UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 57/KH–UBND | Lạng Sơn, ngày 08 tháng 6 năm 2015 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 41-CT/TW NGÀY 05/02/2015 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA XI) VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC LỄ HỘI
Thực hiện Kế hoạch số 77-KH/TU, ngày 13/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 41- CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác quản lý và tổ chức lễ hội đến các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và lực lượng vũ trang trên địa bàn toàn tỉnh.
Đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy định của pháp luật; phù hợp với thuần phong, mỹ tục và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
Các cấp ủy đảng, chính quyền các sở, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, UBND các huyện, thành phố nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức lễ hội đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Xác định công tác quản lý và tổ chức lễ hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của địa phương, đơn vị, gắn với các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt tín ngưỡng lễ hội.
II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác tuyên truyền và tổ chức lễ hội
Các sở, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, UBND dân các huyện, thành phố tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, quán triệt sâu sắc những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Kết luận 51-KL/TW, ngày 22/7/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27 –CT/TW, ngày 12/01/1998 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Chỉ thị 21 –CT/TW, ngày 21/12/2012 của Ban bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Quyết định số 308/QĐ – TTg, ngày 21/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội gắn với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định của pháp luật. Gắn việc tuyên truyền các lễ hội tiêu biểu với giới thiệu, quảng bá, tiềm năng di sản văn hóa của tỉnh trong tiến trình giao lưu hội nhập quốc tế.
2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đoàn thể, lực lượng vũ trang đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội từ tỉnh đến cơ sở
Đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức; phù hợp với thuần phong mỹ tục và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của nhân dân.
Chỉ đạo các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan nghiên cứu, đề xuất các mô hình hoạt động lễ hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm. Hạn chế sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội.
Quán triệt cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình không được sử dụng ngân sách nhà nước, thời gian làm việc, phương tiện xe công đi lễ hội, trừ trường hợp được phân công thực thi nhiệm vụ; phê bình và xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.
Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền cơ sở phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan đảm bảo môi trường an toàn tổ chức lễ hội. Quy hoạch các điểm vui chơi, giải trí trong khu vực lễ hội hợp lý, thực hiện việc quản lý, đốt vàng mã đúng nơi quy định; quản lý và sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch, đúng mục đích; sử dụng và lưu thông tiền mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội theo đúng quy định của pháp luật. Nghiêm cấm hoạt động đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch.
Đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; thực hiện tốt công tác an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống cháy, nổ; giữ gìn và bảo vệ tượng thờ, đồ thờ tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và khu vực tổ chức lễ hội.
Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý và tổ chức lễ hội để kịp thời chấn chỉnh và từng bước đưa hoạt động lễ hội đi vào nề nếp. Chú trọng sơ tổng kết và kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
3. Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động lễ hội
- Tăng cường chỉ đạo các hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các hoạt động lễ hội. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan, thu lợi bất chính và các hoạt động không lành mạnh như: Lưu hành ấn phẩm văn hóa trái phép không phù hợp với thuần phong, mỹ tục; tổ chức các trò chơi mang tính cờ bạc, các dịch vụ điện tử dùng loa có công suất lớn; lợi dụng di tích, nơi thờ tự, lễ hội nhằm trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan, thu lợi bất chính và tổ chức các hoạt động trái pháp luật; tình trạng đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch, đặt tiền công đức, đặt tiền lễ tùy tiện không theo đúng quy định; lạm dụng truyền hình trực tiếp để huy động tài trợ cho việc tổ chức lễ hội và các biểu hiện không lành mạnh khác theo quy định của pháp luật.
- Kiểm tra chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ; kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại về giá, phí dịch vụ,... xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng lễ hội để tăng giá, ép giá.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch này; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch và định kỳ hằng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch theo quy định.
Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, quán triệt phổ biến rộng rãi Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư; cũng như chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác quản lý, tổ chức lễ hội; tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại lễ hội theo quy định.
Tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng, ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động di sản văn hóa nói chung, lễ hội nói riêng trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh và Trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh có các tin, bài tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư; cũng như chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, tổ chức lễ hội đến đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, quản lý di tích; tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng môi trường, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, quản lý di tích trên địa bàn tỉnh; xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
4. Sở Y tế
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các điểm du lịch, các điểm di tích, lễ hội tiêu biểu của tỉnh; xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
5. Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ; kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại về giá, phí dịch vụ; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng lễ hội để tăng giá, ép giá.
6. Công an tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn chính quyền địa phương, các ban quản lý di tích, lễ hội xây dựng các phương án đảm bảo công tác an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống cháy, nổ; giải pháp phòng chống thảm họa và các tình huống phát sinh xảy ra tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và khu vực tổ chức lễ hội.
7. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn
Tăng cường công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý, tổ chức lễ hội thông qua việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các tin bài, phóng sự để kịp thời phản ánh thông tin hai chiều, đa chiều đến đông đảo tầng lớp nhân dân và toàn xã hội, nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về công tác quản lý, tổ chức lễ hội.
8. Các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thành phố Lạng Sơn
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và Kế hoạch của tỉnh tập trung chỉ đạo, quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện gửi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn
Phối hợp chỉ đạo Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức và nhân dân tham gia thực hiện Kế hoạch; tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tăng cường vai trò của cơ quan, tổ chức giám sát, phản biện xã hội trong công tác quản lý tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch của UBND tỉnh Lạng Sơn về thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI); Kế hoạch số 77-KH/TU, ngày 13/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 41- CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện, đảm bảo đúng nội dung, yêu cầu đề ra./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Công điện 229/CĐ-TTg năm 2015 tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Chỉ thị 41-CT/TW năm 2015 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội do Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành
- 3 Quyết định 05/2013/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống, đón nhận danh hiệu thi đua trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 4 Chỉ thị 21-CT/TW năm 2012 đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5 Quyết định 33/2009/QĐ-UBND quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín dị đoan trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 6 Kết luận 51-KL/TW tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 7 Quyết định 39/2007/QĐ-UBND Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ, kỷ niệm ngày truyền thống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 8 Quyết định 308/2005/QĐ-TTg về quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Quyết định 05/2013/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống, đón nhận danh hiệu thi đua trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 2 Quyết định 33/2009/QĐ-UBND quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín dị đoan trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 3 Quyết định 39/2007/QĐ-UBND Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ, kỷ niệm ngày truyền thống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc