Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 61/KH-TLĐ

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ CÔNG ĐOÀN THAM GIA PHÒNG NGỪA, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP THỂ TẬP THỂ, NGỪNG VIỆC TẬP THỂ VÀ ĐÌNH CÔNG GIAI ĐOẠN 2019 - 2023

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05/6/2008 và Kết luận 96-KL/TW ngày 07/4/2014 của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; Chương trình 2494/CTr-TLĐ ngày 19/12/2018 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, giai đoạn 2018-2023”, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ công đoàn tham gia phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công, giai đoạn 2019-2023, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Khẳng định và phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, đặc biệt là trong tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công.

- Chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu phát sinh tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công.

- Khi có tình huống xảy ra, đảm bảo sự chủ động, tích cực, kịp thời, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, lợi ích của Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp.

2. Yêu cầu

- Đổi mới tư duy và hành động; coi trọng, phát huy sức mạnh của số đông người lao động và mạng xã hội trong công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công.

- Tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành hữu quan, chính quyền các cấp trong phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công.

II. CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ

1. Hàng năm giảm ít nhất 5% số cuộc ngừng việc tập thể và đình công.

2. 100% các cuộc tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể và đình công có sự tham gia giải quyết của công đoàn.

3. Có ít nhất 60% các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố xây dựng lực lượng công nhân nòng cốt thông tin, báo cáo về tình hình quan hệ lao động, tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể và đình công.

4. Có từ 80% trả lên cán bộ làm công tác chính sách pháp luật tại các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố được tập huấn kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công.

5. Có từ 70% chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể, đình công được tập huấn kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công.

6. Triển khai công đoàn tổ chức và lãnh đạo đình công theo trình tự, quy định của pháp luật vào năm 2020 sau khi báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công

1.1 Nhiệm vụ

Phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp dẫn đến tranh chấp lao động tập thể tập thể; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người lao động khi chưa phát sinh tranh chấp lao động tập thể tập thể để có biện pháp kịp thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công xảy ra.

1.2. Giải pháp

1.2.1. Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện văn bản liên quan đến về giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công

- Tích cực tham gia sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, các đạc luật khác và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các quy định về giải quyết tranh chấp lao động tập thể tập thể và đình công theo hướng khoa học, chặt chẽ, khả thi; phát huy vai trò của công đoàn cấp trên cơ sở và cấp tỉnh trong tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công.

- Sửa đổi, ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn công đoàn tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể tập thể và đình công theo hướng cụ thể, sát thực tế.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp công đoàn trong phòng ngừa tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công; hàng năm xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ, xác định rõ chỉ tiêu giảm tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công.

1.2.2. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và công đoàn

- Tăng cường đầu tư nguồn lực và đổi mới hơn nữa công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; về vai trò của tổ chức công đoàn trong chăm lo lợi ích, đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; giới thiệu về những mô hình hay, cách làm hiệu quả của các cấp công đoàn trong chăm lo, đại diện, bảo vệ đoàn viên, người lao động; đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, các đạo luật liên quan và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành, chú trọng vào nội dung quyền và lợi ích, trách nhiệm của người lao động, giải quyết tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể và đình công.

- Phát triển, ứng dụng mạnh mẽ mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, thông tin, tư vấn, hỗ trợ công nhân. Nghiên cứu, đề xuất các hình thức mới nhằm nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ pháp luật cho công nhân, người lao động.

- Sâu sát, nắm bắt nhanh chóng, kịp thời tình hình tư tưởng, nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, người lao động, nhất là công nhân lao động ở những doanh nghiệp đông công nhân lao động, có quan hệ lao động phức tạp, có các lực lượng bên ngoài tác động.

1.2.3. Đẩy mạnh công tác tư vấn pháp luật

- Triển khai có hiệu quả và đồng bộ Đề án kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của trung tâm, văn phòng tư vấn pháp luật và thành lập Trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động; Đề án Tư vấn pháp luật trực tuyến cho đoàn viên và người lao động; Đề án xây dựng đội ngũ luật sư công đoàn.

- Nâng cao chất lượng công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của công đoàn cho người lao động. Phát triển các hình thức tư vấn pháp luật, trong đó chú trọng hình thức tư vấn pháp luật lưu động, tư vấn pháp luật tại nơi ở, nơi làm việc của đoàn viên, người lao động; triển khai rộng rãi Phần mềm tư vấn pháp luật trực tuyến của Tổng Liên đoàn tới đông đảo đoàn viên, người lao động.

1.2.4. Tổ chức có hiệu quả hoạt động đối thoại, thương lượng, xây dựng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể

- Tổ chức triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực đối thoại và thương lượng tập thể, giai đoạn 2019 - 2023.

- Tăng cường tổ chức đối thoại cấp tỉnh, cấp khu công nghiệp giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn và người sử dụng lao động. Phấn đấu mỗi năm tổ chức được ít nhất một cuộc đối thoại với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và ban ngành liên quan.

- Tiếp tục thúc đẩy đối thoại, thương lượng tập thể cấp ngành thông qua tăng số lượng doanh nghiệp tham gia vào các thỏa ước lao động tập thể ngành đã ký kết, ký kết mới một số thỏa ước lao động tập thể ngành sử dụng đông lao động, quan hệ lao động phức tạp.

- Triển khai thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp trong toàn hệ thống.

- Nâng cao số lượng, chất lượng đối thoại và thương lượng tập thể tại doanh nghiệp. Có cơ chế hỗ trợ tài chính đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc hỗ trợ công đoàn cơ sở ký kết được thỏa ước lao động tập thể.

1.2.5. Tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ công đoàn kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể và đình công

- Tổng Liên đoàn tổ chức tập huấn cho các đối tượng là cán bộ công đoàn cấp tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất, Khu Kinh tế; Công đoàn quận, huyện, thị xã đông công nhân lao động.

- Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn cho các đối tượng là cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể, đình công; quan tâm cập nhật tình hình mới, các kinh nghiệm cụ thể.

1.2.6. Xây dựng đội ngũ công nhân nòng cốt và thiết lập Đường dây nóng

- Xây dựng đội ngũ công nhân nòng cốt: Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm xây dựng đội ngũ công nhân nòng cốt (lựa chọn doanh nghiệp, địa bàn, xây dựng tiêu chuẩn - tiêu chí để lựa chọn, rà soát chính trị nội bộ; thành lập mạng lưới, phân công nhiệm vụ; hình thành mạng xã hội công nhân nòng cốt, cách thức thu thập thông tin, thực hiện chế độ báo cáo; hỗ trợ kinh phí, chế độ trách nhiệm...).

- Thiếp lập Đường dây nóng: Thiết lập Đường dây nóng thông tin giữa Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố với Tổng Liên đoàn. Khi xảy ra ngừng việc tập thể, đình công, các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố phải thông báo ngay và thường xuyên tình hình cho Tổng Liên đoàn bằng điện thoại hoặc văn bản về quy mô, diễn biến, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp; cách thức, kết quả giải quyết của các cơ quan có chức năng, vai trò tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể tập thể của công đoàn.

1.2.7. Xây dựng hồ sơ quan hệ lao động của các doanh nghiệp tại các địa phương thường xuyên xảy ra tranh chấp lao động tập thể tập thể và đình công

- Tổng Liên đoàn hướng dẫn các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương xây dựng hồ sơ quan hệ lao động của các doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể và đình công; tổng hợp tình hình chung và chỉ đạo giải quyết khi có tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công xảy ra tại doanh nghiệp.

- Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương thu thập thông tin, xây dựng, cập nhật hồ sơ quan hệ lao động của các doanh nghiệp và báo cáo về Tổng Liên đoàn qua Ban Quan hệ Lao động; thường xuyên theo dõi, nắm tình hình và tổ chức đối thoại, thương lượng khi có bất ổn về quan hệ lao động.

2. Nhóm giải pháp tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công

2.1 Nhiệm vụ

Tham gia giải quyết hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công thông qua phát huy vai trò của các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cấp trên cơ sở; đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động cũng như sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp; đảm bảo mục tiêu ổn định chính trị - xã hội nói chung.

2.2. Giải pháp

2.2.1. Nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, yêu sách của người lao động

- Tổ chức công đoàn phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời, chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của người lao động nhằm xác định nguyên nhân ngừng việc tập thể, đình công để kịp thời giải quyết.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, sở, ban, ngành trong việc phân định nguyên nhân tranh chấp về quyền, về lợi ích để có hướng dẫn cụ thể cho người lao động, người sử dụng lao động giải quyết.

- Vận động người lao động quay trở lại làm việc nhằm ổn định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

2.2.2. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp công đoàn với các cơ quan chức năng trong công tác giải quyết tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công tự phát.

- Sau khi đã tìm hiểu nguyên nhân phát sinh, mong muốn của người lao động, các cấp công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng gặp gỡ, thông báo với người sử dụng lao động; phân tích nguyên nhân, đối chiếu với các quy định của pháp luật, xác định những vấn đề có liên quan đến quan hệ lao động hoặc không liên quan đến quan hệ lao động để đề ra biện pháp giải quyết.

- Các cấp công đoàn phải khẩn trương báo cáo cấp ủy, thông tin tới chính quyền đồng cấp, cơ quan an ninh (nếu thấy cần thiết) phân công cán bộ trực và bám sát địa bàn, đảm bảo an ninh, chính trị trên địa bàn.

- Nếu phát hiện thấy có hành vi vi phạm pháp luật lao động nghiêm trọng, chủ động đề xuất với đoàn công tác lập biên bản, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét quyết định xử phạt, áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp.

- Trên cơ sở kết quả làm việc giữa công đoàn và các cơ quan chức năng với người sử dụng lao động, công đoàn chủ động hướng dẫn người sử dụng lao động công bố kết quả giải quyết trực tiếp tới toàn thể người lao động. Kết quả giải quyết phải đảm bảo người lao động không bị trù dập, phân biệt đối xử, có sự cam kết của người sử dụng lao động, các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động (Thông báo kết quả giải quyết có thể gửi tin nhắn tuyên truyền, in các bản thông báo phát rộng rãi, dán ở cổng doanh nghiệp; đưa lên mạng xã hội, facebook nhóm kín, nhóm mở).

- Kết quả giải quyết của đoàn liên ngành được gửi tới các cơ quan đảng, chính quyền, công đoàn các cấp và các cơ quan báo chí.

- Sau khi giải quyết xong các cuộc ngừng việc tập thể, đình công, công đoàn chủ động đề xuất tổ chức họp liên ngành để thông tin tình hình và rút ra các bài học kinh nghiệm.

2.2.3. Hướng dẫn, hỗ trợ, tham gia đối thoại, hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo đúng quy định của pháp luật

- Khi tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công đang diễn phức tạp, công đoàn có thể chủ động đề xuất với đoàn liên ngành đề nghị người sử dụng lao động tổ chức đối thoại và thông báo tới người lao động về việc tổ chức đối thoại công khai để giải quyết vướng mắc.

- Việc tổ chức các cuộc đối thoại, hòa giải tranh chấp lao động tập thể tập thể trên nguyên tắc các bên tự thương lượng, hòa giải; đoàn công tác liên ngành hướng dẫn và yêu cầu các bên tranh chấp thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật lao động; các phương án giải quyết phải đảm bảo giúp các bên thương lượng, thỏa thuận nhanh chóng ổn định kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động.

2.2.4. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, sức khỏe của người lao động

- Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đề xuất với cơ quan Công an có biện pháp xử lý nghiêm, khoanh vùng các đối tượng, phần tử xấu lợi dụng kích động, lôi kéo, đe dọa người lao động buộc người lao động tham gia ngừng việc tập thể hoặc ngăn cản người lao động quay trở lại doanh nghiệp làm việc.

- Phối hợp, tạo điều kiện cho lực lượng Công an trong quá trình điều tra đối với những vi phạm có liên quan đến người lao động trên lĩnh vực an ninh trật tự.

- Trao đổi thông tin và hỗ trợ lực lượng Công an tiến hành kế hoạch đấu tranh với các thế lực thù địch, cá nhân, tổ chức phản động lợi dụng vấn đề lao động, công đoàn để chống phá Đảng và Nhà nước.

2.2.5. Tiến hành khởi kiện tranh chấp lao động tập thể tập thể theo quy định của pháp luật

- Tổng Liên đoàn hướng dẫn, hỗ trợ các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn tiến hành khởi kiện tranh chấp lao động tập thể tập thể.

- Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã chuẩn bị tài liệu, hồ sơ khởi kiện tranh chấp lao động tập thể khi được ủy quyền.

- Đối với các cuộc tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể và đình công do chủ doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp phá sản, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn khẩn trương báo cáo với các cấp ủy Đảng, cơ quan có thẩm quyền và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nắm chắc tình hình của người lao động, của doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp đảm bảo giải quyết quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, đặc biệt là quyền lợi của lao động nữ, lao động nữ có thai, nuôi con nhỏ, tiến hành các thủ tục khởi kiện doanh nghiệp ra Tòa án theo quy định của pháp luật.

2.2.6. Thí điểm mô hình công đoàn cấp trên cơ sở tham gia đối thoại, thương lượng giải quyết tranh chấp lao động tập thể trong các doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở, doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở nhưng vi phạm pháp luật lao động, pháp luật công đoàn, vi phạm thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp, đã từng xảy ra ngừng việc tập thể, đình công tự phát hoặc do người lao động tại doanh nghiệp yêu cầu (Xây dựng kế hoạch riêng)

- Đơn vị lựa chọn thí điểm: Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương.

- Nội dung thí điểm: Thực hiện đối thoại, thương lượng giải quyết tranh chấp lao động tập thể.

- Thời gian thí điểm: Năm 2020

2.2.7. Triển khai công đoàn tổ chức và lãnh đạo đình công đúng pháp luật (Xây dựng kế hoạch riêng)

- Đơn vị lựa chọn: Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương.

- Nội dung: Thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tổ chức và lãnh đạo đình công của tổ chức công đoàn, chọn đơn vị chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm đề xuất hoàn thiện pháp luật.

- Thời gian thí điểm: Năm 2020

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

- Thường trực Đoàn Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc, các ban, đơn vị của Tổng Liên đoàn trong quá trình thực hiện; phối hợp với các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác giải quyết ngừng việc tập thể và đình công.

- Ban Quan hệ Lao động là đơn vị thường trực, tham mưu triển khai, theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch với Thường trực Đoàn Chủ tịch; tổ chức tập huấn, đào tạo; tham mưu xây dựng các kế hoạch cụ thể thực hiện các nhóm giải pháp đạt hiệu quả, mục tiêu, chỉ tiêu trong hệ thống công đoàn.

- Ban Quan hệ Lao động phối hợp với Ban Tổ chức trong việc tham mưu chuẩn bị đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết ngừng việc tập thể, đình công, đội ngũ công nhân nòng cốt.

- Ban Tuyên giáo phối hợp với Ban Quan hệ Lao động tham mưu triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

- Ban Tài chính phối hợp Ban Quan hệ Lao động, Văn phòng các ban liên quan Tổng Liên đoàn và Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty để đảm bảo kinh phí triển khai các hoạt động theo Kế hoạch.

2. Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc TLĐ

- Xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức tập huấn, triển khai các hoạt động theo nội dung của Kế hoạch.

- Bố trí nguồn lực cần thiết để đảm bảo tổ chức thực hiện hiệu quả, đạt mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch đề ra.

- Định kỳ báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng, 1 năm về Tổng Liên đoàn (qua Ban Quan hệ Lao động).

3. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở

- Căn cứ Kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện tại cấp mình.

- Chủ động theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ và đồng hành cùng công đoàn cơ sở trong việc thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

 


Nơi nhận:
- Ban Dân vận TW;
- Bộ Công an;
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;
- LĐLĐ các tỉnh, TP, CĐ ngành TW, CĐ Tcty trực thuộc TLĐ;
- Các ban, đơn vị trực thuộc TLĐ;
- Lưu Văn thư TLĐ, Ban QHLĐ.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngọ Duy Hiểu