Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5023/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 3 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CÂY BƯỞI ĐẶC SẢN ĐOAN HÙNG VÀ BƯỞI DIỄN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Căn cứ Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐND ngày 19/7/2016 của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 185/QĐ-UBND ngày 21/01/2016 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc duyệt Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 146/TTr-SNN ngày 25/10/2016,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng, bưởi Diễn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 với các nội dung cụ thể như sau:

Phần I

KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN CÂY BƯỞI ĐẶC SẢN ĐOAN HÙNG, BƯỞI DIỄN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

- Giai đoạn 2011 - 2015, chương trình phát triển cây bưởi tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo; vì vậy, diện tích, năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế cây bưởi tăng lên rõ rệt (Chi tiết tại Phụ lục I, II, III kèm theo).

Đối với bưởi đặc sản Đoan Hùng: Hết năm 2015, diện tích đạt 1.062 ha, trong đó trồng mới là 128 ha; diện tích cho sản phẩm là 734 ha, năng suất đạt 121 tạ/ha, sản lượng gần 9 nghìn tấn. So với năm 2011, diện tích bưởi đặc sản Đoan Hùng tăng 14%; năng suất tăng trên 88%; sản lượng tăng gấp đôi. Giá trị thu nhập bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm (đạt 200% so mục tiêu); nhiều diện tích cho thu nhập 400 - 600 triệu đồng/ha/năm.

Đối với bưởi Diễn: Năm 2015, diện tích đạt 1.100 ha, diện tích cho sản phẩm là 420 ha, năng suất đạt 109 tạ/ha (tăng 32 tạ/ha so với năm 2010); sản lượng đạt 4,76 nghìn tấn. Một số mô hình cho thu nhập cao từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm. Diện tích trồng mới bưởi Diễn theo dự án được UBND tỉnh phê duyệt giai đoạn 2012 - 2015 (Đoan Hùng, Phù Ninh) là 345 ha;

- Về áp dụng kỹ thuật: Tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; áp dụng quy trình sản xuất an toàn (đã có 3 ha bưởi tại xã Bằng Luân được chứng nhận VietGAP);

- Về thị trường và phát triển thương hiệu: Hiện tại đầu ra rất thuận lợi, nhìn chung cung không đủ cầu. Năm 2015, sản phẩm bưởi Đoan Hùng là 1 trong số 59 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt được vinh danh “Thương hiệu vàng nông nghiệp năm 2014”. Năm 2012, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bưởi Đoan Hùng được kiện toàn tổ chức, quy chế hoạt động. Hiệp hội đã tư vấn thành lập 02 hợp tác xã sản xuất kinh doanh bưởi Chí Đám và Bằng Luân, đã đi vào hoạt động có hiệu quả; cấp phát 10.000 tem nhãn hàng hóa cho thành viên hiệp hội bưởi, gắn công tác quảng bá giới thiệu với bảo hành chất lượng;

- Thực hiện chính sách hỗ trợ: Đã có 3,9 nghìn lượt hộ được hưởng lợi với kinh phí: 6,3 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh 4,66 tỷ, ngân sách huyện 1,65 tỷ đồng). Đã xây dựng được nhiều mô hình đạt hiệu quả cao với tổng quy mô trên 390 ha;

II. TỒN TẠI, HẠN CHẾ

- Việc trồng mới bưởi còn phân tán, quy mô nông hộ, sản xuất nhỏ vẫn là chủ yếu; thiếu những mô hình sản xuất lớn, liên kết giữa các hộ trồng bưởi trong sản xuất và kinh doanh. Một số tiến bộ kỹ thuật mới trong những năm vừa qua được mở rộng nhanh chóng, nhưng nhìn chung thâm canh vẫn ở mức trung bình. Nhiều vấn đề kỹ thuật cần tiếp tục hoàn thiện như chế độ dinh dưỡng, nước tưới, chất lượng quả, mẫu mã quả, kỹ thuật thu hái, sơ chế và bảo quản;

- Trình độ nhận thức, tư tưởng, tập quán một số bộ phận nông dân còn mang nặng tư tưởng sản xuất nhỏ, chưa chú trọng vào đầu tư thâm canh, sản xuất hàng hóa, gìn giữ và phát triển thương hiệu; thậm chí có những hộ trồng bưởi Bằng Luân thiếu kiên trì đã tiến hành ghép cải tạo, thay thế bằng giống bưởi Diễn. Nguyên nhân một phần do đặc tính của giống bưởi Bằng Luân những năm đầu mới cho quả, năng suất, chất lượng chưa cao, giá bán thấp hơn nhiều so với vườn bưởi lâu năm;

- Một số nơi cây giống sử dụng chưa được kiểm soát về nguồn gốc; cơ sở sản xuất giống trên địa bàn còn thiếu và chưa đáp ứng theo quy định. Các văn bản về quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả còn thiếu nên gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý;

- Các chương trình hỗ trợ phát triển và xây dựng mô hình chủ yếu tập trung trên bưởi đặc sản Đoan Hùng. Cơ chế hỗ trợ phát triển bưởi Diễn chưa tác động nhiều tới người dân (chủ đầu tư lập dự án và phải được UBND tỉnh phê duyệt; người dân trồng theo dự án được hỗ trợ khi cây có quả sau 4 năm trồng);

- Công tác quản lý chỉ dẫn địa lý, phát triển thương hiệu bưởi Đoan Hùng còn hạn chế; việc kinh doanh bưởi không phải là bưởi đặc sản Đoan Hùng nhưng lại gắn thương hiệu bưởi Đoan Hùng diễn ra phổ biến đã làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng. Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bưởi Đoan Hùng hiện có khoảng 160 hội viên tuy nhiên mới có khoảng 25% số hộ được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Tình trạng bán cả vườn bưởi non không cần tem nhãn diễn ra phổ biến trên địa bàn làm ảnh hưởng đến chất lượng bưởi quả và phát triển thương hiệu.

Phần II

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÂY BƯỞI ĐẶC SẢN ĐOAN HÙNG, BƯỞI DIỄN ĐẾN NĂM 2020

I. DỰ BÁO CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN KẾ HOẠCH

1. Thuận lợi

- Bưởi là cây được nhiều địa phương xác định là cây trồng phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất cao hạn, đất đồi vườn và đem lại giá trị kinh tế cao. Tại nhiều địa phương trong tỉnh đã có những mô hình trồng bưởi đạt hiệu quả kinh tế cao; nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được khẳng định, chuyển giao và mở rộng nhanh chóng vào sản xuất;

- Sản phẩm bưởi quả được đánh giá là đảm bảo an toàn và có thể bảo quản, tiêu thụ được trong thời gian 2 - 3 tháng sau thu hoạch, thậm chí lâu hơn. Thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng đã được thị trường biết đến, nhu cầu sử dụng sản phẩm bưởi đặc sản Đoan Hùng, bưởi Diễn tăng dần trong những năm gầy đây và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo;

- UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐND ngày 19/7/2016 về cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, theo đó cây bưởi Diễn được xác định là cây trồng chủ lực, được tỉnh hỗ trợ phát triển.

2. Khó khăn

- Cây bưởi là cây cần đầu tư thâm canh, chi phí ban đầu và thời gian đến khi cho quả ổn định dài, nhất là đối với giống bưởi Bằng Luân, do đó đối với diện tích trồng mới với quy mô lớn thì chủ đầu tư phải có nguồn lực và kỹ thuật;

- Việc phát triển thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng và quản lý chất lượng bưởi quả còn gặp những khó khăn do cách thu mua vườn bưởi của các thương lái từ khi quả còn non như hiện nay dẫn đến hầu hết các chủ vườn chưa có nhu cầu sử dụng tem nhãn, quả bưởi không được dán tem và khó quản lý được khi đưa ra thị trường. Mặt khác, có sự trà trộn giữa các loại bưởi kém chất lượng của các thương lái đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng;

- Cơ sở sản xuất giống cây ăn quả nói chung và cây bưởi nói riêng trên địa bàn tỉnh còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Nhà nước do đó nguồn cung tại chỗ sẽ gặp khó khăn trong những năm đầu của giai đoạn.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Mở rộng quy mô sản xuất theo hướng trang trại, tăng cường liên kết trong sản xuất theo phương thức hợp tác xã, tổ hợp tác để hình thành các vùng sản xuất bưởi tập trung, có sản phẩm hàng hóa; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, cải thiện mẫu mã và chất lượng bưởi quả;

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong sản xuất, kinh doanh giống bưởi, sản phẩm bưởi quả; bảo vệ và phát triển thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng; xây dựng Nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm bưởi Diễn Phú Thọ.

2. Mục tiêu cụ thể

- Trồng mới 438 ha bưởi đặc sản Đoan Hùng, 2.399 ha bưởi Diễn để phấn đấu đến năm 2020, diện tích bưởi Đoan Hùng và bưởi Diễn trên địa bàn tỉnh đạt 5.000 ha (bưởi Đoan Hùng 1.500 ha, bưởi Diễn 3.500 ha); tổng sản lượng đạt 24 nghìn tấn (bưởi đặc sản 12,5 nghìn tấn, bưởi Diễn 11,5 nghìn tấn). Giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đạt 300 - 400 triệu đồng/ha/năm;

- Phát triển và hình thành các vùng sản xuất tập trung:

+ Đối với bưởi đặc sản Đoan Hùng vùng sản xuất tập trung tại 18 xã thượng huyện Đoan Hùng gồm: Bằng Luân, Quế Lâm, Bằng Doãn, Minh Lương, Phúc Lai, Tây Cốc, Ca Đình, Ngọc Quan, Chí Đám, Vân Du, Đông Khê, Nghinh Xuyên, Hùng Quan, Hữu Đô, Phong Phú, Phương Trung, thị trấn Đoan Hùng, Sóc Đăng;

+ Đối với bưởi Diễn hình thành 147 vùng sản xuất tập trung với diện tích 1.500 ha tại 7 huyện trọng điểm: Phù Ninh, Yên Lập, Thanh Thủy, Thanh Ba, Thanh Sơn, Tam Nông và 10 xã phía Nam huyện Đoan Hùng.

- Phấn đấu đến năm 2020: Hình thành được 63 trang trại; 05 Hợp tác xã; 250 tổ hợp tác phát triển sản xuất bưởi. Tiếp tục củng cố 02 hợp tác xã sản xuất và kinh doanh bưởi tại xã Bằng Luân và Chí Đám đã hình thành;

- Tại các huyện trọng điểm trồng bưởi, xây dựng ít nhất 02 mô hình về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới; liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển thương hiệu, nhãn hiệu đối với sản phẩm bưởi quả.

(Chi tiết tại các Phụ lục IV, V, VI, VII kèm theo)

III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tổ chức và liên kết sản xuất

- Tăng cường sự lãnh chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, nhất là đối với các huyện trọng điểm trồng bưởi, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển cây bưởi; xác định trồng mới, hình thành vùng sản xuất tập trung là một trong nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền của xã, thị trấn;

- Vận động nông dân tăng quy mô sản xuất, hình thành trang trại có diện tích bưởi trên 2,1 ha; nông dân liên kết để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã quy mô sản xuất từ 5 ha bưởi trở lên để tăng cường năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh.

- Tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng quy hoạch; liên kết giữa doanh nghiệp và trang trại, Hợp tác xã, các hộ nông dân trồng bưởi cùng hỗ trợ trong phát triển như cung ứng giống, trao đổi học tập kinh nghiệm, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

2. Về đất đai

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15/4/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Thúc đẩy tích tụ đất đai, tạo quỹ đất tập trung để thu hút doanh nghiệp, Hợp tác xã, Trang trại đầu tư trồng bưởi;

- Các địa phương tiến hành rà soát, bố trí quỹ đất để trồng mới bưởi, trong đó tập trung vào diện tích đất vườn tạp, đất màu cao hạn, đất đồi thấp có độ dốc dưới 15 độ và có nguồn nước tưới. Kế hoạch triển khai trồng mới bưởi phải gắn với tái cơ cấu trồng trọt, chuyển đổi cây trồng và dồn đổi, tích tụ, tập trung ruộng đất tại các địa phương, hình thành các vùng sản xuất với quy mô lớn, tạo ra sản phẩm có tính hàng hóa;

- Khuyến khích tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất bằng các hình thức như thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất để trồng bưởi hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với bảo quản, tiêu thụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất.

3. Công tác thông tin, tuyên truyền

- Các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về chủ trương, kế hoạch, chính sách phát triển cây bưởi; về dồn đổi, tích tụ đất đai, mở rộng quy mô sản xuất; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm bưởi quả…. Nhằm thay đổi tư duy, nhận thức, hướng tới sản xuất quy mô lớn, thành vùng tập trung, phát triển bền vững theo hình thức liên kết và có sự tham gia của doanh nghiệp;

- Làm tốt công tác tuyên truyền, thăm quan học tập, nhân rộng mô hình đã có và các mô hình đang triển khai như: Mô hình về chuyển đổi, cải tạo vườn tạp sang trồng bưởi; mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm; mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây bưởi giúp người trồng bưởi tiếp cận nhanh kỹ thuật và thấy rõ hiệu quả kinh tế để áp dụng;

- Các cơ quan truyền thông, các ngành, đơn vị, tổ chức đoàn thể tập trung đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phổ biến, tuyên truyền thường xuyên qua hệ thống phát thanh xã, thị trấn; thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn; xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, tin bài trên truyền hình, báo, ấn phẩm, trang thông tin điện tử… để đảm bảo người dân trong tỉnh nắm bắt kịp thời.

4. Về kỹ thuật và khoa học công nghệ

a) Về giống

- Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc tiến hành rà soát, đánh giá các diện tích, vườn bưởi đã ra quả ổn định nhiều năm, sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất, chất lượng vượt trội để đề nghị xem xét lựa chọn, bình tuyển cây đầu dòng phục vụ cho công tác nhân và giữ giống (đối với giống bưởi Diễn lưu ý dòng bưởi có tôm vàng cho chất lượng tốt hơn bưởi tôm xanh); rà soát các cơ sở sản xuất giống cây ăn quả có quy mô 30.000 cây bưởi giống/năm, đảm bảo điều kiện sản xuất để hỗ trợ xây dựng vườn ươm phục vụ cung ứng giống đảm bảo chất lượng tại chỗ trên địa bàn tỉnh;

- Vật liệu nhân giống được lấy từ cây đầu dòng hoặc vườn cây đầu dòng; chỉ sử dụng cây giống của cơ sở sản xuất đủ điều kiện, lý lịch giống rõ ràng. Cây giống khi xuất vườn đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định.

b) Biện pháp canh tác

- Đối với diện tích trồng mới: Lựa chọn vùng trồng, nơi trồng phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu sinh thái của cây bưởi; thiết kế trồng đảm bảo mật độ, khoảng cách và phương thức trồng phù hợp với từng giống, điều kiện đất đai, địa hình và thâm canh;

- Thời kỳ kiến thiết cơ bản tập trung chăm sóc, bảo vệ đảm bảo mật độ cây; đặc biệt chú ý tới cắt tỉa và phòng trừ sâu bệnh tốt để cây sinh trưởng nhanh, khỏe tạo khung tán vững chắc, hợp lý. Thời kỳ này cây chưa khép tán, tốt nhất là trồng xen cây họ đậu để chống xói mòn và cải tạo đất;

- Thời kỳ kinh doanh áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, tăng cường bón phân hữu cơ, tưới nước, thụ phấn bổ sung đối với bưởi đặc sản Đoan Hùng…, thu hoạch đúng độ chín để nâng cao chất lượng và mẫu mã quả;

- Cây bưởi là cây có nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại nên công tác bảo vệ thực vật cần đặc biệt quan tâm trong chăm sóc, cần tăng cường công tác điều tra, dự báo, phòng trừ kịp thời, không để phát sinh dịch bệnh và ảnh hưởng đến con người, môi trường và chất lượng sản phẩm.

c) Về Khoa học và công nghệ: Tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm các kỹ thuật mới để khắc phục những khuyết điểm và hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật cụ thể cho từng giống bưởi; mở rộng diện tích áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất an toàn (VietGAP) đối với bưởi.

5. Giải pháp phát triển thị trường, thương hiệu

- Xây dựng kênh thông tin và dự báo thị trường nông sản của tỉnh, trong đó có thông tin về thị trường bưởi (số lượng, địa chỉ sản xuất, cung ứng, giá bán,..); xác định nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với từng chủng loại bưởi. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin, giới thiệu sản phẩm bưởi tại các hội chợ, hội thi về sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng và phát triển kênh phân phối chính thức và uy tín như siêu thị; hình thành một số cửa hàng cung ứng sản phẩm theo chuỗi;

- Liên kết các hộ nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc liên kết làm đầu mối cho doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị sản xuất, đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm bưởi quả;

- Đối với bưởi đặc sản Đoan Hùng: Củng cố và phát triển lợi thế chỉ dẫn địa lý, thương hiệu bưởi đã có. Tăng cường vai trò của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bưởi Đoan Hùng, nhận thức của các hội viên trong việc sử dụng tem nhãn để đảm bảo quyền lợi và gắn với việc bảo hành, phát triển thương hiệu. Hướng dẫn cách nhận biết, phân biệt sản phẩm bưởi đối với từng chủng loại;

- Đối với bưởi Diễn: Nghiên cứu xây dựng Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi Diễn Phú Thọ tại các vùng sản xuất tập trung, sản lượng lớn; nhãn hiệu hàng hóa đối với trang trại trồng bưởi Diễn có quy mô lớn (trên 5 ha).

6. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống, sản phẩm bưởi quả

- Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với các địa phương tiến hành rà soát, thống kê đầy đủ các cơ sở sản xuất giống cây ăn quả trên địa bàn. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, đánh giá, phân loại theo quy định và phân công, phân cấp quản lý; xử lý nghiêm đối với các cơ sở không đủ điều kiện. Cập nhật kịp thời, công bố công khai danh sách các cơ sở đảm bảo điều kiện, các cơ sở vi phạm trên thông tin đại chúng và Website của Sở Nông nghiệp và PTNT;

- Quản lý cây đầu dòng: Đảm bảo các tổ chức, cá nhân đăng ký, chứng nhận, khai thác nguồn giống thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả lâu năm. Quản lý và hướng dẫn cụ thể cho chủ nguồn giống về chăm sóc, bảo vệ và khai thác nguồn giống theo đúng quy trình kỹ thuật; xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, sử dụng mắt ghép đảm bảo khai thác có hiệu quả cây đầu dòng được công nhận;

- Kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến, bảo quản, ngăn chặn tình trạng đưa các loại quả kém chất lượng, không đúng chủng loại lẫn với lô quả chất lượng, xử lý các trường hợp vi phạm trong quảng cáo, gian lận thương mại; thực hiện tốt công tác quản lý chỉ dẫn địa lý đối với bưởi đặc sản Đoan Hùng.

7. Công tác khuyến nông, xây dựng mô hình

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, nhất là đối với các nơi trồng mới, chưa có kinh nghiệm, đảm bảo thực hiện quy trình kỹ thuật đúng ngay từ những khâu đầu tiên;

- Tổ chức các lớp đào tạo dạy nghề trồng cây ăn quả, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc bưởi cho cán bộ kỹ thuật, khuyến nông cơ sở, các hộ nông dân để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của việc trồng bưởi;

- Xây dựng trang thông tin giới thiệu địa chỉ nhà nông về cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo các điều kiện theo quy định; các hộ gia đình, trang trại, tổ hợp tác trồng bưởi có sản lượng lớn, chất lượng tốt;

- Các huyện, thành, thị xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác dịch vụ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vùng sản xuất bưởi tập trung; lựa chọn một số trang trại, tổ hợp tác có phương thức tổ chức tốt, khả năng đầu tư để xây dựng các mô hình: áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, sản xuất an toàn; mô hình trồng mới kết hợp với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp,... Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng; xây dựng và tạo lập Nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm bưởi Diễn.

8. Về chính sách

- Lồng ghép các nguồn kinh phí từ các chương trình khác để tập trung hỗ trợ trồng mới, chương trình phát triển bưởi. Tổ chức triển khai chặt chẽ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển bưởi từ các nguồn vốn hỗ trợ;

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận và hưởng thụ chính sách để bình tuyển cây đầu dòng, xây dựng vườn ươm, trồng mới trong vùng quy hoạch;

- Có cơ chế về hỗ trợ đất đai, tạo điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất cao hạn, trồng bưởi trong đất rừng sản xuất có độ dốc thấp; quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống tưới vùng đồi;

- Cân đối, bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ cho triển khai các đề tài nghiên cứu tìm ra nguyên nhân và khắc phục những nhược điểm đối với cây bưởi, hoàn thiện kỹ thuật canh tác đối với từng giống bưởi.

9. Huy động nguồn lực đầu tư

Khái toán kinh phí thực hiện chương trình phát triển bưởi giai đoạn 2016 - 2020 là 120.274 triệu đồng, gồm:

9.1. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh: 21.230 triệu đồng, trong đó:

a) Dự kiến kinh phí hỗ trợ phát triển bưởi theo chính sách của tỉnh: 17.450 triệu đồng, trong đó:

- Hỗ trợ bình tuyển 500 cây đầu dòng là 1.050 triệu đồng;

- Hỗ trợ xây dựng 08 vườn ươm cây giống là 1.600 triệu đồng;

- Hỗ trợ trồng mới 14.800 triệu đồng.

b) Kinh phí dự kiến xây dựng các mô hình: 1.980 triệu đồng.

- Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng, quảng bá thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng: 1.400 triệu đồng;

- Mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây bưởi: 580 triệu đồng.

c) Kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ: 1.800 triệu đồng để nghiên cứu các đề tài xác định nguyên nhân khô quả, nâng cao chất lượng bưởi quả,…; xây dựng Nhãn hiệu tập thể đối với bưởi Diễn.

9.2. Kinh phí từ dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7): 12.044 triệu đồng, gồm:

- Đào tạo tập huấn: 1.586 triệu đồng; quy mô 03 lớp/năm 2016; 04 lớp/năm từ 2017 đến năm 2020;

- Mô hình thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng bưởi đặc sản Đoan Hùng; quy mô 15 ha; dự kiến kinh phí 4.958 triệu đồng; trong 2 năm 2017, 2018;

- Nhân rộng mô hình thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng bưởi tại Phú Thọ: 5.500 triệu đồng, trong 2 năm 2018, 2019.

9.3. Nguồn ngân sách huyện: 6.000 triệu đồng.

9.4. Kinh phí đầu tư của người dân: Khoảng 81.000 triệu đồng.

(Chi tiết tại Phụ lục VIII kèm theo)

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT

- Là cơ quan thường trực, tham mưu giúp UBND tỉnh thống nhất theo dõi, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch; chủ trì phối hợp với các ngành, huyện, thành, thị trong triển khai kế hoạch; tổng hợp và đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh và các bộ, ngành liên quan;

- Xây dựng dự toán chi tiết đối với mô hình cấp tỉnh và tổ chức triển khai, tổng kết các mô hình.

2. Sở Kế hoạch Đầu tư: Tham mưu UBND tỉnh bố trí, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư; tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển cây bưởi trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn ngân sách phục vụ hỗ trợ phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng, cây bưởi Diễn; hướng dẫn các địa phương thanh, quyết toán nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ.

4. Sở Khoa học và Công nghệ: Tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn, bố trí kinh phí cho các nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng, bưởi Diễn.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch sử dụng đất phù hợp với kế hoạch phát triển cây bưởi; tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng kém hiệu quả để tạo quỹ đất cho trồng mới bưởi tập trung.

6. Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp về xúc tiến thương mại; tăng cường quản lý kinh doanh buôn bán sản phẩm bưởi quả.

7. Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bưởi Đoan Hùng: Phát huy vai trò của Hiệp hội trong bảo vệ lợi ích người sản xuất, bảo vệ và phát triển thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng.

8. UBND các huyện, thành, thị: Có dự án cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện phát triển cây bưởi; cần bố trí kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp huyện nhằm thúc đẩy phát triển cây bưởi trên địa bàn; huy động và lồng ghép các nguồn vốn từ các chính sách hỗ trợ khác như nông thôn mới, chương trình 135… để hỗ trợ phát triển sản xuất kịp thời và hiệu quả.

9. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển cây bưởi; đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các mô hình trồng bưởi đạt hiệu quả cao, các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng bưởi quả.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có phát triển cây bưởi. Tăng cường sự phối hợp giữa ngành và cấp, giữa các ngành, tổ chức đoàn thể quần chúng nhân dân, đặc biệt là ở cấp cơ sở trong công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển cây bưởi.

Yêu cầu giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo triển khai nghiêm túc kế hoạch nêu trên./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh;
- Các Sở: NN và PTNT, TC, KH và ĐT, CT, TT và TT, KH và CN, TN và MT;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Đài PT và TH tỉnh, Báo Phú Thọ;
- Hiệp hội SX và KD bưởi Đoan Hùng;
- CVP, các PCVP;
- CV NCTH;
- Lưu: VT, KT5(02b)(V-55b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Hải

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN