ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5447/KH-UBND | Phú Thọ, ngày 1 tháng 12 năm 2017 |
PHÁT TRIỂN THỦY LỢI TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứu Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày 04 tháng 4 năm 2001 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng Chiến lược Phát triển thuỷ lợi Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Quyết định số 794/QĐ-BNN-TCTL ngày 21 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành thủy lợi;
Căn cứ Quyết định số 185/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về việc duyệt Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 167/TTr-SNN-CCTL ngày 24 tháng 11 năm 2017,
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển Thủy lợi tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 với những nội dung cụ thể như sau:
ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC THỦY LỢI
I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC THỦY LỢI
a) Toàn tỉnh hiện có 1.777 công trình hồ, đập, phai dâng và 263 trạm bơm tưới, tiêu và tưới tiêu kết hợp; trong đó, 05 hồ chứa có dung tích từ 3 đến 10 triệu m3, 20 hồ chứa có chiều cao đập từ 15 m trở lên, 09 hồ chứa có dung tích từ 1 triệu m3 đến dưới 3 triệu m3, 270 hồ chứa có dung tích từ 50 nghìn m3 đến dưới 1 triệu m3, các hồ còn lại có dung tích dưới 50 nghìn m3. Năng lực công trình được phân theo diện tích phục vụ như sau:
- Hồ, đập có diện tích phục vụ từ trên 100 ha: 44 công trình;
- Hồ, đập có diện tích phục vụ từ 50 ha đến 100 ha: 127 công trình;
- Hồ, đập có diện tích phục vụ từ 10 ha đến dưới 100 ha: 688 công trình;
- Hồ, đập và công trình tạm có diện tích phục vụ dưới 10 ha: 918 công trình;
- Trạm bơm tưới có diện tích phục vụ trên 100 ha: 70 công trình;
- Trạm bơm tưới có diện tích phục vụ từ 50 ha đến 100 ha: 77 công trình;
- Trạm bơm tưới có diện tích phục vụ từ 10 ha đến 50 ha: 93 công trình;
- Trạm bơm tưới có diện tích phục vụ dưới 10 ha: 09 công trình.
b) Hệ thống kênh tưới: Hiện tại có 3.907 km kênh các loại, 79,4 km đường ống dẫn nước; hầu hết đều là kênh đất và có mặt cắt hình thang; trong đó: Kênh cấp I, II: 734 km; kênh cấp III: 3.173 km. Tổng số km kênh được kiên cố hóa 1.216 km.
2. Hệ thống tiêu
Tổng cộng có 27 tuyến ngòi tiêu, kênh tiêu lớn và nhiều hệ thống kênh tiêu nhỏ; 14 trạm bơm chuyên tiêu, 15 trạm bơm tưới tiêu kết hợp; đã tiêu tự chảy được 135.100 ha, tiêu động lực 11.300 ha.
3. Công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 02 mô hình tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi, gồm:
- Công ty TNHH Nhà nước MTV khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ: Quản lý, vận hành các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, liên huyện, liên xã, gồm: 781 công trình (trong đó: 356 hồ, đập; 288 phai dâng; 137 trạm bơm tưới, tiêu và tưới tiêu kết hợp; đảm bảo phục vụ diện tích sản suất 40.124,46 ha);
- Các hợp tác xã dịch vụ thủy lợi: Gồm 206 hợp tác xã quản lý vận hành các công trình trong địa bàn xã, gồm 1.508 công trình thủy lợi (trong đó: 881 hồ, đập; 359 phai dâng; 368 trạm bơm tưới, tiêu và kết hợp; đảm bảo phục vụ diện tích sản suất 43.294,46 ha).
4. Hiện trạng các công trình cấp nước sinh hoạt
Trên địa bàn tỉnh hiện có 126 công trình cấp nước sinh hoạt đã bàn giao đưa vào sử dụng (gồm: 88 công trình cấp nước tự chảy, 38 công trình cấp nước tập trung), tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,5%.
- Với 2.040 công trình tưới, 3.907 km kênh mương đã đảm bảo tưới cho 57.900/68.000 ha lúa (đạt 85,14%), 16.300 ha rau màu, 1.600 ha thủy sản. Hiện nay, phần lớn các công trình đã xuống cấp không đảm bảo năng lực tưới theo thiết kế. Những năm gần đây Nhà nước đã đầu tư xây dựng, nâng cấp một số công trình thủy lợi lớn góp phần tích cực nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Trong những năm qua công tác tiêu thoát nước được quan tâm đầu tư, nhiều ngòi tiêu lớn được cải tạo, nắn dòng như ngòi tiêu Dậu Dương, Tiên Du, ngòi Chó…, nhiều trạm bơm lớn được đầu tư xây dựng, nâng cấp như Đông Nam Việt Trì, Ngòi Trang, Lê Tính… đã góp phần đảm bảo tiêu cho 135.100 ha diện tích lưu vực, trong đó tiêu động lực là 11.300 ha. Tuy nhiên, nhiều tuyến ngòi tiêu lớn chưa được nạo vét, khơi thông; nhiều trạm bơm được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, thiết bị lạc hậu không đảm bảo tiêu thoát khi có mưa lớn;
- Các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, đang tồn tại nhiều bất cập; công trình nhỏ lẻ, phân tán còn là chủ yếu; công nghệ xử lý nước đơn giản, các công trình cấp nước đạt tiêu chuẩn nước sạch với quy mô liên xã còn hạn chế; công tác quản lý, vận hành công trình chưa đạt hiệu quả; việc kết hợp giữa công trình cấp nước tưới và nước sinh hoạt còn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả xây dựng công trình.
- Các công trình hầu hết được xây dựng từ lâu, nhiều công trình được xây dựng trong thời kỳ bao cấp có hệ số thiết kế tưới, tiêu thấp; mức độ đầu tư còn hạn chế, chỉ mới đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình đầu mối mà chưa xây dựng được hoàn chỉnh hệ thống kênh dẫn nước nên chưa phát huy tối đa năng lực phục vụ của công trình, chưa hoàn chỉnh từ đầu mối đến kênh mương; thiết bị lạc hậu, chắp vá, không đồng bộ; những năm gần đây các trạm bơm ven sông Lô, sông Chảy không chủ động hoạt động do mực nước sông hạ thấp nên phải hạ thấp bệ máy và nối dài ống hút để bơm nước tưới gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành;
- Kinh phí đầu tư cho xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống tưới thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu; tỷ lệ cung cấp nước cho các dịch vụ khác ít được quan tâm; hạ tầng thủy lợi nội đồng còn lạc hậu, chủ yếu là kênh đất chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất;
- Hệ thống công trình thủy lợi chủ yếu tập trung cung cấp nước cho cây lúa, phần lớn các cây trồng cạn, cây trên đồi chưa có tưới, những diện tích được áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn hạn chế;
- Hệ thống quản lý thủy nông thiếu bền vững, nguồn thu chủ yếu dựa vào kinh phí cấp bù thủy lợi phí của ngân sách Nhà nước; phương thức cấp phát và nghiệm thu không dựa vào chất lượng dịch vụ; các dịch vụ khai thác tổng hợp không được phát huy để tăng nguồn thu, thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa, nạo vét kênh mương dẫn đến công trình bị hư hỏng, xuống cấp nhanh; thiếu động lực để nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng, đổi mới hệ thống quản trị của Công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi;
- Hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi chưa cao, bộc lộ nhiều hạn chế: Bộ máy tổ chức cồng kềnh, năng suất lao động thấp, chất lượng quản trị không cao, công trình xuống cấp nhanh, vi phạm công trình thủy lợi tăng và chưa được giải quyết, sử dụng nước lãng phí;
- Quản lý an toàn hồ đập chưa được coi trọng đúng mức, nhiều hồ đập bị xuống cấp có nguy cơ mất an toàn, tổ chức quản lý hồ, đập (đặc biệt là hồ, đập nhỏ) chưa đáp ứng yêu cầu; năng lực cảnh báo, dự báo sớm phục vụ chỉ đạo điều hành và vận hành hồ chứa còn hạn chế;
- Đầu tư hạ tầng thủy lợi cho phục vụ nuôi trồng thủy sản rất thấp;
- Cơ sở hạ tầng cung cấp nước sạch nông thôn còn nhiều tồn tại thách thức: Số lượng công trình cấp nước sinh hoạt hoạt động kém hiệu quả còn cao; công tác quản lý, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt chưa đáp ứng được nguyên tắc bền vững; chưa phát huy tốt vai trò của người dân, thiếu cơ chế chính sách mạnh mẽ để hướng tới xã hội hóa sự tham gia của người dân.
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THỦY LỢI ĐẾN NĂM 2020
I. DỰ BÁO CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN CÔNG TÁC THỦY LỢI
1. Thuận lợi
- Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi đến năm 2020 đã được phê duyệt là cơ sở vững chắc để triển khai thực hiện Kế hoạch;
- Quá trình chỉ đạo triển khai, thực hiện đã có các mục tiêu của quy hoạch ngành được duyệt, cụ thể hóa thành các chương trình, dự án, kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện;
- Công tác quản lý Nhà nước về thủy lợi từng bước được củng cố và hiệu quả hơn; quá trình tuyên truyền vận động đã giúp từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia xây dựng, quản lý, vận hành các công trình.
2. Khó khăn
- Hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi không đồng bộ, nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp; địa hình chia cắt, tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún;
- Nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi hạn chế;
- Biến đổi khí hậu và tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội tác động mạnh mẽ tới công tác thủy lợi:
Ảnh hưởng trực tiếp của hạn hán: Từ 2008 trở lại đây, hạn hán liên tiếp xảy ra gay gắt trên diện rộng. Mùa mưa kết thúc sớm, lượng mưa ít, lượng nước trên các sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh Phú Thọ sụt giảm nghiêm trọng (đặc biệt trên sông Lô và sông Chảy), lượng nước trong các hồ, đầm cũng bị thiếu hụt rất lớn vào mùa khô dẫn đến thiếu chủ động trong cung cấp nước phục vụ sản xuất.
Ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt: Lượng mưa trung bình năm giảm nhưng cường độ mưa cục bộ từng trận lớn tăng, đây là nguyên nhân gây ra ngập úng cục bộ ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp; lũ trên các sông suối; với địa hình chia cắt, nhiều đồi núi, độ dốc lớn dễ gây lũ quét, sạt lở đất nhất là các huyện miền núi như Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Hạ Hoà.
1. Mục đích
Xác định các mục tiêu cụ thể để phát triển lĩnh vực thủy lợi góp phần thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 và Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế - xã hội, góp phần hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 (nội dung phòng, chống thiên tai thực hiện theo Kế hoạch riêng, số 4551/KH-UBND ngày 11 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh).
2. Yêu cầu
- Bám sát nội dung và triển khai thực hiện có hiệu quả các Quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch có liên quan đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Trong đó, ưu tiên tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi, phục vụ ngành trồng trọt và thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị thực hiện trên các lĩnh vực và xác định rõ thời gian hoàn thành, làm cơ sở để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện;
- Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện tại cơ sở, đồng thời tham mưu thực hiện tốt các nội dung kế hoạch;
- Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, hiểu rõ tầm quan trọng, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện.
- Đảm bảo cấp nước tưới chủ động cho 34.500 ha lúa;
- Cấp nước tưới cho 7.800 ha diện tích màu, tạo nguồn tưới cho diện tích cây vùng đồi 2.400 ha; trong đó tưới hiện đại, tiết kiệm nước 500 - 700 ha;
- Cấp nước cho diện tích nuôi trồng thủy sản 3.700 ha;
- 124 xã nông thôn đạt tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới;
- Đảm bảo diện tích tiêu toàn tỉnh đạt 162.400 ha, trong đó tiêu bằng động lực 20.100 ha;
- 98% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
IV. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi
- Nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống công trình thủy lợi: Xem xét chuyển đổi cơ chế hoạt động của công tác quản lý, khai thác từ cơ chế giao kế hoạch sang cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu quản lý, khai thác; khuyến khích mở rộng các hoạt động cung cấp các dịch vụ có thu, ưu tiên cung cấp nước sạch cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng kế hoạch kinh doanh hàng năm và 05 năm của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ nhằm nâng cao năng lực quản trị, quản lý;
- Ban hành quy định phân cấp quản lý công trình thủy lợi và giá trần dịch vụ thủy lợi nội đồng theo hướng toàn bộ hệ thống kênh mương nội đồng giao cho các tổ chức dùng nước là các Hợp tác xã quản lý; trên cơ sở kinh phí thủy lợi nội đồng thu được từ các đơn vị, cá nhân dùng nước để vận hành tu bổ, sửa chữa hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất. Tăng cường phân cấp quản lý công trình thủy lợi, tiếp tục giao Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ quản lý, khai thác các công trình thủy lợi liên xã, liên huyện, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp;
- Rà soát, củng cố các Hợp tác xã dịch vụ thủy lợi để tăng cường năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi; thực hiện tốt kế hoạch thành lập, củng cố 06 hợp tác xã dịch vụ thủy lợi do dự án WB7 tài trợ làm mô hình nhân rộng ra các hợp tác xã dịch vụ thủy lợi trên địa bàn tỉnh;
- Tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các mô hình tổ chức quản lý tốt hơn, hiện đại và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
2. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng hệ thống thủy lợi, nâng cao mức đảm bảo an toàn đập
- Tiếp tục xây dựng mới các công trình thủy lợi cho các khu vực chưa chủ động tưới, tiêu; tại các nơi có ưu thế về nguồn nước, cao trình để điều tiết nước giữa các khu vực; nâng cấp hệ thống kênh chính của các hồ thủy lợi lớn có lợi thế về địa hình bằng đường ống có áp để giảm thất thoát nước, nâng cao, đa dạng diện tích phục vụ làm tiền đề cho các hệ thống tưới hiện đại, tiết kiệm nước; xây dựng hồ Ngòi Giành và hệ thống cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt cho các huyện Cẩm Khê, Yên Lập và Thanh Ba. Hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng huyện Yên Lập, Cẩm Khê, Hạ Hòa;
- Tiếp tục xây dựng mới những trạm bơm tiêu với công suất lớn nhằm tiêu úng triệt để cho những vùng thường xuyên bị ngập úng, kết hợp tiêu để nuôi trồng thủy sản; xây dựng 04 trạm bơm tiêu mới, gồm: Trạm bơm Dậu Dương (huyện Tam Nông), Trạm bơm Đoan Hạ (huyện Thanh Thủy), Trạm bơm Sơn Tình và Trạm bơm tiêu cho các xã Sai Nga, Thanh Nga, Sơn Nga, thị trấn Sông Thao (huyện Cẩm Khê); hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu Ngòi Hiêng, Ngòi Trang (huyện Hạ Hòa);
- Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp để nâng cao năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an toàn công trình; cải tạo, nâng cấp 14 công trình, gồm: Hồ Đá Đen, hồ Nhà Giặc, hồ Núi Đẫu, hồ Vĩnh Lại (huyện Đoan Hùng), hồ Đầm Gai (huyện Thanh Sơn), hồ Trằm Sắt, hồ Ba Gạc (huyện Thanh Ba), hồ Ban, hồ Đát Rội, hồ Dộc Gạo (huyện Cẩm Khê), hồ Cây Quýt (huyện Hạ Hòa), hồ Dộc Hẹp, hồ Sụ (huyện Thanh Thủy), hồ Vỡ (huyện Yên Lập) thuộc dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập, sử dụng nguồn vốn WB8; Hồ dưới chân núi Hình Nhân và đồi Lật Mật, khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng;
- Sửa chữa thường xuyên, thay thế thiết bị như máy bơm, động cơ đối với các trạm bơm bị hư hỏng cũng như các trạm bơm hiện các thiết bị máy bơm cột nước thấp, độ cao hút nhỏ bằng các máy bơm có cột nước bơm cao và có chiều cao hút lớn; tu bổ, sửa chữa các công trình bể hút, bể xả; kiên cố hoá hệ thống kênh và các công trình trên kênh;
- Tập trung cải tạo, nâng cấp, kiên cố hóa hệ thống kênh mương để tăng cường năng lực phục vụ của hệ thống công trình thủy lợi góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới;
- Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi để tạo nguồn tưới đối với các khu vực đồi thoải tạo thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, đặc biệt là các khu vực sẽ được Tổng Công ty Giấy Việt Nam bàn giao lại cho tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;
- Chú trọng duy tu, sửa chữa thường xuyên các công trình thủy lợi bằng nguồn ngân sách tỉnh và kinh phí hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức thủy nông hàng năm; dự kiến đến 2020 duy tu, sửa chữa 100 công trình;
- Nâng cao năng lực dự báo mưa lũ, vận hành hồ chứa hợp lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi; lắp đặt các hệ thống quan trắc, vận hành hiện đại cho các công trình thủy lợi lớn;
- Rà soát, lập và bổ sung quy trình vận hành các hồ chứa theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế tại khu vực; tăng cường đảm bảo an toàn cho khu vực hạ lưu đập; dự báo, cảnh báo lũ, vận hành hồ chứa, bảo vệ an toàn đập và phòng chống lũ cho vùng hạ lưu đập;
- Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch ứng phó với tình huống sự cố vỡ đập đối với những hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để chủ động ứng phó, khắc phục khi công trình xảy ra sự cố.
3. Phát triển tưới cho cây trồng cạn
- Nghiên cứu, xây dựng mô hình, trong giai đoạn bằng nguồn vốn WB7 xây dựng 03 mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây bưởi Đoan Hùng (diện tích 23 ha), cây chè (diện tích 19 ha), rau sạch (diện tích 23,2 ha) làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn tỉnh, tập trung tuyên truyền, phổ biến các mô hình tưới tiết kiệm hiện có: Mô hình tưới cây ăn quả tại xã Thu Cúc - Tân Sơn, xã Đông Thành - Thanh Ba….để đẩy mạnh xã hội hóa trong việc áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến và tiết kiệm nước, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro cho các loại cây trồng chủ lực đang có thị trường ổn định, giá trị kinh tế cao như cây bưởi, cây chè, rau màu và các loại cây trồng cạn khác, đến năm 2020 tạo nguồn tưới cho 1.400 ha diện tích cây bưởi tại các huyện Đoan Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh, Yên Lập, Tam Nông, Thanh Sơn và một số diện tích nhỏ tại các huyện khác; 600 ha diện tích trồng chè tại các huyện Đoan Hùng, Thanh Ba, Yên Lập, Thanh Sơn, Hạ Hòa, Tân Sơn và một số diện tích nhỏ tại các huyện khác; 400 ha rau màu tập trung tại các huyện Lâm Thao, Thanh Ba, Phù Ninh, Thanh Thủy, Thanh Sơn và một số diện tích nhỏ tại các huyện khác; có từ 500 - 700 ha cây trồng cạn được tưới tiến tiến, tiết kiệm nước;
- Xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống hồ chứa nước vừa và nhỏ; đẩy mạnh áp dụng dẫn nước bằng hệ thống đường ống áp lực, tưới tiết kiệm nước để cung cấp nước cho khu vực đất vàn cao, đất dốc để tăng diện tích canh tác, tăng vụ, đa dạng loại cây trồng.
4. Phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản
Xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi đảm bảo chủ động cấp, tiêu nước bền vững, tiết kiệm nước phục vụ cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2020 đảm bảo cấp nước cho 3.700 ha diện tích nuôi trồng thủy sản tập trung tại các huyện Yên Lập, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba, Tam Nông, Thanh Thủy, Thị xã Phú Thọ và một số diện tích nhỏ lẻ tại các huyện khác. Xây dựng mới dự án vùng nuôi trồng thủy sản bền vững xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ; Xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản bền vững Sơn Tình, Tạ Xá, huyện Cẩm Khê; Xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản bền vững Yển Khê, Sơn Cương, huyện Thanh Ba.
5. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn
- Tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch nông thôn theo hướng đầu tư cho những khu vực có nhu cầu sử dụng cao, bị ô nhiễm nguồn nước; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình lớn, quy mô liên xã đảm bảo các tiêu chuẩn bền vững; xây dựng mới 06 công trình cấp nước sạch, gồm: Mở rộng công trình cấp nước sinh hoạt Trung Nghĩa (huyện Thanh Thủy); hệ thống cấp nước sinh hoạt cho các xã: Lương Lỗ, Đỗ Sơn và Đỗ Xuyên (huyện Thanh Ba); hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Phương Lĩnh, huyện Thanh Ba; hệ thống cấp nước sinh hoạt cho các xã Thanh Nga, Xương Thịnh (huyện Cẩm Khê); hệ thống cấp nước cho các xã Tề Lễ, Quang Húc và hệ thống cấp nước sạch tập trung 12 xã huyện Tam Nông. Cải tạo hệ thống cấp nước sinh hoạt Bằng Giã (huyện Hạ Hòa);
- Tăng cường rà soát hiện trạng, công tác quản lý công trình cấp nước nông thôn, đẩy mạnh thực hiện Thông tư 54/2013/TT-BTC ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung và Thông tư 76/2017/TT-BTC ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 54/2013/TT-BTC ngày 04 tháng 5 năm 2013 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, năng lực quản lý vận hành công trình cấp nước nông thôn.
6. Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ
- Áp dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới trong xây dựng, cải tạo, nâng cấp, quản lý khai thác công trình thủy lợi (đẩy mạnh sử dụng hệ thống đường ống áp lực, lắp đặt hệ thống quan trắc vận hành công trình thủy lợi, cấp nước nông thôn…);
- Xây dựng các mô hình trình diễn về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các loại cây trồng như: chè, bưởi, rau sạch; tăng cường đào tạo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, thiết kế mẫu, đào tạo lắp đặt, sử dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước;
- Xây dựng hoàn thiện mạng lưới trạm đo mưa, hệ thống thông tin cảnh báo lũ lụt; tăng cường áp dụng các đề tài khoa học trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất;
- Từng bước lắp đặt hệ thống quan trắc và vận hành công trình thủy lợi thông qua kết nối mạng điều khiển (đặc biệt đối với các hồ chứa, công trình có quy mô tương đối lớn);
- Nghiên cứu, ứng dụng mô hình nông nghiệp thông minh 4.0 trong nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.
7. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụmi tiết có dự thảou gia góp ý của các huyện, thành, thị và các Sở liên quang xây dựng, quản lý và vận hành công trình thủy lợi
Phối hợp với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan thực hiện:
- Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thủy lợi, trọng tâm là cán bộ ở cấp huyện, cấp xã;
- Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt là đội ngũ quản lý thủy nông ở các Tổ chức hợp tác dùng nước;
8. Công tác thông tin, tuyên truyền
- Tổ chức phổ biến và quán triệt nội dung Kế hoạch đến cán bộ công chức, viên chức, người lao động của các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị có liên quan;
- Tuyên truyền, phổ biến mọi người dân tham gia bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm;
- Tuyên truyền, tổ chức tham quan học tập các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để người dân tiếp cận nhanh kỹ thuật, thấy được hiệu quả kinh tế để áp dụng nhân rộng;
- Tuyên truyền, phổ biến các mô hình Tổ chức dùng nước có hiệu quả để từ đó vận động các địa phương thực hiện việc thành lập, củng cố các Tổ chức dùng nước theo mô hình hoạt động có hiệu quả;
- Phổ biến để người dân hiểu được việc phải trả dịch vụ thủy lợi nội đồng, nước sinh hoạt khi sử dụng nước từ các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, từ đó nêu cao vai trò của người dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt.
9. Huy động nguồn lực đầu tư
Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch dự kiến đến năm 2020 là: 2.595,403 tỷ đồng, trong đó:
- Ngân sách trung ương: 1.467,260 tỷ đồng;
- Ngân sách tỉnh: 82,329 tỷ đồng;
- Vốn ODA: 788,891 tỷ đồng;
- Vốn doanh nghiệp: 218,384 tỷ đồng;
- Vốn khác: 38,539 tỷ đồng.
(Chi tiết theo Phụ lục I, II kèm theo)
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất theo dõi, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch; chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, thị xã trong triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch; tổng hợp và đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (định kỳ 06 tháng, 01 năm) và các bộ, ngành liên quan.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư để thực hiện kế hoạch; xây dựng, đề xuất các chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển, phân bổ nguồn vốn hàng năm đảm bảo thực hiện kế hoạch có hiệu quả.
3. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn ngân sách phục vụ công tác duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn; hướng dẫn quản lý sử dụng, thanh, quyết toán nguồn kinh phí hàng năm theo quy định.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thủy lợi, đặc biệt là ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ về tưới tiết kiệm; quan trắc, đo, cảnh báo tự động; các tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng, quản lý và vận hành công trình thủy lợi tự động; các tiến bộ thông tin quản lý an toàn đập, cảnh báo lũ, lũ quét…
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch sử dụng đất phù hợp với kế hoạch xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt, phòng chống thiên tai. Tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước; tổ chức thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản, giám sát tài nguyên nước theo phân cấp.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
- Xây dựng kế hoạch cụ thể hóa để triển khai thực hiện của địa phương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến kế hoạch để các xã, phường, thị trấn và nhân dân hiểu được tầm quan trọng và yêu cầu của kế hoạch;
- Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế về thủy lợi trên địa bàn, tập trung huy động nguồn lực đầu tư trong xã hội và nguồn vốn xã hội hóa thông qua đa dạng hóa các hình thức đầu tư; tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư tại địa phương nhằm thực hiện Kế hoạch Thủy lợi, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao;
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện các nội dung có liên quan trong kế hoạch đảm bảo tiến độ.
7. Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi
Xây dựng kế hoạch thực hiện; thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống công trình thủy lợi, khả năng phục vụ của hệ thống; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành đánh giá năng lực của hệ thống; tổ chức, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công nhân viên đảm bảo tinh giản, gọn nhẹ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng và áp dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
8. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách thực hiện phát triển thủy lợi.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh
Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về kế hoạch phát triển thủy lợi; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, tổ chức quần chúng nhân dân trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai các nội dung thực hiện kế hoạch.
Yêu cầu giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo triển khai nghiêm túc kế hoạch nêu trên./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Thông tư 76/2017/TT-BTC về sửa đổi Thông tư 54/2013/TT-BTC quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3 Nghị quyết 03/2014/NQ-HĐND điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi tỉnh Phú Thọ đến năm 2020
- 4 Quyết định 794/QĐ-BNN-TCTL năm 2014 phê duyệt "Đề án Tái cơ cấu ngành thủy lợi" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5 Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Thông tư 54/2013/TT-BTC quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 7 Nghị quyết 09/2012/NQ-HĐND quy hoạch phát triển thủy lợi thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 8 Quyết định 1590/QĐ-TTg năm 2009 về việc phê duyệt định hướng chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9 Nghị quyết 12/2006/NQ-HĐND thông qua Đề án "Phát triển thủy lợi nhỏ tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020"
- 10 Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001
- 1 Nghị quyết 03/2014/NQ-HĐND điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi tỉnh Phú Thọ đến năm 2020
- 2 Nghị quyết 09/2012/NQ-HĐND quy hoạch phát triển thủy lợi thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 3 Nghị quyết 12/2006/NQ-HĐND thông qua Đề án "Phát triển thủy lợi nhỏ tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020"