ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5206/KH-UBND | Ninh Thuận, ngày 07 tháng 11 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN ĐẾN NĂM 2030, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2050”
Căn cứ Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Triển khai có hiệu quả Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” (sau đây gọi tắt là Chương trình). Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, địa phương và Nhân dân toàn tỉnh trong thực hiện Chương trình.
2. Xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình; thông qua thực hiện kế hoạch, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả điều hành của các cấp, các ngành chủ động, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc của Chương trình; tạo đột phá trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
1. Truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của Chương trình, của ngành công nghiệp bán dẫn và khối ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM), tạo phong trào thi đua sôi nổi trong thực hiện phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và các nội dung của Chương trình.
2. Triển khai cơ chế, chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
3. Phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, học viện, các tổ chức có uy tín để triển khai các chương trình liên kết, hợp tác tổ chức đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Khuyến khích, thúc đẩy theo học các khối ngành về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), tiếng Anh chuyên ngành, kỹ năng mềm, tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo làm nền tảng theo học các ngành liên quan đến lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
4. Ưu tiên phân bổ vốn ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực xã hội hóa, các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, dự án thuộc phạm vi Chương trình được giao cho tỉnh chủ trì và hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn theo quy định của pháp luật.
5. Khuyến khích khởi nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn, tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực lao động, tài chính và công nghệ bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn.
6. Tăng cường gắn kết đào tạo nhân lực trình độ sau đại học với hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
7. Triển khai mô hình hợp tác hiệu quả giữa 3 Nhà: Nhà nước-Nhà trường-Nhà doanh nghiệp; mô hình hợp tác công-tư để kết hợp nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
8. Nghiên cứu, rà soát tháo gỡ khó khăn hoặc đề xuất Bộ, ngành liên quan giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình và hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Chương trình được bảo đảm bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật về đầu tư công; nguồn đầu tư, tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Đầu mối theo dõi quá trình triển khai Chương trình; định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện, đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (nếu có) chậm nhất vào ngày 30 tháng 11 hằng năm.
b) Chủ trì tham mưu bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật liên quan khác.
c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan triển khai đẩy mạnh hợp tác công-tư trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội về phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Triển khai chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức tầm quan trọng của khối ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) và những cơ hội nghề nghiệp trong ngành bán dẫn.
b) Phối hợp triển khai các nội dung thuộc Chương trình bảo đảm bám sát mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học trong việc truyền thông và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông trong việc chọn ngành, chọn nghề sau tốt nghiệp Trung học phổ thông, trong đó chú trọng định hướng các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
b) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và định hướng nghề nghiệp; tổ chức các hoạt động giáo dục và dạy học theo mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông mới, tăng cường ứng dụng công nghệ nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy và học; gắn lý thuyết với thực hành sát với thực tiễn và xu hướng phát triển của thời đại, tạo cảm hứng cho học sinh trong nghiên cứu khoa học, thành lập các câu lạc bộ theo mô hình STEM để học sinh bước đầu thực hành, làm quen ngành vi mạch bán dẫn.
c) Đầu mối tổng hợp, đề xuất việc điều chỉnh các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn của Chương trình này.
4. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội
a) Chủ trì triển khai cơ chế, chính sách giấy phép lao động cho người nước ngoài nhằm tạo điều kiện thu hút chuyên gia, người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn và trong đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn.
b) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đáp ứng yêu cầu thị trường.
c) Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình liên kết giữa nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm và ngành công nghiệp bán dẫn. Phối hợp với các cơ sở giáo dục, đào tạo triển khai các chương trình liên kết, hợp tác tổ chức đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Hướng dẫn các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đề xuất đặt hàng triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về ngành công nghiệp bán dẫn.
b) Tham mưu đề xuất Hội đồng Khoa học tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ưu tiên: phê duyệt triển khai các nhiệm vụ KH&CN về ngành công nghiệp bán dẫn; đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia về ngành công nghiệp bán dẫn; bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nghiên cứu và phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, trên cơ sở đề xuất đặt hàng của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan tham mưu, tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong việc thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ gắn với phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
6. Sở Tài chính
Tổng hợp tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các sở, ngành và địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình theo pháp luật về ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách hiện hành.
7. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Triển khai các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt ứng dụng, phục vụ cho quốc phòng và an ninh.
8. Công an tỉnh
a) Triển khai, thực hiện cơ chế, chính sách visa, tạo thuận lợi thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài đến tỉnh Ninh Thuận tham gia đào tạo, nghiên cứu, làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn.
b) Chủ trì, triển khai các chủ trương, chính sách đối ngoại, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Triển khai các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt ứng dụng, phục vụ cho quốc phòng và an ninh.
9. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh
Chủ trì triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù về tiết kiệm và chuyển tiền thuận lợi cho các chuyên gia quốc tế làm việc tại tỉnh Ninh Thuận trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
10. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tích cực tuyên truyền, triển khai thực hiện kế hoạch; xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình cho cả giai đoạn và kế hoạch hàng năm, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tiềm năng, lợi thế của địa phương.
b) Tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch; báo cáo UBND tỉnh tình hình, kết quả thực hiện Chương trình (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) trước ngày 10 tháng 11 hằng năm để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trên đây là Kế hoạch triển khai, thực hiện Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, đề nghị các Sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |