Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 31 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 74/2022/QH15 NGÀY 15/11/2022 CỦA QUỐC HỘI VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ CỦA TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Nghị quyết số 74/2022/QH15) và Báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11/10/2022 của Đoàn giám sát Quốc hội (Báo cáo số 330/BC-ĐGS); UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tinh thần Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội;

- Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đã được Quốc hội chỉ ra tại Nghị quyết số 74/2022/QH15.

2. Yêu cầu

- Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các Doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

- Bám sát phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã nêu tại Nghị quyết số 74/2022/QH15, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được Quốc hội chỉ ra tại Nghị quyết số 74/2022/QH15.

II. NỘI DUNG

1. Nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh đã nêu chi tiết tại báo cáo số 330/BC-ĐGS. Đồng thời kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện về những tồn tại, hạn chế đã nêu. Cụ thể:

1.1. Trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hằng năm

1.1.1. Các tồn tại, hạn chế:

- Tồn tại, hạn chế nêu tại Báo cáo số 330/BC-ĐGS: Phân bổ vốn cho một số dự án chưa đảm bảo điều kiện quy định; bố trí vốn cho dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn;

- Tồn tại, hạn chế nếu tại Phụ lục số 1 kèm theo Nghị quyết số 74/2022/QH15, Dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí giai đoạn 2016 -2021, gồm: Dự án Khu trung tâm thể thao tỉnh Ninh Bình; Dự án xây dựng trường Đại học Hoa Lư; Dự án Ký túc xá sinh viên tập trung tỉnh Ninh Bình.

1.1.2. Đơn vị chủ trì, tham mưu đề xuất giải pháp khắc phục, đề xuất đối tượng trực tiếp khắc phục tồn tại, hạn chế và báo cáo kết quả thực hiện:

Sở Kế hoạch và Đầu tư.

1.1.3. Đơn vị khắc phục tồn tại, hạn chế:

Sở Văn hóa và Thể thao; Trường Đại học Hoa Lư; UBND huyện Yên Mô.

Đơn vị phối hợp, triển khai thực hiện: Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh; Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các Doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh và các đơn vị có liên quan. Thời gian thực hiện: Năm 2023

1.2. Trong quản lý, sử dụng tài sản công

1.2.1. Tồn tại, hạn chế nêu tại Báo cáo số 330/BC-ĐGS:

Theo Báo cáo của KTNN một số đơn vị được kiểm toán, trong đó có tỉnh Ninh Bình, trang bị xe ô tô, mô tô cho đơn vị không có tiêu chuẩn được trang bị xe; sử dụng ô tô vượt tiêu chuẩn định mức hoặc sử dụng xe ô tô chưa phù hợp quy định.

1.2.1. Đơn vị chủ trì, tham mưu đề xuất giải pháp khắc phục, đề xuất đối tượng trực tiếp khắc phục tồn tại, hạn chế và báo cáo kết quả thực hiện:

Sở Tài chính.

1.2.2. Đơn vị khắc phục tồn tại, hạn chế:

UBND thành phố Ninh Bình, Chi cục Kiểm lâm.

Đơn vị phối hợp, triển khai thực hiện: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các Doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh và các đơn vị liên quan.

Thời gian thực hiện: Năm 2023.

1.3. Trong quản lý và sử dụng đất đai

1.3.1. Các tồn tại, hạn chế:

- Tồn tại, hạn chế nêu tại Báo cáo số 330/BC-ĐGS: Một số công trình, dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước;

- Tồn tại, hạn chế nêu tại Phụ lục số 3 kèm theo Nghị quyết số 74/2022/QH15, đó là 02 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí: Dự án nông trường Phùng Thượng nay là Công ty cổ phần giống bò thịt, sữa Yên Phú; Dự án Cảng khô ICD Phúc Lộc tại khu công nghiệp Khánh Phú;

- Tồn tại, hạn chế nêu tại Phụ lục số 04 kèm theo Nghị quyết số 74/2022/QH15: Có 21 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

1.3.2. Đơn vị chủ trì, tham mưu đề xuất giải pháp khắc phục, đề xuất đối tượng trực tiếp khắc phục và báo cáo kết quả thực hiện:

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan.

1.3.3. Đơn vị khắc phục tồn tại:

Công ty TNHH MTV Bình Minh; Công ty CP giống vật nuôi và cây trồng Đồng Giao; Công ty cổ phần giống bò thịt sữa Yên Phú; Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Công ty Cổ phần Phúc Lộc; Công ty TNHH FOTON (khu công nghiệp Gián Khẩu); Công ty cổ phần giống thủy sản Ninh Bình; Công ty TNHH MTV tinh bột sắn Elmaco; Trung tâm nghiên cứu và huấn luyện chăn nuôi; Trung tâm nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây; Công ty cổ phần xây lắp điện 1; Công ty TNHH công nghiệp và dịch vụ Bình Minh; Công ty TNHH Beauty surplus int’l Việt Nam; Công ty cổ phần giống chăn nuôi miền Bắc; Công ty xi măng Phú Sơn; Công ty TNHH Thanh Hải; Công ty TNHH MTV xây dựng Huy Hoàng; Công ty TNHH xây dựng thương mại và dịch vụ Minh Thiết; Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Toàn Cầu; ông Lê Văn Tiến; Công ty TNHH Đại Phát; Công ty TNHH Thành Hưng; Công ty cổ phần Asian Stars Việt Nam; ông Phạm Xuân Quyết; ông Bùi Đức Trọng; Công ty TNHH MTV cuộc sống Ninh Bình.

Đơn vị phối hợp, triển khai thực hiện: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các Doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh và các đơn vị có liên quan.

Thời gian thực hiện: Năm 2023

2. Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tinh thần Nghị quyết số 74/2022/QH15

2.1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, cả khu vực công cũng như khu vực tư để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân;

- Tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của tỉnh để phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Phát động phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương và trong nhân dân với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Đổi mới trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm và hàng năm, theo hướng vừa đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có chủ đề từng năm. Các báo cáo phải đảm bảo đầy đủ về số liệu, nội dung, tiêu chí đánh giá theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thông tư 188/2014/TT-BTC, Thông tư số 129/2017/TT-BTC và các văn bản quy định khác có liên quan.

- Thường xuyên đánh giá hiệu quả và chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm hạn chế lãng phí các nguồn lực. Chú trọng đối với một số lĩnh vực then chốt như tiết kiệm năng lượng; quản lý, sử dụng đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản.

2.2. Đơn vị, thời gian thực hiện

Đơn vị thực hiện: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Thời gian thực hiện: Năm 2023.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH13 theo phạm vi quản lý, lĩnh vực phụ trách, đặc biệt là các vấn đề tồn tại, hạn chế đã nêu tại Nghị quyết và Báo cáo của Đoàn Giám sát; đề xuất giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế (trong đó làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu), báo cáo UBND tỉnh (đồng thời gửi Sở Tài chính) trước ngày 15/4/2023; triển khai khắc phục tồn tại hạn chế và báo cáo kết quả khắc phục tồn tại hạn chế về UBND tỉnh (qua Sở Tài chính).

2. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các Doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh triển khai thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của đơn vị mình gắn với việc thực hiện Kế hoạch này. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này và kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh hằng năm theo quy định.

3. Giao Sở Tài chính đôn đốc, tổng hợp kết quả khắc phục tồn tại hạn chế của các cơ quan, đơn vị; báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các Doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, VP5, các VP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Song Tùng