ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 61/KH-UBND | Nam Định, ngày 13 tháng 07 năm 2015 |
QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ TỈNH NAM ĐỊNH NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
Thực hiện Công văn số 192/BQLDA-KH ngày 23/4/2015 của Ban quản lý Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện – Bộ Y tế về việc xây dựng nhu cầu đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:
1. Mục tiêu cho các chủ nguồn thải
- 100% các chủ nguồn thải phải có hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ an toàn; tất cả nhân viên được tập huấn phù hợp và có đủ phương tiện bảo hộ lao động.
- 100% chủ nguồn thải chính phải có cơ cấu tổ chức, cán bộ chuyên trách được đào tạo, có sổ tay quản lý và có chương trình theo dõi giám sát.
2. Mục tiêu cho các chủ xử lý
Chủ xử lý tiêu hủy chất thải y tế phải đáp ứng được các điều kiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Các chủ xử lý chất thải rắn y tế nguy hại và nước thải phải có hệ thống xử lý với công suất phù hợp và công nghệ xử lý thân thiện với môi trường; có nhân viên vận hành và bảo dưỡng hệ thống đã được đào tạo.
3. Mục tiêu đối với cơ sở vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại
Các chủ vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại phải có xe vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại chuyên dụng, xe phải đạt tiêu chuẩn và được cấp giấy phép đăng ký vận chuyển chất thải nguy hại; có hệ thống, thiết bị, biện pháp kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường tại cơ sở.
1. Quản lý chất thải rắn y tế nguy hại
a. Phương tiện để phân loại, thu gom, vận chuyển và lưu giữ Phương tiện để phân loại, thu gom, vận chuyển và lưu giữ của từng cơ sở y tế tùy thuộc theo nhu cầu thực tế của từng đơn vị.
b. Phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại bên ngoài bệnh viện Thu gom chất thải rắn y tế nguy hại được tiến hành thu gom theo tuyến đường hoặc phân chia theo cụm căn cứ vào khoảng cách địa lý giữa các cơ sở y tế một cách hợp lý nhất. Tải trọng phương tiện vận chuyển có thể thu gom được toàn bộ lượng chất thải rắn y tế nguy hại cần thu gom đã được phân chia theo tuyến đường hoặc theo cụm thu gom.
c. Cơ sở xử lý chất thải rắn y tế nguy hại
* Địa điểm xử lý
- Xử lý theo cụm cơ sở y tế
+ Cơ sở xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo cụm 1 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định;
+ Cơ sở xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo cụm 2 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Xuân Trường;
+ Cơ sở xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo cụm 3 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu;
+ Đối với cơ sở xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo cụm 4: Bệnh viện đa khoa huyện Ý Yên không có quỹ đất phù hợp với tình hình thực tế dự án, sẽ tổ chức nâng cấp, duy tu bảo trì, bảo dưỡng lò đốt hiện có để thực hiện xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho các đơn vị y tế trên địa bàn huyện Ý Yên.
- Xử lý tại chỗ: Các cơ sở y tế khác, do không có điều kiện vận chuyển tới khu vực xử lý tập trung sẽ xử lý tại chỗ bằng lò đốt rác hoặc các phương pháp đảm bảo vệ sinh môi trường khác.
* Phương pháp xử lý
- Chất thải rắn thông thường: Được Công ty môi trường đô thị của tỉnh, huyện thu gom, vận chuyển từ các cơ sở y tế đến bãi xử lý rác thải tập trung của địa phương để xử lý.
- Chất thải rắn nguy hại
+ Chất thải lây nhiễm
Đối với các cơ sở y tế xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo cụm: Chất thải rắn y tế sẽ được xử lý tập trung theo các công nghệ tiên tiến không đốt.
Đối với các cơ sở y tế xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại chỗ: Chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom và xử lý ngay tại cơ sở mình. Các cơ sở đã có lò đốt rác tiếp tục sử dụng nhưng chú trọng đến nâng cấp và kiểm soát lượng khí thải phát sinh trong quá trình xử lý.
Các cơ sở chưa có hệ thống xử lý, hiện tại đang xử lý chất thải rắn y tế nguy hại bằng phương pháp đốt thủ công, chôn lấp không hợp vệ sinh sẽ được được áp dụng mô hình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo cụm cơ sở y tế để đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như sức khỏe cho người dân khu vực lân cận.
Chất thải nguy hại còn lại sẽ áp dụng các biện pháp xử lý như: Trơ hóa, đóng rắn, chôn lấp trong các hố chôn xi măng, trả nhà cung cấp hoặc vận chuyển tới bãi chôn lấp đặc biệt dành cho chất thải nguy hại...
Bùn của hệ thống xử lý nước thải được xem là chất thải nguy hại sẽ được nạo vét định kỳ và tiêu hủy bởi Công ty dịch vụ môi trường có giấy phép và đủ phương tiện chuyên dụng để xử lý.
+ Chất thải tái chế
Sẽ được bán cho cơ sở tái chế có giấy phép hành nghề. Để đảm bảo an toàn, bệnh viện phải ký hợp đồng với các công ty có đầy đủ giấy phép hành nghề quản lý chất thải và thiết lập hệ thống hồ sơ chất thải để theo dõi chất thải từ lúc phát sinh tới khi tiêu hủy cuối cùng.
d. Công trình tiêu hủy sau cùng
Chất thải rắn sinh hoạt được công ty môi trường đô thị vận chuyển đem đi chôn lấp tại bãi xử lý tập trung của tỉnh, huyện.
Chất thải rắn y tế nguy hại sau khi được xử lý bằng công nghệ không đốt sẽ trở thành chất thải rắn thông thường, được chôn lấp như chất thải sinh hoạt.
Đối với chất thải rắn y tế nguy hại sắc nhọn: Xây dựng bể bê tông cô lập chất thải sắc nhọn.
Đối với tro lò đốt chất thải y tế: Xây dựng bể bê tông cô lập tro lò đốt.
2. Thu gom và xử lý nước thải
Tiến hành tách riêng biệt triệt để hệ thống thu gom nước mưa và hệ thống thu gom nước thải đối với các đơn vị chưa tách riêng hai hệ thống thu gom. Những đơn vị đã có 2 hệ thống thu gom tách biệt cần kiểm tra tình trạng hoạt động, tu bổ nâng cấp các đoạn cống và hố ga bị hư hỏng để quá trình thu gom đạt hiệu quả cao nhất.
a. Các công trình xử lý nước thải bệnh viện
- Xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải y tế tại Bệnh viện Nhi tỉnh Nam Định với công suất xử lý 200 m3/ngày đêm.
- Đối với các bệnh viện đã có công trình xử lý nước thải tiếp tục thực hiện xử lý đảm bảo các yêu cầu về môi trường.
b. Các công trình xử lý nước thải cho các cơ sở y tế khác
Các cơ sở y tế khác ngoài các bệnh viện đa khoa và các trung tâm y tế chuyên môn là các trạm y tế xã, phường. Do quy mô khám chữa bệnh ở những đơn vị này rất nhỏ nên đặc trưng ở những nguồn thải này là lưu lượng phát thải, thành phần các chất ô nhiễm trong nước thải thấp. Áp dụng phương án xử lý nước thải bậc 1 phân tán kết hợp với xử lý sinh học tập trung trong điều kiện tự nhiên. Nước thải y tế được xử lý sơ bộ trong bể tự hoại, bể lắng và sau đó được xử lý trong hồ sinh học hay bãi lọc ngập nước.
3. Nâng cao năng lực thể chế cho quản lý chất thải y tế bao gồm đào tạo và truyền thông nâng cao nhận thức
3.1. Nâng cao năng lực quản lý, đào tạo và truyền thông nâng cao nhận thức trong các cơ sở y tế
a. Đối với các bệnh viện
- Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng sổ tay quản lý chất thải bệnh viện.
- Đào tạo về quản lý chất thải
Đào tạo nâng cao về quản lý chất thải y tế cho đối tượng là cán bộ chủ chốt của Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện: gồm chủ tịch Hội đồng, Trưởng khoa KSNN, trưởng phòng hành chính quản trị hoặc trưởng phòng điều dưỡng.
Đào tạo về vận hành và bảo dưỡng công nghệ xử lý chất thải cho cán bộ phụ trách quản lý vận hành và bảo dưỡng hệ thống thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy chất thải rắn; cán bộ phụ trách quản lý vận hành và bảo dưỡng hệ thống thu gom và xử lý nước thải bệnh viện.
- Đào tạo cơ bản cho nhân viên bệnh viện gồm 04 nhóm đối tượng:
(i) bác sĩ; (ii) điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên; (iii) hộ lý và nhân viên vệ sinh; (iv) cán bộ quản lý thuộc Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn (tổng số lớp đào tạo: 205 lớp).
- Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức
Phương tiện truyền thông được thể hiện dưới các hình thức áp phích, tờ rơi, hình ảnh phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau; sử dụng tờ rơi, tranh ảnh, pano áp phích... để tuyên truyền cho bệnh nhân và cộng đồng.
- Chương trình theo dõi, giám sát
Hỗ trợ chương trình theo dõi giám sát bảo đảm tuân thủ quy trình liên quan đến chất thải y tế và quan trắc chất lượng môi trường bệnh viện.
b. Đối với các cơ sở y tế khác
Đào tạo tập trung theo hình thức tập trung với nội dung các quy định về quản lý chất thải y tế cho đối tượng là cán bộ tham gia quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế khác.
3.2. Theo dõi và giám sát thực thi
a. Giám sát tuân thủ quy trình
Bệnh viện sử dụng công cụ để giám sát các quy trình chuẩn đã lập ra được tuân thủ (theo mô tả trong sổ tay quản lý bệnh viện) với tần suất giám sát: 1 quý/lần x 4 quý/năm.
b. Giám sát chất thải
Chất lượng nước thải bệnh viện: 1 lần/quý x 4 quý/năm.
Chất lượng khí thải: 1 lần/quý x 4 quý/năm.
Hiệu lực bất hoại vi sinh vật: 1 lần/quý x 4 quý/năm.
c. Giám sát môi trường xung quanh
Môi trường xung quanh: 6 tháng/ lần x 2 lần/năm.
Môi trường không khí xung quanh: 6 tháng/ lần x 2 lần/năm.
Vi sinh vật trong bệnh viện: 6 tháng/ lần x 2 lần/năm.
4. Giải pháp tài chính
4.1. Nguồn vốn
Ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, kêu gọi các nguồn tài trợ và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
4.2. Dự kiến các hạng mục đầu tư
a. Đối với nguồn vốn từ Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện, vay vốn Ngân hàng Thế giới
+ Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải nguy hại, hậu cần nội bộ và nâng cao năng lực quản lý cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định;
+ Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải nguy hại, hậu cần nội bộ và nâng cao năng lực quản lý cho Bệnh viện Đa khoa huyện Xuân Trường;
+ Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải nguy hại, hậu cần nội bộ và nâng cao năng lực quản lý cho Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu;
+ Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế hậu cần nội bộ và nâng cao năng lực quản lý cho Bệnh viện Nhi tỉnh Nam Định, công suất 200 m3/ngày đêm.
b. Đối với ngân sách địa phương
- Đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế, hậu cần nội bộ và nâng cao năng lực quản lý cho các đơn vị chưa có hệ thống xử lý và không nằm trong diện hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện.
- Bố trí vốn đối ứng cho các hạng mục công trình 03 cụm xử lý chất thải rắn y tế nguy hại và hệ thống xử lý nước thải y tế Bệnh viện Nhi theo quy định.
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch sau khi được UBND tỉnh và Bộ Y tế phê duyệt nội dung và kinh phí; bảo đảm thực hiện Kế hoạch theo đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, có hiệu quả và đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
- Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đánh giá hoạt động quản lý và xử lý chất thải y tế trong toàn tỉnh.
- Định kỳ hàng năm tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch quản lý và xử lý chất thải y tế trong toàn ngành.
- Chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc xây dựng Kế hoạch quản lý chất thải y tế của đơn vị; cân đối, bố trí đảm bảo kinh phí, nhân lực để thực hiện quản lý chất thải y tế từ khi phát sinh tới khâu tiêu hủy cuối cùng theo Quy chế quản lý chất thải y tế và các quy định về phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện do Bộ Y tế ban hành.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Thẩm định, phê duyệt và xác nhận hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường: cấp mới, cấp lại và thu hồi số chủ nguồn thải chất thải nguy hại; cấp mới, cấp gia hạn, cấp điều chỉnh giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại, cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước...
- Tổ chức hướng dẫn, phối hợp kiểm tra, tranh tra về công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải của các cơ sở y tế.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đối ứng cho các công trình, dự án quản lý chất thải y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Sở Tài chính
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn vốn đối ứng cho các công trình, dự án quản lý chất thải y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt đơn giá tiêu hủy chất thải rắn y tế nguy hại bằng công nghệ không đốt tại các cụm xử lý của ngành y tế.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan lựa chọn, thẩm định về công nghệ xử lý chất thải, về chất lượng thiết bị xử lý chất thải.
6. Công an tỉnh
Thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, hoạt động quản lý chất thải trong các cơ sở y tế, phát hiện các sai phạm và xử phạt các vi phạm hành chính hoặc điều tra khởi tố nếu có dấu hiệu tội phạm về môi trường.
7. UBND các huyện, thành phố
Đề xuất đưa chi tiêu quản lý và xử lý chất thải y tế vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý và xử lý chất thải y tế trên địa bàn.
Trong quá trình triển khai thường xuyên báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Y tế để tổng hợp)./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Kế hoạch 56/KH-UBND năm 2017 truyền thông về quản lý chất thải y tế tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2021
- 2 Quyết định 1433/QĐ-UBND năm 2016 về Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 3 Quyết định 1220/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch Quản lý chất thải y tế tỉnh Bình Phước giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025
- 4 Quyết định 2399/QĐ-UBND.ĐTXD năm 2015 phê duyệt Kế hoạch quản lý chất thải y tế tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2015 - 2020
- 5 Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2014 tăng cường quản lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 6 Luật bảo vệ môi trường 2014
- 1 Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2014 tăng cường quản lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 2 Quyết định 2399/QĐ-UBND.ĐTXD năm 2015 phê duyệt Kế hoạch quản lý chất thải y tế tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2015 - 2020
- 3 Quyết định 1220/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch Quản lý chất thải y tế tỉnh Bình Phước giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025
- 4 Quyết định 1433/QĐ-UBND năm 2016 về Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 5 Kế hoạch 56/KH-UBND năm 2017 truyền thông về quản lý chất thải y tế tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2021