Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5688/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 19 tháng 9 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI MÔ HÌNH PHÒNG KHÁM BÁC SĨ GIA ĐÌNH TỈNH LÂM ĐỒNG, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Triển khai Quyết định số 1568/QĐ-BYT ngày 27/4/2016 của Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Thực hiện mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện.

2. Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2020:

a) Có ít nhất 120 bác sĩ công tác tại các Trạm Y tế xã được đào tạo về Y học gia đình;

b) Có ít nhất 360 y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh viên, cán bộ dược công tác tại các Trạm Y tế hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình được đào tạo ngắn hạn về Y học gia đình;

c) Có 80% các Trạm Y tế hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình;

d) Khuyến khích phát triển và nhân rộng phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân và phòng khám bác sĩ gia đình thuộc Trung tâm Y tế tuyến huyện.

II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhiệm vụ:

a) Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Trạm Y tế:

- Nhiệm vụ của Trạm Y tế hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình:

+ Thực hiện nhiệm vụ của trạm y tế xã theo quy định tại Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn nhưng phải theo nguyên lý toàn diện và liên tục;

+ Thực hiện quản lý sức khỏe cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng theo nguyên lý Y học gia đình;

+ Thực hiện chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh theo quy định chuyển tuyến Y học gia đình. Tùy theo tình hình bệnh tật của người bệnh, bác sĩ gia đình có thể chuyển tuyến đến bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện Trung ương mà vẫn được coi là đúng tuyến;

+ Thực hiện tư vấn sức khỏe, sàng lọc, tầm soát phát hiện bệnh sớm;

+ Tham gia các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời;

+ Được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại gia đình người bệnh, bao gồm: khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thông thường; thực hiện một số thủ thuật: thay băng, cắt chỉ; lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu để xét nghiệm, khí dung, tiêm, truyền dịch;

+ Tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo về Y học gia đình và các vấn đề liên quan; là cơ sở đào tạo thực hành chuyên ngành Y học gia đình.

- Nhân lực của Trạm Y tế hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình:

+ Bảo đảm đủ nhân lực theo quy định tại Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

+ Có bác sĩ đa khoa được đào tạo tối thiểu 3 tháng về Y học gia đình.

- Về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế: Theo quy định tại Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020.

b) Mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân và Phòng khám bác sĩ gia đình thuộc TTYT tuyến huyện:

- Nhiệm vụ của Phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân và Phòng khám bác sĩ gia đình thuộc TTYT tuyến huyện được thực hiện các nhiệm vụ sau nhưng phải bảo đảm nguyên lý toàn diện và liên tục:

+ Tham gia phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu;

+ Khám bệnh, chữa bệnh: Sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh, tật và khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh; có hồ sơ theo dõi sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân và gia đình theo quy định của Bộ Y tế; tham gia quản lý bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi;

+ Thực hiện chuyển tuyến Y học gia đình: Là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu về chuyên môn; tiếp nhận người bệnh từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chuyển đến để tiếp tục chăm sóc và điều trị; tùy theo tình hình bệnh tật của người bệnh, bác sĩ gia đình có thể chuyển tuyến đến bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện Trung ương mà vẫn được coi là đúng tuyến. Riêng đối với phòng khám bác sỹ gia đình thuộc Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện việc chuyển tuyến Y học gia đình bao gồm cả việc chuyển người bệnh vào các khoa lâm sàng của bệnh viện mà vẫn được coi là đúng tuyến.

+ Được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại gia đình người bệnh, bao gồm: khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thông thường; thực hiện một số thủ thuật: thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu để xét nghiệm, khí dung, tiêm, truyền dịch;

+ Tham gia các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ;

+ Phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe;

+ Tư vấn sức khỏe: Tư vấn trực tiếp hoặc gián tiếp về khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân và cộng đồng. Tham gia truyền thông, giáo dục sức khỏe để góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh tích cực và chủ động, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và bệnh tật;

+ Tham gia nghiên cứu khoa học và đào tạo về Y học gia đình và các vấn đề liên quan; là cơ sở đào tạo thực hành chuyên ngành Y học gia đình.

- Về nhân lực: Người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám phải có chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình. Người trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh và quản lý sức khỏe phải được đào tạo về Y học gia đình.

Riêng đối với Phòng khám bác sĩ gia đình thuộc Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện (bệnh viện nhà nước) thì các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện có thể luân chuyển tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại Phòng khám bác sĩ gia đình.

- Về cơ sở vật chất, trang thiết bị:

+ Xây dựng và thiết kế: Địa điểm cố định, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình. Phải có nơi đón tiếp người bệnh, có buồng khám bệnh, tư vấn sức khỏe diện tích ít nhất là 10m2. Ngoài ra, tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn đăng ký, phòng khám còn phải đáp ứng thêm các điều kiện phù hợp với hình thức tổ chức và phạm vi hoạt động chuyên môn đã đăng ký.

+ Về trang thiết bị y tế: Có đủ trang thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà phòng khám đăng ký. Có thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sức khỏe và khám bệnh, chữa bệnh.

2. Các giải pháp chủ yếu:

a) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Y học gia đình:

- Đào tạo dài hạn:

+ Cử cán bộ đi học bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, định hướng Y học gia đình (6 tháng, 9 tháng) tại các Trường Đại học Y Dược có chức năng đào tạo bác sĩ Y học gia đình;

+ Tổ chức đào tạo liên thông bác sĩ Y học gia đình.

- Đào tạo ngắn hạn:

+ Tổ chức đào tạo định hướng Y học gia đình cho cán bộ Trạm Y tế: Bác sĩ định hướng Y học gia đình (3 tháng), y sĩ định hướng Y học gia đình (3 tháng), điều dưỡng (1-3 tháng), hộ sinh (4 tuần), dược tá (4 tuần): Đào tạo tại tỉnh và tại các Trường Đại học Y Dược.

+ Đào tạo ngắn hạn sơ cấp cứu lưu động (02 tuần) cho bác sĩ, y sĩ tại tỉnh.

b) Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động:

Trên cơ sở lựa chọn các Trạm Y tế đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã theo quy định tại Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ Y tế về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến 2020, tiến hành rà soát để cải tạo sửa chữa, bổ sung trang thiết bị đảm bảo triển khai hoạt động Trạm Y tế hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình theo lộ trình.

c) Cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động cho Phòng khám bác sĩ gia đình, triển khai các hoạt động chuyên môn và vận hành cơ chế thanh quyết toán và chuyển tuyến bảo hiểm y tế cho người tham gia khám, chữa bệnh:

- Bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn cho Trạm Y tế theo nguyên lý Y học gia đình được thực hiện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định liên quan của Bộ Y tế.

- Triển khai thực hiện việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Y tế áp dụng đối với các mô hình phòng khám bác sĩ gia đình.

d) Ứng dụng công nghệ thông tin: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử Y học gia đình.

đ) Tổ chức truyền thông về mô hình, năng lực, khả năng cung ứng dịch vụ y tế của bác sĩ gia đình; thực hiện truyền thông thuyết phục người dân sử dụng các dịch vụ y tế do bác sĩ gia đình cung cấp. Phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về ý nghĩa, lợi ích khi khám, chữa bệnh theo mô hình phòng khám bác sỹ gia đình. Tập trung trọng điểm vào địa bàn triển khai mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình theo lộ trình.

III. KINH PHÍ

Bố trí từ dự toán chi thường xuyên của ngành, địa phương; kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của tỉnh; ngân sách từ Chương trình mục tiêu y tế - dân số, các chương trình, đề án liên quan khác theo phân cấp của pháp luật về ngân sách nhà nước; Quỹ phát triển sự nghiệp của các đơn vị; viện trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân và nguồn kinh phí hợp pháp khác.

IV. LỘ TRÌNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Lộ trình triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020:

a) Giai đoạn 1: Năm 2016 - 2017.

- Triển khai 30 Trạm Y tế hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình;

- Triển khai các Phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân, Phòng khám bác sĩ gia đình tại các Trung tâm Y tế tuyến huyện theo nhu cầu của cá nhân, đơn vị đáp ứng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b) Giai đoạn 2: Từ năm 2018 - 2020.

- Duy trì 30 Trạm Y tế hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình đã triển khai tại giai đoạn 1; hàng năm phát triển và nhân rộng thêm 30 Trạm Y tế hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình; đến năm 2020, triển khai và duy trì hoạt động 120 Trạm Y tế hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình;

- Tiếp tục triển khai các phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân, Phòng khám bác sĩ gia đình tại các Trung tâm Y tế tuyến huyện.

2. Phân công trách nhiệm thực hiện:

a) Sở Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai Kế hoạch này; tổ chức phối hợp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch; hàng năm, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế; đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh Kế hoạch phù hợp theo từng giai đoạn cụ thể.

- Chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức triển khai thực hiện mô hình bác sĩ gia đình theo mục tiêu, kế hoạch chung của tỉnh. Hàng năm, tiến hành rà soát, lập danh sách các Trạm Y tế triển khai hoạt động theo nguyên lý y học gia đình cho năm tiếp theo trên cơ sở đề xuất của Trung tâm Y tế các huyện, thành phố.

- Xây dựng kế hoạch cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực Y học gia đình hàng năm căn cứ thực trạng và yêu cầu đào tạo về Y học gia đình của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện kế hoạch này trong dự toán ngân sách toàn ngành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế cân đối đảm bảo nguồn vốn đầu tư hàng năm để thực hiện Kế hoạch.

c) Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế đảm bảo ngân sách thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

d) Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ; Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

đ) Bảo hiểm xã hội tỉnh: Phối hợp với ngành Y tế đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế khi sử dụng dịch vụ y tế do bác sĩ gia đình cung cấp theo quy định của pháp luật.

e) Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng: Chỉ đạo cơ quan truyền thông các cấp đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, tạo lòng tin và sự ủng hộ của người dân đối với dịch vụ y tế do bác sĩ gia đình cung cấp.

g) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn; có chính sách hỗ trợ các Trạm Y tế về đầu tư nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất..., góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phát triển mô hình bác sĩ gia đình tại các cơ sở y tế trên địa bàn./.

 

 

i nhận:
- Bộ Y tế;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Mục IV;
- LĐ VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX3.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Văn Đa