Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 51/KH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2020

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH GIÁO DỤC

VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VIRUS CÔ-RÔ-NA VÀ DỊCH BỆNH MÙA ĐÔNG XUÂN NĂM 2020

Thực hiện Công văn số 79-CV/TW ngày 29/01/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Cô-rô-na gây ra (gọi tắt là Công văn số 79-CV/TW), Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Cô-rô-na gây ra (gọi tắt là Chỉ thị 05) và Công văn số 1696/TTg-KGVX ngày 17/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2019 - 2020 (gọi tắt là Công văn số 1696/TTg-KGVX), Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch của Ngành với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU CHUNG

Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh, chủ động ứng phó có hiệu quả nhất góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên trong các cơ sở giáo dục.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Theo dõi, quản lý tốt sức khỏe học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi nghờ mắc bệnh, ngăn chặn kịp thời không để dịch bệnh xâm nhập vào trường học.

2. Phối hợp với ngành y tế xây dựng chương trình hành động, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên và cha mẹ học sinh về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Cô-rô-na và dịch bệnh mùa đông xuân.

3. Triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh học đường, nguồn lực và cơ sở vật chất sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh trong các nhà trường.

III. CÁC CHỈ TIÊU CHÍNH

- 100% học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên, cha mẹ học sinh được truyền thông về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Cô- rô-na và dịch bệnh mùa đông xuân.

- 100% trẻ em, học sinh, sinh viên, nhà giáo, cán bộ, nhân viên trong các nhà trường được theo dõi, quản lý về sức khỏe.

- 100% cơ sở giáo dục phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- 100% cơ sở giáo dục đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn lực và cơ sở vật chất sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh trong các nhà trường.

IV. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Phạm vi áp dụng

- Triển khai tới tất cả các cơ sở giáo dục trên phạm vi cả nước.

- Thời gian áp dụng từ tháng 01 năm 2020 đến tháng 12 năm 2020.

2. Đối tượng áp dụng

- Các sở giáo dục và đào tạo

- Các đại học, học viện, viện, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm.

- Các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

V. NHỮNG NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh truyền thông về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Cô-rô-na và dịch bệnh mùa đông xuân trong các cơ sở giáo dục

a) Tổ chức học tập, quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung Công văn số 79-CV/TW, Chỉ thị số 05/CT-TTg, Công văn số 1696/TTg-KGVX va Kế hoạch của Ngành để cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên, trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên nắm vững tầm quan trọng, yêu cầu, nội dung của công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Cô- rô-na và dịch bệnh mùa đông xuân.

b) Đa dạng hóa hình thức truyền thông thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông ở Trung ương và địa phương; phát hành các ấn phẩm, tài liệu truyền thông; tổ chức các hội nghị, hội thảo, chuyên đề, các chiến dịch, sự kiện truyền thông về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Cô-rô-na và dịch bệnh mùa đông xuân trong các cơ sở giáo dục. Tăng cường truyền thông trực tiếp đến các đối tượng, vùng miền có nhiều khó khăn về chăm sóc sức khỏe như vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

c) Hướng dẫn học sinh, sinh viên, nhà giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi; cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

d) Phát huy mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em nhằm tăng cường sự tham gia của trẻ em, học sinh trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh trong các nhà trường.

đ) Biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ quan, địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo, tổ chức và cá nhân triển khai có hiệu quả, đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

2. Tổ chức, chỉ đạo điều hành

a) Củng cố, duy trì hoạt động Ban Chỉ đạo y tế trường học (YTTH) các cấp, Ban chăm sóc sức khỏe học sinh để nâng cao chất lượng, hiệu quả và chủ động trong phòng chống dịch bệnh, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống và ứng phó khi dịch bệnh xảy ra tại địa phương và trong nhà trường.

b) Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của ngành Giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Trưởng ban.

c) Củng cố và kiện toàn hệ thống y tế trường học về các tiêu chuẩn, quy định về nhân lực, trang thiết bị, thuốc thiết yếu, phòng y tế của các trường mầm non và phổ thông, trạm y tế của các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm phù hợp với điều kiện thực tiễn theo khu vực và địa phương, quy mô của trường, lớp nhưng đảm bảo được việc ứng phó hiệu quả nhất đối với dịch bệnh.

d) Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trường học, tăng cường hiệu quả hoạt động y tế trường học, đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn, phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe đối với trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên.

đ) Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động y tế trường học, phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường các hoạt động chữ thập đỏ trong trường học đảm bảo thích ứng với các tình huống về dịch bệnh trong các nhà trường.

e) Hướng dẫn lập kế hoạch và tổ chức quản lý, theo dõi tình hình sức khỏe, bệnh tật, của cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên, trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên.

g) Theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên và định kỳ các hoạt động y tế trường học và phòng chống dịch, bệnh tại các cơ sở giáo dục.

h) Xây dựng phương án xử trí các tình huống diễn biến của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Cô-rô-na và dịch bệnh mùa đông xuân có thể xảy ra trong các cơ sở giáo dục

Tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh trong trường học.

- Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo theo dõi chăm sóc sức khỏe của cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên trong toàn ngành Giáo dục. Chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với ngành y tế triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong trường học tại địa phương;

- Chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các sở ngành có liên quan theo dõi tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của bệnh viêm phổi cấp do chủng mới vi rút Cô-rô-na gây ra tại Trung Quốc và nhất là tại các tỉnh gần Việt Nam;

- Chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo phối hợp với Sở y tế và cơ quan chức năng tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính với các biểu hiện nghi ngờ do chủng mới vi rút Cô-rô-na gây ra;

- Tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác y tế trong trường học về kỹ thuật giám sát, phòng chống và các phối hợp xử lý ổ dịch;

- Xây dựng thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch trong trường học. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, các biện pháp phòng bệnh, kịp thời cung cấp thông tin để cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên không hoang mang lo lắng;

- Chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành có liên quan về điều kiện đảm bảo và phương án, biện pháp phòng chống khi có dịch xảy ra;

- Tổ chức các đoàn kiểm tra tại các cơ sở giáo dục;

- Báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh và tổ chức thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và về Bộ Giáo dục và Đào tạo để xử trí.

Tình huống 2: Xuất hiện trường hợp bệnh xâm nhập vào trường học

- Ban Chỉ đạo theo dõi chăm sóc sức khỏe của cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên trong toàn ngành Giáo dục hợp hàng tuần và đột xuất phối hợp tích cực với ngành Y tế triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh;

- Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nghi ngờ do chủng mới vi rút Cô-rô-na gây ra;

- Phối hợp với ngành Y tế triển khai các biện pháp cách ly chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh cũng như nghi ngờ, tổ chức theo dõi chặt chẽ sức khỏe những trường hợp tiếp xúc;

- Phối hợp tích cực với ngành Y tế xử lý triệt để các ổ dịch;

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, các biện pháp phòng bệnh, kịp thời cung cấp thông tin để cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên không hoang mang lo lắng; phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh;

- Thực hiện báo cáo theo quy định.

Tình huống 3: Dịch bệnh lây lan trong trường học

- Ban Chỉ đạo theo dõi chăm sóc sức khỏe của cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên trong toàn ngành Giáo dục hợp hàng ngày hoặc đột xuất để phối hợp tích cực với ngành Y tế để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong trường học trên địa bàn;

- Phối hợp với ngành Y tế khoanh vùng ổ dịch và cho học sinh, sinh viên nghỉ học, hạn chế đi lại khi cần thiết, phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ cán bộ, nhân viên, nhà giáo và học sinh, sinh viên trong cơ sở giáo dục có ổ dịch;

- Báo cáo tình hình diễn biến của dịch thường xuyên và tham mưu cho UBND các cấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo các biện pháp phòng chống dịch để nhận được sự chỉ đạo kịp thời;

- Phối hợp với ngành Y tế giám sát các ca bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nghi ngờ do chủng mới vi rút Cô-rô-na gây ra trong trường học.

- Phối hợp với ngành Y tế triển khai các biện pháp cách ly chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh cũng như nghi ngờ, tổ chức theo dõi chặt chẽ sức khỏe những trường hợp tiếp xúc;

- Phối hợp với ngành Y tế tổ chức thường trực, phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục;

- Thường xuyên cập nhật các thông tin, thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch cho phù hợp có nguy cơ, thông tin để cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên không hoang mang lo lang; phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh;

- Phối hợp với ngành Y tế và các sở, ngành có liên quan về điều kiện đảm bảo và phương án, biện pháp phòng chống trong trường hợp dịch bùng phát lan rộng trong trường học.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra tại các cơ sở giáo dục;

- Thực hiện báo cáo hàng ngày, đột xuất tình hình dịch bệnh và tổ chức thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo để có phương án xử lý.

3. Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống dịch bệnh và y tế trường học

a) Phối hợp với ngành Y tế hướng dẫn chuyên môn về công tác phòng chống dịch bệnh và kiện toàn Ban chỉ đạo công tác y tế trường học các cấp; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch cho trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường, thường xuyên làm vệ sinh môi trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học

b) Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại các cơ sở giáo dục trong tình hình mới.

c) Phối hợp với các bộ, ngành và tổ chức liên quan tăng cường tuyên truyền, triển khai các nội dung hoạt động về chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường truyền thông, huy động sự hỗ trợ, tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước về công tác phòng, chống dịch bệnh và y tế trường học.

4. Công tác kiểm tra, thanh tra

Tổ chức các Đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh và y tế trường học trong các cơ sở giao dục tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổ chức tuyên truyền phổ biến, triển khai Kế hoạch của Ngành: Các cấp quản lý giáo dục từ Trung ương đến địa phương, các đơn vị thuộc Bộ, các cơ sở giáo dục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch.

2. Các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm tổ chức nghiên cứu, quán triệt các nội dung của Công văn số 79-CV/TW, Chỉ thị số 05/CT-TTg, Công văn số 1696/TTg-KGVX và Kế hoạch của Ngành; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện của từng địa phương, đơn vị, trong đó cụ thế hóa các nhiệm vụ, lộ trình triển khai thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể; hằng tháng báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục Thể chất) để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

3. Đối với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo:

a) Vụ Giáo dục Thể chất là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động, bao gồm:

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch của Ngành tại địa phương.

- Xây dựng tài liệu truyền thông nâng cao nhận thức về y tế trường học và phòng, chống dịch bệnh cho trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên.

- Lập dự toán kinh phí chi tiết cho các hoạt động; huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cho các hoạt động của Kế hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý môi trường y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch của Ngành, tổ chức việc tổng kết theo Kế hoạch.

b) Các Vụ, Cục, Viện có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Vụ Giáo dục Thể chất triển khai thực hiện Kế hoạch của Ngành.

c) Vụ Kế hoạch Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán kinh phí và bố trí kinh phí thực hiện các hoạt dộng của Kế hoạch.

d) Vụ Pháp chế phối hợp với các đơn vị có liên quan phổ biến các quy định, rà soát khung pháp lý, chính sách liên quan đến phòng, chống dịch bệnh, và y tế trường học trong các cơ sở giáo dục.

đ) Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với Báo Giáo dục và Thời đại chủ trì, giới thiệu nội dung, tổ chức thông tin, tuyên truyền các hoạt động thực hiện Kế hoạch ở các địa phương và cơ sở giáo dục.

4. Kinh phí thực hiện triển khai các nhiệm vụ của Kế hoạch được dự toán từ các nguồn: Ngân sách Nhà nước cho giáo dục hằng năm, ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách từ các đề án, dự án có liên quan và từ nguồn xã hội hóa.

5. Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này, nếu cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể, Thủ trưởng các đơn vị báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Chỉ đạo Quốc gia (để b/c);
- Bộ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo (để b/c);
- Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố (để p/h chỉ đạo);
- Bộ Y tế (để p/h chỉ đạo);
- Các thành viên Ban Chỉ đạo (để t/h);
- Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ GDTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Độ
Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo