Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 20 tháng 03 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP NĂM 2018

Căn cứ Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Căn cứ Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trong quản lý vật tư nông nghiệp.

Căn cứ Quyết định số 219/QĐ-BNN-QLCL ngày 23/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 như sau:

I. MỤC TIÊU.

Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

II. KẾT QUẢ VÀ CHỈ SỐ CẦN ĐẠT.

- Các đối tượng tham gia chuỗi giá trị ngành hàng từ người sản xuất, chế biến, lưu thông, buôn bán đến người tiêu dùng được phổ biến, hướng dẫn, tuân thủ quy định pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.

- Đến cuối năm 2018, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt, thủy sản giảm 10% so với năm 2017.

- Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (xếp loại A, B) tăng 10% so với năm 2017.

- Tổng số hộ sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thực hiện ký cam kết theo Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ (sau đây viết tắt là Thông tư số 51) trên toàn tỉnh tăng 20%, số hộ được kiểm tra việc thực hiện cam kết trên tổng số hộ ký cam kết tăng 10% so với 2017.

III. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM.

1. Công tác chỉ đạo điều hành:

- Gắn kết chặt chẽ việc chỉ đạo điều hành công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với các nhiệm vụ của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

- Các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai toàn diện nhiệm vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm; thực hiện tốt Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các tổ chức thuộc phạm vi quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ đối với quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.

- Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện tốt các chương trình phối hợp, tuyên truyền, vận động, giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn; trọng điểm là các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; bảo đảm các xã được công nhận nông thôn mới đáp ứng tiêu chuẩn bảo đảm an toàn thực phẩm theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

2. Hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật:

- Tham gia rà soát, góp ý hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; các chính sách hỗ trợ sản xuất sản phẩm an toàn.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách liên quan của tỉnh.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung về phân công, phân cấp trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

3. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm:

- Tổ chức kiểm tra, phân loại, xử lý cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản theo quy định; tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối, các cơ sở chuyên kinh doanh nông lâm thủy sản; các huyện, thành phố, thị xã tăng cường triển khai thực hiện Thông tư số 51.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở và doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp phù hợp với Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp và Công văn số 7582/BNN-TTr ngày 12/9/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chuyển mạnh từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng lưu thông, buôn bán vật tư nông nghiệp; sản xuất ban đầu; giết mổ gia súc, gia cầm; sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản nhỏ lẻ nhằm phát hiện, xử lý kịp thời cơ sở vi phạm, các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.

- Theo dõi, trinh sát, phát hiện, điều tra, xử lý các cơ sở tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục; các tổ chức, cá nhân đưa tạp chất vào tôm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tiêm thuốc an thần vào gia súc trước khi giết mổ,...

- Tổ chức giám sát an toàn thực phẩm, tập trung vào thực phẩm rủi ro cao, tiêu thụ nhiều (rau, củ, quả, thịt, thủy sản...) nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp nông sản thực phẩm không bảo đảm an toàn.

- Tổ chức kiểm tra liên ngành dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu và Tết Dương lịch năm 2018 theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh.

- Tổ chức giám sát an toàn thực phẩm, tập trung vào thực phẩm rủi ro cao, tiêu thụ nhiều (rau, củ, quả, thịt, thủy sản...) nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp nông sản thực phẩm không bảo đảm an toàn; duy trì, giám sát đối với các sản phẩm đã được thí điểm xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

4. Chỉ đạo tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn:

- Tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy mở rộng điều kiện sản xuất các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, VietGAHP, Global GAP...), ...

- Tiếp tục xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; tăng cường tổ chức, thúc đẩy hoạt động kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông lâm thủy sản.

- Vận động mở thêm các cửa hàng tiêu thụ nông sản an toàn tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có nhiều sản phẩm được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

5. Công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm:

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, tập trung vào các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn cũng như các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng liên quan chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, phản ánh đúng đắn công tác quản lý vật tư nông nghiệp và bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường truyền thông, quảng bá cho các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp chất lượng cao, thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; công khai các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

6. Tổ chức lực lượng, nâng cao năng lực:

- Tiếp tục thực hiện Đề án Tăng cường năng lực quản lý chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định số 2698/QĐ-UBND ngày 23/11/2015 của UBND tỉnh;

- Tổ chức đào tạo, đào tạo nâng cao cho cán bộ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản về nghiệp vụ, kỹ năng trong tuyên truyền phổ biến pháp luật; trong giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm quy định đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

- Tập trung đào tạo cho cán bộ cấp huyện, xã, phường, thị trấn về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Tập trung hướng dẫn, triển khai Thông tư số 51.

- Tập trung đầu tư nâng cấp trang thiết bị các phòng kiểm nghiệm phục vụ cho công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

IV. NGUỒN KINH PHÍ.

Nguồn kinh phí để thực hiện Kế hoạch được lồng ghép từ các nguồn kinh phí sau:

1. Ngân sách nhà nước cho quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm.

2. Kinh phí Chương trình Mục tiêu Quốc gia Y tế - Dân số.

3. Ngân sách nhà nước thông qua các đề tài xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn.

4. Kinh phí hỗ trợ Dự án, Tổ chức Quốc tế.

5. Kinh phí huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 đạt kết quả thiết thực.

- Chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục hướng dẫn cho cấp huyện/xã tổ chức triển khai Thông tư số 51.

- Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, cơ quan thông tấn, báo chí, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế và các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

2. Sở Y tế:

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm nông lâm thủy sản tại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của Sở Y tế, xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm khi có các dấu hiệu, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm nông lâm thủy sản theo phân công tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

3. Sở Công Thương:

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm nông lâm thủy sản tại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của Sở Công thương, xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

- Chỉ đạo Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc lưu thông thực phẩm nông lâm thủy sản kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh, lưu thông các sản phẩm nông lâm thủy sản, đặc biệt chú trọng quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn toàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị về xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm an toàn và quảng bá sản phẩm an toàn.

4. Sở Tài chính:

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp bổ sung kinh phí đảm bảo thực hiện kế hoạch. Hướng dẫn, giám sát việc sử dụng, quyết toán kinh phí, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 đạt hiệu quả.

5. Công an tỉnh:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan theo dõi, điều tra xử lý và hỗ trợ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế (TRT), Đài VTV8, Báo Thừa Thiên Huế:

- Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân hiểu rõ, hiểu đúng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên đưa tin phản ánh các hoạt động đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế:

- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã; đồng thời chỉ đạo và hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai Thông tư số 51.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện cơ chế chính sách pháp luật trong giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tại các địa phương.

- Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn được phân cấp quản lý, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm.

8. Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ:

Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh căn cứ nội dung các chương trình phối hợp, tuyên truyền, vận động, giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn đã ký kết của cấp Trung ương, chủ trì xây dựng chương trình phối hợp và kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

9. Sơ kết và tổng kết:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức sơ kết và tổng kết để đánh giá kết quả triển khai kế hoạch hành động; thống nhất giải pháp, biện pháp khắc phục các khó khăn vướng mắc trong thực hiện làm cơ sở cho việc triển khai kế hoạch giai đoạn tiếp theo.

Định kỳ hàng quý các cơ quan, đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) các kết quả thực hiện, trong đó nêu rõ những việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành, nguyên nhân và đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tổ chức triển khai Kế hoạch đảm bảo hiệu quả./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- Cục QLCL NLS và TS;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở: NN&PTNT, CT, TC, YT;
- Công an tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các đoàn thể chính trị;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế;
- Chi cục QLCL Nông lâm sản và Thủy sản;
- Đài PT và TH tỉnh (TRT), Báo TT.Huế, VTV8;
- VP: LĐ và các CV: TH, TC, YT, CT;
- Lưu: VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao