Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 485/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 07 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU CỦA TỈNH HÀ TĨNH

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đảm bảo sẵn sàng và ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có sự cố tràn dầu xảy ra; nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các tác động phát sinh từ sự cố tràn dầu đến môi trường sinh thái, kinh tế và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và khu vực lân cận.

- Hoàn chỉnh hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách, lực lượng, phương tiện cho hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng cơ chế phối hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu.

- Phân định trách nhiệm, xây dựng lực lượng nòng cốt trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh; cung cấp thông tin cần thiết để tổ chức, cá nhân và đơn vị liên quan có thông tin, hướng dẫn đảm bảo công tác ứng phó nhanh chóng, an toàn và hiệu quả khi có sự cố tràn dầu xảy ra.

- Làm cơ sở để xây dựng kế hoạch tập huấn, huấn luyện, diễn tập nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên ở các cấp, sẵn sàng thực hiện ứng phó sự cố tràn dầu theo phương châm “04 tại chỗ”.

- Tổng hợp các thông tin nhằm phục vụ cho việc đánh giá các khu vực có nguy cơ bị ô nhiễm cao, những khu vực nhạy cảm cần được ưu tiên bảo vệ và cung cấp thông tin để phục vụ công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu kịp thời, hiệu quả.

- Xây dựng quy trình ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh có hệ thống, đồng bộ để tổ chức ứng phó kịp thời và hiệu quả khi có sự cố tràn dầu xảy ra.

2. Yêu cầu

- Xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh theo đúng đề cương tại Phụ lục I, Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

- Phân công nhiệm vụ đúng với chức năng của các sở, ngành và các đơn vị trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu và bảo vệ môi trường.

- Tuyên truyền và triển khai thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chú trọng lấy công tác phòng ngừa là chính, ứng phó nhanh, kịp thời sự cố tràn dầu xảy ra trên địa bàn tỉnh.

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Đặc điểm địa hình, thời tiết, khí hậu, thủy văn

1.1. Đặc điểm địa hình

Hà Tĩnh là tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, có toạ độ địa lý từ 17°53'50'' đến 18°45'40'' vĩ độ Bắc và 105°05'50'' đến 106°30'20'' kinh độ Đông.

Tỉnh Hà Tĩnh tiếp giáp với các khu vực sau:

- Phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An.

- Phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình.

- Phía Tây giáp Lào (với gần 150km đường biên giới).

- Phía Đông giáp Biển Đông.

Tỉnh Hà Tĩnh nằm trên trục giao thông quan trọng Bắc - Nam và hành lang Đông Tây của khu vực Đông Bắc Thái Lan - Lào - Bắc Trung Bộ, có chiều dài đường bờ biển hơn 137km. Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh là vùng có tài nguyên khoáng sản cực kỳ phong phú, đặc biệt là khoáng sản nhiên liệu, vật liệu xây dựng và quặng kim loại quý. Với các điều kiện thuận lợi nêu trên, tỉnh có ưu thế trong việc phát triển giao thương trong nước và quốc tế, công nghiệp, xây dựng, năng lượng, du lịch, văn hóa xã hội của tỉnh...

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH HÀ TĨNH

Tỉnh Hà Tĩnh có diện tích đất tự nhiên 5.998km2, dân số hơn 1,3 triệu người. Tỉnh hiện có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh, huyện Nghi Xuân, huyện Đức Thọ, huyện Hương Sơn, huyện Can Lộc, huyện Vũ Quang, huyện Lộc Hà, huyện Thạch Hà, huyện Hương Khê, huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh.

Tỉnh Hà Tĩnh chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, nằm trong dải đồng bằng hẹp, bị kẹp bởi một bên là dãy Trường Sơn, một bên là biển Đông. Địa hình dốc nghiêng từ Tây sang Đông với độ dốc trung bình từ 1,2% - 1,8%. Tỉnh Hà Tĩnh có 04 dạng địa hình cơ bản sau:

- Địa hình núi cao và trung bình: chiếm 45% diện tích đất tự nhiên, thuộc sườn đông của dãy Trường Sơn, tập trung ở phía tây và rải rác ở phía Đông (gần biển). Xen lẫn giữa địa hình núi cao là các thung lũng nhỏ hẹp thuộc hệ thống sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố. Nền địa hình chủ yếu là đá trầm tích biến chất, đá magma.

- Địa hình đồi và trung du: chiếm 25% diện tích đất tự nhiên, là dạng địa hình chuyển tiếp giữa núi cao và đồng bằng, chạy dọc theo Quốc lộ 15, đường Hồ Chí Minh bao gồm các xã vùng thấp của huyện Hương Sơn, các xã phía tây huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Địa hình này có dạng xen lẫn giữa các đồi với đất ruộng hoặc bãi không bằng phẳng, thành phần chủ yếu là đá trầm tích biến chất, đá magma bị phong hóa mạnh.

- Địa hình đồng bằng: chiếm 17,3% diện tích đất tự nhiên, là vùng tiếp giáp giữa đồi núi và dải ven biển, nằm hai bên đường QL8A và QL1A, bao gồm một số xã của huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh. Vùng này có địa hình tương đối bằng phẳng, thành phần chủ yếu là phù sa, đá trầm tích, đá magma.

- Địa hình ven biển: chiếm 12,7% diện tích đất tự nhiên, nằm phía Đông QL1A và chạy dọc theo bờ biển gồm các xã phía đông của huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Dạng địa hình này được hình thành bởi các trầm tích đa nguồn gốc, các vùng trũng được lấp đầy bởi trầm tích đầm phá hoặc phù sa biển, hình thành các dãy đụn cát có độ cao khác nhau chạy dọc bờ biển. Một số vùng còn xuất hiện các quả đồi riêng lẻ hay các dãy đồi lớn.

1.2. Thời tiết, khí hậu

Tỉnh Hà Tĩnh nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng lớn của khí hậu chuyển tiếp giữa 2 miền Nam - Bắc, một năm chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa nắng kéo dài từ tháng 04 đến tháng 10, khí hậu khô nóng, hướng gió chủ yếu là gió Tây Nam (thổi từ Lào), nhiệt độ trung bình tháng từ 24,7°C đến 32,9°C. Mùa mưa kéo dài từ tháng 10 đến tháng 04 năm sau, hướng gió chủ yếu là gió Đông Bắc, nhiệt độ trung bình tháng từ 18,3°C đến 21,8°C. Nhiệt độ trung bình hàng năm của tỉnh Hà Tĩnh giao động từ 22 - 25°C.

Độ ẩm không khí trung bình năm giai đoạn gần đây dao động khoảng 84% - 85%, tháng có độ ẩm thấp nhất thường là tháng 6 (trung bình 68%), tháng có độ ẩm cao nhất thường là tháng 3 (trung bình 92%).

Nhiệt độ, độ ẩm không khí, gió là các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa và phát tán xăng dầu trong không khí.

Tổng số giờ nắng trung bình năm của tỉnh Hà Tĩnh khoảng 1.710 giờ, thường tập trung vào các tháng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Bức xạ mặt trời là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệt độ trong vùng, ảnh hưởng đến độ bền vững và quá trình phát tán, biến đổi các chất ô nhiễm nói chung và xăng dầu nói riêng.

Lượng mưa trung bình hàng năm của tỉnh từ 2.500mm đến 2.650mm.

Lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 10 chiếm 75% tổng lượng mưa cả năm.

Khu vực tỉnh Hà Tĩnh thường chịu nhiều ảnh hưởng của bão. Bão thường xuất hiện bắt đầu từ tháng 8 và kết thúc vào tháng 11 hoặc 12, trong đó 70% số cơn bão đổ bộ vào trong 3 tháng 8, 9, 10.

Đánh giá chung: Đặc điểm thời tiết, khí hậu là yếu tố ảnh hưởng lớn đến độ nhớt, độ bốc hơi, phong hóa và khả năng lan truyền của vệt dầu trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu. Ngoài ra, đặc điểm khí tượng trong thời điểm xảy ra sự cố cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình ứng phó, khắc phục sự cố dầu tràn. Từ đó làm tăng hoặc giảm mức độ ảnh hưởng của sự cố tràn dầu đến môi trường và chi phí tổ chức ứng phó sự cố.

1.3. Thủy văn, thủy triều

Hà Tĩnh có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, có đặc điểm chung là chiều dài ngắn, lưu lượng nhỏ, tốc độ dòng chảy lớn, nhất là về mùa mưa lũ.

Toàn tỉnh có trên 30 con sông lớn nhỏ với tổng chiều dài hơn 400km, tổng lưu vực khoảng 5.924km2.

Lưu vực các sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh gồm:

- Lưu vực sông Cả gồm sông Lam (chiều dài 37km) chảy ra biển Đông tại Cửa Hội là hợp lưu của sông Cả (từ Nghệ An) và sông La (chiều dài 13km), phía thượng nguồn có sông Ngàn Phố (chiều dài 87km), sông Ngàn Sâu (chiều dài 159km);

- Lưu vực sông Cửa Sót (chiều dài 8km) chảy ra biển Đông tại Cửa Sót là hợp lưu của sông Nghèn (chiều dài 60km) và sông Rào Cái (chiều dài 63km);

- Lưu vực sông Cửa Nhượng (chiều dài 4km) chảy ra biển Đông là hợp lưu của sông Gia hội (chiều dài 31km) và sông Rác (chiều dài 34km);

- Lưu vực sông Quyền chảy ra biển Đông tại Cửa Khẩu là hợp lưu của sông Quyền (chiều dài 34km), sông Trí (chiều dài 33km) và sông Vịnh (chiều dài 44km).

- Ngoài 04 lưu vực chính chảy ra biển Đông nêu trên, còn có lưu vực sông Rào Trổ chảy về hướng tỉnh Quảng Bình, có lưu vực trải rộng trên địa bàn 08 xã thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và 02 xã thuộc huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Sông Rào Trổ có tổng chiều dài hơn 60km, phần đi qua đất Hà Tĩnh có chiều dài 54km và chảy vào sông Nguồn Nậy tại xã Phong Hoá, trước khi hợp lưu với sông Gianh chảy ra biển Đông tại tỉnh Quảng Bình.

Ngoài hệ thống sông ngòi, tỉnh Hà Tĩnh còn có 351 hồ chứa và 89 đập dâng. Trong số đó có 04 hồ chứa dung tích trên 120 triệu m3 gồm: hồ Ngàn Trươi là hồ nước ngọt cấp đặc biệt với dung tích 775,7 triệu m3, hồ Rào Trổ đang xây dựng có dung tích 162,4 triệu m3, Hồ Kẻ Gỗ có dung tích 345 triệu m3 và hồ Sông Rác có dung tích 124,5 triệu m3.

Các sông, hồ, đập ở Hà Tĩnh là nguồn cung cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, công - nông nghiệp, du lịch, giao thông, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội khác, đồng thời có chức năng điều tiết nước trong mùa khô và mùa mưa lũ.

Qua số liệu tính toán nhiều năm, hầu hết các trạm đo tại các sông chính trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có modun dòng chảy bình quân năm lớn hơn 50 l/s.km2. Điều đó cho thấy dòng chảy sông ngòi ở Hà Tĩnh tương đối lớn, song sự phân bố dòng chảy theo thời gian trong năm, địa hình, lượng mưa rất phức tạp. Nước mặt ở Hà Tĩnh đều có chung đặc điểm dòng chảy những tháng mùa lũ (tháng 9, 10, 11) đều trên mức trung bình năm, 9 tháng còn lại đều dưới mức trung bình năm.

Tỉnh Hà Tĩnh có phía đông giáp biển Đông với chiều dài đường bờ biển khoảng 137km. Vùng biển Hà Tĩnh có chế độ nhật triều không đều, trong một tháng có khoảng 15 ngày nước lên và một lần nước xuống, độ cao mực nước triều cường biến đổi trong khoảng từ 1,2 - 2,5m. Biên độ triều lớn nhất trong năm thường xuất hiện vào mùa cạn từ tháng 5 đến tháng 6, cũng có năm xuất hiện từ tháng 1 đến tháng 3. Dao động thủy triều biên độ lớn từ 0,21m đến 3,88m. Ngoài ra, chế độ thủy triều khu vực biển Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều biển Đông.

Đánh giá chung: thủy văn, thủy triều, dòng chảy là những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự lan truyền của dầu trong môi trường nước, từ phạm vi ảnh hưởng của dầu tràn, cơ quan chỉ huy có thể đưa ra quyết định ứng phó sự cố phù hợp.

Bên cạnh đó, các yếu tố trên trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động ứng phó, đặc biệt đối với quá trình ứng phó ngoài khơi. Thông thường, công tác quây chặn, thu gom dầu chỉ hiệu quả trong điều kiện thời tiết bình thường, dòng chảy, sóng quá lớn sẽ khó triển khai quây phao trên sông, trên biển, dẫn đến dầu bị cuốn ra bên dưới phao hoặc bị sóng đánh tràn qua khỏi phao…

1.4. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Đường bộ: tỉnh Hà Tĩnh có 04 đoạn đường cao tốc đi qua với tổng chiều dài 107,22km gồm: đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, đoạn Vũng Áng - Bùng; 09 tuyến quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 692,75km gồm: Quốc lộ 1 dài 130,4km, Đường Hồ Chí Minh dài 80,5km, Quốc lộ 8 dài 85,3km, Quốc lộ 8B dài 25,2km, Quốc lộ 8C dài 101,1km, Quốc lộ 12C dài 45,8km, Quốc lộ 15 dài 73,7km, Quốc lộ 15B dài 51,05km, Quốc lộ 281 dài 99,7km và 03 đoạn đường Quốc lộ 1 tránh thành phố, thị xã dài 60,8km; 09 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 397,19km. Ngoài ra tỉnh Hà Tĩnh còn có 1.185,56km đường đô thị, 1.112,67km đường huyện, 1.396,17km đường xã, 24,75km đường trong khu kinh tế, 10.365,1km đường giao thông nông thôn khác và hàng chục bến, tuyến vận tải hành khách khắp tỉnh.

Đường sắt: tỉnh Hà Tĩnh có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua với tổng chiều dài 70,28km, đi qua 22 xã với 08 ga dừng đỗ thuộc 3 huyện Đức Thọ, Vũ Quang và Hương Khê.

Đường thủy: Trên địa bàn tỉnh hiện có 03 tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý với tổng chiều dài 87km và 03 tuyến đường thủy nội địa do Trung ương quản lý với tổng chiều dài 167,5km; 01 tuyến luồng hàng hải quốc gia với chiều dài 3,2km, 03 tuyến luồng hàng hải do doanh nghiệp đầu tư với tổng chiều dài 12,6km. Ngoài ra, tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình cũng đi qua trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Các tuyến luồng hàng hải, tuyến luồng đường thủy nội địa đang hoạt động có vai trò quan trọng trong tổng thể mạng lưới giao thông đường thủy quốc gia.

Những năm qua hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy trên địa bàn tỉnh đã được Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh quan tâm đầu tư để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới kết cấu hạ tầng giao thông có chất lượng tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách, giao thông đi lại. Tuy nhiên, cần nâng cao chất lượng phương tiện vận chuyển và ý thức người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông…để giảm sự cố tràn dầu do mất an toàn giao thông.

2. Các hoạt động thăm dò, khai thác, lưu chứa, vận chuyển, chế biến và kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

2.1. Hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện không có các dự án thăm dò, khai thác dầu khí.

2.2. Cơ sở lọc hóa dầu

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện không có các cơ sở lọc hóa dầu.

2.3. Hiện trạng các hoạt động liên quan đến xăng dầu khác của tỉnh Hà Tĩnh

Các hoạt động có nguy cơ cao gây ra sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh gồm:

- Trên đất liền: các kho xăng dầu; đường ống dẫn xăng dầu; cửa hàng kinh doanh xăng dầu; xe bồn chở xăng dầu; tàu hỏa chở xăng dầu; hoạt động của các khu kinh tế/khu công nghiệp/cụm công nghiệp; các nhà máy sản xuất có lưu chứa xăng dầu để sử dụng; các dự án khai thác khoáng sản; các trạm biến áp…

- Trên sông: các cảng thủy nội địa; khu neo đậu tàu thuyền; phương tiện vận chuyển, kinh doanh xăng dầu trên sông; các dự án nạo vét tuyến luồng đường thủy nội địa, xây dựng cảng sông; tàu thuyền hoạt động trên sông; dầu trôi dạt không rõ nguyên nhân...

- Trên biển: các cảng biển; khu neo đậu tàu thuyền trên biển; phương tiện vận chuyển, kinh doanh xăng dầu trên biển; hoạt động chuyển tải, sang mạn xăng dầu trên biển; các dự án nạo vét tuyến luồng hàng hải, xây dựng cảng biển; tàu thuyền hoạt động trên biển (tàu vận tải hàng hóa, tàu cá, tàu du lịch…); dầu trôi dạt không rõ nguyên nhân…

Riêng về hoạt động lưu chứa, kinh doanh xăng dầu, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 03 cảng xăng dầu, 04 kho xăng dầu, 234 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động và 02 điểm neo đậu chuyển tải, 09 kho xăng dầu đang quy hoạch gồm:

- Bến cảng Xăng dầu LPG Vũng Áng thuộc Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng;

- Bến cảng xăng dầu Xuân Giang thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại xây lắp và XNK Miền Trung tại Hà Tĩnh;

- Cầu cảng N2 xuất nhập sản phẩm hóa dầu thuộc Bến cảng Sơn Dương thuộc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

- Tổng kho xăng dầu Vũng Áng thuộc Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng;

- Kho trung chuyển và cấp phát xăng dầu Xuân Giang thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại xây lắp và XNK Miền Trung tại Hà Tĩnh;

- Kho xăng dầu nội bộ thuộc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh;

- Kho xăng dầu nội bộ của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I thuộc Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh.

- Điểm neo đậu chuyển tải Hòn Mắt thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại xây lắp và XNK Miền Trung tại Hà Tĩnh, đang xây dựng;

- Điểm neo đậu chuyển tải xăng dầu thuộc Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam, đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

- Kho xăng dầu thuộc Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam chuẩn bị xây dựng; kho xăng dầu thuộc Công ty Cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm đã quy hoạch; kho xăng dầu Xuân Phổ, kho xăng dầu tại Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, kho xăng dầu tại huyện Nghi Xuân, kho xăng dầu tại huyện Lộc Hà, kho xăng dầu tại Khu kinh tế Vũng Áng/thị xã Kỳ Anh, kho xăng dầu tại huyện Cẩm Xuyên, kho xăng dầu tại huyện Hương Khê đang quy hoạch.

- Có 234 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động ở 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

(Chi tiết thông tin các cơ sở nêu trên tại Phụ lục IV).

3. Thực trạng lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh Hà Tĩnh

3.1. Lực lượng, phương tiện của đơn vị chuyên trách

Tỉnh Hà Tĩnh không có lực lượng chuyên trách ứng phó sự cố tràn dầu, nhưng khi có sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh thì Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn điều động lực lượng, phương tiện của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc đóng tại đường đi Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng (Trung tâm có trạm ứng trực tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) tham gia ứng phó, theo Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021.

Tỉnh sẽ chủ động ký hợp đồng với đơn vị có năng lực thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố tràn dầu trong khu vực, như: Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đóng tại P203, Tòa nhà A5, làng Quốc tế Thăng Long, Đường Trần Đăng Ninh, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội...

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cảng, cơ sở, dự án có phương án đầu tư trang thiết bị, vật tư để từng bước nâng cao năng lực tự ứng phó của cảng, cơ sở, dự án theo quy định hoặc ký kết thoả thuận, hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ quan, đơn vị có chức năng để đảm bảo năng lực ứng phó tại chỗ khi có sự cố xảy ra. Đồng thời huy động Đội ứng phó sự cố tràn dầu của các cảng, cơ sở tham gia ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh khi cần thiết.

(Nguồn lực của các đơn vị nêu trên tại Phụ lục II).

3.2. Lực lượng, phương tiện của các đơn vị kiêm nhiệm thuộc tỉnh

3.2.1. Lượng lượng

- Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh là đầu mối chủ trì tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh trên địa bàn;

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh là cơ quan thường trực, lực lượng nòng cốt ứng phó các sự cố tràn dầu cấp tỉnh ở trên biển, ven biển, cửa sông, khu vực biên giới trên đất liền.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là cơ quan thường trực, lực lượng nòng cốt ứng phó các sự cố tràn dầu cấp tỉnh trên đất liền, trên sông/hồ.

- Công an tỉnh.

- Sở Giao thông vận tải.

- Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh.

- Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Sở Công Thương.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Sở Y tế.

- Sở Thông tin và Truyền thông.

- Sở Tài chính.

- Sở Ngoại vụ.

- 13 Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

- Đội ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở có hoạt động liên quan đến xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

3.2.2. Phương tiện, trang thiết bị

- Khi có sự cố tràn dầu xảy ra, Ủy ban nhân dân tỉnh huy động các phương tiện, trang thiết bị, vật tư tìm kiếm cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu của các đơn vị: Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh... để tổ chức ứng phó.

- Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh có thể huy động phương tiện, trang thiết bị, vật tư ứng phó sự cố tràn dầu từ đơn vị hợp đồng với tỉnh, các cảng, kho xăng dầu, cửa hàng xăng dầu, cơ sở có hoạt động liên quan đến xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

3.3. Lực lượng, phương tiện tăng cường, phối hợp

3.3.1. Lực lượng, phương tiện phối hợp (cấp trên điều động): Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc (Trung tâm có trạm ứng trực tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).

3.3.2. Lực lượng, phương tiện tăng cường: Các cơ quan, đơn vị của các Bộ, ngành đóng quân trong khu vực gồm: Quân khu 4, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực I thuộc Bộ Giao thông vận tải; đóng quân trên địa bàn tỉnh gồm: Trung đoàn Cảnh sát cơ động/Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động thuộc Bộ Công an và các tỉnh giáp ranh.

(Nguồn lực ứng phó sự cố tràn dầu của các lực lượng trên tại Phụ lục I).

Tùy theo quy mô sự cố tràn dầu, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh sẽ huy động một phần hay toàn bộ nguồn lực trên địa bàn để tham gia ứng phó. Ưu tiên sử dụng nguồn lực tại chỗ và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn khu vực xảy ra sự cố.

* Kết luận: Trên cơ sở nguồn lực tại chỗ của tỉnh; lực lượng, phương tiện tăng cường, phối hợp, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh có khả năng ứng phó và khắc phục sự cố tràn dầu với lượng dầu tràn dưới 500 m3.

4. Các khu vực có nguy cơ cao

4.1. Trên đất liền

4.1.1. Kho xăng dầu

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 04 kho xăng dầu đang hoạt động và 09 kho xăng dầu đang được quy hoạch, gồm:

- Tổng kho xăng dầu Vũng Áng tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thuộc Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng, sức chứa 60.000m³;

- Kho trung chuyển và cấp phát xăng dầu Xuân Giang tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại xây lắp và XNK Miền Trung tại Hà Tĩnh, sức chứa 9.000m³;

- Kho xăng dầu nội bộ của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tại Khu kinh tế Vũng Áng, phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thuộc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, sức chứa 6.030m³;

- Kho xăng dầu nội bộ của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thuộc Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh, sức chứa 4.779m³.

- Kho xăng dầu thuộc Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam chuẩn bị xây dựng; kho xăng dầu thuộc Công ty Cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm đã quy hoạch; kho xăng dầu Xuân Phổ, kho xăng dầu tại Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, kho xăng dầu tại huyện Nghi Xuân, kho xăng dầu tại huyện Lộc Hà, kho xăng dầu tại Khu kinh tế Vũng Áng/thị xã Kỳ Anh, kho xăng dầu tại huyện Cẩm Xuyên, kho xăng dầu tại huyện Hương Khê đang quy hoạch.

4.1.2. Các cửa hàng xăng dầu:

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 225 cửa hàng xăng dầu trên đất liền trong tổng số 234 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh (tại bảng PL 4.5/Phụ lục IV kèm theo).

4.1.3. Đường ống dẫn dầu:

Đường ống dẫn dầu là một trong những nguồn nguy cơ cao gây ra sự cố tràn dầu. Do vậy, đây là đối tượng cần được thống kê, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, có chế độ bảo trì, bảo dưỡng, thay thế khi phát hiện hư hỏng, xuống cấp.

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, hệ thống đường ống dẫn dầu nổi/ngầm trên đất liền được phân bố chủ yếu tại các kho, cảng xăng dầu. Phần lớn tại các cơ sở có lưu chứa xăng dầu để phục vụ sản xuất không có hoặc có đường ống dẫn dầu ngắn đi trong nội bộ cơ sở. Thông tin về đường ống dẫn dầu vượt ra khỏi nội bộ cơ sở trên địa bàn tỉnh như sau:

- Tổng kho xăng dầu Vũng Áng: đường ống dẫn dầu từ cảng đến kho dài khoảng 400 m đi nổi, có giàn và các gối đỡ đảm bảo an toàn. Đường ống dẫn dầu nội bộ của kho dài khoảng 600m gồm 05 tuyến đường ống, đi nổi trên các gối đỡ.

- Kho trung chuyển và cấp phát xăng dầu Xuân Giang: đường ống dẫn dầu nổi từ cảng vào bồn chứa bằng thép được chôn chìm hoặc nổi tùy vị trí, dài khoảng 150 m, đường ống dẫn dầu nội bộ của kho dài khoảng 500m.

- Kho xăng dầu nội bộ của Nhà máy điện thuộc Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh: 03 tuyến đường ống được bố trí đi nổi, từ tường rào khu vực cảng, đi qua xưởng nguyên liệu đến xưởng luyện cốc; tuyến 1: 01 đường ống xuất dầu nhẹ với tổng chiều dài là 7,485km (đoạn đường ống nối từ xưởng luyện cốc qua cổng số 1 Cảng Sơn Dương có chiều dài là 4,785km; từ cổng số 1 đến cầu cảng N2 có chiều dài là 2,7km); tuyến 2: 01 đường ống dẫn dầu cốc từ xưởng luyện cốc ra đến cổng số 1 cảng Sơn Dương có chiều dài 4,785km; tuyến 3: đường ống dẫn dầu cốc từ cổng số 1 đi qua bồn chứa tạm thời tại cảng đến bến tàu N2 với tổng chiều dài là 2,9km; đường ống dẫn dầu từ cổng số 1 xuất thẳng ra bến tàu N2 với chiều dài 2,7km.

- Kho xăng dầu nội bộ của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I: đường ống dẫn dầu nổi nội bộ của kho gồm 3 tuyến ống, mỗi tuyến có 2 đường ống nổi, tuyến 1 dài khoảng 300m, tuyến 2 dài khoảng 700m, tuyến 3 dài khoảng 900m.

4.1.4. Các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh:

- Các tuyến giao thông đường bộ: tỉnh Hà Tĩnh hiện có hàng trăm lượt xe bồn chuyên chở xăng dầu hoạt động trên địa bàn tỉnh và thông qua cửa khẩu Việt Lào, lưu thông hàng ngày trên địa bàn tỉnh nên tiềm ẩn nguy cơ cao gây ra sự cố tràn dầu do mất an toàn giao thông (lật xe bật nắp bồn, đâm va gây thủng bồn chứa) hoặc do cháy nổ.

- Các tuyến giao thông đường sắt: mỗi năm tỉnh Hà Tĩnh có hàng trăm chuyến tàu chở xăng dầu lưu thông qua địa bàn tỉnh, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ra sự cố tràn dầu do mất an toàn giao thông hoặc do cháy nổ.

4.1.5. Các cơ sở sản xuất có lưu chứa xăng dầu để sử dụng:

- Các cơ sở sản xuất có lưu chứa xăng dầu để sử dụng trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sự cố tràn dầu. Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 02 khu kinh tế, 05 khu công nghiệp, 19 cụm công nghiệp đang hoạt động, 03 cụm công nghiệp đang xây dựng. Các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp là những khu vực có nguy cơ cao gây ra sự cố tràn dầu do có các cơ sở kinh doanh, lưu chứa, sử dụng xăng dầu hoạt động. Sự phát triển của các đối tượng này đang tạo ra thách thức lớn trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu nói riêng.

- Các ngành nghề trong quá trình sản xuất thường lưu chứa lượng lớn xăng dầu để sử dụng gồm: Nhà máy nhiệt điện/thủy điện/cơ sở sản xuất, sửa chữa, lưu chứa, vận hành máy biến áp, thiết bị điện; nhà máy sản xuất, sửa chữa ô tô/xe máy/sản phẩm điện tử/sản xuất kim loại; nhà máy cọc sợi/dệt/may/sản xuất giầy da; nhà máy sản xuất bia; nhà máy xử lý chất thải/tái chế dầu thải; đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt; các khu vực khai thác khoáng sản…

Điển hình các cơ sở lưu chứa lượng lớn xăng dầu để phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh gồm: Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (6.030m³); Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh - Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (4.779m³); Trạm 500 KV Hà Tĩnh - xã Nam Điển (220m³); Công ty Cổ phần tập đoàn Hoành Sơn (50m³); Công ty TNHH MTV Hưng Nghiệp (30m³); Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn Hà Tĩnh (25m³)…

4.2. Trên sông

4.2.1. Bến cảng xăng dầu trên sông:

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 01 bến cảng xăng dầu trên sông là Bến cảng xăng dầu Xuân Giang bên bờ phải sông Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại xây lắp và XNK Miền Trung tại Hà Tĩnh, quy mô 2.000tấn.

4.2.2. Cảng thủy nội địa, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên sông:

Ngoài Bến cảng xăng dầu Xuân Giang nêu trên, tỉnh Hà Tĩnh còn có 02 cảng cá đang hoạt động, 02 cảng cá đang quy hoạch và 04 khu neo đậu tránh trú bão trên sông gồm:

- Cảng cá Thạch Kim tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh (cảng cá kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão, đang hoạt động).

- Cảng cá Xuân Hội tại xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (cảng cá kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão, đang hoạt động).

- Cảng cá Cửa Nhượng tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh (cảng cá đang quy hoạch).

- Cảng cá Kỳ Ninh tại xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh (cảng cá đang quy hoạch).

- Khu neo đậu Cửa Hội - Xuân Phổ tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (khu neo đậu đang hoạt động, chưa công bố).

- Khu neo đậu Kỳ Hà tại xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh (khu neo đậu đang hoạt động, chưa công bố).

- Khu neo đậu Cửa Nhượng tại xã Cẩm Nhượng + thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

- Khu neo đậu Cửa Sót tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Khu neo đậu Cửa Nhượng và Khu neo đậu Cửa Sót là 02 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được công nhận đủ điều kiện hoạt động năm 2022 theo Quyết định số 1193/QĐ-BNN-TCTS ngày 01/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4.2.3. Phương tiện vận chuyển, kinh doanh xăng dầu trên sông:

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4/234 phương tiện vận chuyển, kinh doanh xăng dầu trên sông.

4.2.4. Tuyến luồng đường thủy nội địa

Trên địa bàn tỉnh hiện có 03 tuyến đường thủy nội địa do Trung ương quản lý với tổng chiều dài khoảng 167,5km và 03 tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý với tổng chiều dài khoảng 87km. Các tuyến đường thủy nội địa của tỉnh là một trong những khu vực nguy cơ cao xảy ra sự cố tràn dầu do hoạt động tấp nập của hàng nghìn tàu thuyền trên sông.

4.3. Trên biển

4.3.1. Cảng xăng dầu, điểm chuyển tải xăng dầu:

Tỉnh Hà Tĩnh có 02 cảng xăng dầu, 02 điểm neo đậu chuyển tải xăng dầu trên biển là:

- Bến cảng Xăng dầu LPG Vũng Áng tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thuộc Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng, quy mô cầu cảng 1: 15.000 DWT, cầu cảng 2: 3.000 DWT.

- Cầu cảng N2 thuộc Bến cảng Sơn Dương, Khu kinh tế Vũng Áng, phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thuộc Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, quy mô 10.000 DWT.

- Điểm neo đậu chuyển tải Hòn Mắt tại khu vực phía Nam đảo Hòn Mắt, tỉnh Hà Tĩnh thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại xây lắp và XNK Miền Trung tại Hà Tĩnh, quy mô 100.000 DWT (đang xây dựng).

- Điểm neo đậu chuyển tải xăng dầu tại khu vực Vũng Áng, vùng nước cảng biển Hà Tĩnh thuộc Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam, quy mô 50.000 tấn (đã được chấp thuận chủ trương đầu tư).

- Ngoài ra, đã có quy hoạch về cảng bến phao, khu neo đậu chuyển tải ngoài khơi khu bến Vũng Áng cho tàu đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn khai thác khi đủ điều kiện tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4.3.2. Cảng biển:

Ngoài Bến cảng Xăng dầu LPG Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh hiện có 04 cảng biển là:

- Bến cảng Xuân Hải tại xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh thuộc Công ty Cổ phần Cảng Quốc tế Lào - Việt, quy mô 2 cầu cảng: 1.200 DWT.

- Bến cảng Vũng Áng tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thuộc Công ty Cổ phần Cảng Quốc tế Lào - Việt, quy mô cầu cảng 1: 45.000 DWT, container đến 30.000 TEU; cầu cảng 2: 61.671 DWT, container đến 45.000 TEU.

- Bến cảng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thuộc Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh, quy mô 02 cầu cảng: 30.000 DWT.

- Bến cảng Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng, phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thuộc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, gồm 13 cầu cảng, quy mô cầu cảng S1, S2: 200.000 DWT; cầu cảng S3: 300.000 DWT; cầu cảng W1, W2, W3: 50.000 DWT; cầu cảng W4, W5, W6, W7, A1, A2; N2: 10.000 DWT.

4.3.3. Khu neo đậu tàu thuyền trên biển

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 02 khu neo đậu tàu thuyền trên biển:

- Khu neo đậu Vũng Áng tại khu vực Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh do Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh quản lý, gồm 15 điểm neo đậu cho cỡ tàu từ 15.000 DWT đến 100.000 DWT.

- Khu neo đậu Sơn Dương tại khu vực Sơn Dương, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh do Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh quản lý, gồm 19 điểm neo đậu cho cỡ tàu từ 10.000 DWT đến 200.000 DWT.

4.3.4. Phương tiện vận chuyển, kinh doanh xăng dầu trên biển

Tỉnh hiện có 5/234 phương tiện vận chuyển, kinh doanh xăng dầu trên biển.

4.3.5. Tuyến luồng hàng hải và phương tiện thủy hoạt động trên biển/sông

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 04 tuyến luồng hàng hải và 01 tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đi qua địa bàn Hà Tĩnh gồm:

- Luồng hàng hải Vũng Áng tại khu vực Vũng Áng là tuyến luồng hàng hải quốc gia dài 3,2km.

- Luồng hàng hải Sơn Dương tại khu vực Sơn Dương là tuyến luồng hàng hải doanh nghiệp đầu tư dài 9,6km.

- Luồng hàng hải Nhà máy Nhiệt điện 1 tại khu vực Vũng Áng là tuyến luồng hàng hải doanh nghiệp đầu tư dài 2,2km.

- Luồng hàng hải Xăng dầu LPG Vũng Áng tại khu vực Vũng Áng là tuyến luồng hàng hải doanh nghiệp đầu tư dài 0,8km.

- Tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, đi qua địa bàn Hà Tĩnh theo Quyết định số 2495/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Các tuyến luồng hàng hải, tuyến vận tải ven biển này chính là khu vực có nguy cơ cao xảy ra sự cố tràn dầu do hoạt động tấp nập của hàng nghìn tàu thuyền trên biển.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 2.797 phương tiện đánh bắt thủy hải sản và hàng trăm tàu du lịch, vận chuyển hành khách, vận tải hàng hoá đang hoạt động.

Ngoài phương tiện thủy nội địa của tỉnh Hà Tĩnh, còn có một số lượng nhất định tàu thuyền của các địa phương khác đang hoạt động, lưu thông trên các khu vực đường thủy nội địa, biển do tỉnh quản lý.

Hoạt động giao thông trên biển, trên sông tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu. Đối với các tàu vận chuyển xăng dầu, nguy cơ gây sự cố tràn dầu do các nguyên nhân: quá trình chuyển tải, xuất nhập xăng dầu vào kho và buôn bán cho các tàu khai thác thuỷ sản, du lịch, vận chuyển hàng hóa... không đúng quy trình; rò rỉ dầu từ các thiết bị chứa như khoang chứa dầu, bồn, téc xăng dầu; đâm va với các phương tiện thủy khác, đâm va với cảng gây nứt thủng, rò rỉ, đắm tàu; tràn dầu do cháy nổ, thiên tai...

Đối với các tàu khai thác thủy hải sản, tàu du lịch, vận chuyển hành khách, vận tải hàng hoá, nguy cơ gây sự cố tràn dầu do các nguyên nhân: đâm va với các phương tiện thủy khác gây nứt thủng bồn chứa nguyên liệu, rò rỉ xăng dầu, đắm tàu; rò rỉ xăng dầu từ bồn chứa nhiên liệu của tàu; phương tiện thủy đâm va với cảng; tràn dầu do cháy nổ, thiên tai...

Ngoài ra, các dự án xây dựng cảng, nạo vét tuyến luồng hàng hải, nạo vét tuyến luồng đường thủy nội địa cũng là một trong những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sự cố tràn dầu.

4.3.6. Nguy cơ gây sự cố từ các tỉnh, khu vực giáp ranh

Ngoài các nguy cơ sự cố tràn dầu trên đất liền, trên sông, trên biển nêu trên, tỉnh cũng cần giám sát chặt chẽ các khu vực giáp ranh, để sớm phát hiện những sự cố tràn dầu từ bên ngoài tỉnh có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh Hà Tĩnh. Xuất phát từ các nguồn tiềm ẩn nguy cơ tràn dầu, dầu trôi dạt từ khu vực biển Đông, khu vực biên giới giữa Hà Tĩnh và Lào (đặc biệt là khu vực cửa khẩu, đường giao thông), khu vực giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Nghệ An (đặc biệt là khu vực biển Cửa Hội, Sông Lam...), Quảng Bình (đặc biệt là Cảng Hòn La và khu vực biển của huyện Quảng Trạch, phần lưu vực của Sông Ngàn Sâu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, phần giáp ranh giữa huyện Tuyên Hóa và tỉnh Hà Tĩnh...). Khi xảy ra sự cố tràn dầu từ các khu vực giáp ranh này có khả năng rất cao ảnh hưởng đến tỉnh Hà Tĩnh.

III. TỔ CHỨC, LỰC LƯỢNG PHƯƠNG TIỆN ỨNG PHÓ

1. Tư tưởng chỉ đạo

Tích cực chủ động phòng ngừa, ứng phó và xử lý kịp thời các sự cố tràn dầu xảy ra trên địa bàn tỉnh làm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường của nhà nước và nhân dân.

2. Nguyên tắc ứng phó

- Tiếp nhận thông tin, đánh giá tình hình, kết luận cụ thể, rõ ràng từng tình huống; chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch ứng phó sát với tình hình thực tế, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác ứng phó, vận dụng phương châm “04 tại chỗ” trong ứng phó sự cố tràn dầu.

- Chủ động xây dựng phương án và các tình huống, đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư ứng phó sự cố tràn dầu cho các lực lượng nòng cốt của tỉnh để có đủ năng lực ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra.

- Tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo, chỉ huy ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống.

- Huy động mọi nguồn lực của tỉnh tham gia ứng phó sự cố, ưu tiên hoạt động cứu người trước, sau đó đến ứng phó và bảo vệ môi trường.

- Chủ động ngăn chặn và cô lập, hạn chế không cho dầu tràn lan rộng ra môi trường. Giám sát chặt chẽ nguồn nguy cơ lan tỏa dầu tràn, xác định thứ tự ưu tiên và tiến hành các biện pháp bảo vệ các khu vực cần ưu tiên bảo vệ.

- Đảm bảo an toàn và phòng chống cháy nổ trong ứng phó sự cố tràn dầu.

- Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó.

- Bảo đảm an toàn cho người và phương tiện trước, trong và sau khi ứng phó, khắc phục hậu quả môi trường.

- Bên gây ra sự cố tràn dầu phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do dầu tràn gây ra theo quy định của pháp luật.

3. Biện pháp ứng phó

Khi nhận được thông tin về sự cố tràn dầu cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh huy động lực lượng tại chỗ, lực lượng hợp đồng của tỉnh tổ chức ứng phó. Nếu sự cố vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh thì Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn điều động lực lượng, phương tiện chuyên trách của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc, lực lượng tăng cường khác tham gia ứng phó theo Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu tại Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021. Biện pháp tổ chức ứng phó và xử lý như sau:

3.1. Ngăn chặn nguồn dầu tràn và công tác phòng cháy chữa cháy

Ngay sau khi nhận được thông báo về sự cố tràn dầu vượt quá khả năng ứng phó của huyện/thị xã/thành phố, cơ quan thường trực báo cáo Trưởng ban (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh), đồng thời lệnh cho chủ cơ sở và lực lượng đang tham gia ứng phó tiếp tục sử dụng lực lượng tại chỗ nhanh chóng ngăn chặn nguồn dầu tràn (ngắt điện, tắt bơm, đóng van, khóa đường ống, khắc phục, chèn vá các vết rò rỉ, thủng của bể, bồn, téc, thiết bị, phương tiện chứa dầu…), tổ chức ứng phó ban đầu và phòng cháy, chữa cháy (nếu có).

3.2. Khoanh vùng khu vực dầu tràn

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ, lực lượng hợp đồng của tỉnh, lực lượng tăng cường, phối hợp (nếu cần thiết) sử dụng phương tiện (máy xúc, máy ủi, tàu ứng phó sự cố...), trang thiết bị, vật tư chuyên dụng kết hợp với nhân lực và các biện pháp để ngăn chặn cô lập dầu tràn phù hợp với tình hình thực tiễn về địa hình và tình huống như: đắp bờ, đào rãnh, đào hố khoanh vùng; triển khai phao quây chặn dầu, cô lập để ngăn chặn, hạn chế không cho dầu tràn lan rộng ra môi trường; chuyển hướng di chuyển của vệt dầu vào vùng có độ nhạy cảm thấp, rãnh ngăn, hố chứa, vị trí thuận lợi để triển khai các bước tiếp theo; phối hợp với các cơ quan chức năng thông báo, cảnh báo, sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.

3.3. Thu hồi dầu tràn

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo các lực lượng, phương tiện tại chỗ, lực lượng hợp đồng của tỉnh, lực lượng phối hợp, tăng cường (nếu cần thiết) sử dụng trang thiết bị, vật tư phù hợp như thiết bị bơm hút dầu, phao quây thấm dầu, gối thấm dầu, tấm thấm dầu... để thu hồi dầu tràn. Chất thải nhiễm dầu được thu gom, lưu giữ vào túi đựng chất thải nguy hại, tập kết, vận chuyển, xử lý theo quy định của pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn việc thu gom, phân loại, tập kết, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải nhiễm dầu và dầu thu hồi theo quy định pháp luật.

3.4. Tổ chức khắc phục hậu quả về môi trường

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố, các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo chủ cơ sở quan trắc, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường, xác định biện pháp và tổ chức khắc phục ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe, đời sống an sinh, an toàn vệ sinh cho cộng đồng và môi trường khu vực xảy ra sự cố. Căn cứ vào tình hình thực tế có thể sử dụng chất phân hủy sinh học để xử lý ô nhiễm dầu tồn dư trong đất, cát; sử dụng các trang thiết bị làm sạch bờ kè đá, bê tông, hạ tầng kỹ thuật cống rãnh và nước ngầm. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đánh giá kết quả xử lý ô nhiễm để làm căn cứ ra quyết định kết thúc việc xử lý sự cố.

4. Tổ chức sử dụng lực lượng

- Khi xảy ra sự cố tràn dầu, chủ cơ sở phải khẩn cấp ứng phó theo Kế hoạch của cơ sở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bằng lực lượng tại chỗ, lực lượng phối hợp, đơn vị ký hợp đồng với cơ sở.

- Khi sự cố tràn dầu vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở hoặc sự cố tràn dầu không rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thì Chủ cơ sở gây ra hoặc tổ chức/cá nhân phát hiện sự cố phải báo cáo kịp thời về ít nhất một trong các đầu mối tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu để Ủy ban nhân dân tỉnh biết, điều động các lực lượng đến tham gia ứng phó kịp thời, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người, môi trường và kinh tế. Lúc này việc tổ chức sử dụng lực lượng được thực hiện như sau:

+ Trường hợp sự cố tràn dầu không rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố hoặc sự cố vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở thì Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố nơi có sự cố xảy ra chủ trì, tổ chức ứng phó theo Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp huyện/thị xã/thành phố được phê duyệt.

+ Trường hợp sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của huyện/thị xã/thành phố thì Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh biết để chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì, tổ chức ứng phó.

- Trường hợp sự cố tràn dầu xảy ra trên địa bàn của tỉnh có nguy cơ hoặc lan sang địa bàn tỉnh khác, Ủy ban nhân dân tỉnh chủ động thông báo cho Ủy ban nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng để phối hợp ứng phó, đồng thời báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để chuẩn bị phương án hỗ trợ khi cần thiết.

- Khi sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng tại chỗ của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an điều động lực lượng, phương tiện của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc và các lực lượng tăng cường khác tham gia ứng phó.

- Khi sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh, phạm vi tràn dầu xảy ra trên diện rộng mang tính liên vùng hoặc sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng (trên 500 m3), Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ đạo các hoạt động ứng phó theo Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu.

4.1. Tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu trên đất liền, trên sông/hồ

Quy trình tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh trên đất liền, trên sông/hồ gồm 05 bước sau:

4.1.1. Bước 1 - Tiếp nhận thông tin, đánh giá tình hình sự cố

Khi phát hiện sự cố tràn dầu chưa rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố hoặc sự cố tràn dầu trên đất liền, trên sông/hồ vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở, tổ chức/cá nhân phát hiện hoặc gây ra sự cố tràn dầu có trách nhiệm báo cáo lên cấp trên của mình và ít nhất một trong các đầu mối tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu sau:

+ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

+ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là cơ quan thường trực, lực lượng nòng cốt trong ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh trên đất liền, trên sông/hồ.

+ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh là cơ quan thường trực, lực lượng nòng cốt trong ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh tại các khu vực biên giới trên đất liền.

+ Công an tỉnh.

+ Sở Tài nguyên và Môi trường.

+ Sở Công Thương.

+ Sở Giao thông vận tải.

+ Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất.

+ Kênh thông tin Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh.

Các cơ quan tiếp nhận thông tin khác khi nhận được thông tin về sự cố tràn dầu trên đất liền, trên sông/hồ phải thông báo về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Cơ quan thường trực ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh trên đất liền, trên sông/hồ), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (đối với sự cố tràn dầu tại các khu vực biên giới trên đất liền) và Ủy ban nhân dân các huyện/thị xã/thành phố nơi có sự cố xảy ra. Lúc này, Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố chủ động huy động lực lượng tổ chức ứng phó theo Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp huyện đã được phê duyệt (trường hợp sự cố xảy ra khi Kế hoạch cấp huyện chưa được phê duyệt, các huyện/thị xã/thành phố thực hiện theo Quyết định số 133/2020/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2020 ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu và Kế hoạch cấp tỉnh đã được phê duyệt).

Trường hợp sự cố vượt quá khả năng ứng phó của huyện/thị xã/thành phố, Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chuyển sự cố từ cấp huyện thành cấp tỉnh. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hoặc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (đối với sự cố tràn dầu tại các khu vực biên giới) kiểm tra, đánh giá phạm vi, mức độ sự cố, xác thực tình hình sự cố và báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo, tổ chức ứng phó có hiệu quả.

4.1.2. Bước 2 - Vận hành cơ chế họp Ban Chỉ huy

Nhận được thông tin từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hoặc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (đối với sự cố tràn dầu tại các khu vực biên giới), Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức cuộc họp khẩn cấp, nghe cơ quan thường trực báo cáo tình hình sự cố và đề xuất phương án ứng phó phù hợp với tình hình thực tế. Đồng chí Trưởng ban kết luận, thông báo cho các lực lượng chuẩn bị sẵn sàng tham gia ứng phó.

4.1.3. Bước 3 - Thiết lập Sở Chỉ huy tại hiện trường (Sở chỉ huy phía trước)

Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) thành lập Sở Chỉ huy tại hiện trường, thành phần gồm:

- Chỉ huy trưởng: Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo chung.

- Chỉ huy hiện trường: do Đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đảm nhiệm, chỉ huy trực tiếp các lực lượng đến tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu. Riêng đối với khu vực biên giới trên đất liền do Đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh là Chỉ huy hiện trường.

- Thành viên gồm chỉ huy/lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (đối với sự cố tràn dầu tại các khu vực biên giới hoặc huy động khi cần thiết đối với sự cố tràn dầu trên sông/hồ); Công an tỉnh; các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Y tế, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố nơi xảy ra sự cố tràn dầu, đơn vị hợp đồng của tỉnh; các lực lượng phối hợp, tăng cường khác nếu được huy động...

4.1.4. Bước 4 - Tổ chức ứng phó sự cố

Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng đồng thời thực hiện công tác ứng phó theo phương án được phê duyệt, tổ chức thành 10 bộ phận sau:

4.1.4.1. Bộ phận thông báo, báo động: sau khi họp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo:

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (đối với khu vực biên giới hoặc huy động khi cần thiết đối với sự cố trên sông/hồ), Công an tỉnh, các Sở ngành liên quan, đơn vị hiệp đồng của tỉnh huy động lực lượng, phương tiện tổ chức ứng phó. Các cơ quan, đơn vị nhận được ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban, tổ chức báo động đến các lực lượng liên quan của đơn vị mình và cơ động lực lượng, phương tiện nhanh chóng đến hiện trường để tham gia ứng phó.

- Chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan thông báo, báo động về tình hình sự cố cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xảy ra sự cố biết để phối hợp ứng phó và phòng tránh ảnh hưởng.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố nơi xảy ra sự cố, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh/Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh thông báo cho các đơn vị thuộc quyền nhanh chóng đóng các công trình thủy lợi của các khu vực bị ảnh hưởng, thông báo cho các hộ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản trong khu vực có khả năng bị ảnh hưởng, để có biện pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sự cố gây ra.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan về tình hình sự cố để theo dõi và chỉ đạo.

4.1.4.2. Bộ phận chốt chặn, tuần tra, sơ tán, bảo đảm an ninh: Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (nếu huy động), Sở Giao thông vận tải, chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố, cơ sở gây sự cố tổ chức tuần tra, bảo vệ an ninh, an toàn hiện trường ứng phó sự cố tràn dầu; điều tiết, phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông khu vực xảy ra sự cố, không cho người dân và các phương tiện không phận sự đi vào, đồng thời nhanh chóng sơ tán nhân dân và phương tiện ra khỏi khu vực hiện trường xảy ra sự cố. Trong trường hợp cần thiết, có thể xác định và thiết lập khu vực hạn chế hoạt động để ưu tiên cho các hoạt động cứu nạn, cứu hộ và ứng phó sự cố tràn dầu.

4.1.4.3. Bộ phận tuyên truyền: Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố, cơ sở gây ra sự cố tràn dầu tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ và vận động nhân dân trong khu vực xảy ra sự cố ổn định tinh thần, có trách nhiệm tham gia ứng phó, khắc phục sự cố, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn về người, phương tiện, tài sản trong khu vực xảy ra sự cố.

4.1.4.4. Lực lượng tăng cường, phối hợp:

- Khi sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng tại chỗ của tỉnh, cần huy động lực lượng tăng cường thì Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Quốc phòng để điều động lực lượng Quân khu 4; Bộ Công an để điều động Trung đoàn Cảnh sát cơ động/Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (đóng quân trên địa bàn tỉnh) tăng cường hỗ trợ công tác ứng phó.

- Trường hợp sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị điều động lực lượng, phương tiện của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc và lực lượng của các tỉnh lân cận cùng tham gia ứng phó. Trong thời gian chờ Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc cơ động đến hiện trường (khoảng 04 - 05 giờ), các lực lượng của tỉnh tổ chức ứng phó với phương châm "04 tại chỗ”.

4.1.4.5. Bộ phận ứng phó sự cố tràn dầu: Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng tại chỗ của tỉnh gồm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (đối với khu vực biên giới hoặc huy động khi cần thiết đối với sự cố trên sông/hồ), Công an tỉnh, Sở, ban ngành, chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố, lực lượng dân quân tự vệ, cơ sở gây ra sự cố, đơn vị hợp đồng của tỉnh; lực lượng tăng cường, phối hợp (nếu cần thiết) tổ chức ứng phó sự cố. Các lực lượng tham gia ứng phó đảm bảo đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, sử dụng phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dụng trong ứng phó, xử lý dầu tràn, tổ chức ứng phó nhanh chóng, kịp thời hiệu quả.

- Đối với sự cố tràn dầu xảy ra trên đất liền: (1) tổ chức ngăn chặn nguồn dầu tràn: ngắt điện, tắt bơm, đóng, khóa các van, đường ống, khắc phục, chèn vá các vết rò rỉ, thủng của bể, téc, xe bồn…; (2) khoanh vùng dầu tràn: sử dụng phương tiện máy xúc, máy đào kết hợp với nhân lực tổ chức đắp bờ, đào rãnh ngăn, đào hố chứa, dùng phao quây chặn... để khoanh vùng, cô lập dầu tràn; (3) thu hồi dầu tràn: dùng bơm hút dầu, gối thấm dầu, tấm thấm dầu, bồn chứa dầu tạm... để thu hồi dầu tràn, không cho dầu tràn ngấm xuống đất cát, lan ra cống rãnh, nguồn nước mặt. Dầu thu hồi được chứa trong các bồn chứa dầu tạm hoặc vật dụng phù hợp để đưa về điểm tập kết.

- Đối với sự cố tràn dầu xảy ra trên sông/hồ: (1) tổ chức ngăn chặn nguồn dầu tràn: tắt bơm, đóng, khóa các van, khắc phục, chèn vá vết rò rỉ, thủng của tàu dầu, phương tiện thủy bị nạn…); (2) khoanh vùng dầu tràn: sử dụng tàu, cano ứng phó rải phao quây chặn dầu để khoanh vùng, cô lập dầu tràn; (3) thu hồi dầu tràn: sử dụng bơm hút dầu, gối thấm dầu, tấm thấm dầu, bồn chứa dầu tạm... để thu hồi dầu tràn, không để lan rộng ảnh hưởng đến môi trường. Trong trường hợp cần thiết, chuyển hướng di chuyển của dầu vào vùng có độ nhạy cảm thấp để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, môi trường do sự cố gây ra. Nếu phát hiện dầu tràn vượt ra khỏi phao quây (do điều kiện dòng chảy, gió), tiếp tục triển khai vòng phao quây ngoài và báo cáo Sở Chỉ huy để chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng ứng phó. Đối với trường hợp phương tiện thủy bị đắm, chìm trên sông/hồ tiềm ẩn nguy cơ tràn dầu ra môi trường nước, phải triển khai ngay phao quây chặn chủ động tại vùng nước xung quanh khu vực phương tiện thủy bị sự cố, đảm bảo nguồn lực trực sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu trong suốt quá trình từ lúc phương tiện thủy bị nạn đến lúc kết thúc hoạt động trục vớt.

4.1.4.6. Bộ phận thu gom chất thải nhiễm dầu: lực lượng tại chỗ gồm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (nếu huy động), lực lượng hợp đồng của tỉnh, cơ sở gây sự cố, chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố huy động dân quân tự vệ, nhân dân trong khu vực… cùng các phương tiện chuyên dụng, trang thiết bị phù hợp tiến hành thu gom chất thải nhiễm dầu đưa về nơi tập kết để tiến hành xử lý theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn việc thu gom, phân loại, tập kết, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải nhiễm dầu và dầu thu hồi theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

4.1.4.7. Bộ phận khắc phục hậu quả môi trường: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố hướng dẫn chủ cơ sở gây sự cố tổ chức khắc phục hậu quả và xử lý dầu thu hồi, chất thải nhiễm dầu thu gom được hoặc thuê đơn vị có chức năng xử lý theo quy định, bảo đảm sức khỏe, đời sống an toàn vệ sinh cho cộng đồng và môi trường. Đối với sự cố dầu tràn ngấm xuống dưới đất cát, đọng dưới đáy bùn, xâm nhập vào nước ngầm, cần phải xử lý ô nhiễm bảo đảm không để lại hậu quả lâu dài đối với sức khỏe người dân và môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đánh giá kết quả xử lý ô nhiễm để làm căn cứ ra quyết định kết thúc việc xử lý sự cố.

4.1.4.8. Bộ phận bảo đảm hậu cần, phương tiện cơ động: Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thương mại và cơ sở gây sự cố kịp thời cung cấp đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt cho các lực lượng tham gia ứng phó và nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố. Các lực lượng tham gia ứng phó tự bảo đảm phương tiện cơ động cho lực lượng của mình.

4.1.4.9. Bộ phận phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (nếu huy động), các cơ quan, đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố tổ chức triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực xảy ra sự cố, kể cả các nguồn lửa, nguồn nhiệt của các phương tiện, thiết bị tham gia ứng phó; hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

4.1.4.10. Bộ phận bảo đảm về y tế: Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn phối hợp với lực lượng quân y của các đơn vị tham gia ứng phó thiết lập Bệnh viện dã chiến tại nơi xảy ra sự cố (nếu cần); cử cán bộ y tế, trang thiết bị, vật tư y tế, cơ số thuốc để sơ, cấp cứu, điều trị bệnh cho nhân dân và cán bộ nhân viên làm công tác ứng phó tại hiện trường kịp thời, hiệu quả.

4.1.5. Bước 5 - Tổng hợp báo cáo kết quả ứng phó: Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo việc tổng hợp báo cáo, đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả ứng phó sự cố về Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các cơ quan liên quan theo quy định.

4.2. Tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu tại cửa sông, ven biển, trên biển

Quy trình tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu tại cửa sông, ven biển, trên biển gồm 05 bước sau:

4.2.1. Bước 1 - Tiếp nhận thông tin, đánh giá tình hình sự cố

Khi phát hiện vệt dầu trôi dạt hoặc gây ra sự cố tràn dầu tại cửa sông, ven biển, trên biển vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở, tổ chức/cá nhân phát hiện hoặc gây ra sự cố tràn dầu có trách nhiệm báo cáo lên cấp trên của mình và ít nhất một trong các đầu mối tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu sau:

+ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

+ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh là cơ quan thường trực, lực lượng nòng cốt ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh tại cửa sông, ven biển, trên biển của tỉnh.

+ Sở Tài nguyên và Môi trường.

+ Công an tỉnh.

+ Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh.

+ Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất.

+ Kênh thông tin Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh.

+ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực I.

+ Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc.

Các cơ quan tiếp nhận thông tin khác khi nhận được thông tin về sự cố tràn dầu tại cửa sông, ven biển, trên biển phải thông báo về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (cơ quan thường trực ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh tại cửa sông, ven biển, trên biển) để Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xác thực tình hình sự cố và báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo, tổ chức ứng phó có hiệu quả.

4.2.2. Bước 2 - Vận hành cơ chế họp Ban Chỉ huy

Nhận được thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh vận hành cơ chế họp khẩn cấp, nghe Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh báo cáo sự cố và đề xuất phương án ứng phó phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, thông báo cho các cơ quan, đơn vị, các lực lượng ứng phó của tỉnh (kể cả đơn vị hợp đồng của tỉnh) chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó.

4.2.3. Bước 3 - Thiết lập Sở Chỉ huy tại hiện trường (Sở chỉ huy phía trước)

Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) thành lập Sở Chỉ huy tại hiện trường, thành phần gồm:

- Chỉ huy trưởng: Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo chung.

- Chỉ huy hiện trường: do Đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đảm nhiệm, giúp Chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ huy các lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu.

- Thành viên gồm chỉ huy/lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Công an tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh; các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Y tế, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố nơi xảy ra sự cố tràn dầu, đơn vị hợp đồng của tỉnh; các lực lượng phối hợp, tăng cường khác nếu được huy động...

4.2.4. Bước 4 - Tổ chức ứng phó sự cố

Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng đồng thời thực hiện công tác ứng phó theo phương án được phê duyệt, tổ chức thành 10 bộ phận sau:

4.2.4.1. Bộ phận thông báo, báo động: sau khi họp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo:

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, Công an tỉnh, các Sở ngành liên quan, đơn vị hiệp đồng của tỉnh huy động lực lượng, phương tiện tổ chức ứng phó. Các cơ quan, đơn vị nhận được ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban, tổ chức báo động đến các lực lượng liên quan của đơn vị mình và cơ động lực lượng, phương tiện nhanh chóng đến hiện trường để tham gia ứng phó.

- Chính quyền địa phương phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh thông báo, báo động về tình hình sự cố cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xảy ra sự cố biết để phối hợp ứng phó và phòng tránh ảnh hưởng.

- Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin các khu vực nhạy cảm (theo Bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ được xây dựng, thực tế khu vực), giúp Sở Chỉ huy tại hiện trường có phương án phòng ngừa, ưu tiên bảo vệ các khu vực nhạy cảm cao.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh/Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh thông báo đóng các cửa lấy nước tại khu vực có thể bị ảnh hưởng và thông báo cho các tổ chức, các hộ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản trong khu vực sẵn sàng các phương án bảo vệ, phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do sự cố gây ra; thông báo cho các tàu thuyền xa bờ ngừng đánh bắt thủy hải sản tại khu vực có sự cố.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo cho các đoàn khách du lịch trên biển rời khỏi khu vực bị ảnh hưởng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan về tình hình sự cố để theo dõi và chỉ đạo.

4.2.4.2. Bộ phận chốt chặn, tuần tra, sơ tán, bảo đảm an ninh: Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, cơ sở gây sự cố, các lực lượng liên quan khác tổ chức tuần tra, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải khu vực xảy ra sự cố; thiết lập hành lang an toàn giao thông, công bố thông báo hàng hải khu vực biển hạn chế hoặc cấm hoạt động hàng hải. Tuyệt đối không cho các phương tiện thủy không phận sự tiến vào khu vực hiện trường sự cố, đồng thời phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ biển, các tổ, đội đánh bắt xa bờ nhanh chóng sơ tán tàu, thuyền của người dân ra khỏi khu vực.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh xác định và thiết lập khu vực hạn chế hoạt động để ưu tiên cho các hoạt động cứu nạn cứu hộ, ứng phó sự cố tràn dầu.

4.2.4.3. Bộ phận tuyên truyền: Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố, cơ sở gây sự cố tổ chức tuyên truyền cho chủ tàu, thuyền và người dân trong khu vực xảy ra sự cố ổn định tinh thần, có trách nhiệm tham gia ứng phó, khắc phục sự cố, đảm bảo an ninh, an toàn về người, phương tiện trong khu vực xảy ra sự cố.

4.2.4.4. Lực lượng tăng cường, phối hợp:

- Khi sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng tại chỗ của tỉnh, cần huy động lực lượng tăng cường thì Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải để điều động các lực lượng khu vực tham gia hỗ trợ công tác ứng phó như: Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực I.

- Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị điều động lực lượng, phương tiện của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc và lực lượng của các tỉnh lân cận cùng tham gia ứng phó. Trong thời gian chờ Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc cơ động đến hiện trường (khoảng 04 - 05 giờ), các lực lượng của tỉnh tổ chức ứng phó với phương châm “04 tại chỗ”.

4.2.4.5. Bộ phận ứng phó sự cố tràn dầu: Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng tại chỗ gồm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, công an tỉnh, cơ sở gây sự cố, đơn vị hiệp đồng của tỉnh; lực lượng tăng cường, phối hợp (nếu cần thiết) tổ chức ứng phó. Các lực lượng tham gia ứng phó sẵn sàng bảo hộ lao động, phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dụng ứng phó sự cố tràn dầu, tổ chức ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Áp dụng các giải pháp tối ưu, phù hợp với tình hình thực tế tại khu vực sự cố, biện pháp ứng phó cơ bản như sau:

- Ngăn chặn nguồn phát ra dầu tràn: lực lượng tại chỗ nhanh chóng ngăn chặn nguồn dầu tràn (tắt bơm, đóng, khóa các van, khắc phục, chèn vá các vết rò rỉ, thủng của phương tiện chứa dầu…).

- Khoanh vùng khu vực dầu tràn: lực lượng tại chỗ sử dụng tàu ứng phó tiến hành kéo phao quây chặn theo hướng đón chặn vệt dầu loang... để ngăn chặn, khống chế, khoanh vùng nguồn dầu tràn, không để lan rộng ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, xác định và dự đoán hướng dầu tràn, có phương án di chuyển vệt dầu tràn vào vùng có độ nhạy cảm thấp, hạn chế dầu lan vào các khu vực cần ưu tiên bảo vệ như cửa biển, cửa sông, vùng sinh sản tự nhiên, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, khu kinh tế... để giảm thiểu thiệt hại về hệ sinh thái, môi trường và kinh tế.

- Thu hồi dầu tràn: lực lượng tại chỗ sử dụng thiết bị bơm hút dầu, gối thấm dầu, tấm thấm dầu, bồn chứa dầu tạm... để thu hồi dầu tràn, mang về điểm tập kết được quy định.

- Nếu phát hiện dầu tràn vượt ra khỏi phao quây (do điều kiện sóng, gió), tiếp tục triển khai vòng phao quây ngoài và báo cáo Sở Chỉ huy để chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng ứng phó.

- Đối với trường hợp phương tiện thủy bị đắm, chìm, tiềm ẩn nguy cơ tràn dầu ra môi trường nước, phải triển khai ngay phao quây chặn chủ động tại vùng nước xung quanh khu vực phương tiện thủy bị sự cố, đảm bảo nguồn lực trực sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu trong suốt quá trình từ khi phát hiện sự cố cho đến lúc kết thúc an toàn hoạt động trục vớt.

4.2.4.6. Bộ phận thu gom chất thải nhiễm dầu: các lực lượng tại chỗ gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cơ sở gây sự cố, dân quân tự vệ biển, đơn vị hiệp đồng của tỉnh kết hợp với tàu thuyền hoạt động trong khu vực sử dụng các phương tiện chuyên dụng, phù hợp tiến hành thu gom chất thải nhiễm dầu đưa về nơi tập kết để vận chuyển đi xử lý theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn việc thu gom, phân loại, tập kết, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải nhiễm dầu và dầu thu hồi theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

4.2.4.7. Bộ phận khắc phục hậu quả môi trường: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố hướng dẫn cơ sở gây ra sự cố, lực lượng dân quân tự vệ biển, các đơn vị liên quan tổ chức khắc phục hậu quả và xử lý dầu, chất thải nhiễm dầu thu gom được hoặc thuê đơn vị có chức năng xử lý theo quy định. Chú trọng xử lý dầu tràn xâm nhập vào đường bờ, ngấm sâu xuống đất cát để không gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ người dân xung quanh khu vực. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đánh giá kết quả xử lý ô nhiễm để làm căn cứ ra quyết định kết thúc việc xử lý sự cố.

4.2.4.8. Bộ phận bảo đảm hậu cần, phương tiện cơ động: Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thương mại và cơ sở gây sự cố kịp thời cung cấp đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm bảo đảm sinh hoạt cho các lực lượng tham gia ứng phó và nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố. Các lực lượng tham gia ứng phó tự bảo đảm phương tiện cơ động cho lực lượng của mình.

4.2.4.9. Bộ phận phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố tổ chức triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực xảy ra sự cố, kể cả các nguồn lửa, nguồn nhiệt của các phương tiện, thiết bị tham gia ứng phó; hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

4.2.4.10. Bộ phận bảo đảm về y tế: Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn phối hợp với lực lượng quân y của các đơn vị tham gia ứng phó thiết lập Bệnh viện dã chiến tại nơi xảy ra sự cố (nếu cần); cử cán bộ y tế, trang thiết bị, vật tư y tế, cơ số thuốc để sơ, cấp cứu, điều trị bệnh cho nhân dân và cán bộ nhân viên làm công tác ứng phó tại hiện trường kịp thời, hiệu quả.

4.2.5. Bước 5 - Tổng hợp báo cáo kết quả ứng phó: Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo việc tổng hợp báo cáo, đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả ứng phó sự cố về Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các cơ quan liên quan theo quy định.

IV. DỰ KIẾN MỘT SỐ TÌNH HUỐNG CƠ BẢN VÀ BIỆN PHÁP ỨNG PHÓ, XỬ LÝ SỰ CỐ TRÀN DẦU

1. Trên đất liền

1.1. Tình huống 1: sụt lún tại bể chứa của Tổng kho xăng dầu A thuộc Công ty B gây sự cố tràn dầu

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn kéo dài, gây ra sụt lún trên một số khu vực của tỉnh. Tại Tổng kho xăng dầu A thuộc Công ty B, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nhân viên Tổng kho phát hiện sụt lún đất đá khu vực bể chứa dầu DO, làm đường ống dẫn dầu vào bể chứa bị bục vỡ, khiến dầu tràn ra khu vực xung quanh.

Ước tính trữ lượng dầu tràn khoảng 66m³, gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ cháy nổ cao. Sự cố vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở, chủ cơ sở báo cáo Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh đề nghị hỗ trợ. Đánh giá sự cố vượt quá khả năng ứng phó của thị xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh báo cáo và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh chủ trì tổ chức ứng phó sự cố, thông báo cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Cơ quan thường trực) để triển khai các hoạt động tiếp theo.

1.2. Biện pháp ứng phó

1.2.1. Bước 1. Tiếp nhận thông tin: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sau khi tiếp nhận thông tin, lập tức tổ chức lực lượng cơ động đến hiện trường để kiểm tra, xác thực tình hình sự cố, đánh giá sơ bộ phạm vi, mức độ và diễn biến sự cố; đồng thời lệnh cho Tổng kho xăng dầu A, Công ty B khắc phục nguyên nhân tràn dầu (khóa van, khắc phục vị trí bục vỡ của đường ống vào kho, chèn vá các vết nứt vỡ của bể chứa dầu DO...), quyết liệt ứng phó, ngăn chặn dầu tràn, đồng thời tổ chức lực lượng bảo vệ hiện trường, triển khai các biện pháp quan sát, cảnh báo không cho người, phương tiện không có nhiệm vụ đi vào khu vực xảy ra sự cố.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) để xin ý kiến chỉ đạo.

1.2.2. Bước 2. Vận hành cơ chế họp Ban Chỉ huy: Nhận được thông tin từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Cơ quan thường trực), Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh vận hành cơ chế họp khẩn cấp, nghe Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh báo cáo tình hình sự cố và đề xuất phương án ứng phó. Đồng thời, thông báo cho các cơ quan, đơn vị, các lực lượng ứng phó của tỉnh (kể cả lực lượng hợp đồng của tỉnh) chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó.

1.2.3. Bước 3. Thiết lập Sở Chỉ huy tại hiện trường: Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) ra Quyết định thành lập Sở Chỉ huy tại hiện trường (Sở Chỉ huy phía trước), thành phần gồm:

- Chỉ huy trưởng: Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo chung.

- Chỉ huy hiện trường: do Đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đảm nhiệm, giúp Chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ huy các lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu.

- Thành viên gồm chỉ huy/lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Công an tỉnh; các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Y tế, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh, Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (lực lượng hợp đồng của tỉnh).

1.2.4. Bước 4. Tổ chức ứng phó sự cố: Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng đồng thời thực hiện công tác ứng phó theo phương án được phê duyệt, tổ chức thành 10 bộ phận sau:

1.2.4.1. Bộ phận thông báo, báo động: Sau khi họp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo:

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các Sở, ngành liên quan, đơn vị hiệp đồng của tỉnh huy động lực lượng, phương tiện tổ chức ứng phó. Các cơ quan, đơn vị nhận được ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban, tổ chức báo động đến các lực lượng liên quan của đơn vị mình và cơ động lực lượng, phương tiện nhanh chóng đến hiện trường để tham gia ứng phó.

- Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh phối hợp với các cơ quan liên quan thông báo, báo động về tình hình sự cố cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xảy ra sự cố biết để phối hợp ứng phó và phòng tránh ảnh hưởng.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh thông báo cho các đơn vị thuộc quyền nhanh chóng đóng các công trình thủy lợi của khu vực bị ảnh hưởng, thông báo cho các hộ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong khu vực có khả năng bị ảnh hưởng, để có biện pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sự cố gây ra.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan về tình hình sự cố để theo dõi và chỉ đạo.

1.2.4.2. Bộ phận chốt chặn, tuần tra, sơ tán, bảo đảm an ninh: Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh, Công ty B tổ chức lực lượng tuần tra, bảo vệ an ninh, an toàn tại hiện trường xảy ra sự cố, không cho người và phương tiện không phận sự đi vào khu vực hiện trường, nhanh chóng sơ tán nhân dân, phương tiện, cơ sở vật chất ra khỏi khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi sự cố; thiết lập hành lang an toàn giao thông khu vực sự cố.

1.2.4.3. Bộ phận tuyên truyền: Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh, Công ty B tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong khu vực xảy ra sự cố ổn định tinh thần, có trách nhiệm tham gia ứng phó, khắc phục sự cố, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn về người, phương tiện trong khu vực xảy ra sự cố.

1.2.4.4. Lực lượng tăng cường, phối hợp:

- Khi sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng tại chỗ của tỉnh, cần huy động lực lượng tăng cường thì Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Quốc phòng để điều động lực lượng Quân khu 4; Bộ Công an để điều động Trung đoàn Cảnh sát cơ động/Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (đóng quân trên địa bàn tỉnh) tăng cường hỗ trợ công tác ứng phó.

- Trường hợp sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị điều động lực lượng, phương tiện của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc và lực lượng của các tỉnh lân cận cùng tham gia ứng phó. Trong thời gian chờ Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc cơ động đến hiện trường (khoảng 04 - 05 giờ), các lực lượng của tỉnh tổ chức ứng phó với phương châm “04 tại chỗ”.

1.2.4.5. Bộ phận ứng phó sự cố tràn dầu:

Các lực lượng tại chỗ của tỉnh gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh, Công ty B, Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (lực lượng hợp đồng của tỉnh) nhanh chóng tổ chức triển khai ứng phó. Các lực lượng tham gia ứng phó đảm bảo đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, sử dụng phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dụng trong ứng phó, xử lý dầu tràn, tổ chức ứng phó nhanh chóng, kịp thời hiệu quả. Biện pháp như sau:

- Ngăn chặn nguồn phát ra dầu tràn: Tổng kho xăng dầu A nhanh chóng đóng khóa van, khắc phục vị trí bục vỡ của đường ống dẫn dầu, chèn vá vị trí nứt, bục vỡ của bồn bể không cho hoặc hạn chế dầu tiếp tục tràn ra ngoài. Đóng hệ thống thoát nước mưa, bơm chuyển toàn bộ lượng dầu còn lại của bể gặp sự cố sang bể chứa khác hoặc phương tiện huy động.

- Khoanh vùng khu vực dầu tràn: Các lực lượng tham gia ứng phó sử dụng phương tiện (máy xúc, máy ủi,...), vật tư kết hợp với nhân lực đào rãnh, đắp bờ, sử dụng phao quây chặn dầu để ngăn chặn, khống chế, khoanh vùng nguồn dầu tràn hoặc chuyển hướng dầu tràn vào rãnh ngăn, hố chứa, hạn chế lan rộng ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là hạn chế dầu tràn thoát ra đường nước đi chung của khu vực, ra biển.

- Thu hồi dầu tràn: Các lực lượng tham gia ứng phó sử dụng thiết bị bơm hút dầu, gối thấm dầu, tấm thấm dầu, bồn chứa dầu tạm,… để thu hồi dầu tràn từ các rãnh, hố chứa tạm dầu, cống thoát nước mưa, hố ga, bể chứa hệ thống xử lý nước thải,…về bồn chứa dầu tạm thời sau đó thu gom, vận chuyển đi xử lý.

1.2.4.6. Bộ phận thu gom chất thải nhiễm dầu: lực lượng tại chỗ gồm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, lực lượng hợp đồng của tỉnh, Công ty B và Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh huy động lực lượng dân quân tự vệ, người dân địa phương trên địa bàn thị xã cùng các phương tiện chuyên dụng, tiến hành thu gom chất thải nhiễm dầu đưa về nơi tập kết để xử lý theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn việc thu gom, phân loại, tập kết, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải nhiễm dầu và dầu thu hồi theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

1.2.4.7. Bộ phận khắc phục hậu quả môi trường: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh hướng dẫn Công ty B tổ chức khắc phục hậu quả và xử lý dầu thu hồi, chất thải nhiễm dầu thu gom được hoặc thuê đơn vị có chức năng xử lý theo quy định. Tổ chức làm sạch môi trường, vệ sinh sạch sẽ khu vực nhiễm dầu, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân khu vực xảy ra sự cố. Nếu dầu tràn ngấm xuống dưới đất cát, đọng dưới đáy bùn, xâm nhập vào nước ngầm, cần phải xử lý ô nhiễm bảo đảm không để lại hậu quả lâu dài đối với sức khỏe người dân và môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá kết quả xử lý ô nhiễm, để làm căn cứ ra quyết định kết thúc việc xử lý sự cố.

1.2.4.8. Bộ phận bảo đảm hậu cần, phương tiện cơ động: Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thương mại và Công ty B kịp thời cung cấp đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt cho các lực lượng tham gia ứng phó và nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố. Các lực lượng tham gia ứng phó sự cố tự bảo đảm phương tiện cơ động cho lực lượng của mình trong quá trình ứng phó.

1.2.4.9. Bộ phận phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực xảy ra sự cố, kể cả các nguồn lửa, nguồn nhiệt của các phương tiện, thiết bị tham gia ứng phó; hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

1.2.4.10. Bộ phận bảo đảm y tế: Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn phối hợp với lực lượng quân y của các đơn vị tham gia ứng phó thiết lập bệnh viện dã chiến tại thị xã Kỳ Anh (nếu cần); có phương án tiếp nhận người bị nạn; cử cán bộ y tế, cơ số thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để sơ, cấp cứu, điều trị bệnh cho nhân dân và cán bộ nhân viên làm công tác ứng phó tại hiện trường kịp thời, hiệu quả.

1.2.5. Bước 5. Tổng hợp báo cáo kết quả ứng phó: Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo việc tổng hợp báo cáo, đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả ứng phó sự cố về Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các cơ quan liên quan theo quy định.

2. Trên sông

2.1. Tình huống 2: Sự cố tràn dầu do tàu chở hàng đâm va vào tàu chở dầu trên sông

Vào lúc 09h ngày N, xảy ra sự cố tràn dầu ở trên sông Lam đoạn qua xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nguyên nhân được xác định do tàu chở hàng của Công ty X đang di chuyển trên sông bị mất lái đâm va vào tàu chở dầu trọng tải 1.000 tấn, làm thủng vỏ tàu dầu và gây ra sự cố tràn dầu. Lượng dầu tràn ra ngoài ước tính khoảng 118 m3, nguy cơ xảy ra cháy nổ cao, ảnh hưởng đến môi trường nước và giao thông đường thủy khu vực sự cố. Thời điểm xảy ra sự cố trời nắng, gió nhẹ, dầu tràn ra hướng giữa sông, trôi về phía hạ lưu.

Sự cố không có thiệt hại về người. Nhận thấy sự cố mang tính chất nghiêm trọng, thuyền trưởng tàu dầu nhanh chóng báo cáo đơn vị chủ quản và Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu hỗ trợ. Sở Tài nguyên và Môi trường lập tức thông báo cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh biết để triển khai các công việc tiếp theo.

2.2. Biện pháp xử lý

2.2.1. Bước 1. Tiếp nhận thông tin

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sau khi tiếp nhận thông tin:

- Lệnh cho thuyền trưởng, thuyền viên của 2 tàu, Công ty X quyết liệt ứng phó, ngăn chặn dầu tràn: thuyền trưởng và các thuyền viên nhanh chóng tắt máy phương tiện, chèn vá lỗ thủng không cho hoặc hạn chế dầu tiếp tục tràn ra ngoài. Dùng tất cả phao quây chặn hiện có để quây chặn dầu theo hướng đón chặn dòng chảy, nếu thấy nguy hiểm thì lệnh cho các thuyền viên rời khỏi tàu. Tổ chức lực lượng bảo vệ hiện trường, triển khai các biện pháp quan sát, cảnh báo không cho người, phương tiện không liên quan di chuyển vào khu vực xảy ra sự cố.

- Đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành nắm bắt tình hình, dự báo diễn biến sự cố, báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo, tổ chức ứng phó có hiệu quả.

2.2.2. Bước 2. Vận hành cơ chế họp Ban Chỉ huy: nhận được thông tin về sự cố tràn dầu, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) tổ chức vận hành cơ chế họp khẩn cấp, nghe Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (cơ quan thường trực) báo cáo sự cố và đề xuất phương án ứng phó phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, thông báo cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, các Sở, ban ngành liên quan, Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (lực lượng hợp đồng của tỉnh) chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó.

2.2.3. Bước 3. Thiết lập Sở Chỉ huy tại hiện trường: Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) ra Quyết định thành lập Sở Chỉ huy tại hiện trường, thành phần gồm:

- Chỉ huy trưởng: Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo.

- Chỉ huy hiện trường: do Đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đảm nhiệm, giúp Chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ huy các lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu.

- Thành viên gồm chỉ huy/lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh; các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Y tế, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân, Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (lực lượng hợp đồng của tỉnh) đảm bảo lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

2.2.4. Bước 4. Tổ chức ứng phó sự cố

Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng đồng thời thực hiện công tác ứng phó sự cố tràn dầu theo phương án được phê duyệt, tổ chức thành 10 bộ phận sau:

2.2.4.1. Bộ phận thông báo, báo động: sau khi họp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo:

- Các lực lượng tại chỗ của tỉnh gồm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân, Công ty X, đơn vị hợp đồng của tỉnh nhanh chóng cơ động đến hiện trường tham gia ứng phó. Các cơ quan, đơn vị nhận được chỉ đạo của Trưởng ban, tổ chức báo động đến các lực lượng liên quan của đơn vị mình và cơ động lực lượng, phương tiện nhanh chóng đến hiện trường xảy ra sự cố để tham gia ứng phó.

- Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân phối hợp với các cơ quan liên quan thông báo, báo động về tình hình sự cố cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xảy ra sự cố biết để phối hợp ứng phó và phòng tránh ảnh hưởng.

- Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin các khu vực nhạy cảm (theo Bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ được xây dựng, thực tế khu vực), giúp Sở Chỉ huy tại hiện trường có phương án phòng ngừa, ưu tiên bảo vệ các khu vực nhạy cảm cao.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh thông báo cho các đơn vị thuộc quyền nhanh chóng đóng các công trình thủy lợi của các khu vực bị ảnh hưởng, thông báo cho các hộ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, khu du lịch trong khu vực sẵn sàng các phương án bảo vệ, phòng ngừa, ứng phó để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do sự cố gây ra.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo đến Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan về tình hình sự cố để theo dõi và chỉ đạo; đồng thời, thông báo cho Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An giám sát địa phận giáp ranh trên sông Lam để sớm triển khai hỗ trợ ứng phó nếu sự cố ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh Nghệ An.

2.2.4.2. Bộ phận chốt chặn, tuần tra, sơ tán, bảo đảm an ninh: Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân, Công ty X, phương tiện bị sự cố tổ chức tuần tra, bảo vệ an ninh, an toàn; điều tiết, phân luồng giao thông tại hiện trường; cảnh báo không cho người, phương tiện không phận sự đi vào khu vực xảy ra sự cố tràn dầu, nhanh chóng sơ tán phương tiện và người dân ra khỏi khu vực hiện trường sự cố, thiết lập hành lang an toàn giao thông đường thủy khu vực xảy ra sự cố.

Trong trường hợp cần thiết, có thể xác định và thiết lập khu vực hạn chế hoạt động để ưu tiên cho các hoạt động cứu nạn cứu hộ và ứng phó sự cố tràn dầu.

2.2.4.3. Bộ phận tuyên truyền: Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân, Công ty X tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ, chủ tàu, thuyền, người dân trong khu vực xảy ra sự cố ổn định tinh thần, có trách nhiệm tham gia ứng phó, khắc phục sự cố, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn về người, phương tiện trong khu vực xảy ra sự cố.

2.2.4.4. Lực lượng tăng cường, phối hợp:

- Khi sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng tại chỗ của tỉnh, cần huy động lực lượng tăng cường thì Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Quốc phòng để điều động lực lượng Quân khu 4; Bộ Công an để điều động Trung đoàn Cảnh sát cơ động/Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (đóng quân trên địa bàn tỉnh) tăng cường hỗ trợ công tác ứng phó.

- Trường hợp sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị điều động lực lượng, phương tiện của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc và lực lượng của các tỉnh lân cận cùng tham gia ứng phó. Trong thời gian chờ Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc cơ động đến hiện trường (khoảng 04 - 05 giờ), các lực lượng của tỉnh tổ chức ứng phó với phương châm “04 tại chỗ”.

2.2.4.5. Bộ phận ứng phó sự cố tràn dầu

Lực lượng tại chỗ của tỉnh gồm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các cơ quan/đơn vị liên quan, Công ty X, phương tiện bị sự cố, đơn vị hiệp đồng của tỉnh cùng các lực lượng tăng cường (nếu cần thiết) tổ chức ứng phó. Các lực lượng tham gia ứng phó đảm bảo đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, sử dụng phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dụng trong xử lý dầu tràn, tổ chức ứng phó nhanh chóng, kịp thời hiệu quả. Biện pháp ứng phó như sau:

- Ngăn chặn nguồn phát ra dầu tràn: thuyền trưởng chỉ đạo các thuyền viên phối hợp với các lực lượng ứng phó khác nhanh chóng khắc phục, chèn vá vị trí hư hỏng, rò rỉ, thủng của phương tiện bị sự cố; huy động thêm tàu, bể chứa dầu cơ động triển khai trên mặt nước để hút chuyển toàn bộ lượng dầu còn lại trong phương tiện bị sự cố ra ngoài, vận chuyển về điểm tập kết, hạn chế nguồn phát ra dầu tràn.

- Khoanh vùng khu vực dầu tràn: các lực lượng tham gia ứng phó sử dụng tàu ứng phó rải phao quây chặn dầu xung quanh phương tiện bị sự cố, đón đầu hướng dòng chảy... để ngăn chặn, khoanh vùng nguồn dầu tràn, chuyển hướng di chuyển của vệt dầu về vùng có độ nhạy cảm thấp để hạn chế tối đa việc lan rộng ảnh hưởng đến môi trường.

- Thu hồi dầu tràn: lực lượng tham gia ứng phó sử dụng thiết bị bơm hút dầu, gối thấm dầu, tấm thấm dầu, bồn chứa dầu tạm… để thu hồi dầu tràn, vận chuyển vào bờ tập kết.

- Nếu phát hiện dầu tràn vượt ra khỏi phao quây (do điều kiện dòng chảy, gió), tiếp tục triển khai vòng phao quây ngoài và báo cáo Sở Chỉ huy tại hiện trường để chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng ứng phó.

- Tàu chở hàng không bị hư hại bộ phận chứa nhiên liệu, ko có khả năng xảy ra tràn dầu trên sông, được di chuyển ra khỏi khu vực sự cố.

2.2.4.6. Bộ phận thu gom chất thải nhiễm dầu: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công ty X, lực lượng hợp đồng của tỉnh kết hợp Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân huy động tàu thuyền hoạt động trong khu vực, cùng các phương tiện chuyên dụng tiến hành thu gom chất thải nhiễm dầu đưa về nơi tập kết để tiến hành xử lý theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn việc thu gom, phân loại, tập kết, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải nhiễm dầu và dầu thu hồi theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

2.2.4.7. Bộ phận khắc phục hậu quả môi trường: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân hướng dẫn Công ty X tổ chức khắc phục hậu quả và xử lý dầu, chất thải nhiễm dầu thu gom được hoặc thuê đơn vị có chức năng xử lý theo quy định. Xử lý dầu nhiễm vào bờ, ngấm vào đất. Tổ chức làm sạch môi trường, vệ sinh sạch sẽ khu vực nhiễm dầu, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân khu vực xảy ra sự cố. Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá kết quả xử lý ô nhiễm để làm căn cứ ra quyết định kết thúc việc xử lý sự cố.

- Triển khai các hoạt động thu gom ven sông như sau:

+ Trường hợp dầu chưa bị phong hóa: Các lực lượng tại chỗ của tỉnh gồm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đơn vị hiệp đồng của tỉnh, Công ty X, Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân điều động lực lượng dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, học sinh, người dân tổ chức thành các đội, nhóm nhỏ, sử dụng dụng cụ thô sơ (cuốc, xô, ca, xẻng, vợt vớt dầu tràn…), dùng các vật liệu có khả năng thấm hút (tấm thấm dầu, xơ dừa, rơm rạ...) thấm hút tại các bẫy dầu, sau đó gom vào các thiết bị, vật dụng chứa chất thải nguy hại, để đem đi xử lý theo quy định. Tổ chức lực lượng phun rửa, thu thồi dầu bám dính ở bờ kè, bờ sông.

+ Trường hợp dầu đã bị phong hóa: Các lực lượng tại chỗ của tỉnh gồm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đơn vị hiệp đồng của tỉnh, Công ty X, Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân huy động dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, học sinh, người dân tổ chức lực lượng thành các đội, nhóm nhỏ, sử dụng những dụng cụ thô sơ (cuốc, xô, xẻng,…) thu gom dầu vào bao hoặc các vật chứa không bị thấm nước, toàn bộ công đoạn này phải cố gắng thực hiện trước khi trời nắng to. Thu gom bằng phương pháp cuốn chiếu, từ ngoài mép nước vào trong bờ, tập kết lên những vị trí có địa hình cao mà sóng nước không tới được.

- Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân hướng dẫn Công ty X huy động phương tiện vận chuyển dầu thu hồi, chất thải nhiễm dầu thu gom được về các vị trí tập kết và tiến hành xử lý dầu thu hồi, chất thải nhiễm dầu hoặc thuê đơn vị có chức năng xử lý theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/0/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

2.2.4.8. Bộ phận bảo đảm hậu cần, phương tiện cơ động: Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thương mại và Công ty X kịp thời cung cấp đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt cho các lực lượng tham gia ứng phó và nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố. Các lực lượng tham gia ứng phó tự bảo đảm phương tiện cơ động cho lực lượng của mình.

2.2.4.9. Bộ phận phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện Nghi Xuân và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực xảy ra sự cố, kể cả các nguồn lửa, nguồn nhiệt của các phương tiện, thiết bị tham gia ứng phó; hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2.2.4.10. Bộ phận bảo đảm y tế: Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn phối hợp với lực lượng quân y của các đơn vị tham gia ứng phó cử cán bộ y tế, cơ số thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để sơ, cấp cứu, điều trị bệnh cho nhân dân và cán bộ nhân viên làm công tác ứng phó tại hiện trường kịp thời, hiệu quả.

2.2.5. Bước 5. Tổng hợp báo cáo kết quả ứng phó: Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo việc tổng hợp báo cáo, đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả ứng phó sự cố về Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các cơ quan liên quan theo quy định.

3. Trên biển

3.1. Tình huống 3: Sự cố tràn dầu không rõ nguyên nhân trên biển thuộc xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên

Khi đang đánh bắt cá trên vùng biển gần bờ tại địa bàn xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, ngư nhân phát hiện vệt dầu trôi dạt không đồng nhất, có chỗ dầu còn tươi từng mảng, có chỗ dầu vón cục đã phong hóa. Dầu trôi dạt có nguy cơ đi sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến khu vực nuôi trồng thủy sản, khu du lịch biển, khu dân cư ven biển của xã Cẩm Nhượng và các xã lân cận.

Ngay sau khi phát hiện sự cố, ngư dân đã nhanh chóng thông báo cho Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên. Nhận thấy sự cố có tính chất phức tạp, Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên đã chuyển tiếp thông tin về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để nắm bắt tình hình sự cố và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo; đồng thời huy động lực lượng tại chỗ của địa phương nhanh chóng có mặt tại hiện trường để hỗ trợ ứng phó.

Thời điểm xảy ra sự cố trời nắng nhẹ, gió thổi theo hướng Tây Nam với tốc độ 1,6 mét/giây; thủy triều xuống với tốc độ 0,2 mét/giây. Lượng dầu tràn ước tính khoảng 100 tấn.

3.2. Biện pháp xử lý

3.2.1. Bước 1. Tiếp nhận thông tin:

Ngay sau khi nhận được thông tin từ Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tiến hành xác thực thông tin, nắm tình hình sự cố như: vị trí dầu tràn, lượng dầu tràn, các yếu tố về dòng chảy, số liệu khí tượng thủy văn biển và dự báo thời gian, lượng dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào khu vực nhạy cảm,… báo cáo Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để chỉ đạo, tổ chức ứng phó.

Đồng thời Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phát thông báo cho các tàu, thuyền hoạt động xung quanh khu vực đến hỗ trợ, tổ chức lực lượng bảo vệ hiện trường, triển khai các biện pháp quan sát, cảnh báo không cho người, phương tiện di chuyển vào khu vực xảy ra sự cố; đồng thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh).

3.2.2. Bước 2. Vận hành cơ chế họp Ban Chỉ huy:

Nhận được thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức vận hành cơ chế họp khẩn cấp, nghe Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (cơ quan thường trực ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh tại cửa sông, ven biển, trên biển) báo cáo tình hình sự cố và đề xuất phương án ứng phó. Trưởng ban (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, đơn vị hợp đồng của tỉnh chủ động triển khai lực lượng, phương tiện có mặt ngay tại hiện trường để tổ chức ứng phó.

3.2.3. Bước 3. Thiết lập Sở Chỉ huy tại hiện trường: Trưởng ban Chỉ huy

Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) ra Quyết định thành lập Sở Chỉ huy tại hiện trường, thành phần gồm:

- Chỉ huy trưởng: Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo.

- Chỉ huy hiện trường: do Đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đảm nhiệm, giúp Chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ huy các lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu.

- Thành viên gồm chỉ huy/lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, Công an tỉnh; các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Y tế, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên, lực lượng hợp đồng của tỉnh đảm bảo lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

3.2.4. Bước 4. Tổ chức ứng phó: Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng đồng thời thực hiện công tác ứng phó theo phương án được phê duyệt, tổ chức thành 10 bộ phận sau:

3.2.4.1. Bộ phận thông báo, báo động: Sau khi họp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo:

- Các lực lượng tại chỗ gồm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên, đơn vị hợp đồng của tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan khác cơ động lực lượng, phương tiện tổ chức ứng phó. Các cơ quan, đơn vị nhận được chỉ đạo của Trưởng ban, tổ chức báo động đến các lực lượng liên quan của đơn vị mình và cơ động lực lượng, phương tiện đến hiện trường tham gia ứng phó.

- Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh thông báo, báo động về tình hình sự cố cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xảy ra sự cố biết để phối hợp ứng phó và phòng tránh ảnh hưởng.

- Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin các khu vực nhạy cảm (theo Bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ được xây dựng, thực tế khu vực), giúp Sở Chỉ huy tại hiện trường có phương án phòng ngừa, ưu tiên bảo vệ các khu vực nhạy cảm cao.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên thông báo đóng các cửa lấy nước tại khu vực có thể bị ảnh hưởng và thông báo cho các tổ chức, các hộ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong khu vực sẵn sàng phương án bảo vệ, phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do sự cố gây ra; thông báo cho các tàu thuyền ngừng đánh bắt hải sản tại khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố;

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo cho các đoàn khách du lịch trên biển rời khỏi khu vực bị ảnh hưởng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan về tình hình sự cố để theo dõi và chỉ đạo.

3.2.4.2. Bộ phận chốt chặn, tuần tra, sơ tán, bảo đảm an ninh: Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, lực lượng dân quân biển, các tàu thuyền, tổ đội ngư dân hoạt động xung quanh khu vực sự cố và các lực lượng liên quan khác tổ chức tuần tra trên biển để xác định vùng bị ảnh hưởng; đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải khu vực xảy ra sự cố; thiết lập hành lang an toàn giao thông, công bố thông báo hàng hải khu vực tràn dầu; nhanh chóng sơ tán tàu thuyền và người dân không phận sự ra khỏi khu vực xảy ra sự cố.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh xác định và thiết lập khu vực hạn chế hoạt động để ưu tiên cho các hoạt động cứu nạn cứu hộ, ứng phó sự cố tràn dầu và đề xuất Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh xem xét, quyết định để triển khai thực hiện.

3.2.4.3. Bộ phận tuyên truyền: Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh,... tổ chức tuyên truyền cho các chủ tàu, thuyền, chiến sĩ và người dân trong khu vực xảy ra sự cố ổn định tinh thần, có trách nhiệm tham gia ứng phó, khắc phục sự cố, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn về người, phương tiện trong khu vực xảy ra sự cố.

3.2.4.4. Lực lượng tăng cường, phối hợp:

- Khi sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng tại chỗ của tỉnh, cần huy động lực lượng tăng cường thì Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải để điều động các lực lượng khu vực tham gia hỗ trợ công tác ứng phó như: Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực I.

- Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị điều động lực lượng, phương tiện của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc và lực lượng của các tỉnh lân cận cùng tham gia ứng phó. Trong thời gian chờ Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc cơ động đến hiện trường (khoảng 04 - 05 giờ), các lực lượng của tỉnh tổ chức ứng phó với phương châm “04 tại chỗ”.

3.2.4.5. Bộ phận ứng phó sự cố tràn dầu:

Lực lượng tại chỗ gồm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, Công an tỉnh, dân quân tự vệ biển, đơn vị hiệp đồng của tỉnh; lực lượng tăng cường, phối hợp (nếu cần thiết) bảo đảm đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, phương tiện, thiết bị và vật tư chuyên dụng trong xử lý dầu tràn, nhanh chóng cơ động đến hiện trường tổ chức ứng phó, biện pháp như sau:

- Ngăn chặn nguồn phát ra dầu tràn: một bộ phận từ các lực lượng của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, Công an tỉnh, dân quân tự vệ biển truy tìm nguồn phát ra dầu tràn ở xung quanh khu vực hiện trường nhằm ngăn chặn, hạn chế dầu tiếp tục tràn ra ngoài.

- Khoanh vùng khu vực dầu tràn: lực lượng ứng phó sử dụng tàu ứng phó tiến hành kéo phao quây chặn theo hướng đón chặn vệt dầu loang,... để ngăn chặn, khống chế, khoanh vùng nguồn dầu tràn, không để lan rộng ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, xác định và dự đoán hướng dầu tràn, có phương án di chuyển vệt dầu tràn vào vùng có độ nhạy cảm thấp, hạn chế dầu lan vào các khu vực cần ưu tiên bảo vệ như cửa biển, cửa sông, vùng sinh sản tự nhiên, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, khu du lịch, khu nuôi trồng thủy hải sản,... để giảm thiểu thiệt hại về hệ sinh thái, môi trường và kinh tế.

- Thu hồi dầu tràn: lực lượng ứng phó sử dụng thiết bị bơm hút dầu, gối thấm dầu, tấm thấm dầu, bồn chứa dầu cơ động triển khai dưới nước... để thu hồi dầu tràn, mang về điểm tập kết được quy định.

- Nếu phát hiện dầu tràn vượt ra khỏi phao quây (do điều kiện sóng, gió), tiếp tục triển khai vòng phao quây ngoài và báo cáo Sở Chỉ huy tại hiện trường để chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng ứng phó.

3.2.4.6. Bộ phận thu gom chất thải nhiễm dầu: các lực lượng tại chỗ gồm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên huy động dân quân tự vệ biển, đơn vị hợp đồng của tỉnh phối hợp với các cơ sở dịch vụ, tàu thuyền, tổ đội đánh bắt xa bờ sử dụng các phương tiện chuyên dụng tiến hành thu gom chất thải nhiễm dầu đưa về nơi tập kết để vận chuyển, xử lý theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn việc thu gom, phân loại, tập kết, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải nhiễm dầu và dầu thu hồi theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

3.2.4.7. Bộ phận khắc phục hậu quả môi trường: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, hướng dẫn Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đơn vị hợp đồng của tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên huy động dân quân tự vệ, người dân… tổ chức khắc phục hậu quả, thuê đơn vị có chức năng xử lý dầu, chất thải nhiễm dầu thu gom được theo quy định. Xử lý dầu nhiễm vào bờ, ngấm vào đất, cát (nếu có). Tổ chức làm sạch môi trường, vệ sinh sạch sẽ khu vực nhiễm dầu, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân khu vực xảy ra sự cố. Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá kết quả xử lý ô nhiễm để làm căn cứ ra quyết định kết thúc việc xử lý sự cố.

- Triển khai các hoạt động thu gom ven bờ (nếu dầu dạt vào bờ):

+ Trường hợp dầu chưa bị phong hóa: các lực lượng tại chỗ gồm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đơn vị hợp đồng của tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên huy động lực lượng dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, học sinh, người dân,… tổ chức thành các đội, nhóm nhỏ, sử dụng những dụng cụ thô sơ (cuốc, xẻng, xô, vợt vớt dầu…) thu gom dầu dạt vào bờ. Dùng các vật liệu có khả năng thấm hút như: tấm thấm dầu, xơ dừa, rơm rạ,... thấm hút tại các bẫy dầu sau đó gom lại chứa vào các thiết bị, vật dụng chứa chất thải nguy hại để xử lý theo quy định. Nếu dầu bám vào các bờ kè, bờ đá tổ chức lực lượng phun rửa, thu thồi dầu bám dính.

+ Trường hợp dầu đã bị phong hóa: các lực lượng tại chỗ gồm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đơn vị hợp đồng của tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên huy động lực lượng dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, học sinh, người dân, sinh viên tình nguyện… tổ chức thành các đội, nhóm nhỏ, sử dụng những dụng cụ thô sơ (cuốc, xẻng, xô, ca…) thu gom dầu trên bờ vào bao hoặc các vật chứa không bị thấm nước, toàn bộ công đoạn này phải thực hiện trước khi trời nắng mạnh. Thu gom bằng phương pháp cuốn chiếu từ ngoài mép nước vào trong bờ, tập kết lên những vị trí có địa hình cao mà sóng và thủy triều không tới được.

- Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển dầu thu hồi, chất thải nhiễm dầu về các vị trí tập kết và thuê đơn vị có chức năng xử lý theo quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3.2.4.8. Bộ phận bảo đảm hậu cần, phương tiện cơ động: Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thương mại trên địa bàn kịp thời cung cấp đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt cho các lực lượng tham gia ứng phó và người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố. Các lực lượng tham gia ứng phó tự bảo đảm phương tiện cơ động cho lực lượng của mình.

3.2.4.9. Bộ phận phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực xảy ra sự cố, kể cả các nguồn lửa, nguồn nhiệt của các phương tiện, thiết bị tham gia ứng phó; hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

3.2.4.10. Bộ phận đảm bảo y tế: Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn phối hợp với lực lượng quân y của các đơn vị tham gia ứng phó thiết lập Bệnh viện dã chiến tại huyện Cẩm Xuyên (nếu cần); cử cán bộ y tế, cơ số thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để sơ, cấp cứu, điều trị bệnh cho nhân dân và cán bộ nhân viên làm công tác ứng phó tại hiện trường kịp thời, hiệu quả.

3.2.5. Bước 5. Tổng hợp báo cáo kết quả ứng phó: Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo việc tổng hợp báo cáo, đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả ứng phó sự cố về Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các cơ quan liên quan theo quy định.

V. NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN VÀ ĐƠN VỊ

1. Nhiệm vụ chung

- Các cơ quan, đơn vị chủ động tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh Hà Tĩnh được Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt; Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dụng; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu.

- Duy trì nghiêm chế độ trực 24/24, kịp thời tiếp nhận xử lý, ứng phó các tình huống sự cố tràn dầu xảy ra trên địa bàn tỉnh.

- Lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và của cấp trên.

2. Nhiệm vụ cụ thể

2.1. Ủy ban nhân dân tỉnh

- Chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và các cơ sở có hoạt động liên quan đến xăng dầu triển khai thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh Hà Tĩnh đã được Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt; Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

- Phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho các huyện/thị xã/thành phố, và cơ sở hoạt động liên quan đến xăng dầu trên địa bàn tỉnh theo quy định.

- Chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các Sở, ngành, lực lượng nòng cốt, lực lượng tham gia tổ chức ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống tràn dầu cấp tỉnh xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh.

- Bảo đảm ngân sách cho đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư ứng phó sự cố tràn dầu; bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu; diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh; bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên cho Ban chỉ huy và các cơ quan thường trực trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu.

- Bảo đảm kinh phí chi trả cho các lực lượng được tỉnh huy động tham gia ứng phó sự cố tràn dầu bằng nguồn kinh phí bồi thường thiệt hại của bên gây ra sự cố hoặc nguồn ngân sách cấp tỉnh đối với các sự cố không rõ đối tượng gây ra sự cố hoặc bên gây ra sự cố không có khả năng chi trả.

- Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các báo đài của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường và phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh.

- Khi sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các Bộ, ngành liên quan để điều động lực lượng, phương tiện đến tham gia, hỗ trợ ứng phó.

- Trường hợp sự cố tràn dầu xảy ra trên địa bàn của tỉnh có nguy cơ hoặc lan sang địa bàn các tỉnh khác, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh thông báo cho Ủy ban nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng để giám sát, phối hợp ứng phó; thông báo cho người dân trong vùng, khu vực bị ảnh hưởng hoặc có khả năng bị ảnh hưởng về sự cố tràn dầu để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả. Đồng thời báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để chuẩn bị phương án hỗ trợ khi cần thiết.

- Báo cáo định kỳ hàng năm, đột xuất kết quả thực hiện công tác ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn theo quy định.

2.2. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh

- Ban Chỉ huy Phòng,3 chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh là đầu mối chủ trì giúp Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành tổ chức ứng phó kịp thời, hiệu quả các sự cố tràn dầu cấp tỉnh xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh là một trong các đầu mối tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu xảy ra trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm duy trì chế độ trực 24/24 giờ, báo cáo kịp thời Trưởng ban chỉ huy (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) và thông báo đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (đối với sự cố trên đất liền, trên sông/hồ) hoặc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (đối với sự cố trên biển, ven biển, cửa sông, khu vực biên giới trên đất liền) để triển khai công tác ứng phó.

- Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu đề xuất, xây dựng các phương án ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh theo phân công.

- Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các Sở ngành, đơn vị thuộc quyền và nắm chắc các lực lượng thuộc các Bộ, ngành đóng quân trên địa bàn tỉnh để huy động (khi cần thiết) tham gia ứng phó các sự cố tràn dầu cấp tỉnh xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

- Chủ động linh hoạt tổ chức ứng phó sát với tình huống, tình hình thực tiễn kịp thời và hiệu quả.

- Chỉ đạo định hướng, cung cấp kịp thời các thông tin về sự cố tràn dầu cho các cơ quan, đơn vị truyền thông của Trung ương và địa phương.

- Hàng năm sơ, tổng kết đánh giá công tác ứng phó sự cố tràn dầu, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh và các chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

2.3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Là cơ quan thường trực, lực lượng nòng cốt giúp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh trên biển, ven biển, cửa sông và khu vực biên giới trên đất liền.

- Tham mưu đề xuất các phương án ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh trên biển, ven biển, cửa sông và khu vực biên giới trên đất liền báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) xem xét, phê duyệt.

- Là đầu mối cuối cùng tiếp nhận, xác thực, xử lý thông tin về sự cố tràn dầu trên biển, ven biển, cửa sông và khu vực biên giới trên đất liền; duy trì nghiêm chế độ trực 24/24 giờ, nắm chắc mọi tình hình sự cố tràn dầu báo cáo kịp thời cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (Trưởng ban Chỉ huy) cho ý kiến chỉ đạo tổ chức ứng phó.

- Chủ trì điều động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư tổ chức ứng phó kịp thời các sự cố tràn dầu cấp tỉnh xảy ra trên biển, ven biển, cửa sông và khu vực biên giới trên đất liền theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Hàng năm lập dự toán ngân sách trực tiếp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến chỉ đạo bố trí vốn đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dụng bảo đảm cho lực lượng nòng cốt của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo Kế hoạch đã được phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh không quá 03 năm một lần, để nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy, phối hợp, hiệp đồng trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các cơ sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

- Báo cáo định kỳ hàng năm, đột xuất về công tác ứng phó sự cố tràn dầu trên biển, ven biển, cửa sông và biên giới trên đất liền về Ủy ban nhân dân tỉnh và cấp trên quản lý.

- Ngoài ra, thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

2.4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Là cơ quan thường trực, lực lượng nòng cốt giúp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh trên đất liền và trên sông/hồ.

- Tham mưu đề xuất các phương án ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh trên đất liền và trên sông/hồ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) xem xét, phê duyệt.

- Là đầu mối cuối cùng tiếp nhận, xác thực, xử lý thông tin về sự cố tràn dầu trên đất liền, trên sông/hồ trên địa bàn tỉnh; duy trì nghiêm chế độ trực 24/24 giờ, nắm chắc mọi tình hình sự cố tràn dầu báo cáo kịp thời cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (Trưởng ban Chỉ huy) cho ý kiến chỉ đạo tổ chức ứng phó.

- Điều động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư tổ chức ứng phó kịp thời các sự cố tràn dầu cấp tỉnh xảy ra trên đất liền, trên sông/hồ.

- Hàng năm lập dự toán ngân sách trực tiếp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến chỉ đạo bố trí vốn đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dụng bảo đảm cho lực lượng nòng cốt của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh theo Kế hoạch đã được phê duyệt.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức diễn tập Phòng thủ dân sự kết hợp lồng ghép với tình huống ứng phó sự cố tràn dầu để nâng cao công tác phối hợp, hiệp đồng trong ứng phó sự cố tràn dầu.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các cơ sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

- Báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác ứng phó sự cố tràn dầu trên đất liền, trên sông/hồ về Ủy ban nhân dân tỉnh và cấp trên quản lý.

- Ngoài ra, thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

2.5. Công an tỉnh

- Là đơn vị chuyên trách quản lý nhà nước về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tham mưu đề xuất các phương án phòng cháy chữa cháy - cứu nạn, cứu hộ trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định và tổ chức triển khai thực hiện.

- Tiếp nhận thông tin về phòng cháy chữa cháy và sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh. Duy trì nghiêm chế độ trực 24/24 giờ, nắm chắc mọi tình hình về công tác phòng cháy chữa cháy và sự cố tràn dầu báo cáo kịp thời lên cấp trên và thông báo cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (đối với sự cố trên đất liền, trên sông/hồ) hoặc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (đối với sự cố trên biển, ven biển, cửa sông, khu vực biên giới) để triển khai ứng phó theo nhiệm vụ.

- Chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông theo chức năng nhiệm vụ được cấp trên giao.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các cơ sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

- Tham gia các đoàn kiểm tra của tỉnh đối với các cơ sở, dự án có hoạt động liên quan đến xăng dầu về việc chấp hành các quy định của nhà nước và Ủy ban nhân dân tỉnh trong lĩnh vực xăng dầu.

- Hàng năm tổ chức các cuộc diễn tập phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kết hợp với tình huống ứng phó, xử lý sự cố tràn dầu để nâng cao năng lực trong công tác phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng tham gia ứng phó.

- Hàng năm lập dự toán ngân sách báo cáo trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến chỉ đạo để bố trí vốn đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dụng nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng tham gia ứng phó theo Kế hoạch đã được phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố tràn dầu làm cơ sở truy cứu trách nhiệm và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan yêu cầu bắt buộc hoặc cưỡng chế bên gây ra sự cố tràn dầu bồi thường thiệt hại theo quy định.

- Ngoài ra, thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an.

2.6. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Là cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tham mưu đề xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu và bảo vệ môi trường.

- Là một trong các đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin về sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh, thông báo kịp thời đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (đối với sự cố trên đất liền, trên sông/hồ) hoặc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (đối với sự cố trên biển, ven biển, cửa sông, khu vực biên giới trên đất liền) để triển khai các công việc tiếp theo.

- Hướng dẫn các huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh và các cơ sở có hoạt động liên quan đến xăng dầu xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành và các đơn vị có liên quan thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các cơ sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

- Định kỳ tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ quản lý và các cơ sở hoạt động liên quan đến xăng dầu trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn các văn bản quy định của nhà nước và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát các cơ sở triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh.

- Cung cấp thông tin các khu vực nhạy cảm (theo Bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ được xây dựng, thực tế khu vực) giúp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh có phương án phòng ngừa, ưu tiên bảo vệ các khu vực nhạy cảm cao.

- Tham mưu, hướng dẫn, giám sát các hoạt động thu gom, quản lý, xử lý chất thải nhiễm dầu tại hiện trường; bảo vệ môi trường trong khắc phục và làm sạch đường bờ; phục hồi môi trường sau sự cố tràn dầu; hướng dẫn các cơ quan, địa phương, đơn vị sử dụng danh mục chất phân tán được phép sử dụng trên biển để ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định.

- Chỉ đạo đơn vị có chức năng quan trắc đánh giá chất lượng đất, nước và không khí xung quanh khu vực xảy ra sự cố để có những khuyến cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến chỉ đạo. Đánh giá kết quả xử lý sự cố làm căn cứ ra quyết định kết thúc hoạt động xử lý và phục hồi môi trường sau sự cố.

- Phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu xảy ra trên địa bàn tỉnh, đánh giá thiệt hại, tác động ảnh hưởng đến môi trường do sự cố tràn dầu gây ra.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Công an tỉnh, Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan yêu cầu bắt buộc hoặc cưỡng chế bên gây ra sự cố tràn dầu bồi thường thiệt hại theo quy định.

- Tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng năm, đột xuất kết quả thực hiện công tác ứng phó sự cố tràn dầu về Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

- Ngoài ra, thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2.7. Sở Công Thương

- Là cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương trong đó có lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các cơ sở, dự án, phương tiện kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm quy định của nhà nước về phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu và bảo vệ môi trường.

- Là một trong các đầu mối tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu trên đất liền, trên sông/hồ trên địa bàn tỉnh, thông báo kịp thời đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để triển khai các công việc tiếp theo.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các cơ sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

- Tham gia đoàn kiểm tra của tỉnh đối với các cơ sở, dự án có hoạt động liên quan đến xăng dầu về việc chấp hành các quy định của nhà nước và Ủy ban nhân dân tỉnh trong lĩnh vực xăng dầu.

- Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thương mại và cơ sở gây sự cố bảo đảm kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các lực lượng tham gia ứng phó sự cố và nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố.

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan xác định nguyên nhân gây ra sự cố tràn dầu, yêu cầu bắt buộc hoặc cưỡng chế bên gây ra sự cố tràn dầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Ngoài ra, thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương.

2.8. Sở Giao thông vận tải

- Là cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải, chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, cơ sở thuộc phạm vi quản lý triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh và chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu.

- Là một trong các đầu mối tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu trên đất liền, trên sông/hồ trên địa bàn tỉnh, thông báo kịp thời đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để triển khai các công việc tiếp theo.

- Hướng dẫn các cảng thủy nội địa, phương tiện thủy nội địa có hoạt động liên quan đến xăng dầu xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định và triển khai thực hiện có hiệu quả.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng và thực hiện phương án điều tiết, phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, an toàn giao thông đường bộ khu vực xảy ra sự cố tràn dầu.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

- Điều động phương tiện thuộc quyền quản lý tham gia cứu nạn, cứu hộ và ứng phó sự cố tràn dầu khi có yêu cầu.

- Chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm trong tỉnh nâng cao công tác kiểm định theo quy định bảo đảm điều kiện an toàn cho các phương tiện vận chuyển xăng dầu, phương tiện thủy theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

- Ngoài ra, thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải.

2.9. Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh

- Là cơ quan trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển và khu vực biển của tỉnh, có trách nhiệm hướng dẫn cho các tổ chức, chủ phương tiện chấp hành nghiêm các quy định về an toàn, an ninh hàng hải, phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu và có trách nhiệm chung tay bảo vệ môi trường biển.

- Là một trong các đầu mối tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu trên biển, ven biển, cửa sông trên địa bàn tỉnh, thông báo kịp thời đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để triển khai các công việc tiếp theo.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cảng biển, cơ sở hoạt động trong vùng biển thuộc trách nhiệm quản lý để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

- Chủ trì kiểm tra, giám sát các cảng và các phương tiện hoạt động trong vùng biển được giao quản lý thực hiện nghiêm túc kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và thực hiện phương án điều tiết giao thông bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh trật tự khu vực xảy ra sự cố. Thiết lập hệ thống biển báo, cảnh báo và công bố thông báo hàng hải về khu vực biển hạn chế hoặc cấm hoạt động hàng hải khu vực xảy ra sự cố tràn dầu cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hàng hải.

- Khẩn trương điều động phương tiện tham gia lai dắt, cứu nạn cứu hộ, ứng phó sự cố tràn dầu, đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan tham gia giám sát hoạt động cứu nạn cứu hộ, ứng phó sự cố tràn dầu trong khu vực quản lý hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

- Trong trường hợp sự cố tràn dầu có nhiều tàu gây ra tại cảng biển và khu vực quản lý được giao, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh phối hợp với Chỉ huy hiện trường để chỉ đạo các tàu phối hợp đồng bộ tổ chức ứng phó, khắc phục hậu quả.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tại địa phương tiến hành giám sát, đánh giá tình hình công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu tại cảng biển và khu vực quản lý được giao;

- Tạm giữ tàu để phục vụ điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu mà việc tạm giữ là cần thiết để phục vụ công tác điều tra trên cơ sở thống nhất của các cơ quan chức năng quản lý địa bàn.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý trên địa bàn thực hiện điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu do các tàu gây ra trong vùng nước thuộc quyền quản lý.

- Ngoài ra, thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh và chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Hàng hải Việt Nam.

2.10. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Là cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, chịu trách nhiệm rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn cho các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền và các tàu cá, tàu hậu cần nghề cá chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan thông báo cho các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý đang thi công, xây dựng các công trình tu bổ đê, kè phòng ngừa các nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu; nhanh chóng đóng các công trình thủy lợi của các khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố tràn dầu; thông báo cho các hộ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản trong khu vực có khả năng bị ảnh hưởng để có biện pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sự cố gây ra; không đánh bắt thủy hải sản tại khu vực bị ảnh hưởng; có trách nhiệm tham gia ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu khi được huy động.

- Cung cấp thông tin về các khu vực có hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản và các khu vực nhạy cảm cần được bảo vệ để phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh.

- Điều động hoặc trưng dụng các cảng cá tham gia ứng phó sự cố tràn dầu khi cần thiết.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các cơ sở liên quan để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

- Phối hợp với các Sở ngành có liên quan thực hiện công tác giám sát môi trường và đánh giá thiệt hại khu vực đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, canh tác sau sự cố tràn dầu xảy ra.

- Ngoài ra, thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.11. Sở Ngoại vụ

- Là cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về công tác đối ngoại của tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các nội dung liên quan đến công tác hợp tác quốc tế trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, người và phương tiện của nước ngoài vi phạm liên quan đến sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết các vụ việc tranh chấp, bồi thường thiệt hại liên quan đến sự cố tràn dầu do cơ sở, người và phương tiện của nước ngoài gây ra trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật.

2.12. Sở Tài Chính

- Là cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí chi thường xuyên bảo đảm cho các nhiệm vụ: cập nhật Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh; đầu tư mua sắm, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị và vật tư chuyên dụng ứng phó sự cố tràn dầu; bảo đảm kinh phí diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh; kinh phí hoạt động thường xuyên cho Ban chỉ huy các cấp và các đơn vị liên quan đến công tác ứng phó sự cố tràn dầu phù hợp với điều kiện thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách.

- Chủ trì thẩm định kinh phí các nhiệm vụ: đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị và vật tư chuyên dụng ứng phó sự cố tràn dầu, diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh, chi trả cho các lực lượng được tỉnh huy động tham gia ứng phó sự cố tràn dầu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan quyết toán kinh phí bồi thường thiệt hại sau ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố tràn dầu cấp tỉnh gây ra.

2.13. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan/đơn vị liên quan, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn đầu tư công cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ liên quan đến hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan.

2.14. Sở Y tế

- Là cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế, chịu trách nhiệm chỉ đạo các Bệnh viện thuộc quyền, Trung tâm y tế của các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm cấp cứu 115 chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư y tế sẵn sàng tham gia cấp cứu, vận chuyển và điều trị các nạn nhân từ sự cố tràn dầu, bảo đảm kịp thời, an toàn sức khỏe cho nhân dân theo quy định.

- Cử cán bộ, nhân viên chuyên môn y tế tham gia trực tại hiện trường nơi xảy ra sự cố tràn dầu để sơ cấp cứu kịp thời cho các nạn nhân tham gia ứng phó và nhân dân trong khu vực xảy ra sự cố.

- Tư vấn và hướng dẫn cho các cơ quan, đơn vị về công tác bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu. Tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng biết về tác hại của dầu đối với sức khoẻ con người và môi trường.

2.15. Sở Thông tin và Truyền thông

- Là cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, chịu trách nhiệm hướng dẫn cho các cơ quan báo, đài, Cổng thông tin điện tử của tỉnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu và bảo vệ môi trường.

- Bảo đảm thông tin kịp thời các chỉ thị, công điện của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để các Sở, ngành, địa phương và mọi người dân biết chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời sự cố tràn dầu; báo cáo, cập nhật tình hình khi có sự cố xảy ra.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, các nhà mạng bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc thông suốt phục vụ cho Sở chỉ huy và các lực lượng tham gia ứng phó sự cố tràn dầu.

2.16. Uỷ ban nhân dân các huyện/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh

- Là một trong các đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin về sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn của huyện/thị xã/thành phố xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cấp mình báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

- Đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở hoạt động liên quan đến xăng dầu trên địa bàn xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.

- Bố trí ngân sách cho các Phòng, đơn vị có chức năng liên quan đến công tác ứng phó sự cố tràn dầu để: xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp huyện/thị xã/thành phố; đầu tư mua sắm trang thiết bị, vật tư chuyên dụng.

- Tổ chức thẩm định, phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho các cơ sở, dự án liên quan đến xăng, dầu thuộc thẩm quyền theo quy định. Theo dõi, kiểm tra các cơ sở triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.

- Tuyên truyền, phối hợp tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức và kiến thức về những nguy cơ, ảnh hưởng của sự cố tràn dầu đến sức khỏe con người và môi trường, tích cực chủ động phòng ngừa và ứng phó kịp thời các sự cố.

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan thông báo cho khách du lịch và các đơn vị lữ hành trên địa bàn không tham quan du lịch, tắm biển tại khu vực bị ảnh hưởng từ sự cố tràn dầu; thông báo cho người dân không tham gia đánh bắt thủy hải sản tại khu vực bị ảnh hưởng từ sự cố tràn dầu và cảnh báo cho các hộ nuôi trồng thuỷ hải sản, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chủ động có phương án bảo vệ, phòng ngừa, ứng phó để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do sự cố gây ra.

- Khi sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở hoặc sự cố không rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra thì Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố nơi có sự cố xảy ra tổ chức triển khai các nội dung sau:

+ Chủ động huy động các lực lượng tại chỗ của địa phương, lực lượng từ các cơ quan/đơn vị/cơ sở đứng chân trên địa bàn, lực lượng của đơn vị hiệp đồng tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu.

+ Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành đánh giá thiệt hại, hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, yêu cầu chủ cơ sở gây ra sự cố tràn dầu tại địa phương bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

+ Chịu trách nhiệm chi trả các chi phí liên quan phục vụ quá trình ứng phó sự cố tràn dầu cho các lực lượng được huyện/thị xã/thành phố huy động bằng chi phí bồi thường thiệt hại từ bên gây ra sự cố hoặc chi phí từ ngân sách cấp huyện đối với sự cố không rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố hoặc bên gây ra sự cố không có khả năng chi trả.

+ Trường hợp sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của huyện/thị xã/thành phố thì Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố nơi xảy ra sự cố báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo, tổ chức ứng phó.

- Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu của huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp trước ngày 20 tháng 12 hằng năm.

2.17. Các cơ quan, đơn vị và các cơ sở, tổ chức, cá nhân có liên quan

- Các cơ quan, đơn vị và các cơ sở có hoạt động liên quan đến xăng dầu chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về việc để xảy ra sự cố tràn dầu gây thiệt hại về kinh tế và làm ảnh hưởng đến môi trường.

- Các cơ sở có hoạt động liên quan đến xăng dầu khẩn trương triển khai xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo các nội dung tại Phụ lục II, Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch đã được phê duyệt.

- Chủ động đầu tư mua sắm đầy đủ trang thiết bị, vật tư phù hợp với quy mô của cơ sở hoặc ký hợp đồng trực dịch vụ ứng phó sự cố tràn dầu với các đơn vị có chức năng, năng lực để ứng phó kịp thời các tình huống.

- Hàng năm cử người tham gia hoặc tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, huấn luyện, diễn tập theo quy định để nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, nhân viên của cơ sở trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu.

- Khi sự cố tràn dầu vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở, chủ cơ sở phải báo cáo kịp thời ít nhất một trong các đầu mối tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu để cơ quan chức năng điều động lực lượng, phương tiện và trang thiết bị đến hỗ trợ ứng phó. Chủ cơ sở phải thiết lập và duy trì liên lạc, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình sự cố cho các cơ quan chức năng.

- Phát huy phương châm "04 tại chỗ” trong phòng ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu tại cơ sở. Sẵn sàng huy động nguồn lực tham gia ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

- Chủ cơ sở hoặc chủ phương tiện gây ra sự cố tràn dầu phải chịu trách nhiệm bồi thường mọi chi phí cho lực lượng tham gia ứng phó, xử lý, khắc phục hậu quả và phục hồi môi trường, thiệt hại về kinh tế và môi trường cho nhà nước và nhân dân theo quy định pháp luật.

- Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các dự án/cơ sở thuộc khu công nghiệp, khu kinh tế; phối hợp ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu xảy ra trong phạm vi khu công nghiệp, khu kinh tế.

2.18. Cộng đồng dân cư

- Các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm thông báo đến cơ quan quản lý địa phương nơi gần nhất nếu phát hiện sự cố tràn dầu.

- Hỗ trợ mặt bằng để lực lượng chức năng bố trí trang thiết bị và triển khai hoạt động ứng phó sự cố khi cần thiết.

- Cung cấp thông tin về các thiệt hại môi trường và kinh tế khi được yêu cầu.

- Sẵn sàng tham gia vào công tác ứng phó tràn dầu theo sự điều động của chính quyền địa phương.

- Được quyền biết thông tin, tham gia và giám sát hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, đặc biệt là thời điểm bắt đầu, kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố và giai đoạn phục hồi môi trường của các cơ sở trong khu vực, nếu sự cố có khả năng ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của cộng đồng dân cư.

VI. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM

1. Thông tin liên lạc

- Bảo đảm thông tin liên lạc cho Sở Chỉ huy thường xuyên và Sở Chỉ huy hiện trường kịp thời, thông suốt: sử dụng đa dạng các hệ thống thông tin, vô tuyến, hữu tuyến, vệ tinh VSAT và các mạng thông tin di động của Viettel, VinaPhone, MobiFone, thành lập Trung tâm thông tin tại hiện trường để tiếp nhận, xử lý, định hướng thông tin, truyền thông khi cần thiết.

- Bảo đảm thông tin kịp thời, thông suốt cho các lực lượng tham gia ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố:

+ Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan sử dụng hệ thống thông tin hiện hành, kết hợp với các phương tiện thông tin đại chúng như: truyền thanh, truyền tin, hệ thống thông báo, báo động để nắm và truyền tin kịp thời đáp ứng yêu cầu cho công tác chỉ đạo, chỉ huy, điều hành ứng phó sự cố. Công bố số điện thoại liên lạc của cơ quan thường trực, đơn vị trực ứng phó sự cố tràn dầu.

+ Đảm bảo trang thiết bị thông tin chuyên dụng cho các lực lượng tham gia ứng phó để sử dụng thuận tiện, an toàn trong quá trình tổ chức ứng phó.

2. Bảo đảm phương tiện, trang thiết bị, vật tư ứng phó sự cố tràn dầu

- Phát huy tối đa phương tiện, trang thiết bị, vật tư hiện có của các lực lượng liên quan đã được các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư mua sắm, cấp phát để thực hiện nhiệm vụ.

- Khi sự cố vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để điều động lực lượng, phương tiện đến tăng cường hỗ trợ ứng phó.

- Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dụng ứng phó sự cố tràn dầu cho lực lượng nòng cốt, tham gia để nâng cao năng lực ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh.

Để đáp ứng khả năng ứng phó sự cố tràn dầu quy mô đến 500 tấn xảy ra tại địa phương, căn cứ kinh nghiệm thực tiễn ứng phó sự cố tràn dầu đã xảy ra thời gian qua và hiện trạng nhân lực, vật tư, thiết bị, phương tiện ứng phó hiện có của các lực lượng, tổ chức, cá nhân (chi tiết tại phụ lục I) thì thời gian tới cần bổ sung mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dụng ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh Hà Tĩnh (Chi tiết danh mục tại Phụ lục V).

3. Tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập trong ứng phó sự cố tràn dầu

- Định kỳ Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý và các cơ sở hoạt động liên quan đến xăng dầu chấp hành nghiêm các văn bản quy định của nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu.

- Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh hàng năm tổ chức diễn tập Phòng thủ dân sự kết hợp lồng ghép với tình huống ứng phó sự cố tràn dầu.

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức huấn luyện, diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh không quá 03 năm một lần.

- Các cơ sở hoạt động liên quan đến xăng dầu hàng năm cử người tham gia hoặc tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện, diễn tập để nâng cao kỹ năng chuyên môn cho cán bộ, nhân viên về công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu tại cơ sở.

4. Bảo đảm vật chất, hậu cần

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thương mại và cơ sở gây sự cố kịp thời cung cấp đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt cho các lực lượng tham gia ứng phó sự cố và nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố.

5. Bảo đảm y tế thu dung, cấp cứu người bị nạn

Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện thuộc quyền tổ chức tiếp nhận các nạn nhân bị tai nạn, nhiễm độc để cứu chữa kịp thời; chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố cử lực lượng y tế có mặt tại hiện trường nơi xảy ra sự cố cứu chữa người bị nạn, tổ chức vận chuyển kịp thời người bị nạn về cấp cứu, điều trị ở bệnh viện nơi gần nhất, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng.

6. Bảo đảm an ninh - trật tự an toàn xã hội

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (đối với sự cố tràn dầu trên đất liền, trên sông/hồ), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh (đối với sự cố tràn dầu trên biển, ven biển và cửa sông), Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nơi xảy ra sự cố, cơ sở gây sự cố và các đơn vị liên quan bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông cho các lực lượng, phương tiện tham ứng phó sự cố.

7. Bảo đảm tài chính

7.1. Bồi thường thiệt hại

- Chủ cơ sở hoặc chủ phương tiện gây sự cố tràn dầu phải chịu trách nhiệm bồi thường mọi chi phí cho lực lượng tham gia ứng phó, xử lý, khắc phục hậu quả và phục hồi môi trường, thiệt hại về kinh tế và môi trường cho nhà nước và nhân dân; Bên chịu trách nhiệm bồi thường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết việc bồi thường thiệt hại.

- Các trường hợp chưa xác định được đối tượng gây ra sự cố tràn dầu hoặc bên gây ra sự cố không có khả năng chi trả thì Ủy ban nhân dân tỉnh trích từ nguồn ngân sách cấp tỉnh để chi trả cho các lực lượng tham gia ứng phó theo quyết định điều động của Ủy ban nhân dân tỉnh.

7.2. Bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên

- Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí ngân sách bảo đảm cho các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ: xây dựng, cập nhật Kế hoạch; tập huấn, huấn luyện, diễn tập về ứng phó sự cố tràn dầu.

7.3. Đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dụng ứng phó sự cố tràn dầu

- Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí bảo đảm cho các nhiệm vụ: đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dụng ứng phó sự cố tràn dầu để nâng cao năng lực cho các lực lượng nòng cốt, tham gia ứng phó; bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng ứng phó sự cố tràn dầu theo đúng chế độ quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh.

VII. TỔ CHỨC CHỈ HUY

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định thành lập Sở Chỉ huy để chỉ đạo, chỉ huy ứng phó gồm:

1. Sở Chỉ huy thường xuyên

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh là Sở Chỉ huy thường xuyên trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh: đầu mối tiếp nhận thông tin và quyết định phương án ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu cấp tỉnh.

- Trụ sở: Tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các thành viên về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu.

- Thành phần:

+ Trưởng ban: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

+ Phó Trưởng ban thường trực ứng phó: Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh (đối với sự cố tràn dầu trên đất liền, trên sông/hồ), Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (đối với sự cố tràn dầu trên biển, ven biển, cửa sông, khu vực biên giới trên đất liền).

+ Các thành viên gồm lãnh đạo các Sở, ngành: Công an tỉnh, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Tài chính, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh…, tham mưu cho Sở Chỉ huy thường xuyên về phương án ứng phó và tổ chức cho các lực lượng tham gia ứng phó.

(Danh sách Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh tại Phụ lục VI).

- Nhiệm vụ:

+ Chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng tham gia ứng phó và chịu trách nhiệm kết quả lãnh đạo trước Đảng ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về kết quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu.

+ Đánh giá, nhận định tình hình, khả năng diễn biến sự cố xảy ra, đề ra phương án, biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả.

+ Theo dõi, tổ chức việc ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu tại hiện trường theo phương án đã được quyết định.

+ Bổ sung lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư cho lực lượng tham gia ứng phó khi cần thiết.

+ Báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; cơ quan chức năng của các Bộ, ngành để theo dõi, tổng hợp.

2. Sở Chỉ huy tại hiện trường (Sở Chỉ huy phía trước)

- Trụ sở: Sở Chỉ huy đặt tại khu vực xảy ra sự cố tràn dầu.

- Thành phần:

+ Chỉ huy trưởng: Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo.

+ Chỉ huy hiện trường: đối với sự cố tràn dầu trên đất liền, trên sông/hồ do Đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đảm nhiệm; đối với sự cố tràn dầu trên biển, ven biển, cửa sông và khu vực biên giới trên đất liền do Đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đảm nhiệm; giúp chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ huy, điều phối các lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu.

+ Các thành viên gồm chỉ huy/lãnh đạo các Sở ngành, địa phương: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh, Công an tỉnh, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố nơi xảy ra sự cố...

- Nhiệm vụ:

+ Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các tổ chức, cá nhân để huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư nhanh chóng có mặt tại hiện trường tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu.

+ Chỉ huy, chỉ đạo, điều phối các lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu có hiệu quả, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia ứng phó.

+ Chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố, cơ sở gây sự cố tổ chức khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu theo quy định.

+ Thường xuyên báo cáo kết quả ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố hoặc vấn đề phát sinh về Sở Chỉ huy thường xuyên.

VIII. NHIỆM VỤ ƯU TIÊN

Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 5 năm từ 2023 - 2027 cần ưu tiên các nhiệm vụ sau:

- Kiện toàn tổ chức Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp trên địa bàn tỉnh.

- Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hướng dẫn cho các huyện/thị xã/thành phố, cơ sở có hoạt động liên quan đến xăng dầu triển khai xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu báo cáo cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh duy trì nghiêm chế độ trực 24/24, nắm chắc mọi tình hình sự cố, tổ chức ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra trên địa bàn tỉnh.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xây dựng các phương án ứng phó sự cố tràn dầu trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo phân công.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh lập dự toán kinh phí báo cáo trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến chỉ đạo để bố trí vốn đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư ứng phó sự cố tràn dầu bảo đảm cho các lực lượng nòng cốt, lực lượng tham gia theo Kế hoạch đã được phê duyệt.

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các Sở, ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh để nâng cao năng lực công tác chỉ đạo, chỉ huy, phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong ứng phó sự cố tràn dầu.

- Tổ chức kiểm tra, rà soát, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại các huyện/thị xã/thành phố và các cơ sở có hoạt động liên quan đến xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Căn cứ Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh, các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị, cơ sở có hoạt động liên quan đến xăng dầu trên địa bàn tỉnh nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Quốc gia UPSC,TT&TKCN;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Phó VP/UB (phụ trách);
- BCH Quân sự tỉnh; BCH Bộ đội BP tỉnh; Công an tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm CB-TH tỉnh;
- Lưu: VT, NL1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Lĩnh