Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5536/KH-GDMN

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 9 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ GIÁO DỤC MẦM NON THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM HỌC 2024 - 2025

Căn cứ Công văn số 4868/BGDĐT-GDMN ngày 29 tháng 8 năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục mầm non;

Căn cứ Quyết định số 3089/QĐ-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ vào tình hình thực tế và điều kiện cụ thể của Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố, Giáo dục Mầm non Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ Giáo dục Mầm non, năm học 2024 - 2025 với các nội dung cụ thể như sau:

I. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Năm học 2024 - 2025 tiếp tục thực hiện chủ đề “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm”.

Triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) và Ủy ban nhân dân Thành phố; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non (GDMN); tiếp tục đổi mới công tác quản lý, quản trị nhà trường theo hướng phân cấp, giao quyền chủ động, linh hoạt, năng lực tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong quản lý các hoạt động giáo dục; tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng GDMN ở khu công nghiệp và cơ sở GDMN độc lập.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, sắp xếp, củng cố quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non gắn với kế hoạch phát triển của địa phương. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1; tiếp tục rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ và tăng cường các giải pháp huy động trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi đến trường, lớp.

Chủ động và thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ. Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ: bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu, học liệu mầm non và đáp ứng yêu cầu phát triển Chương trình, đổi mới GDMN phù hợp với điều kiện của đơn vị; chuẩn bị các điều kiện để thí điểm thực hiện Chương trình GDMN mới; tiếp tục theo dõi lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non đáp ứng Luật Giáo dục 2019 và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên mầm non (GVMN), đảm bảo đủ số lượng, đạt chuẩn về trình độ đào tạo.

Tiếp tục nhân rộng và nâng cao hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”[1] năm thứ 4; phát huy mô hình trường thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia.

Chuẩn bị nội dung, hình ảnh, hoạt động góp phần tham gia triển lãm chào mừng Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tăng cường phát triển lĩnh vực phát triển thể chất cho trẻ phù hợp với điều kiện thực tế.

Tăng cường đầu tư và thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xã hội hoá GDMN để phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; phối hợp thực hiện hiệu quả các kế hoạch, đề án, chính sách phát triển giáo dục mầm non.

Phát huy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong quản lý giáo dục mầm non; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu; tiếp tục duy trì và tăng cường công tác truyền thông.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục

1.1 Triển khai văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản liên quan giáo dục mầm non

Phối hợp các Sở, ngành Thành phố; các phòng thuộc Sở tham mưu và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết mới ban hành của Hội đồng nhân dân Thành phố liên quan đến giáo dục mầm non.

+ Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 10 năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập;

+ Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT ngày 03 tháng 6 năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

+ Tham mưu điều chỉnh, sửa đổi Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh;

+ Tiếp tục chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo tham mưu thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với trẻ em và giáo viên mầm non theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP;

+ Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học đối với giáo dục mầm non.

+ Tổ chức duyệt kế hoạch năm học 2024 - 2025 tại Quận 12; duyệt kế hoạch năm học của 3 trường mầm non trực thuộc.

1.2 Tiếp tục thực hiện hiệu quả đổi mới công tác quản lý theo hướng phân cấp, tự chủ gắn trách nhiệm giải trình

Nâng cao trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường, người đứng đầu, giáo viên, nhân viên, người lao động gắn với trách nhiệm giải trình trong quản lý các hoạt động nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ trong cơ sở GDMN.

Tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục được lựa chọn các hình thức, phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục để đáp ứng mục tiêu Chương trình GDMN, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý các hoạt động giáo dục trong cơ sở GDMN theo quy định nhằm phát huy vai trò tham gia xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, giám sát, quản lý, sử dụng các nguồn lực để tổ chức các hoạt động; bảo đảm đầy đủ, kịp thời quy định về công khai mục tiêu chất lượng giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, kết quả thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1.3 Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở GDMN

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về cơ sở GDMN; xây dựng kế hoạch kiểm tra năm học 2024-2025[2]; chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quận, huyện, thành phố Thủ Đức thực hiện quy định việc quản lý cơ sở GDMN[3], phát huy vai trò hỗ trợ, hướng dẫn, thường xuyên tự kiểm tra, rà soát các điều kiện hoạt động; tăng cường phối hợp kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở GDMN ngoài công lập, đặc biệt đối với các cơ sở GDMN độc lập, quản lý chặt chẽ, cập nhật thông tin về việc thành lập và hoạt động của các cơ sở GDMN độc lập, nhóm lớp tối đa 07 trẻ trên địa bàn.

Giám sát, đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra và xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm, các cơ sở có tiềm ẩn, rủi ro nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Tiếp tục phối hợp kiểm tra các cơ sở GDMN liên kết, hợp tác đầu tư với nước ngoài.

2. Định hướng phát triển trường, lớp; xây dựng trường chuẩn quốc gia và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi; hướng đến triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo

2.1 Rà soát sắp xếp trường lớp mầm non phù hợp với điều kiện thực tiễn

Phối hợp triển khai Quyết định số 697/QĐ-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Đề án Xây dựng 4.500 phòng học chào mừng Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chỉ đạo Phòng GDĐT tăng cường công tác tham mưu, rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp mầm non theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-TW, Công văn số 3712/BGDĐT-CSVC ngày 24/8/2018, Công văn số 826/BGDĐT-CSVC ngày 29/02/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDMN, phổ thông và thường xuyên và các quy định của pháp luật hiện hành; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo thiết bị dạy học tối thiểu; bổ sung đồ chơi, học liệu tại các cơ sở GDMN bảo đảm quy định về số lượng và chất lượng; bố trí kinh phí và huy động nguồn lực để mua sắm bổ sung các đồ dùng, đồ chơi, thiết bị, tài liệu, học liệu để thực hiện Chương trình GDMN theo yêu cầu chuẩn hóa và hiện đại.

2.2 Nâng cao chất lượng kiểm định giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia

Thực hiện lồng ghép công tác kiểm tra chất lượng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; tăng cường tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn, yêu cầu các trường mầm non đạt chuẩn luôn nỗ lực, duy trì và nâng cao chất lượng toàn diện; phối hợp tham gia các đoàn đánh giá ngoài trường mầm non đăng ký thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia theo quy định tại Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; phấn đấu tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia.

2.3 Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; chuẩn bị triển khai phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi

Tiếp tục chỉ đạo Phòng GDĐT các quận, huyện, thành phố Thủ Đức duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi; đảm bảo việc thực hiện Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 3 năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện bảo đảm và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; cập nhật đầy đủ số liệu, thực hiện báo cáo, thống kê các biểu mẫu theo quy định, hướng dẫn các cơ sở GDMN ưu tiên bố trí đủ giáo viên/lớp và đảm bảo giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo phụ trách lớp mẫu giáo 5 tuổi; tăng cường ứng dụng CNTT trong lưu trữ hồ sơ phổ cập.

Phối hợp xây dựng kế hoạch thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo (theo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt); các đơn vị chủ động tăng cường rà soát điều kiện: tỷ lệ trẻ đến trường, lớp; đội ngũ; đồ dùng thiết bị; phòng học... ưu tiên bảo đảm ngân sách triển khai phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo; tổ chức và tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ công tác phổ cập GDMN.

Thực hiện đầy đủ và kịp thời chính sách hỗ trợ cho trẻ theo quy định.

3. Giải pháp đảm bảo chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng; an toàn sức khỏe cho trẻ

3.1 Đảm bảo tiêu chuẩn về dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn của trẻ; các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm

Chỉ đạo phòng GDĐT tiếp tục hướng dẫn các cơ sở GDMN nghiêm túc đảm bảo các tiêu chuẩn về dinh dưỡng theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 01/VBHN- BGDĐT ngày 13 tháng 4 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Thông tư ban hành Chương trình GDMN; thực hiện nghiêm túc việc tổ chức công tác nuôi dưỡng theo quy định về số bữa ăn, nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị, phân bố bữa ăn phù hợp; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn trong các cơ sở giáo dục mầm non; phát huy vai trò giám sát của cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ trong việc bảo đảm chất lượng bữa ăn; không thực hiện hợp đồng dịch vụ cung cấp suất ăn cho trẻ tại các cơ sở GDMN[4]; nghiêm túc đảm bảo quy trình bếp một chiều; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Tiếp tục phối hợp đơn vị hỗ trợ kỹ thuật hoàn chỉnh kết nối các phần mềm quản lý công tác bán trú về trục dữ liệu chung của Ngành.

Khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục phát huy, nhân rộng các hoạt động hưởng ứng tuần lễ dinh dưỡng.

3.2 Công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho trẻ

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các văn bản quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản thích ứng kịp thời; chú ý một số bệnh: bạch hầu, sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng…; các quy định về công tác phòng chống bạo hành trẻ em[5], bảo đảm an toàn trường học[6]; tăng cường giáo dục trẻ kỹ năng thực hành vệ sinh cá nhân, tự bảo vệ chăm sóc sức khỏe; hướng dẫn cơ sở giáo dục mầm non thực hiện tốt Thông tư số 45/2021/TT- BGDĐT ngày 31/12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non; chú trọng công tác tự kiểm tra, đánh giá các tiêu chuẩn về an toàn nhằm phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không bảo đảm an toàn, chất lượng tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo quy định và tuân thủ pháp luật.

Thực hiện tốt công tác y tế trường học theo quy định[7], phối hợp với ngành Y tế thực hiện các biện pháp theo dõi, chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh phòng dịch, phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì cho trẻ trong các cơ sở GDMN; bảo đảm 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới.

Phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ CBQL, GV, NV trong công tác đảm bảo an toàn, phòng chống bạo lực học đường, quyền con người, quyền trẻ em, lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống tai nạn thương tích vào chương trình nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Khuyến khích các cơ sở GDMN tiếp tục tăng cường cho trẻ tham gia chương trình thể dục thể thao 10 môn phối hợp và chú trọng phát triển thể chất cho trẻ nhà trẻ. Tiếp tục duy trì các biện pháp chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì; xây dựng các bài tập trò chơi tăng cường vận động cho trẻ.

Tiếp tục thực hiện các nội dung hoạt động Giáo dục giới tính cho trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi.

4. Giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non

4.1 Thực hiện Chương trình GDMN, triển khai củng cố các chuyên đề

Tiếp tục thực hiện chủ đề “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm”; gắn kết các tiêu chí của chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025”. Nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDMN, trong đó tập trung phát triển Chương trình giáo dục nhà trường theo quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm. Xây dựng kế hoạch tổ chức một số hoạt động chào mừng Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước: thể dục đồng diễn cho trẻ mẫu giáo; bé vui vận động cho trẻ nhà trẻ; vẽ tranh cổ động; thực hiện kỷ yếu, tham gia triển lãm…

Xây dựng và tổ chức chuyên đề: Kỹ năng thiết kế các hoạt động làm quen chữ viết cho trẻ mẫu giáo. Nâng cao năng lực tổ chức bài tập vận động cho trẻ nhà trẻ. Kỹ thuật xây dựng thực đơn đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.

Phối hợp với chuyên gia tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm vận dụng phương pháp giáo dục tiên tiến trong tổ chức các hoạt động giáo dục; hội thảo thực trạng và chính sách thu hút giáo viên mầm non...

Tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn theo kế hoạch, đồng thời tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực chuyên môn cho CBQL và GVMN đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục:

- Xây dựng môi trường giáo dục phát huy tính tích cực cho trẻ mầm non;

- Hướng dẫn một số ứng dụng công nghệ trong tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ mầm non;

- Hướng dẫn tổ chức hoạt động khám phá khoa học qua thực hành, trải nghiệm cho trẻ mầm non;

- Hướng dẫn về giáo dục STEM/STEAM trong giáo dục mầm non.

Tiếp tục củng cố các chuyên đề: Xây dựng và sử dụng bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển trẻ 5 tuổi; Nâng cao hiệu quả ứng dụng công tác chuyển đổi số trong quản lý giáo dục mầm non; Đổi mới tổ chức các hoạt động vận động cơ bản cho trẻ; Tổ chức hoạt động làm quen với Toán; Quy trình, kỹ thuật chế biến món ăn; Ứng dụng phương pháp tiên tiến…

Duy trì nâng cao hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025. Năm thứ 4, tổ chức hội thi Giáo viên mầm non dạy giỏi cấp Thành phố với chủ đề “Đánh giá sự phát triển của trẻ”; hội thi giáo viên tài năng dành cho giáo viên mầm non ở các cơ sở GDMN độc lập; hội thi “Bé vẽ sáng tạo cùng Bitex” tại 04 cụm chuyên môn. Phối hợp tổ chức Ngày hội Năng lượng mới cả ngày vui. Tổ chức tổng kết, đánh giá triển khai Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả, nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện tốt, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông.

Chỉ đạo Phòng GDĐT hướng dẫn cơ sở GDMN nâng cao năng lực phát triển Chương trình GDMN nhà trường trên cơ sở Chương trình do Bộ GDĐT ban hành; tham khảo vận dụng có chọn lọc, hiệu quả một số nội dung phù hợp của các hoạt động bổ trợ nhằm phát triển chương trình: cho trẻ làm quen với ngoại ngữ, tiếp cận công nghệ số, nghệ thuật, âm nhạc, các môn thể thao phối hợp, chú trọng phát triển thể chất cho trẻ nhà trẻ.... bảo đảm tính khoa học, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với văn hóa, điều kiện của địa phương, đơn vị, khả năng và nhu cầu của trẻ, theo quy định của pháp luật; chú trọng tổ chức thực hiện các hoạt động thực hành, trải nghiệm, học thông qua hoạt động chơi là chủ đạo; bảo đảm điều kiện môi trường giáo dục, thời gian tổ chức các hoạt động cho trẻ ở ngoài trời và trong lớp theo chế độ sinh hoạt hằng ngày để giúp trẻ phát triển toàn diện. Tăng cường lồng ghép, tích hợp bảo đảm chất lượng, hiệu quả các nội dung giáo dục quyền con người, giáo dục giới, an toàn giao thông, kĩ năng sống xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu,…vào trong thực hiện Chương trình GDMN.

Hướng dẫn các cơ sở GDMN lựa chọn và sử dụng tài liệu, đồ chơi, học liệu, thiết bị dạy học; làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để huy động nguồn lực bảo đảm các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDMN; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở giáo dục mầm non độc lập; chuẩn bị triển khai thực hiện thí điểm Chương trình GDMN mới theo hướng dẫn của Bộ GDĐT; tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện và năng lực đội ngũ cho việc thí điểm Chương trình GDMN mới.

Phát huy ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong thực hiện Chương trình GDMN; tăng cường khai thác kho tài liệu, học liệu, các video trực tuyến dùng chung để hỗ trợ thực hiện chương trình.

Xây dựng, hỗ trợ thực hiện chuyên đề trong các cơ sở GDMN tại các Cụm chuyên môn; phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của các cụm để nâng cao chất lượng

chuyên môn các trường mầm non ngoại thành trong chương trình xây dựng nông thôn mới; phối hợp hướng dẫn, tham gia thẩm định, công nhận xã đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới. Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của ban chất lượng Giáo dục Mầm non Thành phố trong việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho các quận, huyện.

Tiếp tục chỉ đạo các phòng GDĐT hướng dẫn cơ sở GDMN nghiêm túc thực hiện Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo, tiếp tục triển khai Công văn số 3678/SGDĐT-GDMN ngày 14/6/2024 V/v thực hiện thí điểm khảo sát làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo theo nhu cầu tại các cơ sở giáo dục mầm non; khuyến khích vận dụng công nghệ và các phương tiện hỗ trợ trong quá trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh; đẩy mạnh tạo môi trường giao tiếp ngôn ngữ tiếng Anh thông qua bài hát, nghe kể truyện, đọc thơ, hoạt động trải nghiệm.

4.2 Đẩy mạnh công tác phát hiện chẩn đoán, can thiệp sớm và xây dựng kế hoạch cá nhân cho trẻ khuyết tật học hoà nhập tại trường mầm non

Bảo đảm chất lượng giáo dục công bằng, hoà nhập: thực hiện nghiêm túc các quy định về giáo dục hoà nhập[8]; truyền thông nâng cao nhận thức của phụ huynh và cộng đồng về giáo dục hoà nhập đối với trẻ em và trẻ khuyết tật để đảm bảo cơ hội trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại cơ sở GDMN. Thực hiện nghiêm túc việc cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật[9] nhằm đảm bảo quyền lợi của trẻ em, giáo viên, cơ sở giáo dục có trẻ em khuyết tật học hoà nhập. Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong quản lý và thực hiện giáo dục trẻ khuyết tật. Rà soát việc thực hiện chính sách đối với những cơ sở GDMN đang có trẻ khuyết tật học hoà nhập nhằm đảm bảo quyền lợi cho trẻ em và giáo viên theo quy định của pháp luật[10].

Phối hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 hỗ trợ việc chẩn đoán dạng tật và xây dựng chuyên đề: Tổ chức hoạt động giáo dục cá nhân cho trẻ khuyết tật học hòa nhập tại các trường mầm non.

Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thi, tham gia các buổi tập huấn, bồi dưỡng liên quan công tác trẻ khuyết tật học hòa nhập.

5. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên

Phối hợp với các trường sư phạm, đơn vị có chức năng tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp; bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý mầm non ở các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập; nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Chỉ đạo phòng GDĐT có giải pháp bảo đảm đủ số lượng giáo viên/lớp, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; khuyến khích giáo viên chủ động đổi mới phương pháp, linh hoạt tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ.

Tiếp tục theo dõi và giám sát lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non đáp ứng Luật Giáo dục năm 2019 và Thông tư số 24/2020/TT- BGDĐT ngày 25 tháng 8 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo.

Tiếp tục chỉ đạo phòng GDĐT triển khai thực hiện hiệu quả chính sách đối với GVMN theo quy định hiện hành; các chế độ chính sách đặc thù của Thành phố (Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐND ngày 14 tháng 6 năm 2014; Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐND ngày 23 tháng 3 năm 2021; Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 06 tháng 7 năm 2017; Nghị quyết 04/2021/NQ-HĐND ngày 23 tháng 3 năm 2021; Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021.

6. Giải pháp thực hiện hiệu quả các kế hoạch, đề án

6.1 Triển khai trường thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”

Tiếp tục định hướng các đơn vị có điều kiện xây dựng đề án, nhất là các quận, huyện chưa có trường chất lượng cao. Chỉ đạo Phòng GDĐT thực hiện tốt công tác tham mưu UBND quận, huyện trong việc xây dựng và không ngừng nâng cao chất lượng trường thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” theo Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Phối hợp tham gia đoàn đánh giá, thẩm định công nhận trường thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”.

6.2 Tham mưu và duy trì các kế hoạch đã triển khai

Tiếp tục rà soát chỉ tiêu Kế hoạch của Đề án Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Tổ chức sơ kết 4 năm thực hiện.

Duy trì thực hiện“Kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non từ 6 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2014 đến 2020” theo Quyết định số 4518/QĐ-UBND ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Tổ chức Hội nghị đánh giá thực hiện Kế hoạch “Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2024”.

Phối hợp các phòng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu điều chỉnh, sửa đổi Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phối hợp thực hiện Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 84/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh “Phê duyệt tài liệu, học liệu sử dụng để triển khai cho trẻ làm quen ngoại ngữ, bảo đảm các tiêu chí, điều kiện, quy trình, thủ tục theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Thực hiện Dự án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất do tổ chức OneSky triển khai.

7. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, hội nhập quốc tế và truyền thông

7.1 Công tác xã hội hóa và hội nhập quốc tế

Tiếp tục tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục mầm non; phối hợp với các đơn vị liên kết hỗ trợ công nghệ, kiến thức quản lý, chuyên môn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ CBQL, GV, áp dụng các mô hình, phương pháp giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới vận dụng phù hợp với điều kiện của Thành phố để phát triển Chương trình.

Nghiên cứu, phối hợp với một số đơn vị có ký kết hợp tác về giáo dục, xây dựng kế hoạch đề xuất học tập thực tế mô hình giáo dục mầm non.

7.2 Công tác truyền thông

Tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị truyền thông trong Thành phố, cung cấp thông tin các hoạt động của Giáo dục Mầm non.

Tăng cường các biện pháp tuyên truyền đến các bậc cha mẹ trẻ về công tác phòng dịch, phòng bệnh; chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý đối với trẻ suy dinh dưỡng và trẻ thừa cân, béo phì. Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban đại diện Cha mẹ học sinh; thực hiện hiệu quả các công trình xã hội hóa giáo dục.

Chủ động và đa dạng nhiều hình thức truyền thông qua các kênh thông tin, báo, đài, nền tảng công nghệ số.

III. NHỮNG CHỈ TIÊU TRỌNG TÂM

1. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường:

- Nhà trẻ: 34,5%

- Mẫu giáo: 93%

- Riêng trẻ 5 tuổi: 99,6%

2. Tỷ lệ trẻ học bán trú và 2 buổi/ngày: 99,8%.

3. 100% các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; tiếp tục triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025, năm thứ 4.

4. 100% cơ sở giáo dục mầm non xây dựng môi trường xanh, sạch, an toàn, thân thiện; trường học hạnh phúc.

5. 100% các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo an toàn cho trẻ.

6. Phấn đấu tăng tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia: 22%; 22/22 phòng giáo dục và đào tạo có trường thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”.

7. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục: 80%.

8. 100% trường mầm non, 80% cơ sở GDMN độc lập có Cổng thông tin điện tử được tích hợp vào cổng thông tin của Ngành; 100% cơ sở GDMN ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý điều hành, tổ chức các hoạt động giáo dục.

IV. KẾ HOẠCH CÔNG TÁC TRỌNG TÂM THÁNG

Tháng

Nội dung chính

8/2024

- Tham dự lớp, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (trực tiếp hoặc trực tuyến).

- Xây dựng kế hoạch năm học 2024-2025; kế hoạch kiểm tra.

- Xây dựng các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn trong năm học.

- Tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.

- Tổ chức duyệt kế hoạch năm học 2024 - 2025 tại Quận 12; duyệt kế hoạch năm học của 3 trường mầm non trực thuộc.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày hội phát triển giáo dục mầm non.

 

- Xây dựng kế hoạch hoạt động Ban chất lượng giáo dục mầm non cấp Thành phố.

- Góp ý kế hoạch năm học 2024-2025.

- Hướng dẫn tổ chức hoạt động đầu năm học 2024-2025.

9/2024

- Nắm tình hình hoạt động đầu năm, môi trường sư phạm tại các cơ sở giáo dục mầm non.

- Duyệt kế hoạch năm học thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện, các trường mầm non trực thuộc.

- Họp ban chất lượng giáo dục mầm non cấp Thành phố.

- Xây dựng các kế hoạch và triển khai Hội thi Giáo viên mầm non dạy giỏi cấp Thành phố.

- Theo dõi công tác xây dựng và chất lượng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (tiến hành trong cả năm học).

- Tiếp tục triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025. Năm thứ 4.

- Tổ chức hội thảo thực trạng và chính sách thu hút giáo viên mầm non...

- Kiểm tra việc kết nối dữ liệu về công tác quản lý.

- Tiếp tục thực hiện nội dung giáo dục giới tính cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi trong phát triển chương trình.

10/2024

- Họp giao ban định kỳ lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo phụ trách mầm non.

- Chỉ đạo việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; các chuyên đề đã triển khai; công tác đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục mầm non; công tác giáo dục hòa nhập (tiến hành trong cả năm học).

- Tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm vận dụng phương pháp giáo dục tiên tiến trong tổ chức các hoạt động giáo dục.

- Kiểm tra công tác nuôi dưỡng, chất lượng bữa ăn cho trẻ mầm non.

- Giám sát việc thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non theo Điều lệ trường mầm non (tiến hành trong cả năm học).

- Xây dựng chuyên đề: Kỹ thuật xây dựng thực đơn đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.

- Tổ chức Ngày hội phát triển vận động cho trẻ mầm non “Năng lượng mới Cả ngày vui” năm thứ 3.

11/2024

- Họp ban chất lượng giáo dục mầm non cấp thành phố.

- Tiếp tục giám sát, hướng dẫn cơ sở giáo dục mầm non độc lập tổ chức hoạt động theo Thông tư số 49/2021/TT-BGDĐT.

- Kiểm tra thực hiện và phát triển Chương trình GDMN tại các trường mầm non tư thục.

- Tiếp tục nắm tình hình công tác quản lý, tổ chức hoạt động ngoại khóa trong các cơ sở giáo dục mầm non.

- Xây dựng chuyên đề: Tổ chức hoạt động giáo dục cá nhân cho trẻ khuyết tật học hòa nhập tại các trường mầm non.

- Hoàn chỉnh hồ sơ tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có Khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh.

12/2024

- Kiểm tra tổ chức hoạt động giáo dục tại nhóm, lớp độc lập.

- Phối hợp kiểm tra công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ toàn Thành phố.

- Tổ chức Hội thi giáo viên tài năng dành cho giáo viên mầm non ở các cơ sở GDMN độc lập.

- Xây dựng chuyên đề: Nâng cao năng lực tổ chức bài tập vận động cho trẻ nhà trẻ.

- Tổ chức Hội thi “Bé vẽ sáng tạo cùng Bitex”

- Phối hợp triển khai các hoạt động Dự án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất do tổ chức OneSky tổ chức.

01,
02/2025

- Tổ chức Hội nghị Sơ kết Học kỳ I.

- Họp giao ban định kỳ lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo phụ trách mầm non.

- Họp ban chất lượng giáo dục mầm non cấp Thành phố.

- Xây dựng chuyên đề: Kỹ năng thiết kế và tổ chức các hoạt động làm quen chữ viết cho trẻ mẫu giáo.

- Bồi dưỡng nâng cao năng lực CBQL và GVMN: Xây dựng môi trường giáo dục phát huy tính tích cực cho trẻ mầm non.

- Tiếp tục nắm tình hình thực hiện Thông tư số 50/TT-BGDDT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ em mẫu giáo.

- Kiểm tra vận dụng phương pháp tiên tiến trong tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ.

3/2025

- Tổ chức Hội thi Giáo viên mầm non dạy giỏi cấp Thành phố.

- Tiếp tục nắm tình hình công tác quản lý, tổ chức hoạt động ngoại khóa trong các cơ sở giáo dục mầm non.

- Bồi dưỡng nâng cao năng lực CBQL và GVMN: Hướng dẫn một số ứng dụng công nghệ trong tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ mầm non.

- Bồi dưỡng nâng cao năng lực CBQL và GVMN: Hướng dẫn tổ chức hoạt động khám phá khoa học qua thực hành, trải nghiệm cho trẻ mầm non.

4/2025

- Họp giao ban định kỳ lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo phụ trách mầm non.

- Bồi dưỡng nâng cao năng lực CBQL và GVMN: Hướng dẫn về giáo dục STEM/STEAM trong giáo dục mầm non.

- Tiếp tục giám sát, hướng dẫn cơ sở giáo dục mầm non độc lập tổ chức hoạt động theo Thông tư số 49/2021/TT-BGDĐT.

- Tổng hợp kết quả các hội thi đề xuất khen thưởng.

- Báo cáo kết quả thực hiện các chuyên đề về Vụ GDMN.

- Hướng dẫn và thực hiện báo cáo tổng kết năm học.

5/2025

- Gửi báo cáo tổng kết năm học và đánh giá thi đua về Vụ GDMN.

- Định hướng nội dung bồi dưỡng chuyên môn hè và hoạt động chuyên môn năm 2025.

- Xây dựng dự toán các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng thường xuyên.

- Hướng dẫn tổ chức hoạt động hè trong các cơ sở giáo dục mầm non.

6/2025

- Duyệt thi đua đơn vị, cá nhân đề nghị khen cấp thành phố và cấp cao.

- Thực hiện báo cáo các tiêu chí thi đua.

- Nắm tình hình tổ chức hoạt động hè 2025.

7/2025

- Tham dự tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức (trực tiếp hoặc trực tuyến).

- Tiếp tục tổ chức bồi dưỡng chuyên môn; nội dung rút kinh nghiệm chỉ đạo hoạt động chuyên môn toàn Thành phố.

- Chuẩn bị tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2024-2025.

- Xây dựng kế hoạch năm học mới 2025-2026.

Trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục bổ sung, điều chỉnh khi có chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo; trên đây là nội dung Kế hoạch triển khai nhiệm vụ Giáo dục Mầm non Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2024 - 2025. Đề nghị lãnh đạo các trường mầm non trực thuộc, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức và các quận, huyện triển khai và hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện ./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ GDĐT, Vụ GDMN “để báo cáo”;
- Giám đốc “để báo cáo”;
- Các Phó Giám đốc “để báo cáo”;
- Công đoàn Ngành GDTP “để phối hợp”;
- Các phòng, trung tâm thuộc Sở “để phối hợp”;
- Phòng GDĐT thành phố Thủ Đức và các quận, huyện;
- Các trường mầm non trực thuộc;
- Lưu: VT, GDMN(UP).

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Lê Thụy Mỵ Châu

 



[1] Kế hoạch số 626/KH-BGDĐT ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ GDĐT về Kế hoạch chuyên đề: Xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”.

[2] Kiểm tra công tác nuôi dưỡng, chất lượng bữa ăn cho trẻ mầm non. Kiểm tra việc kết nối dữ liệu về công tác quản lý. Kiểm tra thực hiện và phát triển Chương trình GDMN tại các trường mầm non tư thục. Kiểm tra tổ chức hoạt động giáo dục tại nhóm, lớp độc lập. Kiểm tra vận dụng phương pháp tiên tiến trong tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ.

[3] Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/03/2021 của Chính phủ quy định việc quản lí trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

[4] Công văn số 423/BGDĐT-GDMN ngày 07/02/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác nuôi dưỡng và đảm bảo an toàn cho trẻ em tại cơ sở GDMN

[5] Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

[6] Công văn số 1773/BGDĐT-GDCTCTHSSV ngày 16/04/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường bảo đảm công tác an toàn trường học; Công văn số 3523/Bộ GDĐT-GDCTHSSV ngày 16/08/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô.

[7] Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế trường học.

[8] Điều 15 Luật giáo dục số 43/2019/QH14; Thông tư số 03/2018/TT-BGDĐT quy định về giáo dục hoà nhập đối với người khuyết tật.

[9] Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02/01/2029 quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.

[10] Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH ngày 31/12/2013 quy định chính sách giáo dục đối với người khuyết tật.