi tố 04 vụ, 04 đối tượng (do người thực hiện hành vi phạm tội tự sát đã chết). Đa số các đối tượng phạm tội có lối sống buông thả, thích thể hiện, xem thường pháp luật, dễ bị kích động dẫn đến các hành vi bạo lực, nhất là thanh, thiếu niên; mặt khác là do các thông tin tiêu cực, văn hóa phẩm độc hại, bạo lực xâm nhập từ bên ngoài vào ngày càng nhiều (nhất là trên môi trường mạng xã hội). Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa sâu rộng; công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, chưa triệt để; các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường và mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở một số địa phương còn mang tính hình thức; công tác quản lý, giáo dục con em, người thân trong gia đình không phạm tội hiệu quả chưa cao; công tác quản lý, giáo dục người nghiện ma túy còn nhiều bất cập, hạn chế.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm giết người, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm nói chung và tội phạm giết người nói riêng.

2. Từng bước kiềm chế, tiến tới kéo giảm tội phạm, không để tội phạm giết người xảy ra phức tạp, gây bức xúc, lo lắng, bất an trong Nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

3. Phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm nói chung và tội phạm giết người nói riêng trên địa bàn; phát huy có hiệu quả lực lượng ở cơ sở, làm tốt công tác hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân, tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh; lực lượng Công an đẩy mạnh triệt xóa các tụ điểm phức tạp, nhạy cảm, các điểm tập trung tệ nạn xã hội,...Tổ chức sinh hoạt, quán triệt cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm giết người nói riêng, đáp ứng với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

4. Thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, thường xuyên đánh giá phân tích nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm giết người để đưa ra các giải pháp kéo giảm, hạn chế số vụ giết người xảy ra; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến mạnh mẽ đến ý thức của người dân trong công tác phòng, chống tội phạm giết người.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Kết luận số 44-KL/TƯ ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2019 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới” gắn với Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030”.

2. Nâng cao vai trò, xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị về tình hình an ninh trật tự tại địa phương; các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, theo lĩnh vực công tác, theo ngành, theo giới... tăng cường tham gia phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, nhất là tích cực trong công tác tuyên truyền phòng ngừa tội phạm giết người và quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, người lao động, thanh niên, phụ nữ, hội viên, đối tượng ở cộng đồng dân cư..., củng cố, nhân rộng các mô hình toàn dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở và phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc để vận động người dân tham gia tố giác tội phạm; nâng cao hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở để kịp thời giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn nhỏ, không để hậu quả xấu xảy ra ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

III. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Công an tỉnh

- Chủ động nắm và đánh giá tình hình, tìm ra nguyên nhân phát sinh của tội phạm, nhất là tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội để phục vụ có hiệu quả công tác phòng ngừa có hiệu quả hơn.

- Tăng cường phối hợp Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đưa tin, phát sóng phim phóng sự về nguyên nhân, điều kiện, hậu quả tác hại của tội phạm giết người, cách nhận diện các nguyên nhân có nguy cơ cao dẫn đến phạm tội giết người và kỹ năng xử lý, ứng phó trong các tình huống bạo lực để Nhân dân cảnh giác, phòng ngừa như khi phát hiện đối tượng trộm đột nhập, khi bị cướp tài sản, khi gặp đối tượng “ngáo đá”, đối tượng mắc bệnh tâm thần, khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp tài sản,... để người dân biết, có biện pháp phòng tránh và báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời giải quyết.

- Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật hình sự cho mọi tầng lớp Nhân dân, chú ý phân tích rõ quy định, hình phạt chế tài, hậu quả của tội phạm giết người; trách nhiệm, quyền lợi của người dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm để Nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tham gia phòng chống, tố giác tội phạm ở khu dân cư. Ngoài ra, chú ý vận động Nhân dân tham gia quản lý, giáo dục số đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, nhất là số nghiện nặng, số thanh thiếu niên hay tụ tập khuya, đối tượng uống rượu, bia gây rối đánh nhau, đối tượng bạo hành gia đình,... để góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật. Đồng thời, giáo dục, hướng dẫn người dân phải biết tự đề phòng cho bản thân và khi phát hiện mâu thuẫn xảy ra thì báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan Công an gần nhất để xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất tình hình xấu xảy ra.

- Làm tốt công tác tuần tra, kiểm tra, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, chú trọng vào ban đêm tại các tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự như: Địa bàn giáp ranh với các tỉnh, thành phố, khu vực nội thị, khu công nghiệp, các khu vực, tuyến đường thường xuyên xảy ra tụ tập, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, các điểm kinh doanh ăn uống về khuya, các cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, karaoke,... phức tạp về an ninh trật tự, để kịp thời nhắc nhở các hộ kinh doanh không bán quá khuya ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, giải tán các nhóm thanh thiếu niên tụ tập thành nhóm, tổ chức uống rượu, bia, sử dụng ma túy để xử lý vi phạm đề phòng tội phạm xảy ra. Đồng thời, tăng cường kiểm tra phát hiện, thu giữ và xử lý nghiêm các đối tượng tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ.

- Triển khai, thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Công an về phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, tập trung nắm chắc tình hình cơ sở, phát hiện tham mưu xử lý mâu thuẫn dứt điểm khi mới phát sinh, nhất là quản lý chặt chẽ các băng nhóm bảo kê, đâm thuê, chém mướn, siết nợ, đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng; các đối tượng nghiện ma túy; các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tàng trữ các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ để có đối sách phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời. Nếu phát hiện có tội phạm phải đấu tranh xử lý ngay, không để phức tạp kéo dài.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Phối hợp với Công an tỉnh thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm giết người, nhất là do các mâu thuẫn trong đời sống xã hội ở khu vực biên giới và trong phạm vi thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo”; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

3. Sở Tư pháp

- Tăng cường phối hợp hướng dẫn phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các quy định của pháp luật về thương lượng, hòa giải, khởi kiện, khiếu nại, tố cáo, việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình, hình phạt nghiêm khắc đối với từng đối tượng, lứa tuổi, vùng miền, từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật để người dân lựa chọn các hình thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan góp phần hạn chế, khắc phục nguyên nhân của tội phạm giết người.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, bảo đảm ra quyết định thi hành án đúng quy định pháp luật, nâng cao tỷ lệ các quyết định thi hành án dân sự được chấp hành xong.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, chú trọng tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử lành mạnh cho cán bộ quản lý, nhà giáo, người học tại các cơ sở giáo dục.

- Phối hợp với các sở, ngành xây dựng, tổ chức thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự khu vực trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; kịp thời nắm bắt thông tin, phát hiện sớm mâu thuẫn để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực học đường và các vi phạm pháp luật, tội phạm trong học sinh, sinh viên.

- Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý học sinh, sinh viên không để tham gia các tệ nạn xã hội, tội phạm và các vi phạm pháp luật; đưa chương trình giáo dục phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội vào trường học.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và phòng, chống bạo lực gia đình.

- Tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động văn hóa, lễ hội; đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên tham gia; đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, bài trừ các mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu, ngăn chặn các loại hình văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực trái với thuần phong mỹ tục.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, quản lý và phục hồi chức năng cho người mắc bệnh tâm thần, kịp thời phát hiện, đưa người mắc bệnh tâm thần nặng vào cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng; xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần; hỗ trợ, tư vấn, can thiệp, lao động trị liệu, chăm sóc, điều trị, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người mắc bệnh tâm thần tại các cơ sở trợ giúp xã hội và cộng đồng.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện, phục hồi sức khỏe, nhân cách, giáo dục nghề nghiệp, tái hòa nhập cộng đồng cho người đã cai nghiện ma túy.

7. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng và quản lý người mắc bệnh tâm thần tại bệnh viện, các cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần; quản lý chặt chẽ quy trình khám, chữa bệnh cho người mắc bệnh tâm thần, người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; chủ động phòng ngừa và phối hợp với Công an tỉnh trong phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi xâm phạm đến tính mạng sức khỏe của người khác, các đối tượng làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần.

- Xây dựng phát đồ cai nghiện, điều trị và hỗ trợ tư vấn, can thiệp cho người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy; tăng cường quản lý thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, tiền chất trong lĩnh vực y tế. Thực hiện tốt các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì triển khai các nội dung liên quan để bảo đảm an toàn thông tin trên mạng, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn, hạn chế tối đa thông tin xấu độc, các loại hình văn hóa phẩm đồi trụy, cổ súy hành vi côn đồ, bạo lực, sai lệch chuẩn mực xã hội.

- Chỉ đạo cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật những hậu quả, hệ lụy của tội phạm đối với gia đình, xã hội; hướng dẫn kỹ năng nhận diện, xử lý với các tình huống bạo lực, tiềm ẩn bạo lực để người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác, có biện pháp phòng ngừa. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các cơ quan phòng, chống tội phạm tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người thông qua việc cung cấp dịch vụ viễn thông phù hợp của doanh nghiệp.

9. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tây Ninh

Tăng cường thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực phối hợp với cơ quan, tổ chức xây dựng các chương trình, phóng sự, bản tin, bài viết tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử lành mạnh, cảnh báo về vấn đề bạo lực, tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là hậu quả, hệ lụy do tội phạm giết người gây ra với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tăng cường thời lượng phát sóng, bảo đảm tiếp cận đến mọi tầng lớp Nhân dân; tôn vinh các mô hình, gương điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống tội phạm.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người bảo đảm hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội của địa phương để triển khai, thực hiện các nhiệm vụ.

- Củng cố Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, quan tâm đến lực lượng Công an, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các ngành cùng tham gia phòng chống tội phạm.

- Chỉ đạo các ngành, tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm trong các cơ quan, đơn vị, trường học và khu dân cư, nhất là tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương; đặc biệt là chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên giáo dục đoàn viên, hội viên theo từng ngành, giới.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh ở cơ quan, doanh nghiệp, địa bàn dân cư và hộ gia đình để phòng ngừa, phát hiện tội phạm.

- Chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở, các tổ hòa giải cơ sở chủ động giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, kết hợp quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, nhất là áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và quản lý tại gia đình; thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư, trường học an ninh, an toàn, không có tệ nạn ma túy.

11. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh

- Chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm giết người, xét xử lưu động một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội, đối tượng coi thường pháp luật, nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung, bảo đảm nghiêm minh, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm.

- Thực hiện tốt công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án; nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, hôn nhân, gia đình, bảo đảm đúng pháp luật.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội

- Thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”. Thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an tiếp tục rà soát, củng cố và nâng cao chất lượng của các tổ dân cư tự quản, tổ hòa giải và các mô hình phòng chống tội phạm ở cơ sở, chú ý nâng cao hiệu quả của tổ hòa giải để kịp thời giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong Nhân dân, hộ gia đình, nhất là mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, vay mượn tài sản, bạo lực gia đình,... không để mâu thuẫn bức xúc, kéo dài dẫn đến tội phạm xảy ra. Phối hợp với ngành Tư pháp, Công an, Thông tin truyền thông, Văn hóa, Giáo dục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm xâm hại tính mạng con người, chú ý thường xuyên giáo dục đạo đức truyền thống dân tộc, gia đình, tình làng nghĩa xóm,... để quần chúng Nhân dân, nhất là bộ phận thanh thiếu niên có định hướng và rèn luyện nhân cách, văn hóa ứng xử phù hợp, đồng thời lên án lối sống suy thoái về đạo đức con người, trái thuần phong mỹ tục.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết liên tịch số 01 về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”.

- Tăng cường công tác truyền truyền vận động, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các thông tin về phòng, chống tội phạm, phòng chống bạo lực gia đình... nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, phát huy vai trò của các cấp hội, cán bộ, đoàn viên, hội viên tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường trong các cơ quan, trường học trên địa bàn. Đồng thời, thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình những hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thường xuyên xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, số thanh thiếu niên không có việc làm, sống lang thang cơ nhỡ, gia đình có người mắc bệnh tâm thần ở địa phương,... để có biện pháp quản lý, giáo dục và chữa bệnh kịp thời.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và các mục tiêu, nội dung đã đề ra tại kế hoạch này, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể và gửi về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo.

2. Định kỳ 01 năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để tập hợp, báo cáo Chính phủ.

3. Giao Công an tỉnh tham mưu, giúp UBND tỉnh theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và đề xuất kế hoạch kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch này. Đồng thời, tổng hợp tình hình, kết quả triển khai thực hiện báo cáo theo quy định.

Đề nghị các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- TT.TU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- VKSND, TAND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các cơ quan tham mưu, giúp việc TU;
- TT các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐVP, P.NC;
- Lưu: VT, VP.UBND tỉnh.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Hùng