Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6040/KH-SGDĐT

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Quyết định số 5354/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2019 - 2025” trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Kế hoạch số 3972/KH-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường;

Căn cứ Quyết định số 3442/QĐ-SGDĐT ngày 16 tháng 10 năm 2023 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Bộ tiêu chí xây dựng Trường học hạnh phúc trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch triển khai Trường học hạnh phúc đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện Bộ tiêu chí Trường học Hạnh phúc trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

- Xây dựng Trường học hạnh phúc dựa trên nguyên lí trải nghiệm hạnh phúc của con người: Kết nối với bản thân - Kết nối với người khác - Kết nối với thế giới tự nhiên nhằm nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục của cơ sở giáo dục, cải thiện kết quả học tập của học sinh.

- Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; học sinh, học viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu thương, tôn trọng, an toàn, chia sẻ và thấu hiểu; ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên hoặc các hành vi làm tổn thương đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, thân thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên.

2. Yêu cầu

- Tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Trường học hạnh phúc trong các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, cơ sở giáo dục ngoài công lập (trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp cao nhất là trung học phổ thông loại hình tư thục; trường mầm non, trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài); các trung tâm Giáo dục thường xuyên, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; các trường Cao đẳng, Trung cấp thực hiện chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố (sau đây gọi chung là các cơ sở giáo dục).

- Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cơ quan quản lí giáo dục, các cơ sở giáo dục về mục tiêu, ý nghĩa của việc xây dựng Trường học hạnh phúc.

- Quá trình thực hiện phải đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, không mang tính hình thức, thành tích.

II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

1. Xây dựng và thực hiện hiệu quả Kế hoạch và Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc

- Căn cứ tiêu chí Trường học hạnh phúc của Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành, Ban Giám hiệu, Ban Lãnh đạo, hội đồng sư phạm nhà trường tổ chức rà soát, tự đánh giá mức độ đạt được của nhà trường theo từng tiêu chí.

- Dựa trên kết quả tự đánh giá, cơ sở giáo dục đề ra kế hoạch, mục tiêu và phương án thực hiện xây dựng Trường học hạnh phúc tại cơ sở. Tiêu chí nào đã thực hiện tốt cần duy trì, chỉ tiêu nào cần cải thiện thì cần đưa ra mục tiêu, phương hướng nâng mức độ và chất lượng để Trường học hạnh phúc.

- Bảng hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng Trường học hạnh phúc, các đơn vị có thể căn cứ theo các kế hoạch, các Quyết định, các Thông tư, Chỉ thị,... Các căn cứ này là một trong những hướng dẫn theo văn bản quy phạm pháp luật.

- Các cơ sở giáo dục cần thực hiện thêm các nội dung căn cứ thực hiện liên quan đến tình hình thực tế từ đối tượng người học, người dạy để xây dựng kế hoạch thực hiện theo những giá trị cốt lõi của công tác giáo dục phổ thông nhằm bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hòa đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh, các phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với mục tiêu giáo dục và phương pháp giáo dục để đạt được bộ tiêu chí đề ra.

2. Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong quá trình thực hiện

- Đẩy mạnh công tác truyền thông về thực hiện Trường học hạnh phúc trên địa bàn Thành phố.

- Tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về tầm quan trọng của việc xây dựng trường học hạnh phúc.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông của địa phương, của ngành, có các bài viết đăng tải trên website của trường và trên cổng thông tin điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trang thông tin tuyên truyền hợp pháp.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Trường học hạnh phúc

- Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức, cá nhân uy tín thực hiện các buổi chuyên đề để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm ứng xử các tình huống sư phạm, mời chuyên gia tư vấn, nhận diện, xử lí các tình huống vi phạm các quy định đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong lao động nghề nghiệp, về trường học hạnh phúc.

- Tổ chức tọa đàm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên, cha mẹ học sinh về Trường học hạnh phúc, về sự đồng cảm, khoan dung, xây dựng mối quan hệ tích cực, sáng tạo, hình thành và phát triển khả năng, kỹ năng, sẵn sàng hợp tác, phát triển tối đa năng lực, sở trường của bản thân; thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, học viên.

- Các cơ sở giáo dục tổ chức đối thoại, giải đáp, chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng ứng xử sư phạm với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên trên cổng thông tin điện tử của trường và các diễn đàn giáo dục.

- Đưa giáo dục học tập, cảm xúc, xã hội và đạo đức (SEE) vào giảng dạy cho học sinh. Đồng thời, tổ chức thực hiện các hoạt động như: thực hành lòng biết ơn, nâng cao lòng trắc ẩn, tỉnh thức,… để gia tăng cảm nhận hạnh phúc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên.

- Tổ chức xây dựng các tư liệu về “xử lý tình huống sư phạm”, các câu chuyện đạo đức, về truyền thống Tôn sư trọng đạo, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống,… phục vụ cho công tác thông tin, truyền thông và hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên trong ứng xử sư phạm.

2. Thực hiện tốt công tác phối hợp

- Thực hiện tốt mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

- Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh (CMHS), Ban đại diện cha mẹ học sinh, các tổ chức đoàn thể để xây dựng Trường học hạnh phúc có hiệu quả.

3. Thực hiện tốt công tác tuyên dương, khen thưởng

- Thường xuyên rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.

- Tổ chức các hoạt động tham quan, học tập, giao lưu; tôn vinh, biểu dương bằng các hình thức thích hợp các tập thể, cá nhân có nhiều nỗ lực, thực hiện có hiệu quả việc thực hiện Trường học hạnh phúc.

IV. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Năm học 2023 - 2024

- Hội nghị triển khai và tập huấn Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc và Kế hoạch triển khai Trường học hạnh phúc: ngày 20 tháng 10 năm 2023.

- Ban hành Bộ tiêu chí và Kế hoạch triển khai Trường học hạnh phúc.

- Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc phù hợp với định hướng của Thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

2. Từ năm học 2024 - 2025

- Tiếp tục triển khai và chọn những cơ sở thực hiện tốt để nhân rộng điển hình mô hình trường học hạnh phúc tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả.

- Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các nội dung xây dựng Trường học hạnh phúc.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phòng Chính trị, tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo

- Tham mưu Bộ tiêu chí và Kế hoạch triển khai Trường học hạnh phúc đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố.

- Chủ trì tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện Trường học hạnh phúc.

- Chủ trì, phối hợp các phòng, ban kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch triển khai Trường học hạnh phúc ở các các cơ sở giáo dục; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để rà soát, bổ sung, điều chỉnh trong quá trình tổ chức thực hiện; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân triển khai thực hiện tốt kế hoạch.

2. Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan truyền thông kịp thời đưa tin, tuyên truyền về xây dựng Trường học hạnh phúc.

- Chủ trì phối hợp với các phòng, trung tâm, các cơ sở giáo dục tuyên dương các mô hình xây dựng trường học hạnh phúc điển hình; tuyên dương các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong việc thực hiện Trường học hạnh phúc.

- Phối hợp tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo, tập huấn về triển khai Trường học hạnh phúc.

3. Phòng Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Trung học, Giáo dục Thường xuyên - Chuyên nghiệp và Đại học, Quản lý các cơ sở Giáo dục ngoài công lập

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong công tác triển khai Trường học hạnh phúc.

- Đưa nội dung triển khai Trường học hạnh phúc là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác giáo dục trong trường học.

- Phối hợp phòng Chính trị, tư tưởng kiểm tra việc thực hiện kế hoạch triển khai Trường học hạnh phúc ở các các cơ sở giáo dục.

4. Phòng Quản lý Cơ sở giáo dục Ngoài công lập

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục ngoài công lập (trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp cao nhất là trung học phổ thông loại hình tư thục; trường mầm non, trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài) trong công tác triển khai Trường học hạnh phúc.

- Đưa nội dung xây dựng Trường học hạnh phúc là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác giáo dục trong trường học.

- Phối hợp phòng Chính trị, tư tưởng kiểm tra việc thực hiện kế hoạch triển khai Trường học hạnh phúc ở các các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

5. Công đoàn Ngành Giáo dục Thành phố

Căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, động viên đoàn viên công đoàn tích cực thực hiện triển khai Trường học hạnh phúc; phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo trong quá trình thực hiện.

6. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức và quận, huyện

- Xây dựng Kế hoạch triển khai Trường học hạnh phúc và triển khai đồng bộ đến tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn; thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Trường học hạnh phúc của đơn vị; hướng dẫn, tư vấn, kiểm tra việc triển khai thực hiện của các cơ sở giáo dục; tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm, bổ sung và hoàn thiện trong quá trình thực hiện.

- Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục trên địa bàn về triển khai Trường học hạnh phúc để đảm bảo việc thực hiện được đồng bộ, thực chất, hiệu quả.

- Năm học 2023-2024, các Phòng Giáo dục và Đào tạo chọn 01 trường học ở mỗi cấp học để tổ chức xây dựng mô hình điểm về Trường học hạnh phúc nhằm lan tỏa phong trào xây dựng Trường học hạnh phúc.

7. Các cơ sở giáo dục

- Đề ra kế hoạch, mục tiêu và phương án thực hiện triển khai Trường học hạnh phúc tại cơ sở.

- Tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương huy động các nguồn lực để hỗ trợ nhà trường, nhất là đảm bảo các điều kiện tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục. Tuyên truyền rộng rãi và phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh và các tổ chức, đoàn thể có liên quan tạo ra sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện.

- Tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên về triển khai Trường học hạnh phúc để đảm bảo việc thực hiện được đồng bộ, thực chất, hiệu quả.

- Động viên, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia thực hiện các nội dung triển khai Trường học hạnh phúc; phát huy vai trò của Công đoàn, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên trong tổ chức thực hiện.

Trên đây là Kế hoạch triển khai Trường học hạnh phúc đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ GD&ĐT (để báo cáo);
- UBND TP (để báo cáo);
- Ban Giám đốc Sở GD&ĐT (để biết);
- Trưởng phòng GD&ĐT quận, huyện (để thực hiện);
- Hiệu trưởng các trường THPT, CS GD NCL (trường tư thục, trường nhiều cấp học, trường có vốn đầu tư nước ngoài) (để thực hiện);
- Giám đốc các TT.GDTX, TT.GDNN-GDTX (để thực hiện);
- Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc (để thực hiện);
- Lưu VT, P.CTTT (Hien).

GIÁM ĐỐC




Nguyễn Văn Hiếu

 

PHỤ LỤC VĂN BẢN THỰC HIỆN TRIỂN KHAI TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC, ÁP DỤNG BỘ TIÊU CHÍ TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC

(Các văn bản liên quan đến các Tiêu chí để đơn vị tham khảo thực hiện triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí Trường học hạnh phúc tại đơn vị)

I. Văn bản của Trung ương

1. Quyết định số 4458/QĐ-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được chứng nhận Trường học an toàn phòng, chống tai nạn thương tích công văn số 282/BGDĐT-CTHSSV ngày 25 tháng 01 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong trường học.

2. Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

3. Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 10 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tổ chức hoạt động văn hóa của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

4. Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Tiếp tục tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo”.

6. Quyết định số 3296/QĐ-BGDĐT ngày 30 tháng 8 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh, sinh viên trên môi trường mạng đến năm 2025.

7. Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”.

8. Quyết định số 1506/QĐ-BGDĐT ngày 31 tháng 5 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” của Ngành Giáo dục.

9. Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường các giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên”.

10. Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025".

11. Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”.

12. Thông tư số 45/2021/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.

13. Quyết định số 585/QĐ-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”

14. Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường.

II. Văn bản của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

1. Quyết định số 67/2017/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2017 của của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quy định về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Kế hoạch số 2187/KH-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2018 của của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng môi trường, giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường trên địa bàn thành phố.

3. Kế hoạch số 2639/KH-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Quyết định số 3296/QĐ-BGDĐT ngày 30 tháng 8 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh, sinh viên trên môi trường mạng đến năm 2025” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Quyết định số 5354/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2019 của của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2019 - 2025” trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

5. Quyết định số 2652/QĐ-UBND ngày 04 tháng 8 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Kế hoạch số 3972/KH-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

III. Văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh

1. Công văn số 2841/GDĐT-CTTT ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ/CP ngày 17 tháng 07 năm 2017 về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

2. Công văn số 4319/GDĐT-CTTT ngày 21 tháng 11 năm 2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo về rà soát, triển khai thực hiện, xây dựng môi trường văn hóa trong trường học.

3. Kế hoạch số 2006/KH-GDĐT-CTTT ngày 13 tháng 6 năm 2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh.

4. Công văn số 1819/GDĐT-CTTT ngày 29 tháng 5 năm 2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo về triển khai Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 4 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

5. Kế hoạch số 3035/KH-GDĐT-CTTT ngày 27 tháng 8 năm 2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh, sinh viên trên môi trường mạng đến năm 2025”.

6. Kế hoạch số 1108/KH-GDĐT-CTTT ngày 15 tháng 4 năm 2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo về thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020 - 2025” của ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố.

7. Công văn số 1071/SGDĐT-CTTT ngày 13 tháng 4 năm 2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo về tăng cường hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, bắt nạt, xâm hại trẻ em, học sinh, sinh viên khi học tập trực tuyến và sử dụng môi trường mạng.

8. Công văn số 847/SGDĐT-CTTT ngày 24 tháng 3 năm 2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học, xây dựng môi trường văn hóa trong trường học.

9. Kế hoạch số 4111/KH-SGDĐT ngày 26 tháng 10 năm 2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030” Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố.

10. Kế hoạch số 1181/KH-SGDĐT ngày 17 tháng 3 năm 2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo về triển khai thực hiện công tác xây dựng văn hóa học đường Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố.

11. Kế hoạch Số 3135/KH-SGDĐT ngày 19 tháng 6 năm 2023 tổ chức mô hình thí điểm vinh danh học sinh tiêu biểu Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2023 - 2024./.