ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6040/KH-UBND | Quảng Trị, ngày 30 tháng 12 năm 2020 |
THỰC HIỆN CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT NĂM 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
Thực hiện Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi là Nghị định số 34/2016/NĐ-CP); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2021 trên địa bàn tỉnh như sau:
1. Mục đích
- Thông qua hoạt động kiểm tra nhằm phát hiện những văn bản có nội dung trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để kịp thời tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của văn bản sau khi được ban hành.
- Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền và tự kiểm tra, xử lý văn bản QPPL theo quy định hoặc khi có yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
2. Yêu cầu
- Đảm bảo 100% văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành phải do Ban pháp chế HĐND và cơ quan Tư pháp cùng cấp thực hiện tự kiểm tra, phát hiện những sai sót để kịp thời tự xử lý theo thẩm quyền.
- Công tác tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền văn bản QPPL phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, kịp thời, đúng trình tự theo quy định của pháp luật.
- Các ngành, các cấp có liên quan thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm được giao. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý văn bản.
II. NỘI DUNG KIỂM TRA VÀ TRÁCH NHIỆM CỤ THỂ
- Đề nghị Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh tự kiểm tra các Nghị quyết do Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành;
- Giám đốc Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tự kiểm tra văn bản QPPL do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành;
- Ban pháp chế Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã giúp HĐND cùng cấp tự kiểm tra văn bản do Hội đồng nhân dân cấp mình ban hành;
- Phòng Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc tự kiểm tra văn bản QPPL do Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành.
- Công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã giúp UBND cùng cấp thực hiện việc tự kiểm tra văn bản QPPL do UBND cùng cấp ban hành.
2. Công tác kiểm tra theo thẩm quyền
- Giám đốc Sở Tư pháp giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra theo thẩm quyền đối với văn bản QPPL do HĐND, UBND cấp huyện ban hành, các văn bản có chứa QPPL do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành nhưng không được ban hành bằng hình thức nghị quyết QPPL của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định QPPL của Ủy ban nhân dân; các văn bản có chứa QPPL hoặc có thể thức như văn bản QPPL do cơ quan, người không có thẩm quyền ban hành.
- Trưởng Phòng Tư pháp giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp kiểm tra theo thẩm quyền đối với văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành, các văn bản có chứa QPPL do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành nhưng không được ban hành bằng hình thức nghị quyết QPPL của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định QPPL của Ủy ban nhân dân; các văn bản có chứa QPPL hoặc có thể thức như văn bản QPPL do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành có chứa QPPL.
1.1. Sở Tư pháp
- Tự kiểm tra văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành và kiểm tra theo thẩm quyền văn bản QPPL do HĐND, UBND cấp huyện ban hành gửi đến;
- Đôn đốc, hướng dẫn công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ban hành.
- Phối hợp với các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo văn bản QPPL để tham mưu cho UBND tỉnh xử lý các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
1.2. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh
- Phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác tự kiểm tra, kiểm tra văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp xử lý đối với các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật trên cơ sở kết quả kiểm tra của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp; kịp thời thông báo kết quả xử lý cho Sở Tư pháp để theo dõi, tổng hợp theo quy định.
- Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bảo đảm kinh phí phục vụ cho công tác kiểm tra, tự kiểm tra, xử lý văn bản QPPL ở cấp tỉnh và hướng dẫn UBND cấp huyện cân đối ngân sách đảm bảo kinh phí hoạt động cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương theo quy định hiện hành.
1.3. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo Phòng Tư pháp xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện trên công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn, chú trọng công tác kiểm tra theo chuyên đề, lĩnh vực; báo cáo công tác kiểm tra, tự kiểm tra theo Điều 135 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Thực hiện việc gửi văn bản đã ban hành đến Sở Tư pháp để kiểm tra theo đúng quy định tại khoản 2, Điều 121 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP;
- Phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp mình ban hành;
- Quan tâm bố trí kinh phí phục vụ công tác kiểm tra văn bản theo quy định.
- Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và gửi báo cáo về Sở Tư pháp để theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
- Nội dung báo cáo: Thực hiện theo khoản 3 Điều 135 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
- Thời điểm chốt số liệu: Từ ngày 01/01/2021 đến ngày 15/11/2021.
- Thời hạn gửi báo cáo: Các cơ quan, đơn vị, địa phương gửi báo cáo về Sở Tư pháp trước ngày 18/11/2021.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) để được hướng dẫn, giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |